Cát-xê 600 triệu đồng và ‘làng công chức’
Các vị quan chức quản lý, có trách nhiệm với nước Việt không thể không biết gì về “làng công chức” trong lĩnh vực mình phụ trách. Nếu không, rất có thể, lại chuốc lấy những “thị phi” của xã hội, bởi cái bẫy… quan liêu luôn nhẹ nhàng giăng ra. Một khi xa rời đời sống!
Có một câu chuyện cho đến tuần này, vẫn được báo chí tiếp tục bàn luận, và cũng rất ám ảnh người viết. Bởi nó xoay quanh một cô bé “ca sĩ nhí” Phương Mỹ Chi- mới 10 tuổi, cái tuổi còn chơi búp bê và làm nũng mẹ, vừa đoạt giải Á quân Giọng hát Việt nhí 2013. Xoay quanh giữa tài năng của cô bé, với tham vọng “mơ hồ” cùng sự mù mờ hạn chế hiểu biết của người lớn, xoay quanh giữa cái ngây thơ non nớt của tài năng nhí với sự hấp dẫn của làng showbiz Việt vốn lắm thị phi và cạm bẫy.
Cần câu hay xâu cá?
Điều mừng nhất cho em, là sau khi đoạt giải, em may mắn nhận được học bổng hơn một tỷ đồng, được tài trợ toàn bộ học phí và các chi phí mua sách vở, giáo trình từ lớp 05 đến lớp 12 tại Trường tiểu học Quốc tế Tây Úc. Một món quà “trời cho”… của tấm lòng người hâm mộ với hoàn cảnh gia đình cô bé không lấy gì khá giả.
Nhưng sau nỗi mừng vui, là nỗi lo cho số phận một cô ca sĩ nhí, đang đứng trước bao ngả đường, mà chưa rõ, đâu sẽ là ngả đường dẫn em tới thành công trong cuộc đời? Bởi những chào mời hấp dẫn của chữ kim tiền, có vẻ như đã làm cho người thân ruột thịt của em vừa thích, vừa sợ, vừa mừng rỡ, vừa lúng túng. Đó là chuyện gia đình Phương Mỹ Chi xác nhận với báo chí, đã “hét giá” 600 triệu đồng cho 10 ca khúc chưa được thu âm, với các công ty khai thác nhạc chuông nhạc chờ.
Có điều, cái giá 600 triệu đồng đó, không ngọt ngào với những người dân nghèo, chân chất như gia đình cô bé, hay với cô Út- người thầy đầu tiên trong gia đình- đã dạy cho Phương Mỹ Chi những khúc dân ca ngọt ngào, lay động con tim khán giả. Khi cô Út khóc- mà người viết tin rằng- đó là những giọt nước mắt thật thà, trước những điều tiếng không hay xung quanh giá cát-xê. Rằng, họ nói sao thì tôi biết như vậy chứ cũng không biết rõ ràng là nhiều hay ít quá. Và trước những nghi ngờ cô bé bị mẹ đẩy đi chạy show.
Vị đắng đầu tiên của hai chữ- tài năng.
Cũng phải nói rằng, chưa bước chân vào làng showbiz Việt, thử thách đã đến với cô bé. Khi em phải nghỉ học 01 tháng, để dự cuộc thi, với lịch tập quay cuồng. Rồi ra Hà Nội biểu diễn, và sắp tới, đầu tháng 10 sẽ tham gia liveshow của ca sĩ Quang Lê tại TP.HCM. Sự quay cuồng của các buổi biểu diễn có làm cô bé chóng mặt? Câu trả lời ở thì… tương lai. Điều quan trọng hơn cả, liệu điều đó, có thách đố việc học của cô bé, nếu biết rằng, chương trình GD tiểu học hiện cũng chẳng nhẹ nhàng gì.
“Ca sĩ nhí” Phương Mỹ Chi
Người viết chú ý đến câu trả lời mang tính cảnh báo, ngay sau khi kết thúc cuộc thi của Giám đốc âm nhạc Phương Uyên: Trước mắt các em cứ phải học rồi khi nào có dịp vẫn được quyền hát. Còn bây giờ đưa các em vào chuyên nghiệp chính là hại các em!
Mới đây, Phương Mỹ Chi còn bất ngờ được đề cử Giải Mai Vàng 2013 do báo Người Lao động tổ chức. Vòng nguyệt quế có vẻ muốn đến quá sớm với một cô bé còn rất thơ dại.
Trong dân gian có câu tổng kết rất hay: Cho cần câu, không cho xâu cá.
Liệu gia đình Phương Mỹ Chi có thấu hiểu sâu sắc thành ngữ đó, để lựa chọn cho con mình chiếc cần câu đúng nghĩa cho cuộc đời em trước mắt và lâu dài? Hay những xâu cá lúc này vẫn có sức hấp dẫn ngọt ngào hơn, dù dự định của gia đình, sẽ cho cô bé đi học thanh nhạc bài bản. Liệu gia đình em có được sự chọn lựa đúng, hay chính họ cũng không từ chối được những xâu cá hứa hẹn?
Khi mà mơ ước của em là mong sẽ đi hát thật nhiều, kiếm thật nhiều tiền giúp ba chữa bệnh, để ba không phải lo toan gánh nặng cơm áo gạo tiền, và kế hoạch tương lai là kiếm tiền để xây nhà mới cho mẹ, nó vẫn… gần hơn rất nhiều con đường rèn tài vốn khổ công và dài dằng dặc?
Nghệ thuật biểu diễn âm nhạc nói chung, ca nhạc nói riêng luôn đòi hỏi sự rèn luyện khổ công và có đầu tư bài bản, lẫn phương pháp sư phạm đúng. Nghệ sĩ biểu diễn tài danh piano Đặng Thái Sơn, hẳn sẽ khó vươn tới đỉnh cao nếu không có một người mẹ- bà Thái Thị Liên, một trong những nữ danh cầm đầu tiên của VN, đồng thời còn là một nhà sư phạm khắt khe khó tính, đã dẫn dắt con mình thành công trên con đường chông gai để có thể thành tài.
Nhưng nếu nhìn ra xung quanh, trong xã hội, những số phận ca sĩ nhí sớm nổi tiếng, và thành công xem ra không nhiều.
Như một Xuân Mai- “Con cò bé bé” từng làm nghiêng ngả các khán giả nhí, các khán giả người lớn lúc em mới hơn 02 tuổi, một hiện tượng âm nhạc đặc biệt. Rồi một Xuân Nghi nổi tiếng khi đi hát từ lúc 05 tuổi. Một Phương Trinh xinh đẹp và tài năng của màn ảnh nhỏ “Kính vạn hoa”… Năm qua đi, tháng qua đi. Cái gì còn lại với Xuân Mai, Xuân nghi, với Phương Trinh? Tuổi thơ thì đã mất từ lúc các em mới tỏa sáng, giờ, giọng hát Xuân Mai, Xuân Nghi đều không vượt được cái bóng của mình lúc mới 02 tuổi, 05 tuổi.
Video đang HOT
Còn Phương Trinh, với cái tên gọi khá “tây” là Angela PhươngTrinh thì hiện “nổi tiếng bởi… tai tiếng”, khi dấn thân vào làng showbiz Việt, với rất nhiều scandal. Thậm chí cách đây ít lâu, cô rất sốc và cũng “bẽ bàng” khi bị Cục Nghệ thuật biểu diễn ra văn bản tạm thời cấm biểu diễn trên phạm vi toàn quốc, do “Sử dụng trang phục không phù hợp với thuần phong mỹ tục văn hóa Việt Nam”.
Nhìn ra thế giới, người ta chưa quên cậu bé Macaulay Culkin (Mỹ) ngôi sao nhí nổi tiếng và đầy triển vọng, xuất hiện và “phát sáng” khi mới 08 tuổi, với bộ phim Ở nhà một mình. Nhưng thành công quá sớm và quá lớn, cùng tham vọng không đáy về tiền bạc của người cha Macaulay Culkin, đã quật ngã cậu. Mất cả tuổi thơ, và ở tuổi lẽ ra “công thành danh toại” thì Macaulay Culkin lại “công thành danh hoại” vào vào sự chơi bời trác táng vì bế tắc và cô đơn.
Từ nổi tiếng đến thành danh, với những giá trị đích thực, là một con đường dài và gian khó bởi lao động nghệ thuật đích thực không chấp nhận lối ăn sổi ở thì? Ở đó không chỉ tài năng, mà còn cần cả bản lĩnh được mài giũa trên nền tảng một phông văn hóa, và tri thức âm nhạc vững chắc. Đó cũng là những thang bậc giá trị chuẩn mực và đúng nghĩa
Chọn cần câu, hay chọn xâu cá? Câu hỏi này đang đặt ra cho gia đình cô bé Phương Mỹ Chi. Câu trả lời của họ đúng hay không, còn ở phía trước.
Bởi con đường showbiz Việt luôn hấp dẫn mà mong manh. Ngọt ngào đấy, mà cũng cay đắng đấy. Vinh quang đấy, mà cũng tủi hổ đấy. Kỳ vọng đấy, mà cũng thất vọng đấy.
“Cú dạy bảo” nghiệt ngã và sự… quan liêu
Ngẫu nhiên, trong tuần, còn có một sân chơi khác gây ồn ào không kém. Khác chăng, đây là sân chơi người lớn. Và nhân vật trung tâm là một vị quan chức- ông Nguyễn Đức Sơn – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội.
Sân chơi của vị này là sân golf Tam Đảo. Chỉ vì một câu nói không đúng chỗ, nhân viên caddie số 054 (nhân viên phục vụ cho khách chơi golf), đã bị ông Nguyễn Đức Sơn dùng gậy “putt” đánh vào đầu, khiến người này bị ngất tại chỗ, phải đi cấp cứu, điều trị vết thương.
“Giải thưởng” ngay lập tức được trao cho ông Sơn, vị khách có hành vi “dạy bảo” nóng nảy, thô bạo và thiếu văn hóa: Ban điều hành sân golf Tam Đảo đã truất quyền chơi golf tại đây của ông Sơn với thời hạn 01 năm. Nhưng hệ lụy của nó hóa ra rầy rà hơn ông Sơn tưởng.
Đương nhiên, Thành ủy Hà Nội phải vào cuộc, nhất là sau vụ việc vỡ lở lương khủngcủa các sếp các công ty công ích tại t/p HCM. Bởi dư luận xã hội đặt câu hỏi về mức lương của ông Nguyễn Đức Sơn như thế nào, mà ông có thể theo được bộ môn thể hiện “đẳng cấp quý tộc” này. Không biết, rồi đây… ai “dạy bảo” ai?
Vụ việc của ông Nguyễn Đức Sơn chưa có hồi kết, dư luận xã hội lại ồn ào vì phát biểu của vị Bộ trưởng Nội vụ về… “làng công chức” Việt.
Tại cuộc thảo luận kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngày 20/9, Bộ trưởng Nội vụ cho biết: Chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ (?) (TS, ngày 20/09)
Không chỉ có ý kiến của các thành viên UB Thường vụ QH đều rất hoài nghi về chất lượng đội ngũ này được đưa ra tại cuộc họp, mà ngay lập tức, ý kiến của hàng nghìn bạn đọc gửi về tòa soạn không đồng tình với nhận định quá lạc quan đó. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ trưởng đừng nghe báo cáo của các địa phương nữa, mà hãy vi hành xuống cơ sở.
Dư luận xã hội còn chưa quên, trước đó, tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức (ngày 25/01), Phó TT Nguyễn Xuân Phúc đã phải thẳng thắn: Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Sân golf Tam Đảo
Vậy giữa hai thông tin, nhận định, đánh giá, thông tin nào chính xác? Trong bối cảnh tâm lý bệnh thành tích quá nặng, bệnh “ngồi phòng máy lạnh, làm chính sách trên trời” còn đang diễn biến, dư luận xã hội sẽ tin vào nhận định nào?
Và dư luận xã hội cũng chưa quên, ngay sau đó, tháng 03/2013, ông Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình, vào giờ làm việc, đã làm một cuộc vi hành- kiểm tra đột xuất tại 07 quán cafe ở t/p Đồng Hới. Chỉ trong vòng 01 giờ đồng hồ, ông đã phát hiện khoảng 15 cán bộ, công chức các sở đang nhâm nhi café.
Cuộc vi hành … hiếm hoi của một quan chức Tỉnh ủy đã gây nên tiếng vang trong xã hội, nhưng nó cũng cho thấy sự “trầm lắng” đến trì trệ của thái độ, ý thức trách nhiệm làm việc tại công sở của không ít công chức. Có ai tính toán được những thiệt hại, những mất mát do sự “ăn cắp” hợp pháp của giới công chức trong cả nước?
Sự vi hành của một quan chức Tỉnh ủy không chỉ ý nghĩa cho thấy được thực trạng đội ngũ cán bộ với lề thói làm việc, mà còn là căn cứ để thay đổi cơ chế quản lý, cung cách quản lý đội ngũ này. Đó mới là điều cần hướng đến.
Bởi vậy, mà con số chỉ 1% không làm được việc, không khiến dư luận xã hội tâm phục, khẩu phục. Trả lời báo GDVN (ngày 23/9) về tỷ lệ 1% “hiếm mà không quý” này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ trên dưới 1% như Bộ Nội vụ công bố là chưa sát với thực tế.
Ở một góc độ khác về tuyển dụng và bổ nhiệm công chức, trước thực trạng mặc dù Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, nhưng trong một thời gian dài, ngành nội vụ vẫn áp dụng văn bản quy định về tiêu chuẩn các ngạch công chức hành chính đã ban hành từ năm 1993, theo đúng chuẩn của… 20 năm trước đây (Tuổi trẻ, 21/09), Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã phải đặt câu hỏi: Trách nhiệm thuộc về ai? Lấy năm 1993 để áp dụng cho năm 2010 đã kinh khủng lắm rồi. Đây là điều đáng buồn lắm các đồng chí ạ. Như vậy thì không thể nói chất lượng lên được”.
Hay tại cái “tiêu chuẩn các ngạch công chức 1993″, nó cũng… sáng cắp ô đi, tối cắp về, nên mới có giá trị dài lâu- đến hai thập kỷ?
Nếu cứ theo con số 1% Bộ Nội vụ đã công bố, thì tỷ lệ đó, hóa ra có lỗi quá lớn với bức tranh kinh tế nhiều gam xám 05 năm qua, mà Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban Kinh tế của QH tổ chức đánh giá mới đây (TS, ngày 23/09):
“Suy yếu”, “tụt hậu”, “khoảng cách ngày càng xa so với các nước” là những nhận định được các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh…. Nhiều mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 có khả năng không thực hiện được. Trong khi đó, tăng trưởng các nước ASEAN – 5 đều khởi sắc hơn kể từ cuối 2009, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Vậy thì tỷ lệ 1% có lỗi, hay là cả cách làm việc quan liêu, xa rời thực tế đời sống, xa rời nhân dân cũng có lỗi?
Trong quá khứ, Chủ tịch HCM khi còn sống là người luôn cảnh báo hệ lụy của thói quan liêu:
V.I.Lênin đã phân biệt hai kiểu quan liêu: Kiểu thứ nhất thể hiện trong tác phong hoạt động của cán bộ và các cơ quan quản lý. Kiểu thứ hai là ở trong sự quản lý tồi.
Chủ nghĩa quan liêu có nguồn gốc sâu xa từ lịch sử, từ tư tưởng, nhận thức, tổ chức và tác phong. Chủ nghĩa quan liêu tồn tại là vì còn cơ chế quan liêu và nhất là còn đội ngũ đông đảo cán bộ quan liêu. Cơ chế quan liêu là cái nôi làm nảy nở đội ngũ cán bộ quan liêu…(theo Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch HCM)
Liệu có mối liên quan gì giữa câu chuyện của gia đình cô bé ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi, đang đứng trước sức quyến rũ ma mị của làng showbiz với “làng công chức” Việt không?
Gia đình cô bé ca sĩ nhí có thể “quan liêu”, không hề biết tý gì về làng showbiz Việt với những cạm bẫy và thị phi. Nhưng các vị quan chức quản lý, có trách nhiệm với nước Việt không thể không biết gì về “làng công chức” trong lĩnh vực mình phụ trách. Nếu không, rất có thể, lại chuốc lấy những “thị phi” của xã hội, bởi cái bẫy… quan liêu luôn nhẹ nhàng giăng ra. Một khi xa rời đời sống!
Kỳ Duyên
Theo VNN
Lương 10 triệu vẫn có thể đi đánh golf?
"Nếu một tháng đi chơi golf 4 buổi, hết khoảng 16 triệu đồng, một năm gần 200 triệu đồng, chưa kể phí làm thẻ 30 triệu đồng mỗi năm".
Trao đổi với PV, nhân viên sân golf Tam Đảo (Vính Phúc) cho biết, nếu là người chơi lẻ, mỗi lần đi đánh golf người chơi phải trả phí sân 1.722.000 đồng/ngày thường và 2.667.000 đồng/ngày cuối tuần.
Ngoài ra, còn các phí khác như phí caddie (người phục vụ) hơn 500 nghìn đồng; phí xe di chuyển trong sân khoảng hơn 500 nghìn đồng; thuê gậy 504 nghìn đồng/bộ; thuê giày hơn 200 nghìn đồng...
Theo nhân viên kinh doanh sân golf Tam Đảo, nếu trở thành hội viên, người chơi phải bỏ tiền ra mua thẻ tối thiểu một năm 1.500 USD (hơn 30 triệu đồng). Khi có thẻ, mỗi lần đi đánh golf trả thêm 462.000 đồng phí sân. Riêng ngày cuối tuần 2.037.000 đồng. Đây là mức thẻ thấp nhất của sân golf Tam Đảo.
Ngoài ra, nếu làm thẻ dài hạn, phí ghi danh tối thiểu 25 năm gần 800 triệu đồng và mức 48 năm sẽ là khoảng 1,544 tỷ đồng. Hàng năm, mỗi hội viên phải nộp hơn 17 triệu đồng phí bảo dưỡng.
Chơi golf - vốn được coi là thú chơi xa xỉ với người Việt
Khác với sân golf Tam Đảo, chị Nguyễn Thị Minh, quản lý sân golf ở Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, sân golf nơi chị công tác chỉ dành riêng cho các thành viên. Nghĩa là muốn đến đây chơi golf, người chơi bắt buộc phải có thẻ hội viên.
Thời hạn thấp nhất 20 năm với giá 40.000 USD (hơn 800 triệu đồng); thời hạn cao nhất 50 năm, 72.000 USD (gần 1,5 tỷ đồng). Theo chị Minh, người chơi golf lâu dài, thực thụ thường làm thẻ thành viên để được hưởng ưu đãi và thuận tiện khi chơi. Ngay cả khi có thẻ hội viên, người đến chơi golf phải trả thêm các cho phí khác như phí phục vụ, xe di chuyển, thuê gậy...
Mỗi năm chơi golf hết 200 triệu đồng
Theo nhân viên tư vấn tại sân golf Tam Đảo, để có thể ra sân đánh golf, người chơi phải trải qua một khóa học lý thuyết và thực hành trên sân tập riêng.
Theo học một khóa học chơi golf ở sân Tam Đảo, người học nộp 8 triệu đồng cho 10 buổi học lý thuyết. Sau đó, các buổi học thực hành trên sân phải trả tiền sân riêng. Cả khóa học hết khoảng hơn 10 triệu đồng.
Người chơi cũng cần trang bị một bộ gậy, tùy vào mỗi người mà chọn gậy cho phù hợp, giá thị trường trung bình 40 triệu đồng/bộ. Ngoài ra, người chơi cũng cần trang bị quần áo, giày dép, bóng...
Golf - môn thể thao chỉ dành cho đại gia (Ảnh minh họa: Huệ Anh)
Anh Nguyễn Xuân Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) kể lại những ngày đầu tham gia đánh golf. Anh phải tham gia một khóa học, sau đó tập đánh trên sân thảm, rồi sân tập nhiều buổi mới được ra sân chính thức. Lý do, theo anh Dũng, những người mới tập chơi thường đánh kiểu "phá sân" nên chỉ khi tập thành thạo mới được ra sân đánh chính thức.
Ngoài số tiền hàng chục triệu học phí, anh Dũng còn mua một bộ gậy 50 triệu đồng và quần áo, bóng, giày... tất cả tốn hết gần 70 triệu đồng.
Theo anh Dũng, để chơi golf thuần túy, nếu là thành viên phải trả hơn 30 triệu đồng/năm tiền thẻ hội viên. Ngoài ra mỗi lần đi chơi hết tối thiểu 4 triệu đồng tiền phí sân, phí phục vụ, ăn uống, di chuyển...
"Nếu một tháng đi chơi 4 buổi, hết khoảng 16 triệu đồng, một năm gần 200 triệu đồng". Anh Dũng thừa nhận chỉ có những người "có tiền" mới có thể chơi golf.
Theo VNE
Tìm thấy du khách chết đuối tại Cô Tô Đi du lịch đảo Cô Tô (Quảng Ninh) trong những ngày mưa lớn, Nguyễn Đức Sơn (SN 1992, trú tại Hà Nội) đã bị sóng biển cuôn mất tích. Sáng sớm hôm nay, thi thể nạn nhân được tìm thấy. Được biêt nhóm của Sơn có 6 người (5 nam, 1 nữ) từ Hà Nội đi du lịch tới Cô Tô (Quảng Ninh)...