“Cát tặc” lộng hành với nhiều thủ đoạn tinh vi
Ngang nhiên hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, táo tợn, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng, nạn khai thác cát trái phép trên sông Lạch Trường đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất và đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân.
Có mặt tại khu vực sản xuất rau màu dọc sông Lạch Trường (một nhánh sông đào nối ra sông Mã, chạy dọc trên địa bàn giáp ranh giữa xã Hoằng Lý và phường Tào Xuyên) của gia đình ông Tào Phi Hùng (thôn 4, xã Hoằng Lý), đập vào mắt chúng tôi là những mảng sạt lở lớn khoét sâu vào diện tích đất màu, có chiều cao từ 3 đến 4m, chiều dài hàng chục mét.
Ông Hùng cho biết, gia đình ông có 1,5 ha đất sản xuất rau màu sát bờ sông Lạch Trường. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở do hoạt động khai thác cát trái phép đã kéo gần 90% số diện tích này xuống sông. Không chỉ có nhà ông Hùng, trên địa bàn xã còn có hàng chục hộ khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Hàng chục nghìn m2 đất của bà con nhân dân bị nạn cát tặc làm biến mất
Tình trạng sạt lở trên còn xảy ra ở nhiều thôn trên địa bàn xã Hoằng Lý với chiều dài cả cây số, trong đó nặng nhất là thôn 7 với tổng số diện tích đất màu bị “biến mất” trên 20.000m2, các đoạn sạt lở dài hàng trăm mét. Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn xã có 30.000m2 đất màu đã bị “kéo xuống sông”. Thiệt hại cho người dân địa phương là rất nghiêm trọng.
Cũng theo báo cáo của xã Hoằng Lý, tình trạng sạt lở còn ăn sâu cả trăm mét vào khu vực dân cư, có nhiều điểm chỉ còn cách đường bê tông liên thôn vài chục mét.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lạch Trường diễn ra rất phức tạp nhiều năm nay. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng việc thực hiện dự án nạo vét sông Lạch Trường, đoạn từ đầu cầu Tào Xuyên đến cửa Lạch Sung, ngang nhiên đưa tàu tới hút cát. Trước tình hình trên, UBND xã Hoằng Lý liên tục bố trí lực lượng, tổ chức mật phục, bắt quả tang nhiều vụ, kiến nghị xử lý nhiều tàu khai thác trái phép, song tình trạng này không hề thuyên giảm mà tiếp tục gia tăng, đặc biệt là từ năm 2016 đến nay. Do không có phương tiện (thuyền máy, ca nô) và thiếu nhân lực nên việc bắt giữ các tàu hút trộm cát gặp rất nhiều khó khăn.
Video đang HOT
Hai chiếc tàu hút cát trái phép bị bắt vào ngày 8/5 vừa qua tại xã Hoằng Lý
Điều đáng lo ngại nhất là các đối tượng khai thác cát trái phép sẵn sàng chống đối cơ quan chức năng. Vụ việc vào ngày 8/5 vừa qua là minh chứng. Sau khi bị phát hiện, 2 trong số 4 tàu hút cát trộm đã bỏ chạy. Hai tàu còn lại bị lực lượng chức năng bắt giữ, tuy nhiên chủ tàu đã có hành vi chống đối, cố thủ trên tàu mặc dù Công an TP Thanh Hóa, chính quyền địa phương yêu cầu lên bờ làm việc. Chỉ khi cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh xuất hiện, chủ hai tàu nói trên mới chịu đưa phương tiện vào bờ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lý xác nhận việc nạn “cát tặc” hoành hành đã khiến cho việc sản xuất hoa màu của bà con nhân dân bị thiệt hại nặng nề. “Trong 2 năm gần đây, do sạt lở bờ sông nên mức độ ảnh hưởng rất lớn. Không những ảnh hưởng đến hoa màu, tình trạng sạt lở bờ sông còn đe dọa trực tiếp đến đời sống của bà con. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị lên UBND TP Thanh Hóa, các cơ quan chức năng của tỉnh về nạn “cát tặc” và tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông Lạch Trường nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc, lo lắng cho nhân dân” – ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng thì dự án nạo vét sông Lạch Trường đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên các đối tượng vẫn liên tục hút cát trộm với nhiều thủ đoạn tinh vi, táo tợn, thách thức và sẵn sàng chống đối chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
“Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND xã liên tục cắt cử lực lượng chức năng gồm công an xã, xã đội, đội quy tắc, có cả sự tham gia của lãnh đạo xã tổ chức mai phục, theo dõi để bắt các tàu khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, do thiếu phương tiện (thuyền máy, ca nô), con người và các công cụ cần thiết, cũng như kinh phí nên việc bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn” – ông Hùng cho biết thêm.
Được biết, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, vấn nạn “cát tặc” và tình trạng sạt lở tại khu vực sông Lạch Trường đã được người dân và chính quyền địa phương kiến nghị, tuy nhiên trên thực tế chưa có sự vào cuộc quyết liệt, chưa có các giải pháp triệt để.
Bình Minh
Theo Dantri
Phó Thủ tướng: ĐB sông Cửu Long phải quyết liệt chặn "cát tặc"
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kiên quyết ngăn chặn việc khai thác cát trái phép và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm và dung túng cho các hoạt động vi phạm này theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Chiều nay (15.5), tại An Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với các bộ, ngành và các địa phương ĐBSCL về công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Tại buổi làm việc, Bộ NNPTNT cho biết, vùng ĐBSCL hiện có 90 khu vực bị sạt lở với tổng chiều dài 562 km. Trong đó, có 17 đoạn sạt lở nguy hiểm với chiều dài 33,665 km.
Cũng theo Bộ NNPTNT, có đến 10 nguyên nhân cơ bản dẫn đến xói lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh ĐBSCL. Nguyên nhân chính có thể kể đến là do việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát ở lòng sông ở hạ lưu.
Lãnh đạo các địa phương tỉnh ĐBSCL cũng cho rằng, việc khai thác cát trái phép chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở. Việc quản lý đối với các hoạt động khai thác cát chưa thường xuyên và quyết liệt.
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL rà soát, kiểm tra tình trạng khai thác cát, kiên quyết ngăn chặn việc khai thác cát trái phép. Đồng thời, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, dung túng cho các hoạt động vi phạm trên theo quy định của pháp luật.
"Các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát, đặc biệt là khai thác trái phép. Ngoài ra, cần rà soát lại tất cả những giấy phép khai thác cát đã cấp, nếu có ảnh hưởng đến bờ sông, bờ biển thì kịp thời điều chỉnh" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Khai thác cát trên sông Tiền đoạn ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp).
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương có liên quan tiếp tục rà soát các khu dân cư, công trình xây dựng có nguy cơ sạt lở; chủ động di dời để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân. Sau khi di dời, cần có phương án hỗ trợ tái định cư, có chính sách hỗ trợ bảo đảm đời sống, không để người dân bị thiếu đói, thiếu điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các bộ và các địa phương điều tra, đánh giá thực trạng sạt lở, hướng dẫn các địa phương ĐBSCL phân công, phân cấp quản lý và duy tu bảo dưỡng công trình phòng chống sạt lở bờ sông.
Riêng Bộ TNMT cần tổ chức theo dõi và đánh giá hằng năm về tổng lượng bùn cát đến từ thượng nguồn sông Cửu Long và tổng lượng cát khai thác trong vùng ĐBSCL làm cơ sở để đề xuất giải pháp khắc phục. Đặc biệt là phối hợp với Bộ NNPTNT nghiên cứu các giải pháp ứng phó với sạt lở, biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Theo Danviet
Việt Nam cạn kiệt cát vẫn xuất khẩu: Sẽ nhập cát như...than? Nếu không có kế hoạch khai thác một cách hợp lý và hiệu quả, viễn cảnh Việt Nam phải nhập khẩu cát hoàn toàn có thể xảy ra. Nghịch lý đáng lo Theo số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay nguồn cát được cấp phép khai thác của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu...