Cát tặc lộng hành: Dừng toàn bộ dự án nạo vét luồng đường thủy
Cục ĐTNĐ sẽ tiếp tục hoàn thiện Thông tư 69 theo hướng phân cấp cho địa phương, có đấu thầu, áp dụng như quy trình đầu tư xây dựng cơ bản.
Thông tin trên được Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐ) Hoàng Hồng Giang xác nhận. Cụ thể, theo ông Giang, từ năm 2011- 2014, cơ quan này đã đồng ý về chủ trương cho 66 dự án liên quan đến nạo vét luồng đường thủy quốc gia.
Cục ĐTNĐ sẽ dừng toàn bộ dự án nạo vét luồng đường thủy để tiếp tục hoàn thiện Thông tư 69 theo hướng phân cấp cho địa phương, có đấu thầu, áp dụng như quy trình đầu tư xây dựng cơ bản.
Ông Giang cho biết, năm 2013, Bộ GTVT ban hành Thông tư 37 quản lý hoạt động nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ không sử dụng ngân sách Nhà nước. “Thực tế, chủ trương thực hiện xã hội hóa, các dự án nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ là cần thiết trong điều kiện ngân sách Nhà nước rất hạn chế. Do đó, trong giai đoạn này, Cục ĐTNĐ đã tham mưu Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho 66 dự án”.
Tuy nhiên, nội dung của Thông tư chưa đảm bảo đủ hành lang pháp lý để có thể quản lý tốt các dự án, cụ thể là chưa có quy trình lựa chọn nhà đầu tư, chưa có quy trình công bố danh mục dự án, không có quy định để quản lý…
Do đó, năm 2015, Cục đã tham mưu trình Bộ GTVT ban hành Thông tư 69, bổ sung một số điều khoản như có hội đồng đánh giá, chấm điểm nhà đầu tư; Xây dựng quy trình bắt buộc về công bố, chấp thuận, tăng cường bổ sung quy trình trong thực hiện giám sát rồi bắt buộc các phương tiện tham gia nạo vét phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; quy định vai trò của tổ chức tư vấn giám sát…
Đáng nói là trong 66 dự án được cấp phép, có 20 dự án cấp năm 2011, 39 dự án cấp sau Thông tư 37 và chỉ có 1 dự án thực hiện theo Thông tư 69 với những quy định tương đối chặt chẽ.
Theo ông Giang, hiện tại Cục ĐTNĐ đã thống nhất không tiếp tục thông qua chủ trương các dự án mới. Với các dự án cũ, Cục đã kiên quyết chấm dứt 22 dự án mà nhà đầu tư không đảm bảo điều kiện triển khai. Với 16 dự án có thời gian triển khai vào năm 2015 – 2016, dù có thể gia hạn theo hợp đồng song đến cuối năm 2016, Cục cũng đã chỉ đạo dừng.
Video đang HOT
Đến trước thời điểm tháng 2/2017, chỉ có 15 dự án đang triển khai. Tuy nhiên, qua kiểm tra thấy các dự án này có bất cập, trong đó có việc lắp thiết bị giám sát hành trình không đảm bảo kết nối, gây khó cho kiểm tra giám sát…, chúng tôi đã quyết định dừng tất cả các dự án này.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện Thông tư 69 theo hướng phân cấp cho địa phương, có đấu thầu, áp dụng như quy trình đầu tư xây dựng cơ bản. Sau khi hoàn thành mới tính đến việc chấp thuận chủ trương cho các dự án mới”, ông Giang chia sẻ, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xây dựng một Nghị định quản lý tổng thể hoạt động nạo vét trên sông.
(Theo VOV)
Con sông lớn nhất Khánh Hòa "hấp hối" vì sạt lở nghiêm trọng
Người dân cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến sông Cái - con sông lớn nhất Khánh Hòa - bị sạt lở nghiêm trọng là do nạn hút cát chui vào ban đêm. Tình trạng sạt lở khiến con sông đang "hấp hối", đe dọa đến cuộc sống hàng nghìn người dân ven sông
Theo ghi nhận của PV Dân trí vào chiều 1/4, đoạn sông Cái chảy qua xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương (TP Nha Trang, Khánh Hòa) bị sạt lở rất nghiêm trọng, bờ sông "ăn" sát vào gần nhà dân. Người dân cho biết, hiện nay bờ sông Cái một số đoạn bị sạt lở, lấn sâu khoảng 4-5m so với trước đây, gây nên tình trạng hở hàm ếch.
Trong đó, đoạn sông Cái chảy qua xã Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang) với 3 khu vực sạt lở nghiêm trọng dài hàng trăm mét, gồm: Xuân Lạc 2, Ngọc Hội và Xuân Ngọc
Theo người dân, bờ sông Cái bị sạt lở từ nhiều năm nay và nghiêm trọng hơn kể từ sau đợt mưa lũ kinh hoàng vào cuối năm ngoái
Không chỉ ở TP Nha Trang, sông Cái chảy qua huyện Diên Khánh cũng đang "hấp hối" khi tình trạng sạt lở vẫn đang diễn ra hàng ngày hàng giờ, đe dọa đến cuộc sống của hàng nghìn người dân ven sông
Hàng chục năm trước, người dân sinh sống ven sông Cái đoạn qua các địa phương này đã trồng tre để bảo vệ bờ sông nhưng giờ đây những bụi tre lâu nay được coi là "giữ làng" cũng đã gục ngã, không còn đứng vững trước sức lở của bờ sông
Sông Cái bị sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều diện tích hoa màu, cây trồng ở xã Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang) có nguy cơ bị xóa sổ. "Vài hộ dân đã bỏ ruộng vì không có tiền mua máy bơm để dẫn nước tưới, bờ ruộng nhiễm mặn trầm trọng", một người dân kể
Ông Trần Văn Cườm (thôn Xuân Lạc 2, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang), nhà ở gần sông cho biết, gần đây xuất hiện tình trạng khai thác cát trái phép trên sông khiến bờ sông sạt lở càng thêm nghiêm trọng. "Các ghe cát cứ tầm 0h đến 4h hàng ngày là thi nhau hút cát dưới sông. Một số người dân rọi đèn pin, ném đá xua đuổi thì chúng lại di chuyển qua bên kia bờ sông để hút cát", ông Cườm tiết lộ
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc - Lê Văn Mỹ, thừa nhận việc người dân phản ánh tình trạng hút cát "chui" đoạn sông Cái chảy qua địa bàn xã là có thật. "Chúng tôi kiểm tra, bắt dữ lắm, mười mấy chiếc rồi nhưng nó làm vẫn cứ làm", ông Mỹ nói
Theo ông Lê Văn Mỹ, hiện tại thôn Ngọc Hội có 12 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông Cái, trọng đó có 3 hộ có nguy cơ nhà bị rớt xuống sông. "Hiện nay, khu vực này đang thi công bờ kè tạm khẩn cấp, dài hơn 200m để bảo vệ bờ sông, nhà cửa cho dân", ông Mỹ nói
Được biết, hiện UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình, đề nghị Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng để làm kè bờ hữu sông Cái tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, khi điểm sạt lở này ảnh hưởng đến 150 căn nhà với 600 người dân; hỗ trợ 100 tỷ đồng để làm kè chống xói lở bờ sông Cái, đoạn qua các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, khi các điểm sạt lở ảnh hưởng đến hơn 250 căn nhà với 1.000 người dân.
Viết Hảo
Theo Dantri
13 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng bị bắt giữ Kiểm tra tàu thuyền khai thác cát ở sông Hồng, nhà chức trách tạm giữ 13 phương tiện gồm 4 tàu cuốc, 2 tàu hút và 7 tàu chở cát. Thời điểm kiểm tra, một số tàu cát đang vận chuyển cát để bán cho các thuyền khác. Ảnh: Minh Hải Ngày 31/3, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, lực lượng chức...