Cất giữ đá quý lạ 140 năm mới biết nó là ‘quái thú’
Cuộc kiểm tra một viên mã não tròn hoàn hảo được cất giữ trong bộ suy tập đá quý của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh) tiết lộ bí mật gây sốc: Nó là một quái thú non 67 triệu tuổi.
Theo Live Science, viên đá quý kỳ lạ có nguồn gốc từ một đồng bằng núi lửa Ấn Độ. Nó là một viên mã não tròn tuyệt đẹp màu trắng và hồng nhạt, được bao bọc bởi lớp đá thường xù xì hơn.
Nó được một người đàn ông tên Charles Fraser khai quật ở Ấn Độ trong khoảng năm 1817 đến 1843, đưa về bảo tàng năm 1883 và được xếp vào danh mục mã não.
Một cơ thể non của quái thú khổng lồ đã từng hiện diện trong viên đá quý kỳ lạ ở Anh – Ảnh: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London
Vào năm 2018, trong một lần kiểm tra, người phụ trách về khoáng sản của bảo tàng – ông Robin Hansen – bắt đầu nghi ngờ viên đá có thể là một quả trứng khủng long.
Cuộc nghiên cứu sau đó dẫn đầu bởi giáo sư Paul Barrett, nhà cổ sinh vật học và khoa học Trái Đất của bảo tàng, đã xác nhận mối hoài nghi của ông Hansen: Nó đúng là tàn tích của một quái thú non 67 triệu tuổi.
Để hình thành theo cách đó, quả trứng phải bị một dòng dung nham bao phủ hoàn toàn một cách bất ngờ. Phôi dần bị phân hủy trong khi các lớp đá núi lửa bảo quản tốt phần vỏ. Qua nhiều thời đại, nước giàu silica thấm vào bên trong vỏ và kết tinh để tạo thành mã não.
Các nhà khao học đã cố gắng tìm hiểu kỹ hơn về sinh vật bằng các kỹ thuật quét, nhưng mật độ dày đặc của mã não đã ngăn cản họ.
Tuy nhiên, xét về hình thái thì quả trứng kính thước lên đến 15 cm này rất phù hợp với trứng của titanosaur, tức “thằn lằn hộ pháp”, loài khủng long lớn nhất thế giới với nhiều mẫu vật từng được khai quật ở Trung Quốc và Argentina.
Nếu có cơ hội nở và trưởng thành, con thằn lằn hộ pháp này có thể nặng tới 70 tấn.
Đây là một phát hiện đặc biệt, củng cố thêm những bằng chứng cho thấy đồng bằng núi lửa này của Ấn Độ từng là một thế giới khủng long đông đúc.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học PLOS One.
Anh Thư
Ngư long cổ xưa nhất thế giới hiện ra ở Bắc Cực sau 250 triệu năm
Phát hiện quý giá về quái vật biển 'ngư long' ở Hệ tầng Vikinghgda trên đảo Spitsbergen ở Bắc Cực đã khiến sách giáo khoa, giáo trình cổ sinh vật học phải viết lại.
Theo Sci-News, nhóm nghiên cứu cổ sinh vật học từ Đại học Uppsala (Thụy Điển) và Trường Đại học Oslo (Na Uy) đã nghiên cứu mẫu vật gồm những đốt sống được bảo quản tốt của một con ichthyosaur, tức "thằn lằn cá" hay "ngư long", có niên đại chỉ 2 triệu năm sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt cuối kỷ Nhị Điệp (Permi).
Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt cuối kỷ Nhị Điệp xảy ra từ 252 triệu năm trước, tàn phá hệ sinh thái biển và mở đường cho cái gọi là "Thời đại Khủng long", với những con khủng long sơ khai nhất ra đời vài chục triệu năm sau đó trong kỷ Tam Điệp.
Ảnh đồ họa mô tả ngư long cổ đại - Ảnh: Esther van Hulsen
Tuy nhiên hóa thạch ngư long 250 triệu tuổi mà các nhà khoa học tìm thấy lại cho thấy đó là một sinh vật với cơ thể đã tiến hóa đầy đủ các đặc trưng của giống loài, với thân hình thon dài, đầu tương đối nhỏ, mõm dài, tứ chi hình chân chèo và đuôi giống đuôi cá heo.
Nhà cổ sinh vật học Benjamin Kear của Đại học Uppsala cho biết: "Theo sách giáo khoa, các loài bò sát trên cạn có chân đi bộ đã xâm chiếm môi trường nông ven biển để tận dụng các hốc sinh thái mà động vật ăn thịt biển bỏ lại do sự kiện thảm khốc. Theo thời gian, những loài bò sát lưỡng cư ban đầu này bơi lội hiệu quả hơn và cuối cùng biến đổi các chi của chúng thành chân chèo, phát triển hình dạng cơ thể giống cá".
Để hợp lý với giả thuyết "sách giáo khoa" đó, ngư long phải xuất hiện rất lâu sau sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Nhị Điệp. Nếu may mắn tìm được một loài tiền thân của ngư long 250 triệu tuổi, lẽ ra đó phải là một sinh vật còn mang đặc điểm chủ yếu của bò sát trên cạn và sống lưỡng cư, bởi 2 triệu năm là quá ngắn cho một sự thay đổi hoàn toàn.
Thế nhưng mẫu vật ở đảo Spitsbergen là một con ngư long hoàn hảo, điều giúp các nhà nghiên cứu kết luận rằng dòng họ quái vật biển này đã bắt đầu tiến hóa từ rất lâu trước đại tuyệt chủng và vẫn sống sót sau sự kiện.
"Các đốt sống giống hệt với các loài ngư long có cơ thể lớn hơn và trẻ hơn nhiều về mặt địa chất, thậm chí còn bảo tồn cấu trúc vi mô trong xương cho thấy các dấu hiệu thích nghi của sự phát triển nhanh, trao đổi chất cao và lối sống hoàn toàn ở đại dương" - tiến sĩ Kear nói thêm.
Thử nghiệm địa hóa môi trường xung quanh vị trí hóa thạch được tìm thấy đã giúp khẳng định tuổi của hóa thạch và buộc giới cổ sinh vật học phải sửa đổi các sách giáo khoa, giáo trình liên quan đến ngư long.
Điều này cũng ảnh hưởng sâu sắc đến mô hình phát triển của Thời đại Khủng long nói chung, khi chỉ ra phiên bản dưới nước của khủng long có nguồn gốc cổ đại hơn ít nhất hàng chục triệu năm so với niên đại ban đầu. Nguồn gốc của ngư long cũng phải được tính toán lại.
Các nhà khoa học vẫn hy vọng một ngày nào đó có thể tìm được mẫu vật ngư long cổ xưa hơn nữa - ví dụ một mẫu vật thuộc kỷ Nhị Điệp - để hiểu thêm về loài quái vật biển đã trường tồn cho đến khi tiểu hành tinh giết khủng long Chicxulub xuất hiện 66 triệu năm trước.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Current Biology.
Phát hiện hải âu quái vật sát thủ như thằn lằn bay Loài chim mang lại cảm giác bình yên cho những vùng biển hiện đại từng có một phiên bản quái vật trong quá khứ, khi nó thường ăn cả hải cẩu. Theo Science Times, những mảnh hài cốt hóa thạch như xương hải âu bị phóng to đã được khai quật tại Đảo Bắc của New Zealand, hé lộ quá khứ sống và...