Cất bằng kỹ sư công nghệ thông tin, về núi trồng nấm thành tỷ phú
Từng tốt nghiệp khoa CNTT của ĐH Bách Khoa nhưng cơ duyên lại đưa anh Bùi Văn Phương ở tiểu khu 4 ( thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đến với nghề trồng nấm. Sau 5 năm nỗ lực, hiện tại anh Phương đang làm chủ của 4 cơ sở sản xuất nấm, thu về gần 1 tỷ đồng tiền lãi mỗi năm.
Có đến thăm xưởng nấm của anh Phương mới cảm nhận rõ không khí làm việc khẩn trương, tập trung của các công nhân ở đây. Dưới cái nắng hè oi ả, họ vẫn tích cực đóng phôi nấm cho kịp tiến độ sản xuất.
Rót ly trà đá mời khách, anh Phương nói: “Làm liên tục vậy mà vẫn không đủ bán đấy. Mỗi ngày tôi xuất khoảng 1,2 tấn nấm sò và phải chia đều cho các thương lái nếu không người ta lại trách.”
Nấm sò là 1 thực phẩm bổ dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ngon như: xào, nấu canh, làm lẩu…
Chia sẻ về cơ duyên đến với cây nấm của mình, anh Phương kể: Trước anh từng học tại khoa công nghệ thông tin-CNTT của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau khi ra trường anh, anh theo một số người bạn sang Lào làm việc.
Đến năm 2014, công việc bên Lào không thuận lợi nên anh về quê tìm công việc mới. Trong một chuyến đi “phượt” Ninh Bình, anh vô tình gặp và làm quen với một chuyên gia ở Viện nghiên cứu phát triển nấm. Qua trò chuyện, anh cảm thấy hứng thú nên đã quyết định làm giàu bằng nghề trồng nấm.
“Ngày ấy, tôi “khăn gói” xuống tận Viện nghiên cứu và phát triển nấm để học hỏi kỹ thuật trồng và sản xuất nấm. Các thầy, cô ở đấy hướng dẫn rất tận tình. Sau này khi mở xưởng nấm rồi, mỗi lần có khó khăn gì về kỹ thuật tôi lại gọi điện hỏi thêm.”, anh Phương chia sẻ thêm.
Anh Phương dùng mùn cưa cây cao su trộn cùng bông sợi theo tỉ lệ nhất định để làm phôi nấm sò.
Sau khi nắm chắc về kĩ thuật trồng nấm cũng như học hỏi kinh nghiệm trồng nấm từ một số xưởng nấm khác, anh Phương đã đầu tư xây một xưởng chuyên sản xuất nấm sò và nấm linh chi trên mảnh đất của mình tại xã Chiềng Mung (Mai Sơn, Sơn La). Anh trực tiếp xuống huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) để tìm mua nguyên liệu về làm phôi nấm. Với diện tích hơn 300m2, anh treo 2.000 phôi nấm sò, diện tích còn lại anh trồng 1 số nấm linh chi và ươm cây giống.
Anh Phương cầm 1 bịch phôi nấm trên tay và bảo: “Bịch nấm này có nhiệt độ khoảng 70độ C. Tiếp xúc với nấm nhiều nên chỉ cần cầm thế này tôi cũng có thể xác định được nhiệt độ của bịch nấm khá chính xác. Một chu kì của nấm kéo dài khoảng 2 tháng và mùa này sau khi gieo giống từ 18-22 ngày sẽ được thu hoạch, 7 ngày sẽ thu hoạch nấm 1 lần.”
Video đang HOT
Chia sẻ về kỹ thuật trồng nấm sò, anh Phương cho biết: Bước quan trọng đầu tiên là phải tạo được phôi nấm chất lượng tốt. Theo đó, anh dùng mùn cưa của cây cao su, trộn cùng bông sợi theo tỉ lệ nhất định, rồi xử lý với nước vôi đem ủ trong 3 ngày.
Sau công đoạn trên thì đảo đều hỗn hợp này rồi ủ thêm 3 hoặc 6 ngày nữa là có thể đóng thành phôi nấm. Một khâu quan trọng nữa là cần xác định thời điểm để có cách treo phôi nấm khác nhau.
Ví dụ vào mùa hè, trời nóng thì cần treo bịch nấm nằm ngang và thu hoạch nấm từ củ nút (lồng 1 ống nhựa nhỏ ở miệng của bịch nấm để nấm mọc ra). Tuy nhiên, vào mùa đông thì cần treo bịch nấm dọc và tiến hành rạch khoảng 4 – 8 đường thẳng dọc bịch phôi để nấm mọc.
Ngoài nấm sò, anh Phương còn trồng nấm linh chi cho hiệu quả kinh tế cao.
Để tối ưu sản lượng và chất lượng nấm sò, anh Phương thường chỉ thu hoạch nấm vào sáng sớm bởi vì anh biết chỉ cần qua 1 đêm là nấm đã lớn rất nhanh. Chính vì thế, để kịp có nấm xuất cho thương lái và đảm bảo người tiêu dùng được thưởng thức nấm tươi, ngon, xưởng của anh thường xuyên hoạt động từ 1h sáng.
Theo kinh nghiệm của mình, anh Phương cho rằng: Trồng nấm sò vào khoảng tháng 8 là thuận lợi nhất, nấm phát triển tốt và cho năng suất cao. Một bịch nấm có thể cho thu từ 0,8 – 1kg nấm thành phẩm. Ở Sơn La thời tiết mát mẻ, ổn định nên có thể trồng nấm quanh năm.
“Rất may là từ ngày trồng nấm đến giờ tôi chưa thất bại lần nào, từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ đều rất thuận lợi. Mới đầu tôi chỉ dám đầu tư 1 xưởng, sau khi thấy có hiệu quả tôi mạnh dạn xây thêm 3 xưởng khác nữa. Có được thành công này cũng là nhờ sự chỉ bảo tận tình của các chuyên gia ở Viện nghiên cứu và chắc một phần cũng do tôi có “duyên” với cây nấm…”, anh Phương bộ bạch.
Với 4 trại nấm đặt ở 4 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La, anh Phương đang tạo việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Hiện tại, anh Phương đang làm chủ của 4 cơ sở sản xuất nấm đặt tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Mộc Châu và TP.Sơn La. Mỗi ngày anh xuất khoảng 1,2 tấn nấm tươi với giá bán sỉ 30.000 đồng/kg, số nấm này được bán cho các tiểu thương tại tỉnh Sơn La.
Bên cạnh nấm sò, anh Phương còn trồng nấm linh chi, mỗi năm anh thu hoạch khoảng 800kg nấm linh chi với giá bán dao động từ 500.000-650.000 đồng/kg. Theo tính toán của mình, sau khi trừ hết chi phí, anh “bỏ túi” khoảng 900 triệu đồng/năm.
Không những “làm giàu” cho chính mình, anh Phương còn giúp tạo ra công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập cho người dân địa phương. Hiện tại ở mỗi xưởng nấm của anh đều có từ 15-25 người làm việc thường xuyên với mức tiền công 200.000 đồng/người/ngày.
“Vì không đủ nấm cung cấp cho thị trường nên khi thương lái đến thu mua, tôi phải chia đều nấm cho họ, nếu không sẽ bị họ trách là không công bằng. Tôi đang có kế hoạch mở rộng thêm xưởng nấm ở một số khu vực khác nữa trong và ngoài tỉnh.” Anh Phương chia sẻ thêm.
Theo Danviet
An Giang: Chớp mắt đã dùng điện thoại chăm bạt ngàn nấm linh chi
Đây là cách làm độc đáo của anh Nguyễn Hùng Sinh (ngụ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, một mình anh có thể vừa chăm sóc và quản lý hơn 5.000 bịch phôi nấm linh chi một cách dễ dàng.
Với mong muốn làm giàu từ nông nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình, vào năm 2009 trong một lần tình cờ anh Sinh đã biết được mô hình trồng nấm linh chi đỏ cho thu nhập cao.
Ban đầu, do áp dụng cách trồng thủ công nên anh Sinh đã thất bại nhiều lần. Khó khăn nhưng không từ bỏ, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại. May mắn là vào năm 2017, anh được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và công nghệ tỉnh An Giang) chuyển giao quy trình ứng dụng điện thoại EWelink để điều khiển độ ẩm và nhiệt độ thông qua kết nối wifi.
Mô hình trồng nấm linh chi đỏ áp dụng công nghệ cao của anh Sinh được đánh giá cao. Ảnh: M.A.
Từ đó, anh Sinh mạnh dạn đầu tư thiết bị để ứng dụng kỹ thuật mới và thực hiện quy trình khép kín từ khâu trồng nấm đến thu hoạch. Hệ thống trồng nấm linh chi của anh Sinh bao gồm: Thiết kế kệ trồng bằng sắt, máy tách hạt nước để tưới nước bằng hệ thống phun sương, thiết bị cảm ứng (chip điện tử) kết nối với phần mềm điều khiển bằng điện thoại di động, nhà sấy nấm bằng năng lượng mặt trời, thiết bị đóng gói nấm thành phẩm...
Nhờ ứng dụng công nghệ cao, trại nấm linh chi của anh Sinh thu về khoang 25 triệu đồng/tháng. Ảnh: M.A.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hùng cho biết: "Trước đây, với quy mô của trại nấm, tôi cần từ 2-3 người mới có thể đảm bảo được công việc. Còn khi áp dụng công nghệ này, tôi rất thoải mái, bởi đã có kết nối tự động, các thiết bị chạy thông qua phần mềm. Từ đó, không tốn lao động mà chỉ cần 1 mình tôi cũng có thể vừa vận hành kiểm soát vừa trồng".
Từ ngày áp dụng cách làm này, chỉ cần sử dụng điện thoại anh Sinh đã có thể chăm sóc hàng trăm cây nấm linh chi trong chớp mắt. Đặc biệt, ưu điểm của công nghệ này là không giới hạn địa lý, dù không có mặt trực tiếp ở trại, người dùng vẫn có thể điều khiển.
Chỉ cần kết nối internet, anh Sinh có thể dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ của trại nấm linh chi đỏ. Ảnh: M.A.
Thông thường, nhiệt độ thích hợp để cây nấm phát triển tốt dao động từ 28 - 30 độ C, ẩm độ từ 80 - 85%. Khi thấy nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, chỉ cần mở phần mềm từ điện thoại và "ra câu lệnh" bằng cách nhấn nút tưới trên điện thoại là hệ thống phun sương ở trại sẽ hoạt động, đến khi nhiệt độ và độ ẩm đạt ngưỡng quy định thì hệ thống sẽ tự động ngừng. Nhờ vậy, giúp anh Sinh tiết kiệm được chi phí và thời gian chăm sóc. Đặc biệt, bào tử trên tai nấm còn nguyên, không bị rửa trôi như cách tưới thông thường.
Cũng theo anh Sinh, công nghệ này dùng sóng siêu âm tần số cao, tách nước thành hạt sương nhỏ khuếch tán khắp nhà trồng, giúp cây nấm phát triển tươi tốt, tay nấm đẹp, mặt trên đạt màu nâu đỏ. Hơi nước lan tỏa đều, cây nấm dễ dàng hấp thụ nên ít bị những đốm vệt nước trên bề mặt, nhờ đó năng suất trại nấm tăng lên khoảng 30%.
Cứ thế, với cách làm này trung bình 1.000 túi phôi anh Sinh sẽ cho ra 75kg nấm tươi, sau khi sấy thành phẩm còn 25kg nấm khô. Ảnh: M.A.
Sản phẩm nấm linh chi đỏ của anh Sinh ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: M.A.
"So với cách làm truyền thống, việc sử dụng điện thoại giúp mình không bị giới hạn, bất cứ nơi đâu cũng có thể điều khiển được. Và quan trọng là nấm phát triển đồng đều hơn so với cách làm thủ công, nhờ đó khách hàng ưa chuộng hơn" - anh Sinh bộc bạch.
Tận dụng diện tích quanh nhà chỉ vỏn vẹn 400m2, anh Sinh đã luân chuyển gối vụ quanh năm với khoảng 5.000 bịch nấm mỗi vụ. Mỗi tháng anh cung cấp ra thị trường hơn 50kg nấm linh chi thành phẩm, sau khi trừ chi phí anh thu lợi hơn 25 triệu đồng.
Theo Danviet
Vợ chồng nhặt hạt vứt đi, ươm, ghép thành cây giống, kiếm bộn tiền Nhờ nắm bắt được nhu cầu thị trường anh Nguyễn Văn Thắng, ở tiểu khu 11 (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã ăn nên làm ra với nghề ươm cây giống. Với mảnh đất chỉ vẻn vẹn 2.000 m2, đem lại cho gia đình anh thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Những năm gần đây, giá...