Cất bằng cử nhân phu thê về quê nuôi loài răng dài, lãi 200 triệu
Chồng là cử nhân công nghệ thông tin, vợ là cử nhân ngoại ngữ nhưng lại có chung một đam mê là “Nông nghiệp sạch”. Chính vì đam mê đó, anh chị đã bỏ qua những công việc văn phòng hấp dẫn ở phía trước để lui về với nghiệp nhà nông…bằng mô hình nuôi thỏ.
Cách thành phố Đồng Hới khoảng 30km, nằm giữa vùng đất đồi ở thôn Tây, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, trên khuôn viên trang trại rộng chừng 2.500m2 với trên 200 thỏ nái và 1.000 con thỏ giống, ít ai nghĩ rằng cơ ngơi này được một đôi vợ chồng trẻ tạo dựng từ đôi bàn tay trắng. Đó là trang trại Thỏ Ruby của vợ chồng chị Nguyễn Thị Sương và anh Bùi Thanh Nam…
Chị Nguyễn Thị Sương tại trang trại thỏ của gia đình.
Năm 2014, với “vốn liếng” chỉ gồm 10 con thỏ giống bà ngoại cho mang theo khi ra riêng, anh chị tạo dựng một chuồng nuôi thỏ nho nhỏ. Chị Sương chia sẻ: Không ít lần vợ chồng nhìn nhau ái ngại, không biết với 10 con thỏ này sẽ làm được những gì. Nhưng ngày qua ngày, vợ động viên chồng, chồng an ủi vợ. Cứ thế không ai bảo ai, cứ tự đọc sách, tự tìm tài liệu tích lũy dần kiến thức, kỹ thuật nuôi thỏ và “gắn kết” thực sự với nông nghiệp sạch từ lúc nào không hay”.
Với sự kiên trì, nhẫn nại, và sức mạnh của đam mê, của tuổi trẻ, hai vợ chồng lại gây đàn, xây dựng trang trại thỏ của riêng mình. Tuy nhiên, lần này vợ chồng chị Sương tìm đến các cơ sở thú y khám bệnh cho thỏ, tìm thuốc chữa bệnh cho từng con, rồi lại tự mình kiếm giống thỏ gây dựng lại đàn.
Đến nay, trang trại của vợ chồng chị đã có hơn 200 nái và trên 1.000 thỏ con, chủ yếu là giống thỏ New Zealand và thỏ Việt cỏ lai tạo. Theo chị Nguyễn Thị Sương, giống thỏ này có khả năng sinh sản nhanh, một con thỏ mẹ đẻ 6 – 8 lứa mỗi năm, một lứa đẻ từ 6 đến 10 con. Thỏ là động vật dễ nuôi và hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương nên chỉ cần nuôi khoảng 85 đến 100 ngày là có thể xuất bán nên rất nhanh có lãi.
Từ những thành công ban đầu, nhằm từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm, tháng 8 năm 2017, chị Sương đã vận động bà con địa phương cùng thành lập HTX Hưng Phát. Theo anh Nam, nuôi thỏ không phải lo đầu ra, vì nhu cầu tiêu thụ thịt và con giống trên thị trường hiện nay khá cao.
Với định hướng phát triển chăn nuôi nông nghiệp sạch, các loại thức ăn cho thỏ đều được vợ chồng chị tận dụng từ cây cỏ có sẵn trong vườn. Với quy trình sản xuất gần như khép kín, chị Sương tự trồng cỏ để cung cấp thức ăn cho thỏ; phân thỏ sau đó được thải ra sẽ ủ hoai và bón ngược lại vào trong gốc cỏ để vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo đảm vệ sinh môi trường. Thỏ được nuôi tại trang trại sử dụng chủ yếu là thức ăn từ cỏ và bột bắp, hoàn toàn nói không với dư lượng kháng sinh, không chất tăng trọng…
Video đang HOT
Dây chuyền chế biến thịt thỏ của gia đình anh Nam trước khi đưa ra thị trường.
Đặc biệt, anh chị còn chế biến thịt thỏ để đưa ra thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng với thương hiệu “Thỏ Ruby” đã được chứng nhận đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Áp dụng quy trình mổ treo (mổ khô), hiện cơ sở của chị đã cung cấp cho thị trường các sản phẩm: thỏ móc hàm (thỏ được làm sạch, để nguyên con), dăm bông thịt thỏ, thỏ nướng, thỏ xào sả ớt, thỏ giả cầy…
Từ quy trình mổ treo này, tất cả các sản phẩm “Thỏ Ruby” đều được chế biến sẵn kèm theo gói gia vị và được đóng gói hoàn chỉnh.
Ngoài ra, để các sản phẩm nông nghiệp sạch của mình có thể đến gần hơn với người tiêu dùng, vợ chồng chị Sương luôn tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị giới thiệu sản phẩm. Nhờ vậy, tuy mới chỉ tung ra thị trường chưa lâu, nhưng các sản phẩm Thỏ Ruby đã chinh phục được niềm tin người tiêu dùng, có mặt ở các địa phương trong tỉnh và các thành phố lớn trong cả nước, như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Bình quân mỗi năm, cơ sở của vợ chồng chị Sương cung cấp cho thị trường từ 12 đến 17 tấn thịt thỏ; sau khi trừ các khoản chi phí, anh chị lãi ròng trên 200 triệu/năm.
Ngoài dòng sản phẩm chủ lực từ thịt thỏ mang tên Thỏ Ruby, các thành viên HTX Hưng Phát còn tự trồng và thu gom nén (hành tăm) với các sản phẩm nén được sản xuất theo hướng hữu cơ. Đồng thời, nhận bao tiêu sản phẩm nén và thỏ cho hơn 30 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, nhất là các hộ do chị em phụ nữ làm chủ nhằm hỗ trợ giải quyết đầu ra cho sản phẩm…
Theo Thuỳ Trang (Báo Quảng Bình)
Triệu phú nuôi hàng ngàn con thỏ ở vùng gió Lào, cát trắng
Nhờ mạnh dạn đầu tư gây dựng trang trại thỏ Newzealand, chàng trai Nguyễn Quốc Mạnh sinh năm 1983, ở Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã thành công với thu nhập trăm triệu mỗi năm.
Từ dám nghĩ, dám làm...
Dù còn trẻ tuổi nhưng anh Mạnh đã thử sức làm giàu với khá nhiều nghề. Trước khi theo đuổi và gây dựng nên trang trại thỏ, gia đình anh chỉ biết trồng trọt. Do thời tiết diễn biến thất thường khiến cho việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, anh Mạnh đã chuyển đổi, từ trồng trọt sang chăn nuôi.
Anh Nguyễn Quốc Mạnh bên trang trại thỏ của mình. Ảnh: Trần Hoa
"Hiện nay số lượng trang trại thỏ ở đây rất ít, gần đây hầu như không có. Tôi vừa nuôi để bán thỏ thịt, vừa nhân đàn để cung cấp giống ra thị trường nên đầu ra khá ổn định. Thỏ nuôi lấy thịt được nhiều nhà hàng đặt mua với số lượng lớn, các con giống được nhiều hộ gia đình và trang trại đặt mua". Anh Nguyễn Quốc Mạnh
Khởi nghiệp, năm 2013 anh mở quán cà phê sân vườn. Đây là hình thức kinh doanh mới mẻ ở nông thôn nên thời gian đầu khách đông và thu nhập khá. Cùng với việc kinh doanh cà phê, anh Mạnh kết hợp nuôi thêm thỏ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Nhưng càng nuôi thỏ, anh như bị con vật này "mê hoặc" nên dần dần chuyển hẳn sang làm trang trại thỏ.
Nghĩ là làm, năm 2014 anh quyết định ngừng kinh doanh quán cà phê, tập trung vốn và đất đai cho việc xây dựng trang trại nuôi thỏ. "Bỏ ra hàng trăm triệu đồng lắp đặt chuồng trại, nhập loại giống tốt nhất và tìm hiểu các kỹ thuật cơ bản, nâng cao tay nghề. Lúc đầu nhiều người cũng ngăn cản, có người bảo đầu tôi có vấn đề, ở xứ gió Lào, cắt trắng này trồng trọt còn khó, huống chi chăn nuôi con vật mới chỉ có thất bại"- anh Mạnh kể lại.
Bỏ ngoài tai tất cả, anh Mạnh quyết định xây dựng trang trại bài bản. Ban đầu anh thả nuôi 50 đôi, dần dần thỏ phát triển sinh sản nhanh, đến nay đã lên đến hàng nghìn con. "Do chăn nuôi có uy tín nên nuôi được bao nhiêu tôi đều bán hết đến đó, nhiều lúc khách đặt nhiều còn không có thỏ để bán"-anh Mạnh cho biết.
... Thành triệu phú thỏ
Trò chuyện với chúng tôi, anh Mạnh hồ hởi, hay cười, hay chuyện và tỏ ra hiểu nghề, đặc biệt là toát lên trong con người này một nghị lực phi thường dám làm, dám chịu. Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại thỏ của gia đình, anh Mạnh cho biết: Thỏ là loài vật rất dễ nuôi, không kén thức ăn, chủ yếu là cám, rau, cỏ, lá cây... toàn những thứ rất dễ kiếm. Thời gian sinh trưởng của thỏ ngắn, thời gian nuôi khoảng 3 - 3,5 tháng sẽ đạt trọng lượng để lấy thịt; khoảng 5,5 - 6 tháng thỏ bắt đầu sinh sản.
Một năm thỏ cái đẻ 6 - 7 lứa, mỗi lứa 6 - 7 con. Nuôi thỏ thu hồi vốn nhanh, phù hợp với khả năng của nhiều gia đình. Tuy nhiên, để chăn nuôi thỏ thành công cần phải nắm vững các yêu cầu về kỹ thuật nuôi, cách chọn giống, làm chuồng trại, chuẩn bị thức ăn, công tác vệ sinh phòng bệnh...
Chia sẻ về phương pháp phòng, trị bệnh cho thỏ, anh Mạnh cho rằng: "Bên cạnh bệnh viêm mắt thì bệnh nấm da hay nấm tai thỏ cũng là một bệnh lý rất hay gặp trong quá trình nuôi, đặc biệt là ở những thỏ con sau khi cai sữa. Bệnh phát sinh do môi trường ẩm thấp, thiếu ánh sáng mặt trời hoặc do chuồng nuôi đã tích trữ sẵn ổ mốc từ trước và sẽ phát triển nhanh chóng vào mùa mưa. Không những thế, thể bệnh này còn lây lan với tốc độ rất nhanh, chỉ cần một ngày là đã có thể lây lan từ một con ra toàn chuồng và sẽ khiến thỏ chết vì gầy yếu do bệnh kéo dài.
Biểu hiện bệnh nấm da ở thỏ là các chấm tròn nhỏ màu trắng. Ban đầu, những chấm tròn này sẽ xuất hiện ở tai, ở mắt rồi dần lan rộng ra các vùng khác như chân, đùi, đầu, bụng và hai bên sườn của thỏ. Vì bệnh có tốc độ lây nhanh, chỉ trong vòng một ngày nên ngay khi phát hiện, người nuôi cần phải cách ly toàn bộ thỏ bị bệnh, sau đó điều trị kết hợp tiêm và bôi thuốc, đồng thời tiến hành vệ sinh chuồng bằng cách rắc vôi bột hoặc phun thuốc foormon, chống ẩm mốc và tăng cường ánh sáng. Cùng với đó, bà con chú ý kết hợp bôi và tiêm thuốc cho thỏ. Cụ thể, bà con nên bôi thuốc nấm lên các vùng da xuất hiện chấm tròn màu trắng, bôi 1 lần/ngày, liên tục trong khoảng 4 - 5 ngày. Đồng thời, người nuôi tiến hành tiêm một loại thuốc có chứa thành phần lvermectin với liều lượng 1cc/ 0,7kg/thỏ để điều trị bệnh nấm da sẽ rất hiệu quả.
Thời tiết thuận lợi, nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương (rau khoai lang, củ cải, lá vông, cỏ sữa, cám...), nên thỏ của anh Mạnh phát triển rất tốt. Sau hơn 3 năm, vừa nhân đàn, vừa bán con giống anh Mạnh đã có đàn thỏ lên đến hàng nghìn con. Thỏ giống được anh Mạnh bán thường xuyên, cứ mỗi cặp giá trên dưới 200.000 đồng; thỏ thịt bán ra với giá trên dưới 120.000 đồng/kg, trung bình mỗi tháng anh Mạnh có nguồn thu hàng chục triệu đồng.
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Mạnh cho biết thêm: Thấy đầu ra của thỏ thương phẩm ổn định nên anh đang mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi thêm 500 con nữa, nhằm cung cấp cho thị trường. Đồng thời, tăng cường nuôi thỏ sinh sản để cung cấp nguồn giống cho bà con nông dân có nhu cầu nuôi. Những ai tới mua con giống đều được anh Mạnh hướng dẫn cách làm chuồng trại, cách chăm sóc và truyền đạt những kinh nghiệm mà mình có được trong thời gian qua. Nhờ vậy, nên thỏ giống của anh Mạnh cũng tìm được đầu ra khá ổn định.
Với thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm, anh Nguyễn Quốc Mạnh được xem là người tiên phong mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi thỏ thành công, trở thành thanh niên làm giàu điển hình ở địa phương và cũng là mô hình mẫu để nhiều thanh niên trong và ngoài huyện đến học hỏi kinh nghiệm làm giàu.
Đây là mô hình trang trại mới phát triển ở nhiều vùng nông thôn hiện nay và đem lại thu nhập khá cao.
Theo Danviet
Quảng Bình: Người dân tự nguyện giao nộp khỉ vàng quý hiếm Chiều 7/8, tin từ Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận một cá thể khỉ vàng quý hiếm do người dân tự nguyện giao nộp. Cá thể khỉ vàng nói trên có trọng lượng 2kg, được gia đình bà Đinh Thị Kim Thơ (SN 1978,...