Castlevania mới xứng đáng với điểm số cao hơn 8.5
Tại Tokyo Game Show 2009, khi Castlevania: Lords of Shadow đã khiến rất nhiều game thủ thất vọng vì họ sợ rằng thêm một bản Castlevania 3D sẽ tiếp tục hủy hoại danh tiếng của dòng game lâu đời này. Thế nhưng, Lords of Shadow đã chứng tỏ được một sự thực ngược lại.
Tựa game được phát triển bởi Mercury Steam dưới sự cố vấn của ngài Hideo Kojima này không chỉ nhận được giới chuyên môn khen ngợi về mặt thiết kế lẫn chất lượng mà còn làm hài lòng được các fan khó tính của series Castlevania trong nhiều năm qua. Về bản chất, Lords of Shadow là một tựa game hành động phiêu lưu. Thế nhưng, cái hồn của nó lại là của một trò chơi Castlevania cổ điển.
Trong Castlevania: Lords of Shadow, nội dung chính của game tập trung vào các mảng khám phá, leo trèo, giải đố. Các pha đánh đấm và đấu trùm trong game chỉ đóng vai trò giữ lửa cho nội dung của toàn bộ trò chơi và không quá xuất sắc. Mặc dù vậy, việc nâng cấp các kĩ năng đặc biệt cho nhân vật chính lại tạo nên chiều sâu cho hệ thống chiến đấu của game.
Các màn chơi trong Castlevania được thiết kế đa tuyến. Luôn có nhiều hơn một con đường để đi tới cái đích yêu cầu và để lục lọi hết các ngóc ngách trong màn chơi, game thủ cũng phải chịu khó back-tracking (quay về những địa điểm cũ). Cấu trúc các màn chơi trong game cũng tương đương như một mê cung nhỏ, một số khác còn đánh đố khả năng ghi nhớ đường đi và tưởng tượng về không gian của người chơi.
Yếu tố leo trèo trong game không được linh hoạt như Prince of Persia hay sản phẩm gần đây là Enslaved: Odyssey to the West. Tuy nhiên, đối với một tựa game thuộc dòng Castlevania, việc thể hiện những màn chơi kinh điển của series này trên nền 3D được như Lords of Shadow đã là một thành công lớn bởi trước đó chưa từng có phiên bản nào làm được kỳ tích này.
Mặc dù vậy, các pha leo trèo vẫn đóng vai trò không nhỏ trong tựa game này bởi chúng kích thích óc phán đoán của game thủ trong vai trò di chuyển và giải đố. Các câu đố trong game cũng được thiết kế rất hay. Gần như mỗi màn chơi đều có một câu đố lớn cản đường bước tiến của nhân vật chính Gabriel. Một số chỉ có thể giải khi Gabriel đã tiếp nhận được một số năng lực đặc biệt và quay về vị trí đó ở một màn chơi cũ để sục sạo lại.
Thế nên, không hề có chuyện người chơi hoàn tất được nội dung của Castlevania: Lords of Shadow chỉ bằng cách tiến về phía trước. Tựa game này, giống như các phiên bản Castlevania cổ điển và các tựa game của Hideo Kojima ở điểm yêu cầu người chơi phải đầu tư nhiều thời gian và tâm trí mới có thể thấy được cái hay.
Trước đây, nhà sản xuất từng thừa nhận rằng họ đã học tập hệ thống chiến đấu của God of War để sử dụng trong Castlevania: Lords of Shadow. Tuy nhiên, về cốt lõi hai tựa game này khác nhau. Nếu như hệ thống chiến đấu của God of War sử dụng các yếu tố kiểm soát đám đông và việc chọn thời điểm thích hợp để xuất chiêu thì Castlevania lại đề cao khoảng cách an toàn giữa nhân vật chính với kẻ địch và các năng lực ánh sáng, bóng tối và việc tinh ý trong cách sử dụng các loại vũ khí phụ của nhân vật chính.
Các trận đấu trùm trong game là lúc người chơi phải thể hiện những kĩ năng ứng biến cao nhất của mình. Hầu hết đòn tấn công của các con trùm đều không thể đỡ được và có tầm ảnh hưởng rộng nên chỉ riêng việc né đòn cũng đã khó khăn. Đó là còn chưa kể đến việc game không có các loại đồ hồi phục sinh lực và người chơi phải kích hoạt phép thuật ánh sáng để vừa tấn công vừa hồi sức. Castlevania: Lords of Shadow không cho người chơi có đường lùi.
Video đang HOT
Về phong cách đồ họa, Castlevania: Lords of Shadow có nhiều khung cảnh sáng và hoành tráng hơn là không khí lạnh lẽo, rùng rợn và ma quái của series này. Thế giới trong Castlevania: Lords of Shadow giống như một cuốn bách khoa toàn thư về thế giới thần tiên ma quái của phương Tây được thể hiện theo phong cách của một cuốn tiểu thuyết fantasy.
Nhiều công trình kiến trúc đậm chất Gothic và những đại cảnh tráng lệ là điểm nhấn chính trong suốt cuộc hành trình của người chơi. Về phần nhạc nền, thật khó để tìm kiếm lại được phong cách kinh dị và mê hoặc của nữ nhạc sĩ Michiru Yamane trong các phiên bản như Symphony of the Night. Thế nên, game thủ cũng không thể trách Mercury Steam về việc nhạc nền của game không lột tả được đúng chất kinh dị. Bản thân Lords of Shadow cũng đã xem nhẹ yếu tố rùng rợn trong quá trình phát triển.
Castlevania: Lords of Shadow là một tựa game hay. Đối với các fan gạo cội của Castlevania thì nó hoàn toàn xứng đáng với một điểm số cao hơn điểm trung bình 8.5 mà các trang web khác đã chấm.
Theo gamek
Enslaved: Odyssey to the West - Sáng tạo nhưng vẫn chưa đủ độ chín
Xét cho cùng, Enslaved: Odyssey to the West là một tựa game hay. Nó chỉ có một lỗi duy nhất là chưa hoàn hảo.
Trong tháng 10 này, Enslaved: Odyssey to the West là một trong những tựa game hành động phiêu lưu mà các game thủ không thể bỏ qua. Tựa game này chưa được nhiều người biết đến bởi nó chỉ là một thương hiệu mới và vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường. Thế nhưng, những yếu tố sáng tạo trong thiết kế của trò chơi này cùng với tiềm năng tương lai của nó thì lại khiến cho mọi người không thể hờ hững.
"Đạo" Tây Du Ký liệu có phải là một ý tưởng hay?
Ngay từ khi mới được công bố, Enslaved: Odyssey to the West đã được mọi người chú ý đặc biệt bởi cốt truyện của nó vốn được xây dựng dựa trên nội dung của tác phẩm kinh điển từ Trung Hoa. Tuy nhiên, với thời lượng hạn hẹp của một tựa game, sản phẩm này cũng mới chỉ vay mượn được một số ý tưởng về nhân vật để đưa được vào tác phẩm của mình.
Còn lại, các yếu tố về tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, tâm linh và đặc biệt là cả một thế giới thần tiên của Trung Hoa cổ vẫn chưa được truyền tải hết. Nhận xét một cách nghiêm khắc thì Enslaved: Odyssey to the West mới chỉ là một tác phẩm lấy đề tài về thế giới sau ngày Tận Thế và chứa đựng một số điểm sáng trong thiết kế nhân vật. Mặc dù vậy, nội dung của nó lại được bù đắp bằng những thủ pháp điện ảnh sẽ được nhắc đến ngay dưới đây.
Game của Ninja Theory = 1/2 ý tưởng hay 1/2 chất điện ảnh
Từ sau khi thực hiện dự án Heavenly Sword, studio của Anh Quốc này đã đã được các game thủ trên toàn thế giới biết đến. Tựa game mà họ phát triển độc quyền cho PS3 khi đó không phải là một sản phẩm xuất sắc. Thế nhưng, những nỗ lực trong việc truyền tải một trải nghiệm chân thực như điện ảnh của nó lại khiến mọi người không thể xem thường.
Đặc biệt, trong các thành viên cốt cán của Ninja Theory còn có Andy Serkis - diễn viên nổi tiếng đã thổi hồn cho Gollum trong bộ ba tác phẩm điện ảnh The Lord of the Rings. Sự xuất hiện của ông trong vai trò chỉ đạo diễn xuất khiến cho những nhân vật trong game có được nét biểu cảm "giống người" hơn nhiều so với các tác phẩm cùng loại. Trong dự án Enslaved: Odyssey to the West, Andy Serkis đã đích thân thực hiện mockup cho các chuyển động trên gương mặt của nhân vật chính Monkey.
Ngoài ra, Enslaved: Odyssey to the West đôi khi còn khiến người chơi phải ngỡ ngàng vì những góc quay đẹp và rất "phim". Đáng tiếc rằng những điểm sáng này lại kém liền mạch so với phần còn lại của cả trò chơi, khiến cho các game thủ chỉ có thể nuối tiếc, trông đợi vào một ngày trò chơi điện tử tiến gần hơn tới mức độ phát triển của điện ảnh hiện đại.
Những tình tiết hài hước, thú vị và các câu hội thoại khó quên chỉ thực sự xuất hiện ở 1/3 cuối của game, khi "Trư Bát Giới" Pigsy xuất hiện. Thực sự thì cá tính hài hước, vài nét ích kỷ của một người đàn ông, đôi chút đáng thương và cả một tấm lòng hy sinh cao cả của con người này tỏa sáng nhiều hơn cả "vai diễn" mạnh mẽ, đáng tin cậy và ngỗ ngược của Monkey.
Rất nhiều tạp chí danh tiếng đã khen ngợi Enslaved: Odyssey to the West vì một cốt truyện đầy tính nhân văn và một chiều sâu về tâm lý nhân vật. Cá nhân tôi không cảm thấy nó đáng ca tụng đến thế bởi so với điện ảnh chính thống, Enslaved vẫn còn thua kém nhiều, mặc dù sự thua kém của nó đến từ sự khác biệt trong cách thể hiện của hai loại hình.
Thế nhưng, so với các tựa game ngày nay thì Enslaved xứng đáng được đứng cạnh những huyền thoại như Metal Gear Solid hay Shadow of the Colossus về tính điện ảnh trong game.
Mọi ý tưởng sáng tạo đều cần quá trình phôi thai
Gameplay của Enslaved: Odyssey to the West vượt qua mọi tác phẩm hành động phiêu lưu cùng loại trong yêu cầu về "đầu óc". Nếu tinh ý thì chắc hẳn bạn đã chú ý tới dòng chữ Tactical Action Adventure trong thể loại của tựa game này. Ngay cả những pha hành động, đánh đấm "chân tay" nhất của game cũng đòi hỏi người chơi phải khôn khéo chọn thời điểm tấn công cũng như tính toán trước khi ra một chuỗi đòn tiếp theo.
Trong một số màn chơi, yếu tố chiến thuật sẽ còn giúp các game thủ giải quyết nhanh chóng những rắc rối trên đường đi. Bên cạnh đó, một chi tiết đáng khen ngợi khác của Enslaved: Odyssey to the West là sự xuất sắc của nó trong việc pha trộn những cảnh leo trèo, khám phá với hành động lén lút và một chút FPS. Khi đó, những tình huống "nghìn cân treo sợi tóc" càng trở nên có sức quyến rũ hơn.
Đáng tiếc rằng những yếu tố đổi mới này vẫn chưa đạt được độ chín cần thiết để trở thành một sản phẩm 5 sao. Từng chi tiết đơn lẻ trong hệ thống chiến đấu và leo trèo của game đều chưa đạt tới một chiều sâu cần thiết. Ngay khi bạn vừa làm quen được với hệ thống này để không còn cảm thấy bỡ ngỡ thì game đã chỉ còn một nửa nội dung.
Những màn chơi ở phần cuối game thực sự cam go và đầy những tình huống cân não. Thế nhưng, như thế vẫn chưa đủ để người chơi phải ngất ngây trong suốt một thời gian dài sau khi chiêm ngưỡng cái kết. Mặc dù vậy, tôi vẫn giữ quan điểm của mình rằng mọi ý tưởng sáng tạo đều cần có một quá trình phôi thai và Enslaved phần 2 chắc chắn sẽ có một gameplay hoàn thiện hơn.
Cuối cùng, Enslaved: Odyssey to the West để lại những ấn tượng gì sâu sắc?
Bất ngờ nhất trong toàn bộ trò chơi phải nói đến sự xuất hiện của Cloud (Cân Đẩu Vân phiên bản ngoại của Monkey). Món "bảo bối" này thật sự là chi tiết ấn tượng trong toàn bộ game. Thậm chí, những màn chơi gay cấn, nghẹt thở và "khó nhai" cũng đều xoay quanh nó.
Cloud có thể di chuyển với tốc độ cao trên mặt nước và một số địa hình cá biệt. Nhà sản xuất đã tận dụng chi tiết này để mang tới cho người chơi một chút không khí của tốc độ. Khi được kết hợp với những địa hình phức tạp thì nó đã giúp kiến tạo nên một số màn chơi đặc biệt đáng nhớ của game. Chúng đáng nhớ từ những cảnh đẹp ở xung quanh cho đến cả những cú nhảy "khó như quỷ", khiến game thủ phải chơi lại một cảnh nhiều lần.
Màn rượt đuổi với con robot tê giác (Rhino) ở gần cuối game thực sự rất khó và gay cấn. Tuy nhiên, những con người hardcore sẽ muốn Ninja Theory kéo dài màn chơi này để vắt kiệt sức tập trung cùng sự kiên nhẫn của game thủ trước khi họ được "tưởng thưởng" bằng việc thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành một thử thách đầy cam go. Bản thân tôi trong khi chơi Enslaved: Odyssey đã từng kỳ vọng rất nhiều vào việc sau này sẽ unlock được một mini game đua Cân Đẩu Vân. Đáng tiếc rằng điều đó lại không thành sự thật.
Những trận đấu trùm trong game luôn hấp dẫn và gay cấn trong lần đầu tiếp xúc bởi chúng đòi hỏi người chơi phải thử nghiệm rất nhiều lần mới có thể phát hiện ra điểm yếu của một con trùm. Tuy nhiên, khi đã tìm ra yếu tố "ngàn vàng" đó và hạ được con trùm thì sự thú vị đã tiêu tan. Ở lần chơi lại game thứ 2, ngay cả trong độ khó cao nhất thì người chơi cũng chẳng còn gặp lại những thách thức quá lớn, ngay cả ở những con trùm khó.
Xét cho cùng, Enslaved: Odyssey to the West là một tựa game hay. Nó chỉ có một lỗi duy nhất là chưa hoàn hảo.
Theo gamek
Những điều bạn nên biết về Pokemon Black/White Pokemon Black/White đã được ra mắt trên thị trường Nhật Bản vào 18/9 vừa rồi, nhanh chóng lập được hai thành tích: trở thành game được đặt trước đạt mốc 1 triệu nhanh nhất và là game thứ 15 được điểm tuyệt đối trên Famitsu. Mong chờ gì: Pokemon mới, những cách tân trong dòng game Lại một lần nữa, game thủ có...