Cascadeur Việt kể chuyện ‘bay và cháy’ ở Bollywood
Để có những thước phim hành động mãn nhãn trên màn ảnh, diễn viên đóng thế phải đối diện rủi ro, nguy hiểm tính mạng. Tuy vậy, cát-xê mà họ nhận được không đáng bao nhiêu.
Cascadeur Thanh Trung nhớ mãi cảnh quay đánh nhau với diễn viên chính người Ấn cao trên 1,9 m. Thông thường ở những cảnh như thế này đối với cascadeur Việt chỉ là chuyện nhỏ, bởi trình độ võ thuật từ các “tuyển thủ” cascadeur ở Việt Nam rất cứng cựa.
Cascadeur Việt thực hiện những cảnh mạo hiểm.
Với trận đánh đầu tiên, Thanh Trung được lãnh nhiệm vụ: đánh 4 chiêu gạt đỡ sẽ bị tung một cú đá, khiến anh bay xa 4 mét đập thẳng vào vách gỗ, phía sau được hiểm trên 100 thùng giấy. Cảnh diễn ra ngon lành.
Đến phân đoạn thứ hai, Thanh Tuấn lãnh trọn cú cú đấm móc, khiến anh tung lên cao, lộn một vòng nằm sấp dưới mặt đất một cách thảm thương. Xin thưa đây cũng là chuyện nhỏ, bởi Tuấn từng là tam đẳng karate kiêm kiện tướng nhào lộn.
150 USD cho một cảnh quay đánh đổi mạng sống
Nhưng đến cảnh giao đấu với cascaduer Minh Chiến, một tuyển thủ võ cổ truyền kiêm Vovinam. Do quá tự tin và muốn tạo độ ngầu cho vai diễn của mình, Chiến chọn chiếc áo ba lỗ (nhằm khoe cơ bụng 6 múi). Cảnh này theo quy định sau khi nhận cú đá quét, Chiến sẽ bay lên một cái bục, chàng vai chính tiếp tục tung cú đá vòng, khiến Minh Chiến trúng đòn sẽ văng lên xoắn 2 vòng trên không và đáp xuống mặt kính xe hơi.
Chỉ mới tập thử vài chiêu là Chiến đã hơi mất tinh thần, chính anh cũng không biết khi đáp xuống tấm kính thì cái lưng hay cái đầu sẽ đập vô kính? Mà phần nào dính đòn thì cũng sẽ rơi vào bi kịch. Chỉ có một điều an ủi duy nhất là tay chỉ đạo võ thuật Ấn Độ khoe cái “rờ mos” cầm trên tay. Với 2 con chíp gắn trên tấm kính xe hơi, hắn ra dấu như ngầm bảo: Cứ yên tâm bay vào tấm kính, tôi sẽ bấm nút cho nó bể trước khi rơi vào… ok? Dĩ nhiên vì thể diện của một cascadeur Việt trên xứ người, toàn thể anh em đều ủng hộ Chiến chơi tới luôn.
Khi tiếng đạo diễn dứt khoát: “Camera, Action…”, chàng diễn viên người Ấn hét lên một tiếng thật to rồi lao vào, Chiến hùng dũng đá, đấm gạt đỡ khoảng ba chiêu, anh đã bị hắn tung một cú đá vòng. Trúng đòn, Chiến tung mình lên không xoắn hai vòng đúng y như dự tính, toàn thân 75 ký của Chiến đập thẳng vào tấm kính, tiếng nổ vang lên, kính bể nát, văng lên những mảnh kính li ti, tạo ra một hình ảnh cực… lạ.
Cả hiện trường nín lặng không một tiếng động. Diễn viên Ấn Độ thần sắc rất uy dũng trong tâm thế người chiến thắng. Còn Chiến sau vài giây lăn lộn rên la thảm thiết, anh nằm gục trong khoan xe hơi, hai cái chân vẫn còn lúc lắc bên ngoài, như báo hiệu một tên cướp đã rồi đời. Tiếng đạo diễn lại vang lên: “Good tex…”.
10 anh em caccadeur Việt reo hò, vừa vỗ tay như mừng cảnh quay thành công. Nhưng khi họ lao vào cứu nguy cho Chiến, cũng là lúc nhìn thấy trên đầu anh máu chảy thành… dòng. Một vết đứt dài trên đỉnh đầu, anh lập tức được nhập viện cấp cứu.
Ở đất lạ quê người, chỉ xì xào vài ba câu tiếng Anh bập bẹ, nhưng chúng tôi cũng hiểu được: Minh Chiến phải khâu 12 mũi để cầm máu. Cầm một đống thuốc với lời kèm: “Ngưng ngay những trò hành động nguy hiểm này”. Sau gần 3 tiếng đồng hồ ở bệnh viện, Chiến được về đến phim trường, anh đón nhận những tràng vỗ tay rất nhiệt liệt. Đạo diễn cũng tuyên bố thưởng thêm cho anh 100 USD, cộng thêm tiền đóng pha nguy hiểm là 150 USD. Nếu cộng với lương cơ bản 100 USD một ngày quay, thì hôm nay anh như người trúng mánh khi được lĩnh 350 USD.
Nghề đóng thế luôn đối diện với nguy hiểm, tai nạn.
Ngồi trong góc phim trường, Chiến nhỏ nhẹ tâm sự: “Nếu em mặc áo dài tay, sẽ được lót đồ bảo hiểm, em sẽ cố gắng khiến cho cái lưng đập vào tấm kính thì đã không bị nứt sọ não như thế này. Có lẽ em quá phân tâm và cũng chính vì tay bấm nút “rờ mos” chậm một giây, khiến cái đầu em đập vào kính, chứ không phải kính vỡ trước khi em lao vào.
Đây là kinh nghiệm xương máu của anh em mình, không được chủ quan, phải phối hợp đồng bộ thì không có tai nạn “ê chề” như thế này xảy ra”.
Nói xong tôi thấy đôi mắt Chiến nhìn xa xăm, như hướng mắt về phía gia đình ở Việt Nam, nơi anh từng là một cậu ấm được cưng chiều, chứ không phải là một tay liều mình trên đất khách.
Một hai ba… chúng ta cùng xông vào!
Nếu buổi sáng là tai nạn “thất kinh” của Minh Chiến, thì buổi chiều là một pha có một không hai khi đạo diễn yêu cầu phải có hai cascadeur cùng lao vào tấm kính do né một quả nổ đang lao vào mình.
Lãnh nhiệm vụ này là hai cascadeur Thiện Hiếu và Tuấn Voi. Hiện trường là một bức tường, phía trên là hàng loạt tấm kính thật 100% sừng sững như thách đấu hai chiến binh chuẩn bị lao vào.
Có lẽ ảnh hưởng tâm lý rất nhiều từ chuyện Minh Chiến vừa đi từ bệnh viện về với 12 mũi khâu trên đầu nên gương mặt hai diễn viên đóng thế này tỏ ra khá căng thẳng. Công tác bảo hộ được anh em tăng cường tối đa.
Ở bộ phận lưng, cùi chỏ, đầu gối và cánh tay của hai chàng này được lót gần như kín. Với phương châm an toàn, thoải mái, tự tin… cả nhóm cascaduer trên xứ Malaysia trong lúc này tinh thần gần lên lên cao ngất ngưởng. Bởi tâm lý của những người thế mạng là khi thực hiện bất kỳ pha đóng phim nào thì an toàn được đưa lên hàng đầu. Việc Chiến đi bệnh viện cứ như một mặc cảm cần phải xoá bỏ, phải làm thật tốt để chứng minh cascadeur Việt Nam đều là những chiến binh dũng mãnh.
Những kíp nổ được gắn kỹ lương trên góc của hai tấm kính có kích thước ngang 3 m, cao 2 m cứ sừng sững như thách đố những kẻ liều mình lao vào. Phía sau tấm kính là 300 thùng giấy cùng 10 tấm nệm được sắp xếp theo dọc vách tường như đón hai chiến binh sẽ rơi vào vùng an toàn.
Cả hiện trường không một tiếng người, không khí trầm lặng đầy ưu tư như sắp chào một việc trọng đại xảy ra. Tại vị trí trước máy quay, Thiện Hiếu và Tuấn Voi hiên ngang trong tư thế sẵn sàng. Những cascadeur còn lại nằm sẵn ở vị trí thuận lợi như sẵn sàng ứng cứu đồng đội khi xảy ra chuyện. Một chuyến xe 12 chỗ cũng đã vào vị trí, vì nếu có chuyện gì nguy, sẽ cấp cứu ngay.
Video đang HOT
Chấn thương là điều dễ gặp với diễn viên đóng thế.
Tiếng đạo diễn người Ấn cũng căng thẳng vang lên: “Camera, action…”. Khẽ chùn chân, cả hai cascadeur từ trong tấm kính bật người lên cao, tạo một vòng xoắn tuyệt đẹp rồi lao thẳng vào tấm kính. Tiếng nổ từ tấm kính vang lên chớp nhoáng. Thân hình “hộ pháp” của hai kẻ liều mình cùng với những mảnh kính văng tứ tung, rồi rơi xuống đống thùng giấy một cái ầm. Cả hiện trường rơi vào… nín lặng, không một ai dám lên tiếng khi chưa có lệnh của đạo diễn. Khó tả được cảm xúc lúc này, khi nhìn hai thân xác quằn quại, tiếng rên la của người sắp chết đang giẫy giụa, đã có người bịt mắt không dám nhìn.
Lệnh đạo diễn vang lên: “Good tex”, cả hiện trường gào thét như tháo bỏ sự im lặng đáng sợ từ nãy giờ. Hình ảnh nhảy nhót ăn mừng của các “chiến binh” cascadeur khi lôi được hai “ông thần” liều mạng Thiện Hiếu và Tuấn Voi ra khỏi khu vực kính như mừng một chiến công vang dội. Sau khi tháo tất cả quần áo, đồ bảo hộ… nhìn hai chàng vẫn vẹn nguyên 100%, cả nhóm lại reo mừng. Đạo diễn, chàng diễn viên chính cũng ào tới, bắt tay chúc mừng thành công của cảnh quay quá tuyệt.
Nghẹn lời trong tâm thế người hùng, Thiện Hiếu tâm sự: “Em từng đốt cháy toàn thân, từng bay xe trên không, từng té trên núi cao xuống, nhưng cảm giác lao vào tấm kính thật này nó luôn kèm với hình ảnh Minh Chiến đi nhà thương, nói thật: Run có run, sợ cũng có sợ nhưng hai điều này nếu so với danh dự của người đóng thế nó buộc em vào thế phải dũng mãnh tự tin, quyết tâm thật cao để chơi cho cho đoàn phim Bolywood biết rằng cascadeur Việt Nam rất… thiện chiến”.
Bay và cháy ở… Bolywood
Cảnh quay quy định: Nhân vật chính Ấn Độ tung một cú đá khiến 4 cascadeur Việt bay xoắn nhiều vòng lên không và bốc cháy sẽ được diễn ra trong một cái hầm rực lửa từ 50 bình ga được các chuyên gia điều khiển.
Chất tạo cháy là keo, đồ bảo hiểm chỉ là những miếng vải quấn quanh chân. Cái khó của cảnh này là sự phối hợp với tài tử chính của phim, anh này phải tung cú đá song phi, sau đó lộn ngược một vòng trên không đáp xuống như tạo hùng khí của một anh hùng. Bốn cascadeur Hồ Hiếu, Hải Long Anh, Thanh Tuấn và Huỳnh Phú đảm nhiệm pha diễn. Hơn một chục lần quay, từ cảnh toàn, cảnh trung đến cảnh cận, xem ra mọi việc đều diễn ra đẹp y như… phim.
Diễn viên đóng thế chuẩn bị trước các cảnh quay mạo hiểm.
Nhưng ở lần quay cuối, không hiểu sao cái đầu của cascadeur Thanh Tuấn bất ngờ quay ngược về phía cái chân đang bốc cháy hừng hực của Hồ Hiếu, cả hai đang lơ lửng trên không nên cũng khó có ai phát hiện đều gì đang xảy ra. Nhưng tiếng hét vì nóng của Tuấn như át hẳn cả phim trường, khiến nhiều người giật mình và lo sợ.
Nhưng tổ kéo dây ở phía bên bờ tường cách xa 20 m lại không hề nghe tiếng kêu cứu. Sau gần một phút, khi gương mặt của Tuấn được “nướng” trong đôi chân cháy của Hiếu mới được anh em cascadeur cứu xuống.
Hiếu thì hoảng loạn, còn Tuấn đứng như trời trồng, đôi mắt nhắm nghiền không mở được, gương mặt khen khét mùi cháy. Cả hiện trường náo loạn vì tiếng la hét ì xèo từ người Ấn và cả người Việt. Người xách nước, người tìm khăn lau, người tháo bộ áo chống cháy cho Tuấn… Có người bê nguyên thùng nước đá xối vào người anh, nhằm chống phỏng.
Đôi mắt Tuấn vẫn nhắm nghiền, anh không nói một lời, chỉ đứng yên và chịu trận với những dòng nước mát từ đồng đội xối vào người. Có lúc viễn cảnh đôi mắt anh sẽ mù vì lửa đã diễn ra trong suy nghĩ của nhiều người.
Đến khi cả phim trường ổn định, đôi mắt của Tuấn từ từ mở to. Chính anh là người hét to nhất trong sự sung sướng của cả đoàn người trong phim trường. Dường như trong cửa tử, khi con người ta tìm được cửa sinh, mọi thứ sẽ như đảo lộn và cuộc đời trở nên tươi đẹp hơn khi biết mình vừa… thoát chết. Tuấn đã tâm sự như thế!
Theo Zing
Chuyện chưa kể về các diễn viên đóng thế đình đám ở Việt Nam
"Khi xe đáp xuống mặt đất, quả nổ vang lên, lửa hừng hực cả góc trời, đầu xe bẹp dúm... đoàn phim đã tưởng tôi chết" - cascadeur Trần Như Thục kể lại một cảnh quay.
Ngày 14/8 giới làm phim Hollywood đau xót trước tai nạn thương tâm của diễn viên đóng thế trên phim trường Deadpool 2 tại Canada. Chấp nhận thực hiện những pha hành động mạo hiểm, đối diện với cái chết trong gang tấc có lẽ là điều mọi người thường nghĩ về nghề đóng thế.
Ở Việt Nam, nghề diễn viên đóng thế xuất hiện từ những năm đầu thập niên 1990. Nói là nghề nhưng diễn viên đóng thế lại quy tụ nhiều anh em xuất thân đủ ngành nghề trong xã hội từ chiến sĩ công an, giáo viên trường nghệ thuật, thợ may, kỹ sư cơ khí, sinh viên...
Dường như công việc này không giới hạn ngành nghề, chỉ cần đam mê võ thuật, mạo hiểm đều có thể làm cascadeur.
Cascadeur Việt Nam là giáo viên, kỹ sư, sinh viên, công an...
Một ngày của cascadeur Việt Nam thế nào?
Khó kể hết và mô tả công việc của những chàng trai cô gái lạ kỳ này. Có những chuyến đi xa, có khi ra tận nước ngoài, từ Ấn Độ, Malai, Thái Lan, Singapore cho đến những vùng núi Cao Bằng, Lạng Sơn hoặc ở những vùng miền Tây sông nước.
Họ xuất hiện ở khắp nơi để thực hiện những pha lạ đời mà người thường không làm được. Như có lúc một cascadeur phải đu dây từ đỉnh thác Đambri 56 mét xuống trong bộ phim hành động của Hong Kong.
Có khi họ nhận show toàn thân bốc cháy trong bộ phim của Pháp, rồi vọt qua Ấn Độ để thực hiện pha xoắn người bay lên không với "chảo lửa" có trên 50 bình ga để đốt cháy. Những cũng có lúc họ ăn dầm, nằm dề ở công viên để thực hiện bằng được những pha bay người trên không, nhằm minh hoạ cho những tiết mục... ca nhạc của một ngôi sao.
Nghề cascadeur đầy hiểm nguy, không có chuyện tay ngang mà gia nhập được
Hầu hết đều tham gia với tinh thần tự nguyện, nhưng phải có trình độ của một người chuyên đóng thế. Phải giỏi võ, giỏi nhào lộn, thành thạo các kỹ thuật cơ bản của màn đu dây, lái môtô... Nghề vốn hiểm nguy, nên không có chuyện là tay ngang mà có thể gia nhập được.
Điều cần nhất cho những chuyến đi xa kiếm cơm này phải là sự đoàn kết, kỹ thuật cao, mà kỷ luật cũng không hề thua kém quân đội. Nói như thế để các bạn có thể hình dung, những tay cascaduer có lúc như những chiến binh dũng cảm, ngoan cường nhưng rất giàu tình cảm.
Họ luôn biết chia sẻ những đắng cay ngọt bùi, nhằm làm nên những chiến tích oai hùng. Nhưng không phải ai cũng thấy được những đóng góp âm thầm của họ.
Thỉnh thoảng trên màn ảnh, khán giả sẽ thấy pha bay lượn từ nóc nhà sang toà cao ốc, cảnh ngọn đuốc cháy rực người của tên quân sĩ từ cổng thành của giặc quân Thanh, loạng choạng với những bước chân trong một cảnh hãi hùng của trận đánh nhau.
Chớp mắt hơn là những cảnh đua xe rợn người với những cú lạng lách, chặt cua rồi đâm sầm vào những con đường vắng kèm với những quả kinh hồn...
Những cảnh này thường xẹt qua màn ảnh, nhưng với những tay cascadeur đã phải đánh đổi bằng những phút giây xuất thần, đôi lúc đánh đổi bằng mồ hôi và cả máu. Đó là câu chuyện rất thường ngày đối với những người hành nghề... thế thân.
Pha bay xe hơi đầy nguy hiểm của Trần Như Thục.
Trước khi bay viết thư xin lỗi vợ
Nghề đóng thế phát triển ở Việt Nam gần 20 năm qua, nhưng nay vẫn chưa có một tay cascadeur nào thật sự là một ngôi sao để lãnh cát-xê cao ngất ngưởng. Đó vẫn là là cái nghề... ẩn mình.
Khán giả từng chứng kiến những pha bay xe lên trời rồi nổ tung rợn người của ca sĩ Lý Hải trong series phim ca nhạc Trọn đời bên em. Nhưng mấy ai biết người hùng thật sự giúp Lý Hải toả sáng trên thị trường âm nhạc lại là một chàng võ sĩ ở tuốt Biên Hoà.
Trần Như Thục vốn xuất thân là một tay mê võ, mê phim. Anh tự tìm đến bạn bè rồi lân la làm quen để gia nhập câu lạc bộ cascadeur trong những ngày đầu nhiều gian khó.
Anh tự biết mình không phải là một tuyển thủ võ thuật, cũng không phải là một kiện tướng nhào lộn, vốn diễn xuất cũng chỉ là con số không... Vậy con đường nào đã giúp anh trở thành một thủ lĩnh thật sự với hàng trăm đàn em ngưỡng mộ?
Duy nhất chỉ một điều đó là sự đam mê. Tự lượng sức mình không có những năng khiếu nổi trội, Thục âm thầm nung nấu những ý chí lạ thường để mong muốn thực hiện những pha hành động để đời trên màn ảnh. Ở anh, điều dễ thấy nhất là sự khiêm nhường, nhỏ nhẹ, luôn kính trên nhường dưới.
Để có những cảnh quay như một kỳ tích, mấy ai biết Thục phải hàng ngày lặn lội từ Biên Hoà xuống thành phố. Những ngày mưa nắng, kể cả những ngày buồn tủi vì tiền bạc không rủng rỉnh, Thục vẫn lẳng lặng và kiên trì đeo bám sân tập.
Bằng một ý chí mạnh mẽ và một ý thức cao, Thục luôn xuất hiện mỗi lúc mọi nơi trên phim trường, tạo niềm tin với đồng nghiệp. Và khi nhận được "đơn đặt hàng" bay xe, anh tự tin và bản lĩnh tạo nên những kỳ tích.
Cascadeur Trần Như Thục.
Ba lần bay xe trên không là cả ba lần anh đánh đổi mạng sống của mình để có những cảnh quay tuyệt vời. Vậy mà gặp anh ngoài đời, vẫn nụ cười nhỏ nhẹ, vẫn ánh mắt thân thiện khiến người đối diện khó hình dung ra rằng anh là tay chơi ẩn mình đầy chiến tích của giới cascadeur.
Thục tâm sự: "Ở lần đầu tiên, mọi việc chỉ được ước tính bằng... linh cảm của người cascadeur. Từ tốc độ xe bay, trang phụ bảo hiểm và cả việc hàng khung sắt trong xe cũng tự anh em chúng tôi mày mò".
"Trước khi bay, tôi đã viết thư tay xin lỗi vợ, vì cứ nghĩ đến chuyện một bay không trở lại, không còn lo được cho vợ con sau này. Chỉ khi chiếc xe đáp xuống mặt đất, anh em lôi tôi ra khỏi xe, tôi mới biết chắc mình còn sống", anh kể.
Đến lần bay xe thứ ba tại quận 9, vì tự đặt chỉ tiêu bay xa hơn, tốc độ cao hơn nhằm gây hiệu quả hấp dẫn hơn (tức là tự đặt mình vào con đường khó) Thục đã tự viết lá thư tay "trăng trối".
Chỉ khi xe đáp xuống mặt đất, anh em lôi tôi ra khỏi xe, tôi mới biết mình còn sống
Nội dung của thư là nếu xảy ra chuyện gì, anh xin hoàn toàn chịu trách nhiệm, xin chính quyền đừng truy cứu một ai... Nhớ đến chi tiết này, đến giờ Trần Như Thục vẫn còn bồi hồi khó tả.
Cảnh quay này có gần 5.000 người theo dõi từ sáng đến 6 giờ chiều. Khi lệnh đạo diễn vang lên, Thục chỉ kịp mơ màng vài giây để định lại tinh thần và nhấn tăng ga với tốc lực 100 km/giờ, với độ bay xa gần 100 mét.
Khi xe đáp xuống mặt đất, quả nổ vang lên, lửa hừng hực cả góc trời, đầu xe bẹp dúm... Trước thảm trạng này nhiều người đã khóc vì tưởng anh đã chết...
"Vậy mà cuối cùng thần chết đã từ chối tôi, tiếng reo hò của đồng đội, tiếng vỗ tay la hét sôi động cả phim trường. Lúc này, tôi thấy mình như được tái sinh lần hai trong cuộc đời và một pha mạo hiểm đã thành công ngoài dự đoán", Trần Như Thục kể.
Những bóng hồng hành động
Ngày nay, trên màn ảnh đã xuất hiện những bóng hồng... hành động. Họ thừa sức thực hiện những thế võ hoa mỹ, những cú bung mình từ trên không để bay xuống dòng sông... thơ mộng.
Những pha nghẹt thở này thật sự đã khiến nhiều người xem thắc mắc: họ là ai? Một trong số đó là Phi Ngọc Ánh, hoa khôi của cuộc thi hoa anh đào từ những năm 2009. Với nhan sắc của một nàng hoa khôi, Ánh dư sức thể hiện mình qua những ngành nghề nhẹ nhàng, sung sướng.
Nhưng cô lại thích những pha mạo hiểm, nó gần như gắn liền với cô trong cuộc sống hàng ngày. Rảnh lên sân tập, thuần thục đến từng chiêu thức trong võ thuật với những tay lì lợm từ cascadeur.
Ở cô gái này, khi đối diện ta sẽ dễ dàng nhận những nụ cười thân thiện. Nhưng ở sàn diễn và trường quay, Ánh sẽ là một con người hoàn toàn khác. Cô ác liệt với những chiêu thức kết liễu đối phương, bạo dạn với những pha nghẹt thở tưởng chừng như chỉ dành cho các... dũng sĩ.
Phi Ngọc Ánh nhận giải nữ diễn viên hành động xuất sắc nhất châu Á tại lễ trao giải Korea Culture & Entertainment Awards ở Hàn Quốc năm 2016.
Bao lần đối diện với cướp ngoài đường, Ánh xử lý cứ y như phim, nhanh lẹ dứt khoát khiến những tên cùng đường khi biết Ánh là cascadeur chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Không phải ngẫu nhiên mà tháng 11/2016, tại lễ trao giải Korea Culture & Entertainment Awards ở Hàn Quốc, Ánh được bầu chọn là nữ diễn viên hành động xuất sắc nhất châu Á.
Đây được xem là một thành quả bất thường của một nữ cascadeur "phi thường". Bởi ngày thường hiện nay, nếu chúng ta đến thăm cô trên một sân tập dạy võ miễn phí cho các em nhỏ sẽ bắt gặp hình ảnh một cô giáo dịu dàng, nhẹ nhàng với những chiêu thức dễ hiểu, dễ tập trong một giáo án tự vệ dành cho thiếu nhi đầy hiệu quả.
Nghe Ánh tâm sự về buổi tập đời thường này thật ấm áp làm sao: " Xã hội giờ có quá nhiều bấp cập, sự tinh vi của kẻ xấu, sự non nớt của các nạn nhân, làm thế nào để giảm bớt nạn bạo lực học đường, chống lại tội phạm ấu dâm ghê tởm của những con yêu râu xanh đội lốt người?"
Tất cả như điều bức xúc được dồn nén trong tâm trí, Anh muốn truyền đạt phần nào những kỹ năng của mình, để ít nhất các em được bảo vệ cho chính bản thân mình. Hình ảnh một cô gái xinh đẹp, hòa nhã nhưng đầy kiên định của Phi Ngọc Ánh là thành công tiêu biểu cho những người hùng ẩn mình trên màn ảnh ngày nay.
Tay chơi đã khuất bóng
Nhắc đến cascadeur mà không nói về cố võ sư Thu Vân là điều thiếu sót. Ở con người thấp bé, mảnh mai này gần như hội đủ những yêu cầu của nghề nguy hiểm.
Bà từng đu dây tử thần từ nóc hãng phim, đốt toàn thân cho một cảnh quay tài liệu, băng qua đường để cướp tông xe... và thực hiện hàng chục vụ đánh nhau quyết liệt trên khắp màn ảnh của các đạo diễn cần pha hành động.
Làm nghệ sĩ không tự thực hiện những điều đó... thì phí lắm
Điều gì quyến rũ bà với những lần chạm mặt tử thần như thế? Bà từng chia sẻ: "Làm nghệ sĩ mà không tự tay thực hiện những điều đó, để có những cảm giác với nghề thì phí lắm".
Trên phim trường và sân khấu là thế, mấy ai hiểu được tấm lòng nghĩa khí của bà ở ngoài đời khi bán cả những tư trang để đóng tiền học cho câu lạc bộ. Vay tiền học trò, người thân để thực hiện các băng video nhằm tuyên truyền những bí kíp võ công của các bậc tiền bối.
Võ sư Thu Vân mạo hiểm thực hiện cảnh cháy toàn thân trong một bộ phim.
Khi mắc bệnh phải nằm viện, chỉ khỏe một chút, nghe tin có phim là bà trốn viện để mong có được một vai diễn ấn tượng. Ẩn sâu bên trong những điều tưởng chừng như đam mê nghệ thuật không bờ bến của bà là một tài năng đích thực, muốn đem đến cho người xem những gì hấp dẫn nhất.
Trong ngày nghỉ hưu, tưởng chừng bà sẽ an nhàn bên đàn cháu con. Nhưng không, những người thân vẫn phải "mệt mỏi" với hình ảnh bà tả xung hữu đột trong những chương trình văn nghệ, võ thuật miễn phí từ những học trò ở những ngôi chùa, viện mồ côi cơ nhỡ.
Chỉ đến khi sức tàn kiệt lực vì căn bệnh ung thư, bà mới chịu nghỉ ngơi dưỡng bệnh trong một bệnh viện suốt hai năm trời. Những ngày tháng ấy, với bà là một cực hình của người thích hành động.
Và bà đã ra đi trong một ngày nắng đẹp, để lại cho những người hùng ẩn mình một kỷ niệm về một cô giáo tận tụy với nghề bằng một lòng đam mê bất tận.
Theo Zing