Carrie Lam hoãn phát biểu vì nhận chỉ thị tới Bắc Kinh họp
Lãnh đạo Hong Kong thông báo hoãn bài phát biểu chính sách hàng năm sau khi nhận chỉ thị tới Bắc Kinh để họp với quan chức chính phủ.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam hôm nay thông báo bài phát biểu quan trọng hàng năm dự kiến diễn ra ngày 14/10, trong đó phác thảo các kế hoạch của chính quyền cho thành phố, sẽ bị dời đến cuối tháng 11. Đây là lần đầu tiên bài phát biểu của trưởng đặc khu bị hoãn trong lịch sử Hong Kong.
Việc hoãn được thông báo hai giờ sau khi truyền thông Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chủ trì lễ kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu thương mại kinh tế Thâm Quyến, giáp Hong Kong, và trùng thời điểm bà Lam dự kiến phát biểu.
Tuy nhiên, bà Lam khẳng định lý do chính của sự trì hoãn là việc bà dự các cuộc họp ở Bắc Kinh cuối tháng này về phát triển Khu vực Vịnh Lớn, một kế hoạch tích hợp Hong Kong, Ma Cao, Thâm Quyến và 8 thành phố phía nam Trung Quốc thành một trung tâm tài chính và công nghệ. Kế hoạch này được xem là chìa khóa động lực kinh tế để đẩy nhanh sự phục hồi của Hong Kong và Trung Quốc.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tại cuộc họp báo hàng tuần hôm 6/10. Ảnh: AFP.
Video đang HOT
“Tôi đã đưa ra các đề xuất để chính phủ xem xét và họ đã phản hồi tích cực với gợi ý rằng vì các đề xuất bao gồm nhiều đối tượng, cách tốt nhất là trưởng đặc khu đến Bắc Kinh và đích thân giải thích tại sao các biện pháp này lại quan trọng đối với Hong Kong”, bà Lam nói.
Bà Lam tái khẳng định đó là lý do thực sự cho sự trì hoãn bài phát biểu và không có cuộc họp nào được lên lịch giữa bà và ông Tập tại Thâm Quyến.
Hong Kong được quản lý theo mô hình “Một quốc gia, hai chế độ”, cho phép thành phố duy trì mức độ tự trị và một số quyền nhất định so với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình lớn kéo dài nhiều tháng năm ngoái khiến Bắc Kinh tăng cường các biện pháp quản lý.
Bắc Kinh hồi tháng 6 ban hành luật an ninh quốc gia đối với đặc khu, trong đó hình sự hóa một loạt tội phạm chính trị. Luật cũng cho phép nhân viên an ninh đại lục lần đầu tiên hoạt động công khai trong thành phố, cũng như trao quyền tài phán cho Bắc Kinh đối với các vụ đặc biệt nghiêm trọng.
Chính phủ Trung Quốc luôn ủng hộ bà Lam, dù xếp hạng tín nhiệm của bà tại Hong Kong khá ảm đạm. Các doanh nghiệp trong thành phố sẽ theo dõi kỹ bài phát biểu sắp tới của bà Lam.
Hong Kong đề nghị Bắc Kinh xử lý vấn đề pháp lý khi hoãn bầu cử
Carrie Lam cho biết cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc sẽ giúp giải quyết bất cứ vấn đề pháp lý liên quan khi Hong Kong hoãn bầu cử.
"Kể từ tháng một, chúng ta đã chiến đấu với Covid-19 suốt 7 tháng. Đại dịch này đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế của chúng ta", trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cho biết hôm nay. "Một số người đã nói nếu tôi không hoãn bầu cử, họ có thể hành động pháp lý, trong khi những người khác yêu cầu nếu tôi hoãn bầu cử, tôi phải giải thích rõ ràng".
Lãnh đạo Hong Kong cho biết bà đang viện dẫn Pháp lệnh Quy định Khẩn cấp để lùi cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp từ ngày 6/9 tới ngày 5/9/2021 và quyết định này hoàn toàn được chính quyền trung ương ủng hộ. Pháp lệnh Quy định Khẩn cấp trao cho trưởng đặc khu Hong Kong quyền hạn đưa ra các quyết định trong tình huống mà trưởng đặc khu cho là khẩn cấp hoặc nguy hiểm với người dân.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam trong cuộc họp báo hôm nay. Ảnh: SCMP.
Theo Luật Cơ bản, mỗi nhiệm kỳ của Hội đồng Lập pháp Hong Kong chỉ có thể kéo dài 4 năm và điều này sẽ đặt ra câu hỏi về tính pháp lý khi cuộc bầu cử bị hoãn tới năm sau.
Để giải quyết vấn đề này, bà Lam đã đệ trình một báo cáo khẩn cấp lên Quốc vụ viện ở Bắc Kinh và nhận được thông báo rằng chính phủ trung ương sẽ yêu cầu Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, tức quốc hội, cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc, đưa ra quyết định về các vấn đề pháp lý.
Trưởng đặc khu Hong Kong cũng đưa ra ví dụ ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hoãn bầu cử do ảnh hưởng Covid-19. "Tại Anh, một điều luật khẩn cấp được thông qua để hoãn cuộc bầu cử trong tháng 5 trong một năm", bà Lam nói, thêm rằng cuộc bầu cử ở Australia cũng hoãn lại 12 tháng.
"Nếu chúng ta tiếp tục cuộc bầu cử của mình, hàng triệu cử tri sẽ đến các trạm bỏ phiếu trong cùng một ngày. Nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao", lãnh đạo Hong Kong khẳng định.
Bà Lam nhấn mạnh dù có các biện pháp phòng ngừa, các ca nhiễm mới nCoV kể từ tháng 7 đã tăng thêm 1.852 trường hợp, tăng 140% so với 6 tháng đầu tiên xuất hiện Covid-19.
Hong Kong đã báo cáo hơn 3.000 ca nhiễm nCoV kể từ tháng một, thấp hơn nhiều so với các thành phố lớn khác trên thế giới. Chính quyền đặc khu cũng đã hạn chế các cuộc tụ tập từ hai người để ngăn Covid-19.
Tình hình tại Hong Kong đang gây tranh cãi sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh mới với đặc khu, trong đó hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Ít nhất 15 người Hong Kong được cho là đã bị bắt do vi phạm luật an ninh kể từ khi có hiệu lực hôm 30/6.
Nhiều quốc gia và tổ chức thế giới đã bày tỏ quan ngại về luật an ninh Hong Kong, cảnh báo nguy cơ suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong nhiều lần khẳng định luật an ninh mới nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển cho đặc khu, đồng thời cảnh báo các quốc gia không can thiệp vấn đề nội bộ.
Carrie Lam cam kết 'thực thi mạnh mẽ' luật an ninh Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố thực thi mạnh mẽ luật an ninh mới, khẳng định luật sẽ khôi phục sự ổn định cho thành phố. "Chính quyền Hong Kong sẽ thực thi mạnh mẽ điều luật này. Và tôi đã cảnh báo mọi người đừng cố vi phạm luật hoặc vượt qua lằn ranh đó, bởi hậu quả của...