Captain Marvel: Sẽ khác biệt và đem tới thách thức cho MCU
Bộ ảnh đầu tiên từ “Captain Marvel” – bom tấn xoay quanh nữ hùng cùng tên do Brie Larson thể hiện – khiến khán giả hết sức tò mò về tác phẩm tiếp theo thuộc MCU.
Khi Brie Larson hứa hẹn cùng tạp chí Entertainment Weekly rằng họ sẽ cùng nhau “khuynh đảo mạng Internet”, công chúng tưởng rằng trailer của bộ phim Captain Marvel sẽ sớm xuất hiện.
Tuy nhiên, hôm 6/9, chỉ có bộ ảnh đầu tiên từ bom tấn bao gồm 10 tấm, cùng trang bìa EW số mới nhất với hình ảnh Brie Larson trong bộ phục trang siêu anh hùng, được tung ra. Dẫu vậy, loạt thông tin kèm theo mà tạp chi EW đem đến thực sự khiến Captain Marvel trở nên đáng chờ đợi.
Một câu chuyện khác biệt
Captain Marvel là bộ phim riêng về nhân vật cùng tên. Nhưng đây dự kiến không phải là tác phẩm hoàn toàn kể về nguồn gốc nhân vật, dù nữ hùng chưa một lần chính thức xuất hiện ở MCU, mà mới chỉ được hé lộ ở phần after-credits của Avengers: Infinity War qua hình ảnh một chiếc logo.
Mô-típ từ người thường trở thành anh hùng (còn được gọi là zero-to-hero) đã trở nên khá nhàm chán trong dòng phim siêu anh hùng. Lấy ví dụ như Doctor Strange (2016), bộ phim xoay quanh thầy phù thủy quyền năng (Benedict Cumberbatch) sở hữu phần hình ảnh và kỹ xảo hết sức ấn tượng.
Song, với câu chuyện Stephen Strange trở thành Doctor Strange, khán giả dường như đã được thấy ở rất nhiều tác phẩm khác, và thậm chí còn mang hơi hướm rất giống với Iron Man (2008).
Marvel Studios muốn tạo ra sự khác biệt khi giới thiệu Captain Marvel (Brie Larson) tới cho khán giả.
Trên thực tế, MCU đã tìm cách tỏ ra sáng tạo hơn trong việc giới thiệu các nhân vật mới. Như với Black Panther, siêu anh hùng Báo Đen (Chadwick Boseman) ban đầu là nhân vật phụ ở Captain America: Civil War (2016). Gây được thiện cảm nhất định, nhân vật được đà tiến lên, ra mắt phim riêng đầu tiên hồi đầu năm.
Không chỉ giới thiệu kỹ lưỡng về Black Panther, đó còn là bộ phim mang tới cho khán giả những bí mật không ngờ của vương quốc Wakanda. Để rồi đây trở thành chiến địa giữa nhóm Avengers và bè lũ tay sai của Thanos (Josh Brolin) trong Avengers: Infinity War mới đây.
Còn với Spider-Man: Homecoming, Peter Parker (Tom Holland) lập tức tung hoành trên màn ảnh, và khán giả không còn phải theo dõi lại bi kịch bác Ben bỏ mạng ra sao, hay chàng trai trẻ quyết tâm tập luyện, sáng chế và trở thành siêu anh hùng thế nào.
Captain Marvel có lẽ hơi khác, bởi lúc này, cô rõ ràng không thể nổi tiếng bằng Spider-Man. Nữ hùng cũng chưa một lần xuất hiện trong MCU như Black Panther trước khi có phim riêng. Có lẽ đội ngũ làm phim vẫn cần một vài cảnh hồi tưởng khi cô còn là nữ phi công gan dạ Carol Danvers.
Captain Marvel ban đầu là nữ phi công gan dạ Carol Danvers trên Trái đất.
Song, theo chia sẻ từ ê-kíp thực hiện bộ phim trên EW, Captain Marvel từ đầu tác phẩm đã là một người hùng có tiếng tăm và đặc biệt mạnh mẽ. Cô được so sánh như câu trả lời của Marvel dành cho Superman của DC, và thậm chí có thể dịch chuyển các hành tinh. Nói cách khác, Captain Marvel hoàn toàn có thể đấu tay đôi sòng phẳng với Thanos.
Có lẽ thử thách dành cho Captain Marvel không phải đến từ đối thủ, mà chủ yếu đến từ chính nội tâm cô gái. Như đồng đạo diễn Anna Boden đã phát biểu: “Điều khiến cô ấy trở nên đặc biệt là thẳm sâu trong Captain Marvel, nữ hùng vẫn là con người, với tràn đầy sự nhân hậu và cả những tâm tư đầy rắc rối”.
Thách thức nào dành cho Marvel Studios?
Quả không khó để nhận ra rằng trong thời gian tới, Marvel Studios cùng Disney sẽ đẩy mạnh quảng bá cho Captain Marvel, với nội dung và thông điệp xoay quanh chuyện đây là nữ siêu anh hùng đầu tiên thuộc MCU có phim riêng.
Sau 20 tác phẩm, MCU rốt cuộc cũng có cớ để khiến luồng chỉ trích “trọng nam khinh nữ” nhắm về phía họ phải lắng xuống. Cũng thật kỳ lạ khi Black Widow (Scarlett Johansson) – một nhân vật được nhiều người yêu thích – tới nay vẫn chưa có phim riêng, trong khi số phận của đả nữ sau Avengers 4 hiện là dấu hỏi lớn.
Trên thực tế, MCU đã có chút “tiến bộ” với Ant-Man and The Wasp khi đưa Chiến binh Ong lên làm tiêu đề tác phẩm. Và cả tác phẩm đó lẫn Captain Marvel tới đây đều là những sự kiện xảy ra trước Avengers: Infinity War.
Captain Marvel xảy ra trong thập niên 1990. Phục trang nhân vật trong bức ảnh thể hiện rõ điều đó khi Carol Danvers mặc chiếc áo phông có in logo của ban nhạc Nine Inch Nails.
Với Captain Marvel, bộ phim lấy bối cảnh thập niên 1990, và có sự tham gia của một số gương mặt quen thuộc như Samuel L. Jackson (vai Nick Fury khi còn trẻ và vẫn nguyên đôi mắt), Lee Pace (vai Ronan the Accuser), Djimon Hounsou (vai Korath), và Clark Gregg (vai Mật vụ Coulson).
Còn giới thiệu cả tộc người Skrull nổi tiếng trong thế giới truyện tranh Marvel, nhưng nhiệm vụ lớn nhất của Captain Marvel có lẽ là giải thích xem liệu nữ hùng đã ở đâu trong suốt các sự kiện kể từ Iron Man (2008) tới nay, và tại sao cô lại vắng mặt khi tên Thanos tác oai tác quái khắp dải ngân hà.
Có một điều thú vị rằng các bộ phim xoay quanh nữ siêu anh hùng trong thời gian qua thường là phần tiền truyện. Như Wonder Woman (2017) hay Wonder Woman 1984 (2019) tới đây đều là những sự kiện xảy ra trước Batman v Superman: Dawn of Justice (2016) hay Justice League (2017) rất lâu.
Còn nếu Black Widow của MCU có phim riêng, dự án được cho là sẽ kể về quá khứ của đả nữ, với giai đoạn cô được huấn luyện để trở thành một nữ điệp viên tài ba như lúc nay.
Kể cả Captain Marvel, loạt tác phẩm đều mang thông điệp tôn vinh phái đẹp. Nhưng với bối cảnh quá khứ, đội ngũ nhà làm phim dường như ngầm cho rằng mọi chuyện đã trở nên tốt đẹp hơn đối với phụ nữ hiện đại, và lẽ ra họ phải được hưởng những điều tốt đẹp hơn từ trước đây.
Các bộ phim riêng về nữ siêu anh hùng thường là phần tiền truyện.
Dù thế nào thì Marvel Studios đã cho thấy phần nào đó “sự mát tay” đối với các người hùng thuộc phái đẹp. Ant-Man and The Wasp mới vượt qua cột mốc doanh thu 600 triệu USD toàn cầu, và cho thấy khán giả xem ra không quá quan tâm đến giới tính đằng sau các bộ phục trang, mà chỉ muốn biết diễn biến tiếp theo trong MCU là ra sao.
Tuy nhiên, họ vẫn cần phải cẩn trọng với thị trường Bắc Mỹ. Bởi Ant-Man and The Wasp mới chỉ thu 214 triệu USD, qua đó đứng thứ 15 về mặt doanh thu trong số 20 tác phẩm MCU đã ra mắt tại Bắc Mỹ.
Captain Marvel sẽ ra rạp từ ngày 8/3/2019. Thời điểm ngày Quốc tế Phụ nữ vốn thường được Disney dành cho các bộ phim mang đậm màu sắc giả tưởng hoặc cổ tích như Alice in Wonderland (2010), Oz: The Great and Powerful (2013), hay mới đây là A Wrinkle in Time (2018).
Song, đó còn là thời khắc đánh dấu tác phẩm Watchmen (2009) của Zack Snyder tròn 10 tuổi. Một thập kỷ trôi qua, và dòng phim siêu anh hùng quả thực đã có quá nhiều biến chuyển.
Theo New.zing.vn
Điều kỳ lạ sau cột mốc 500 triệu USD của 'Người Kiến & Chiến binh Ong'
Không có gì ngạc nhiên khi bom tấn mới nhất của Marvel Studios đạt doanh thu trên 500 triệu USD. Nhưng thị trường Trung Quốc đã giúp chỉ ra một nghịch lý tại phòng vé.
Trailer bộ phim 'Người Kiến & Chiến binh Ong' Tác phẩm siêu anh hùng tiếp theo của MCU sau "Avengers: Infinity War" (2018), xoay quanh hai nhân vật Ant-Man (Paul Rudd) và The Wasp (Evangeline Lilly)
Cuối tuần qua, Ant-Man and The Wasp ( Người Kiến & Chiến binh Ong) mới chính thức ra rạp ở Trung Quốc. Thành tích vượt trội ở quốc gia tỷ dân giúp bom tấn rốt cuộc cũng vượt qua cột mốc doanh thu 500 triệu USD toàn cầu.
Vốn ra rạp tại Bắc Mỹ và nhiều nơi từ khoảng giữa mùa hè, bom tấn thực tế không tạo ra cơn sốt quá lớn dù được phát hành ngay sau cơn bão trị giá hơn 2 tỷ USD mang tên Avengers: Infinity War hồi đầu mùa hè.
Những con số oái oăm
Theo thống kê của trang Deadline, sau bốn ngày trình chiếu tại Trung Quốc, Ant-Man and The Wasp đã thu tới 77,4 triệu USD. Trong đó, với riêng ba ngày cuối tuần trước, chuyến phiêu lưu của Người Kiến (Paul Rudd) và Chiến binh Ong (Evangeline Lilly) đạt thành tích 68,2 triệu USD.
Đây là thành tích ra mắt tốt thứ năm của MCU tại Trung Quốc, chỉ đứng sau Avengers: Infinity War (200 triệu USD), Captain America: Civil War (97 triệu USD), Avengers: Age of Ultron (86 triệu USD) và Spider-Man: Homecoming (69 triệu USD).
Với tỷ giá ngoại tệ liên tục biến đổi, nếu tính theo đơn vị nhân dân tệ, Ant-Man and The Wasp thực tế đã đứng trên bộ phim riêng về Người Nhện (Tom Holland).
Ant-Man and The Wasp đã vượt qua cột mốc doanh thu 500 triệu USD, nhưng hiện vẫn nằm ở nhóm cuối của MCU.
Trở lại khu vực Bắc Mỹ, Ant-Man and The Wasp sau khoảng gần ba tháng trình chiếu mới mang về cho Disney khoảng 211,4 triệu USD. Con số này hiện chỉ vượt hơn 5 tác phẩm khác cùng thuộc MCU là Thor: The Dark World (206,3 triệu USD), Thor (181 triệu USD), Ant-Man (180 triệu USD), Captain America: The First Avenger (176,6 triệu USD), và The Incredible Hulk (134 triệu USD).
Còn nếu tính ở cấp độ toàn cầu, Ant-Man and The Wasp hiện đứng trên Ant-Man (519,3 triệu USD), Thor (449,3 triệu USD), Captain America: The First Avenger (370,6 triệu USD) và The Incredible Hulk (263,4 triệu USD).
Trước sự đón nhận của thị trường Trung Quốc đối với bộ phim, giới quan sát nhận định Ant-Man and The Wasp hoàn toàn có thể tiếp tục nâng cao thành tích, và vượt qua Iron Man (585,2 triệu USD) trên bảng xếp hạng của nhà MCU.
Tuy nhiên, dù thế nào, Ant-Man and The Wasp vẫn sẽ chỉ thuộc nhóm cuối về mặt doanh thu của Marvel Studios. Nhưng riêng tại Trung Quốc, chàng siêu anh hùng tí hon thực tế lại là "một người khổng lồ".
Khán giả Bắc Mỹ chưa thực sự mở lòng?
Trong quá trình quảng bá, đoàn làm phim Ant-Man and The Wasp liên tục nhấn mạnh rằng đây là bom tấn siêu anh hùng đầu tiên thuộc MCU đưa một nhân vật nữ là The Wasp (Chiến binh Ong) lên tựa đề.
Quãng thời gian trước đó, không ít người chỉ trích Marvel Studios "trọng nam khinh nữ", quyết không làm phim riêng về một siêu anh hùng phái đẹp. Câu chuyện càng trở nên nóng bỏng khi đối thủ DCEU tung ra Wonder Woman (2017) hết sức thành công. Còn "lời đáp trả" của MCU mang tên Captain Marvel (2019) thì phải hai năm sau mới ra mắt.
The Wasp là siêu anh hùng đầu tiên thuộc phái đẹp được Marvel Studios đưa lên tựa đề phim.
Hiện dự án phim riêng về Black Widow (Scarlett Johansson) cũng đã được Marvel Studios cho triển khai. Nhưng bước tiến thực sự trong công cuộc tôn vinh phái đẹp của xưởng phim với The Wasp lại chỉ nhận được sự thờ ơ từ khán giả Bắc Mỹ.
Ngược lại, Trung Quốc - nơi thường bị cho là có thành kiến với các bộ phim về phái đẹp hoặc nhóm thiểu số - lại tỏ ra hào hứng hơn hẳn với tác phẩm.
Câu chuyện lúc này của Ant-Man and The Wasp tương đối giống Coco (2017) cách đây nửa năm. Được giới phê bình ngợi ca về chất lượng nội dung và hình ảnh, sở hữu chủ đề tôn vinh tình cảm gia đình và những nét văn hóa Mexico đặc trưng, cũng như sau đó thắng giải Oscar, nhưng tác phẩm có doanh thu không cao tại Bắc Mỹ.
209,7 triệu USD khiến Coco cũng nằm ở nhóm cuối trên bảng xếp hạng doanh thu nội địa của riêng Pixar, chỉ đứng trên Ratatouille (206,4 triệu USD), Toy Story (191,7 triệu USD), Cars 2 (191,4 triệu USD), A Bug's Life (162,7 triệu USD), Cars 3 (152,9 triệu USD) và The Good Dinosaur (123 triệu USD). Thậm chí, nếu tính theo số lượng vé bán ra, Coco chỉ hơn mỗi Cars 3 và The Good Dinosaur.
Khán giả quốc tế, trong đó có Trung Quốc, rất hào hứng với Coco. Nhưng tại Bắc Mỹ, doanh thu của bộ phim không quá nổi bật.
Song, câu chuyện về cậu bé Miguel với niềm đam mê âm nhạc lại chinh phục khán giả khắp nơi trên toàn thế giới, và thu tới 597 triệu USD bên ngoài Bắc Mỹ.
Và với tổng doanh thu lên đến 807,1 triệu USD, tính trên cấp độ toàn cầu, Coco leo lên vị trí thứ sáu của bảng xếp hạng riêng nhà Pixar, sau The Incredibles 2 (1,14 tỷ USD), Toy Story 3 (1,06 tỷ USD), Finding Dory (1,02 tỷ USD), Finding Nemo (1,02 tỷ USD) và Inside Out (857,6 triệu USD).
Lại nhắc tới Trung Quốc, riêng quốc gia tỷ dân đã đóng góp cho Coco khoảng 168 triệu USD. Con số này thực tế nhiều hơn tổng doanh thu tất cả các phim của Pixar ra mắt trước đó tại thị trường cộng lại.
Khán giả Bắc Mỹ xem ra chỉ đáp lại với những tác phẩm mang tầm cỡ quy mô "sự kiện điện ảnh", như kiểu Black Panther (700 triệu USD) hay mới đây là Crazy Rich Asians (76,6 triệu USD sau gần một tuần phát hành). Đó là những hiện tượng bất chợt, chứ chưa thể tạo ra sự thay đổi lâu dài cần thiết tại Hollywood.
Còn với những bộ phim có "ít quy mô" hơn, lựa chọn nhân vật chính là nữ giới hoặc thuộc nhóm yếu thế, đến giờ vẫn là lựa chọn hết sức phiêu lưu.
Việt Phương
Ảnh: Disney
Theo Zing
Sao nữ 'Người Kiến & Chiến binh Ong' không muốn có phim riêng Evangeline Lilly cho rằng The Wasp cần gắn liền với Ant-Man (Paul Rudd), và nhân vật nữ hùng không cần có tác phẩm riêng thuộc MCU. Tác phẩm siêu anh hùng Ant-Man and The Wasp vẫn đang được trình chiếu muộn tại một số thị trường trên thế giới, và đội ngũ diễn viên của bộ phim tiếp tục tham gia nhiều sự...