‘Captain Fantastic’: Góc nhìn lạ trong chuyện nuôi dạy trẻ
Thông qua câu chuyện về gia đình nhỏ của một người đàn ông có lối sống lạ đời, “ Captain Fantastic” đem đến câu chuyện không hồi kết về việc lựa chọn quan điểm giáo dục con cái.
Thể loại: Tâm lý, gia đình
Đạo diễn: Matt Ross
Diễn viên chính: Viggo Mortensen, George MacKay, Frank Langella, Steve Zahn
Zing.vn đánh giá: 8/10
Ben Cash (Viggo Mortensen) là một người đàn ông có lối sống khác người. Sau khi vợ anh phải vào bệnh viện để điều trị chứng tâm thần, Ben cùng 6 đứa con nhỏ chuyển tới sống trong một khu rừng ở vùng Tây Bắc nước Mỹ.
Cả nhà Cash lúc này sinh hoạt gần như biệt lập so với thế giới bên ngoài theo kiểu tự cung tự cấp. Không điện, không Internet, không sóng truyền hình hay điện thoại, họ tự săn bắt và trồng trọt để có lương thực hàng ngày. Ngoài ra, họ đi bán các sản phẩm thủ công nhằm trang trải những chi phí cơ bản nhất.
Các đứa trẻ của Ben Cash không đến trường học, mà được chính cha chúng dạy dỗ tại nhà. Anh truyền đạt cho lũ trẻ mọi thứ: từ giáo dục thể chất, kỹ năng sinh tồn, cho đến các bộ môn khoa học, nghệ thuật…
Captain Fantastic là tác phẩm xoay quanh đề tài nuôi dạy con cái, lấy trung tâm là một người cha lập dị, đưa cả 6 đứa con của mình vào trong rừng sinh sống.
Cuộc sống của gia đình Ben Cash cứ thế lặng lẽ trôi qua. Đến một ngày, anh nhận tin vợ mình đã tự sát và qua đời. Ben quyết định đưa cả gia đình rời khỏi căn nhà trong khu rừng vắng để tới dự đám tang.
Rắc rối bắt đầu nảy sinh khi lũ trẻ của Ben Cash lần đầu tiên được tiếp xúc với thế giới hiện đại bên ngoài với những điều hoàn toàn khác biệt so với cuộc sống đơn giản thường nhật trong rừng.
Mâu thuẫn từ một người cha lập dị
Về cơ bản, Captain Fantastic là một tác phẩm tâm lý gia đình nhẹ nhàng, với một câu câu chuyện đơn giản và tương đối dễ đoán. Các mâu thuẫn, xung đột trong phim phát sinh và được xử lý không quá mới lạ và thậm chí còn có phần khuôn mẫu, không mang những nét đột phá đáng kể.
Dù vậy, bản thân bộ phim vẫn khiến khán giả phải suy tư, trăn trở theo mỗi cảnh phim, mỗi câu thoại, mỗi hành động của từng nhân vật cho đến khi nó khép lại. Bởi giá trị lớn nhất của Captain Fantastic là đem đến một góc nhìn khác về tư tưởng giáo dục và nuôi dạy con trẻ trong xã hội hiện đại.
Trong con mắt người bình thường, Ben Cash có thể bị coi là một cá thể lập dị. Sở hữu kiến thức, kỹ năng phong phú trong nhiều lĩnh vực, nhưng anh lại chọn từ bỏ thế giới hiện đại để trở về với lối sống nguyên thủy, gần gũi với tự nhiên nhất.
Video đang HOT
Sự lập dị của người cha Ben Cash khơi gợi nên nhiều mâu thuẫn và suy ngẫm cho người xem về chuyện giáo dục con cái xuyên suốt bộ phim.
Ben Cash cứ thế chắt lọc, chỉ giữ lại những gì mà anh cho là hợp lý, cần thiết nhất để tồn tại trong vô vàn những thứ xô bồ, thừa thãi, độc hại của xã hội. Đó là nguyên tắc cơ bản trong lối sống của Ben, được áp dụng trong mọi trường hợp.
Quan trọng hơn, Ben Cash áp dụng cả nguyên tắc đó vào cách giáo dục 6 đứa con theo đường lối triệt để, không hề có ngoại lệ. Anh tự mình dạy dỗ chúng theo lối riêng, không cần trường lớp, bạn bè. Chính điều này đã tạo ra mâu thuẫn giữa các nhân vật, cũng như trong chính bản thân mỗi khán giả khi theo dõi Captain Fantastic.
Có lẽ đa số người xem sẽ chia sẻ quan điểm của cặp vợ chồng em gái Ben hay ông bố vợ khó tính Jack (Frank Langella). Trong mắt họ, Ben Cash là một người cha ích kỷ, vô trách nhiệm, luôn bắt con mình phải tuân theo lối sống của bản thân một cách cực đoan mà không tạo điều kiện cho chúng hòa nhập hay phát triển tự nhiên như bao đứa trẻ bình thường khác.
Ai lại bắt những đứa trẻ chỉ mới 9-10 tuổi phải tự mình leo lên dốc núi đá trong trời mưa lạnh giá, rồi phải tự đi săn bắn trong rừng thẳm để tìm kiếm thức ăn? Rồi chuyện không có bạn bè, trường lớp khiến lũ trẻ lớn lên mà thiếu đi những kỹ năng xã hội cơ bản để ứng phó khi cần thiết.
Xét cho cùng, Ben Cash là một người trưởng thành từng trải, nhưng những đứa con của anh thì không. Chúng rốt cuộc vẫn chỉ là đám trẻ ngây thơ, gần như xa lạ với thế giới bên ngoài.
Mặc dù vậy, chắc chắn khán giả đồng thời phải công nhận rằng phương pháp giáo dục của Ben có nhiều ưu điểm rất đáng để cân nhắc. Anh tách biệt con khỏi thế giới hiện đại để tập trung truyền đạt cho chúng những thứ giá trị nhất, thông qua phương thức cổ điển nhưng luôn luôn hiệu quả: đọc sách, cũng như vấn đáp trực tiếp để phân tích và thấu hiểu.
Với các hoạt động khác cũng vậy, anh chủ trương nâng cao sức mạnh thể chất và kỹ năng sinh tồn. Đó là điều cần thiết giúp mỗi cá nhân có thể tự tồn tại độc lập bằng cách thực hành liên tục.
Điều này giúp đám trẻ nhà Ben Cash vẫn đảm bảo được đầy đủ những kiến thức ở mọi lĩnh vực như khoa học, nghệ thuật, và thậm chí còn vượt trội so với những đứa trẻ bình thường cùng trang lứa. Thể chất của chúng cũng đặc biệt khỏe mạnh và linh hoạt. Xét về nhiều mặt, Ben đã thành công trong việc nuôi dạy 6 đứa con của mình trưởng thành, lành mạnh.
Những chiêm nghiệm thú vị trong chuyện nuôi dạy con
Captain Fantastic chứa đựng nhiều chi tiết thú vị, rất đáng để các bậc phụ huynh suy ngẫm và học hỏi về cách giáo dục con trẻ: từ cách Ben Cash hướng dẫn chúng tự đọc sách và cảm nhận, phân tích nội dung sao cho đúng, đến cách anh kiên nhẫn giảng giải cho con một cách thẳng thắn và chi tiết, không hề né tránh, tảng lờ.
Ben không ngại giải thích cho đứa con nhỏ về những vấn đề tình dục, cũng như cho phép cả nhà dùng rượu vang trong bữa ăn. Điều đó chứng tỏ anh là người cha luôn tôn trọng con cái, đặt chúng ở vai trò ngang hàng trong cuộc sống.
Thật khó để đưa ra kết luật những gì Ben Cash làm trong Captain Fantastic là chuẩn hay không chuẩn.
Là một nhà giáo dục, Ben Cash bắt buộc phải trung thực và thẳng thắn tuyệt đối, không để các con mình có bất cứ nghi vấn hay tò mò nào không cần thiết. Bởi với bản tính của con trẻ, càng che giấu hay cấm đoán sẽ chỉ càng khiến chúng tò mò và nghi hoặc hơn.
Đây là vấn đề mà các bậc phụ huynh thường gặp phải trong việc giáo dục con trẻ hiện nay. Cha mẹ thường ít khi đặt con cái ngang hàng trong quá trình giáo dục, truyền đạt kiến thức, dẫn đến việc họ thường tự cho mình quyền áp đặt lên đứa trẻ thứ chúng được và không được quyền biết.
Cách sống và giáo dục của Ben Cash đúng hay sai tùy thuộc vào đánh giá của mỗi người, ở mỗi hoàn cảnh khác nhau. Bởi không có quy chuẩn nào về việc nuôi dạy trẻ trong xã hội hiện đại liên tục thay đổi.
Một điểm sáng đáng ghi nhận của Captain Fantastic chính là Viggo Mortensen. Với diễn xuất đa dạng, góc cạnh, nghiêm khắc đến mức cực đoan, nam diễn viên đã khắc họa hoàn hảo hình tượng người cha gây ra nhiều tranh cãi nếu soi theo quan niệm thông thường.
Captain Fantastic mang về cho Viggo Mortensen đề cử Oscar thứ hai trong sự nghiệp.
Nhưng với đám trẻ nhà anh (và nhiều khán giả khác), anh xứng đáng được gọi là “Captain Fantastic” – người chỉ huy tuyệt vời không ai có thể thay thế. Dàn diễn viên nhí của bộ phim cũng hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, giúp đem đến bầu không khí tươi mới, căng tràn sức trẻ cho cả bộ phim.
Captain Fantastic là một bộ phim gia đình nhẹ nhàng, chỉ muốn kể câu chuyện nhỏ về một gia đình kỳ lạ. Nhưng ẩn sau đó là những trăn trở không dứt đối với bất cứ làm cha, làm mẹ nào trong chuyện nuôi dạy con.
Tại lễ trao giải thưởng Oscar 2017, Captain Fantastic nhận một đề cử Oscar tại hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc dành cho Viggo Mortensen.
Theo Zing
10 minh tinh tranh tài tại Oscar 2017
Các nữ diễn viên có đề cử Oscar năm nay đến từ nhiều thế hệ, từ huyền thoại như Meryl Streep, giàu kinh nghiệm như Viola Davis, hay những làn gió mới như Ruth Negga, Emma Stone...
Hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc
Isabelle Huppert trong Elle: Đạo diễn Paul Verhoeven từng nói rằng ông sẽ không thể thực hiện Elle nếu như không chiêu mộ được minh tinh 63 tuổi người Pháp. Quả vậy, Isabelle Huppert thực sự là linh hồn của bộ phim mang đề tài cưỡng dâm, nơi bà sắm vai Michèle Leblanc - người phụ nữ quyền cao chức trọng trong một công ty sản xuất trò chơi, nhưng bất ngờ bị cưỡng hiếp dã man tại nhà riêng. Tâm lý phức tạp sau biến cố được Huppert khắc họa đầy tinh tế và lôi cuốn người xem đến tận phút chót. Vai diễn đã giúp bà thắng một số giải tiền Oscar quan trọng như Quả cầu vàng và Tinh thần Độc lập 2017. Ảnh: Sony Classic Pictures.
Ruth Negga trong Loving: Loving là bộ phim cảm động về câu chuyện có thật của hai vợ chồng Richard và Mildred Loving vào thập niên 1960 tại Virginia, Mỹ. Họ buộc phải rời bỏ quê hương vì kết hôn mà mang hai màu da khác nhau, và đây là một trong những sự kiện gây chấn động xứ sở cờ hoa tại thời điểm đó. Sắm vai Mildred Loving, Ruth Negga mang đến màn trình diễn nhẹ nhàng nhưng tinh tế, và cô được coi là gương mặt gây bất ngờ nhất tại bảng Nữ diễn viên chính xuất sắc của Oscar 2017. Ảnh: Focus Features.
Natalie Portman trong Jackie: Minh tinh "thiên nga đen" là người thứ năm nhận đề cử Oscar khi sắm vai một Đệ nhất Phu nhân trên màn ảnh rộng. Trong Jackie, Natalie Portman khắc họa tâm lý phức tạp, đau khổ, và mang đến cho công chúng một gương mặt ít biết của Jacqueline Kennedy sau khi chồng cô - Tổng thống John F. Kennedy - bị ám sát vào năm 1963. Có một chút đáng tiếc khi Natalie Portman sẽ không thể trực tiếp có mặt tại nhà hát Dolby trong tối 26/2 do cô đang mang thai tháng cuối cùng. Ảnh: Fox Searchlight.
Emma Stone trong La La Land: Hình ảnh Mia tươi sáng và luôn tràn đầy hoài bão trong La La Land đã giúp Emma Stone thâu tóm nhiều giải thưởng tiền Oscar lớn nhỏ, trong đó có Quả cầu vàng, BAFTA và SAG (Hiệp hội Diễn viên nước Mỹ). Do đó, cô hiện là ứng cử viên số một cho danh hiệu "ảnh hậu" của Oscar 2017. Theo dõi tác phẩm ca vũ nhạc La La Land, người ta thấy được sự trưởng thành về mặt diễn xuất của Emma Stone, cũng như được thưởng thức giọng hát của cô qua ca khúc đầy ý nghĩa Audition (The Fools Who Dream). Ảnh: Summit.
Meryl Streep trong Florence Foster Jenkins: Florence Foster Jenkins là một nhân vật có thật trong lịch sử. Sở hữu gia tài kếch xù, bà chuyên tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật ở New York, Mỹ vào thập niên 1940, để rồi một ngày hứng chí muốn trở thành nữ ca sĩ opera dù sở hữu giọng ca dở tệ. Đây không phải là vai diễn quá khó dành cho huyền thoại Meryl Streep, và bộ phim Florence Foster Jenkins đã mang về cho bà đề cử Oscar thứ 20 trong sự nghiệp. Đây là kỷ lục vô tiền khoáng hậu mà có lẽ rất lâu nữa mới bị xô đổ. Ảnh: Paramount.
Hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc
Viola Davis trong Fences: Màn trình diễn xuất sắc trong Fences mang về cho Viola Davis đề cử Oscar thứ ba sự nghiệp sau hai lần thất bại vào các năm 2008 và 2011. Rose Maxson là người vợ hiền, luôn chịu bất lợi về mình của nhân vật chính Troy Maxson (Denzel Washington). Nhân vật có nhiều giây phút trầm lắng, nhưng cũng không thiếu các khoảnh khắc bùng nổ, qua đó giúp Viola Davis thể hiện tài năng diễn xuất. Song, không ít báo chí quốc tế cho rằng trường hợp của Davis là "category fraud" (đánh tráo hạng mục) và cô nên tranh tài ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc. Ảnh: Paramount.
Naomie Harris trong Moonlight: Bà mẹ Paula nghiện ngập ở Moonlight là người đóng vai trò quan trọng không nhỏ trong quá trình trưởng thành của nhân vật chính Chiron. Naomie Harris không có quá nhiều đất diễn, nhưng chừng đó vẫn đủ để cô mang đến màn trình diễn gây ấn tượng mạnh với người xem, qua đó giành được đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp ở tuổi 40. Ảnh: A24.
Nicole Kidman trong Lion: Sau quãng thời gian không có nhiều tác phẩm quá nổi trội, "thiên nga Australia" Nicole Kidman trở lại trong năm 2016 với vai diễn Sue Brierley trong Lion. Đây là người mẹ luôn cố gắng thấu hiểu và giúp đỡ cậu con nuôi người Ấn Độ Saroo Brierley vốn bị lạc khỏi gia đình ruột thịt từ khi còn rất nhỏ. Đây là đề cử Oscar thứ tư trong sự nghiệp của cô sau những Moulin Rouge! (2001), The Hours (2002) và Rabbit Hole (2010). Ảnh: The Weinstein Company.
Octavia Spencer trong Hidden Figures: Từng thắng giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc với The Help (2001), Octavia Spencer năm nay trở lại tranh tài với bộ phim xoay quanh ba người phụ nữ da màu từng làm việc tại NASA trong thập niên 1960. Dù phải chịu đựng môi trường phân biệt chủng tộc đầy khắc nghiệt, họ luôn nỗ lực hết mình và góp công lớn trong chiến dịch đưa người Mỹ đầu tiên ra ngoài vũ trụ và sau này là lên mặt trăng. Ảnh: Fox.
Michelle Williams trong Manchester by the Sea: Chỉ bằng một vài phân đoạn ngắn ngủi diễn cùng Casey Affleck, Michelle Williams đã khiến người xem phải quặn thắt trong tác phẩm mang đậm tính bi kịch Manchester by the Sea. Ở tuổi 36, đây đã là đề cử Oscar thứ tư mà cô nhận được, và nhiều nhà phê bình quốc tế cho rằng đây mới là "nữ phụ chân chính" và cô hoàn toàn xứng đáng được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ gọi tên chiến thắng trong tối 26/2. Ảnh: Amazon Studios.
Theo Zing
Giải Tinh thần Độc lập gọi tên phim đồng tính 'Moonlight' Các nữ diễn viên có đề cử Oscar năm nay đến từ nhiều thế hệ, từ huyền thoại như Meryl Streep, giàu kinh nghiệm như Viola Davis, hay những làn gió mới như Ruth Negga, Emma Stone... Đã thành thông lệ, giải thưởng Independent Spirit Award - Tinh thần Độc lập dành cho các tác phẩm và cá nhân xuất sắc của dòng...