Capcom: Mega Man chưa chết!
Mega Man (hay Rock Man)gửi lời chào tới người hâm mộ lần đầu tiên vào năm 1987 trên hệ máy NES huyền thoại. Từ đó tới nay, dòng game của Capcom này đã có tới 50 lần phát hành với các phiên bản lớn, nhỏ từ hậu bản, phụ bản, ăn theo, mở rộng khác nhau, mang tới con số 29 triệu bản bán ra trên toàn thế giới cho hãng. Điều đó đã biến Mega Man trở thành dòng game lớn nhất của Capcom từ trước tới nay.
Mega Man – dòng game nổi tiếng nhất của Capcom.
Đáng tiếc là kể từ sau sự ra đi của Keiji Inafune, series này dường như đã bị bỏ quên mặc dù cộng đồng người hâm mộ vẫn rất đông đảo và liên tục đề nghị Capcom mang chàng “Blue Bomber” này trở lại. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà đã rất lâu rồi chúng ta chưa được thấy Mega Man xuất hiện trong một sản phẩm chính thống nào ngoài việc góp mặt vào các tựa game khác cùng hãng.
Lần gần nhất có thể kể đến đó là tựa game Mega Man Xover hay Rockman Xover trên hệ điều hành iOS – một phiên bản không được người hâm mộ trông đợi nhiều và thực tế cũng không được đánh giá cao. Khỏi phải nói tất nhiên cộng đồng người hâm mộ rất thất vọng vì tưởng như đây là thứ duy nhất mình được nhận vào dịp kỷ niệm 25 năm trọng đại của Mega Man.
Nhưng mới đây một thông tin có vẻ rất đáng mừng đã đến tai người hâm mộ, Capcom, mà cụ thể là phó chủ tịch Capcom USA – ông Christian Svensson đã hé lộ rằng Mega Man sẽ có sự trở lại hoành tráng trên hệ Console trong thời gian tới. “Tôi có thể nói với các bạn chắc chắn rằng đó (ám chỉ Mega Man Xover) chưa phải là lần cuối cùng mà cậu bé Blue Bomber xuất hiện trên Console hay Handheld. Và nếu may mắn, chúng ta sẽ còn được chứng kiến kỉ niệm 50 năm phát hành cho cậu ấy trong tương lai. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, trong quá khứ chúng tôi đã từng mắc sai lầm khi tiết lộ về tựa game mà mình chưa chắc chắn là sẽ phát hành, vậy nên lần này chúng tôi chọn giải pháp im lặng tới khi có tiến triển thêm” – Ông Christian Svensson phát biểu.
Video đang HOT
Một tựa game đi theo Mega Man 9 và 10 cũng là một món quà quý giá.
Trong thời gian trước đây, Capcom đã đem lại sự hoài cổ cho gamer với Mega Man 9 và Mega Man 10 phát hành lần lượt vào năm 2008 và 2010. Những người gắn bó với chú Robot này hoàn toàn có thể hy vọng một sản phẩm nối gót phong cách đó hoặc một bộ sưu tập tất cả các game từng nổi tiếng trước đây, hay thậm chí còn là Mega Man Legends 1 và Mega Man Legends 2 phát hành trên PSN. Đây sẽ là món quá ý nghĩa hơn nhiều tựa game trên iOS với rất nhiều đánh giá chỉ là một nước đi kinh doanh và một nốt trầm trong lòng các Fan hâm mộ yêu quý bấy lâu.
Nhưng nói gì thì nói, hy vọng vẫn chỉ nằm ở mức hy vọng tại thời điểm này vì Capcom đã quá nổi tiếng vì sự thất hứa qua rất nhiều lần hủy bỏ các tựa game Mega Man, mà nổi tiếng nhất có lẽ là Mega Man Universe và Mega Man Legends 3. Bên cạnh đó còn là sự việc cha đẻ Mega Man – Keiji Inafune, đã rời khỏi Capcom như đã đề cập để thành lập nên Comcept (hãng game đứng đằng sau Yaiba – tựa game phụ bản của dòng Ninja Gaiden).
Liệu hy vọng được thấy lại họ của người hâm mộ có là muối bỏ bể?
Ông Inafune ngay cả khi đã hết thời hạn hợp đồng vẫn đề nghị được hoàn tất dự án Mega Man Legends 3 cho hệ 3DS – sản phẩm mà Capcom hủy bỏ khi cho rằng “không đạt chất lượng” và sau đó nhận được vô số e-mail thể hiện cơn thịnh nộ của người hâm mộ. Nhưng hãng game này vẫn trả lời không một cách lạnh lùng với Keiji Inafune: “Chúng tôi không cần phải làm thế”. Một bằng chứng nữa cho lời hứa của Capcom có thể chỉ là “Lip-service”, một dịch vụ hứa hẹn miễn phí mà chẳng mất gì của hãng.
Hãy cùng chờ đợi xem hãng game này sẽ đi nước tiếp theo như thế nào với dòng game Mega Mantrong khi cha đẻ của series đã ra đi cũng như không có nhiều sự ủng hộ của fan hâm mộ trong thời gian gần đây.
Theo GameK
Wrath of the Dead Rabbit: Game platform "quái chiêu"
Một tựa game "nóng" ngay từ khi bắt đầu. Bạn được giao nhiệm vụ "làm cỏ" 100 sinh vật dám cười nhạo mình - hoàng tử của địa ngục trong hình dáng một chú thỏ. Những diễn biến theo sau hoàn toàn phù hợp với câu "máu chảy thành sông, thây chất thành đống. Với nhịp điệu cực nhanh, Hell Yeah: Wrath of the Dead Rabbit sẽcuốn người chơi vào cơn lốc chém giết điên cuồng. Thế nhưng, một khi đã quen với những mánh lới này, bạn sẽ nhanh chóng phải thất vọng bởi sự nghèo nàn trong lối chơi và cơ chế của game.
Nhân vật chính của game, chú thỏ Ash, liên tục có những cuộc hội thoại với những sinh vật gặp trên đường đi. Thế nhưng, trái ngược với không khí của game, những cuộc nói chuyện này lại rất nhã nhặn và nhàm chán. Việc xuất hiện liên tục những meme và câu thành ngữ cũ rích khiến bạn phải tự hỏi liệu nhà sản xuất có tự sáng tạo được chút gì trong những đoạn hội thoại dài lê thê này không?
Dù sao, mảng hành động của game cũng khá hấp dẫn. Wrath of the Dead Rabbit là một game platformđúng kiểu truyền thống. Bạn sẽ phiêu lưu qua những màn chơi khác nhau thông qua các cổng teleport. Có một số cổng bị khóa, và bạn phải truy diệt cho sạch sẽ những con quái trong màn mới có thể vượt qua được. Ash có một kho các loại vũ khí hủy diệt ngay từ lúc đầu và càng lúc càng trở nên nguy hiểm khi game diễn ra.
Một cái cưa xoay lúc nào cũng xoay xung quanh người bạn , cho phép bạn đâm xuyên qua một số bức tường nhất định và tiêu diệt những kẻ địch yếu ớt mà không tốn một giọt mồ hôi. Còn đối với những tên hung dữ hơn, bạn có một khẩu súng phun lửa, một khẩu gatling gun, súng phóng lựu... Sự đa dạng trong kho vũ khí khiến việc bắn giết trong game không bị nhàm chán cũng như duy trì được nhịp độ nhanh của gameplay.
Tóm lại, Wrath of the Dead Rabbit đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của một game platform, tuy nhiên chỉ vừa đủ chứ không có đột phá nào làm game trở nên đặc biệt. Ash có khả năng nhảy đôi trong không trung, giúp cậu né đạn hoặc vượt qua những rào cản cùng với khả năng nhắm bắn bằn dual-stick khiến việc tiêu diệt kẻ thù trở nên khá dễ dàng. Sự dễ dàng này làm cho người chơi lao đầu vào bắn giết mà rất ít khi phải sử dụng đầu óc. Phần lớn kẻ thù chỉ như đám bọ dễ dàng bị lưỡi cưa của bạn xé nát, việc di chuyển và nhắm bắn cũng không cần nhiều sự chính xác, làm game giảm đi nhiều tính hấp dẫn.
Cốt truyện của game chỉ đơn giản là bạn phải tìm và tiêu diệt 100 kẻ thù như đã nói ở trên. Cũng giống như Mega Man, trước khi chiến đấu với mỗi tên, bạn phải trải qua một đoạn "đấu võ mồm", thế nhưng cuộc đối thoại này không hề đem đến sức nóng cho cuộc chiến mà trái lại, kẻ thù của bạn sẽ nhanh chóng ngã xuống chỉ sau vài nốt nhạc. Khi kẻ địch gần hết máu, một QTE (quick-time event) sẽ xuất hiện, bạn phải thực hiện để ra đòn quyết định và phanh thây kẻ thù theo đúng nghĩa den. Nếu không bấm kịp, bạn sẽ bị mất hp và chiến đấu lại với tên địch đó.
Các check point trong game được phân bố hợp lí, vì vậy bạn sẽ không phải chơi lại một đoạn quá xa khi chết. Tuy nhiên, khi hồi sinh bạn sẽ chỉ có rất ít HP. Các trạm tiếp năng lượng lại khá xa nhau, vì vậy bạn sẽ phải chơi thật cẩn thận. Nói là đơn giản, nhưng bạn cũng sẽ phải đối đầu với một số tên địch khá khó chịu. Từ những tên từ trên cao đột ngột lao xuống tấn công, đến những đòn knockback trời giáng.
Wrath of the Dead Rabbit là một mớ lộn xộn những yếu tố khác nhau được kết hợp lại để thu hút sự chú ý của người chơi. Điều này được thể hiện rõ nhất qua đồ họa của game: Thế giới hoạt hình sặc sỡ, đầy màu sắc mang lại cho game một vẻ ngoài khá đặc biệt, thế nhưng, việc lạm dụng quá nhiều màu sắc khiến bạn phải hết sức tập trung mới theo dõi kịp những diễn biến trên màn hình. Thông thường, mục tiêu quan trọng nhất của thiết kế đồ họa là giúp người chơi nhận ra các tình tiết diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu quả, và Wrath of the Dead Rabbit đã thất bại hoàn toàn trong việc này.
Nhà phát triển đã rất cố gắng sử dụng những chi tiết vụn vặt như các QTE, nhịp độ hành động cao, những đoạn hội thoại trước mỗi trận chiến, đồ họa nhiều màu sắc... để tạo nên một game platform đáng chú ý, nhưng tiếc là những mánh khóe như vậy không thể khỏa lấp được sự nông cạn và thiếu sót trong gameplay và nội dung của Wrath of the Dead Rabbit. Nếu bạn muốn giải trí sau một ngày làm việc căng thẳng bằng những pha bắn giết đã tay và đồ họa tươi sáng, đầy màu sắc, bạn có thể thử qua Hell Yeah: Wrath of the Dead Rabbit. Còn nếu không, bạn chắc hẳn sẽ phải thất vọng đấy.
Theo GameK
Giana Sisters Twisted Dreams: Trở lại sau 25 năm Giana Sisters: Twisted Dreams, một game có vẻ khá lạ, nhưng thực ra lại có một lịch sử rất lâu đời và đầy trầm bổng. Game ra đời vào năm 1987, và ngay lập tức bị vướng vào một vụ scandal vì sự tương đồng với Super Mario Bros - thương hiệu mà nay đã không còn gì xa lạ với chúng ta...