Cặp vợ chồng Thụy Điển phải lòng Việt Nam, làm từ thiện từ mùa lũ đến mùa dịch
Trên hành trình vòng quanh thế giới, cặp vợ chồng Thụy Điển phải lòng Việt Nam và hơn một năm qua, họ rong ruổi với những chuyến thiện nguyện từ mùa lũ đến mùa dịch.
Hai vợ chồng anh Kawa Wandi và chị Nishte cùng 3 đứa con sinh ba (6 tuổi) đang thuê ngôi nhà nhỏ ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam làm nơi lưu trú. Hằng ngày, hai vợ chồng mang quốc tịch Thụy Điển vẫn miệt mài gieo những mầm xanh thiện nguyện trên dải đất hình chữ S.
Rong ruổi làm từ thiện từ mùa lũ đến mùa dịch
Một chiều giữa tháng 8. Trời còn trút nắng chói chang. Kawa Wandi cùng 3 thành viên trong nhóm từ thiện của mình “cưỡi” trên 4 chiếc xe máy 50 phân khối. Phía yên sau mỗi xe được buộc chặt thùng carton to tướng, chứa hàng tá nhu yếu phẩm: Gạo, mắm, muối, cá khô…Cứ thế, cả bốn người chạy xe len lỏi khắp các nẻo đường phố Hội.
Đích đến của nhóm Wandi là những chốt kiểm dịch đặt ở các khu vực đang thuộc diện phong tỏa. Tại mỗi chốt, Wandi và 3 người bạn gửi trao những suất quà nghĩa tình, nhờ lực lượng trực chốt kết chuyển tận tay cho bà con khó khăn, thiếu thốn.
Wandi trao lương thực hỗ trợ bà con nghèo ở Hội An.
Hai tuần qua, toàn thành phố Hội An thực hiện giãn cách xã hội là ngần ấy thời gian Wandi tất bật ngược xuôi với những chuyến vận chuyển lương thực, thực phẩm, hỗ trợ cho bà con nghèo Hội An và các vùng lân cận: Điện Bàn, Duy Xuyên…Từ đó, hình ảnh ông Tây tốt bụng, nhiệt tình, dần dà in đậm trong tâm trí của người dân địa phương với niềm cảm kích lớn lao.
Khép lại một buổi trao quà phải di chuyển trong tiết trời nóng bức, Wandi quay về nhà cùng chiếc áo ướt sũng mồ hôi, song trên đôi môi lại đang nở nụ cười hạnh phúc. Trò chuyện với chúng tôi, Wandi chậm rãi chia sẻ về hành trình 4 năm vòng quanh thế giới và duyên nợ chọn Việt Nam làm điểm dừng chân.
Năm 2017, Wandi và Nishte quyết định nhượng lại cơ sở kinh doanh của gia đình để thu về khoản tiền mà cả hai dự trù đủ cho họ thực hiện chuyến phiêu lưu vòng quanh thế giới. “Ba năm đầu, vợ chồng tôi và 3 con di chuyển liên tục qua nhiều nước trên khắp 5 châu. Trước khi sang Việt Nam, chúng tôi dành nhiều tháng ở Ấn Độ, Malaysia, Lào, Thái Lan để hỗ trợ lương thực, sữa cho các bạn nhỏ bất hạnh trong trại trẻ mồ côi, vùng khó khăn” , Wandi kể.
Đầu năm 2020, cả gia đình Wandi đặt chân đến Việt Nam và chọn Hội An – thành phố quyến rũ nhất thế giới, làm nơi lưu trú. Tại đây, Wandi quen biết Trang Quốc Trí – chủ cơ sở kinh doanh ăn uống ở sát vách căn nhà Wandi thuê. Chính anh Trí là người dẫn lối Wandi và Nishte trên khắp nẻo đường hành thiện.
Video đang HOT
Wandi nhớ lại, sang Việt Nam được 4 tháng, địa phương nơi vợ chồng anh cư trú xuất hiện dịch COVID-19. Phố xá nhộn nhịp, đông đúc du khách của những ngày trước đó bỗng dưng vắng lặng. “Trí nói với tôi, tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, nhiều người đang gặp khó khăn và cần được giúp đỡ. Không do dự, vợ chồng tôi đồng ý góp tiền cùng nhóm của Trí mua gạo, mì gói và nhiều thứ khác rồi đến tận nhà trao cho người nghèo. Đó là chương trình có ích đầu tiên, gia đình tôi thực hiện ở đất nước của các bạn” , Wandi cho hay.
Wandi trao quà cho bà con vùng lũ Quảng Trị năm 2020. (Ảnh: NVCC)
Khi Wandi vừa dứt câu, anh Trí tiếp nối câu chuyện bằng loạt hình ảnh ghi lại hàng chục chuyến từ thiện của nhóm Trí. Hết thảy các chuyến đi, Wandi đều có mặt và góp sức. Trong cuốn sổ tay dành riêng cho hoạt động từ thiện, ở trang giữa, Trí lưu lại hoạt động đặc biệt của nhóm trong 3 ngày cuối tháng 10/2020.
“Đợt đó, thôn Ngô Bắc, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình mới trải qua đợt lũ lớn. Còn đồng bào ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vừa hứng chịu sạt lở nặng. Tôi và Wandi cùng một số anh em quyên góp rồi vận động thêm các nhà hảo tâm ủng hộ, mua hàng tấn lương thực chất đầy xe tải, tức tốc ra hỗ trợ bà con.
Chứng kiến Wandi không ngại lội bùn đất, xắn quần đi chân trần vào tận nhà dân để trao quà, tôi thực sự rất cảm kích. Thương cảm trước hoàn cảnh của các cụ già neo đơn ở vùng sạt lở, bão lũ, Wandi còn bỏ tiền túi để hỗ trợ thêm” , anh Trí nói và thông tin thêm, đầu năm 2021, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát ở miền Trung, vợ chồng Wandi đã lặn lội vượt hàng trăm cây số lên các huyện vùng cao Đông Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam để tặng cặp sách, bút thước, sữa cho học sinh nghèo.
Wandi chụp ảnh kỷ niệm với trẻ vùng cao ở Quảng Nam trong một chuyến từ thiện. (Ảnh: NVCC)
Đặc biệt, trước tình cảnh đồng bào ở huyện biên giới Tây Giang thiếu nước sinh hoạt, cặp vợ chồng Thụy Điển có tấm lòng thơm thảo đã quyết định lắp đặt hệ thống lọc nước công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch ổn định cho hàng trăm hộ dân.
Phải lòng Việt Nam
Không thường xuyên theo chân chồng trên những chặng đường xa xôi, song hình ảnh Nishte cũng trở nên rất đỗi thân thương trong mắt bà con phố cổ Hội An. Trước thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội (ngày 31/7/2021), suốt nửa tháng trời, hằng ngày, Nishte cùng Wandi đèo nhau đi chợ, xắn tay áo vào bếp, hỗ trợ nhóm của Trí nấu hàng ngàn suất ăn dành cho lao động nghèo.
Nishte trao suất cơm trưa miễn phí cho lao động nghèo ở Hội An. (Ảnh: NVCC)
“Mỗi ngày, chúng tôi chuẩn bị hơn 100 suất cơm và phát miễn phí đến các chú xe ôm, cô bán vé số, bác lao công…Dù không nhiều nhưng cũng phần nào san sẻ bớt gánh nặng cho những lao động yếu thế. Vợ chồng chị Nishte tham gia rất nhiệt tình, không chỉ góp vật chất mà cả hai còn trực tiếp bỏ công sức, thời gian vào bếp nấu nướng. Nhiều bà con khi nhận suất cơm nghĩa tình từ tay Wandi và Nishte, họ không cầm được nước mắt vì cảm động” , anh Trí bộc bạch.
Hơn một năm qua, trên trang Instagram Wandiunion của nhóm thiện nguyện, Wandi thường xuyên cập nhật các hoạt động từ thiện cũng như cảnh đẹp ở Việt Nam.
Wandi thổ lộ, anh và vợ vô cùng thích thú trước vẻ đẹp cổ kính của những nếp nhà hàng trăm năm tuổi ở Hội An. Sự thân thiện, mến khách và thái độ cởi mở, vui vẻ của người bản địa càng khiến vợ chồng anh thêm yêu vùng đất, con người nơi đây.
“Thụy Điển là xứ sở của chúng tôi. Tất nhiên một ngày nào đó, cả gia đình sẽ quay trở lại. Còn hiện tại, nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp tục đóng góp cho Việt Nam” , Wandi xúc động chia sẻ và nhấn mạnh, vợ chồng anh luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.
Nhà đất thổ cư giá rẻ ở Hà Nội hút khách giữa mùa dịch
Khi mà COVID-19 bùng phát lần thứ tư khiến thị trường bất động sản gần như đóng băng thì phân khúc nhà đất thổ cư giá rẻ vẫn có nhiều giao dịch.
Trong khi đại đa số các phân khúc bất động sản bị đóng băng, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng thì thị trường đất thổ cư ven đô ở Hà Nội vẫn hoạt động khá tốt.
Cụ thể, thời gian qua, những mảnh đất trong ngõ xóm ven đô hoặc các quận mới vẫn thu hút sự quan tâm của người mua và giới đầu tư. Đơn cử, đất trong ngõ tại xã Vân Canh, Phương Canh (Hoài Đức) đang có mức giá 30-40 triệu đồng tuỳ từng vị trí.
Chị Lệ Thùy (Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị có căn nhà diện tích mặt bằng 40m2 xây 4 tầng khá kiên cố, chị ra giá 50 triệu đồng/m2 cả xây, tổng giá trị căn nhà 2 tỷ đồng. Hiện đã có rất nhiều khách hỏi mua bao gồm cả người có nhu cầu ở thật và đầu tư.
Bất chấp COVID-19, nhà đất thổ cư giá rẻ vẫn hút khách. (Ảnh minh họa).
Tại quận Hà Đông (Hà Nội), các khu vực như Cổ Bản, Đồng Mai, Yên Nghĩa giá vẫn phù hợp với người có tài chính dưới 2 tỷ đồng. Đơn cử như lô góc ngay cây xăng Đồng Mai giá chỉ 30 triệu đồng/m2. Có những mảnh đất 35-40m2 giá cũng trên dưới 1 tỷ đồng.
Tại huyện Đông Anh (Hà Nội), đất trong làng Mỹ Nội (xã Bắc Hồng) có giá từ 18-20 triệu đồng/m2. Theo môi giới ở khu vực này, cũng khá nhiều gia đình trẻ bên nội thành tìm mua ở đây. Nếu tính cả tiền xây nhà cấp 4 hoặc nhà 1,5 tầng cũng chỉ xấp xỉ 1,5-1,6 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Tạo, một nhà đầu tư chuyên xây nhà phân lô khu vực Thanh Trì (Hoàng Mai) cho biết, cơn sốt đầu năm đã khiến khu vực nóng của thị trường đất nền ven Hà Nội bị đẩy giá lên quá cao, nhưng những khu vực nhà thổ cư trong ngõ, ngách lại nằm ngoài sự tác động này nên giá đất còn khá "mềm". Phân khúc này lại chủ yếu dành cho người vốn mỏng và người mua ở thực.
Theo anh Tạo, giới đầu tư chuyên nghiệp thường không quan tâm đến những lô đất có vị trí ngóc ngách này bởi tiềm năng tăng giá chậm và không có sự đột biến về giá. Do đó, đất có giá trị dưới 1 tỷ đồng thường được những người đầu tư nghiệp dư, vốn mỏng, tâm lý "ăn chắc mặc bền" chú ý và những người có nhu cầu thực mua để xây ở.
Dù dịch bệnh phức tạp nhưng do giá rẻ, phù hợp với túi tiền của đại đa số dân chúng nên phân khúc đất nền dưới 1 tỷ vẫn thu hút một bộ phận khách đầu tư hoặc mua xây ở.
" Dịch bệnh khiến người có tiền nhàn rỗi vẫn săn tìm hàng đầu tư do việc đổ tiền vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Na,goài r người mua thực vẫn tiếp tục tìm đất xây nhà. Hàng giá rẻ tầm 1 tỷ phù hợp với đại đa số tài chính của người dân nên vẫn túc tắc giao dịch dù dịch bệnh phức tạp ", anh Tạo chia sẻ.
Lý giải về xu hướng này, bà Lê Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Thương hiệu Công ty BĐS Tuấn 123 nhìn nhận, giá bất động sản thổ cư lâu năm không hề giảm mà đi ngang. Bất động sản chia ra mục đích rõ ràng, mua sử dụng thì nhu cầu để ở là nhu cầu đầu tiên. Còn mua để đầu tư thì do đại dịch các hoạt động kinh doanh ngưng trệ, đầu tư bất động sản giá rẻ vẫn là cơ hội tốt để họ xuống tiền.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, đất nền vẫn là kênh có biên độ tăng giá tốt đối với các nhà đầu tư trong dài hạn. Tuy nhiên ông lưu ý các sản phẩm có pháp lý rõ ràng, hạ tầng hoàn thiện luôn được nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn, đặc biệt là đất nền quanh khu công nghiệp lớn.
Ngoài ra, các loại đất nền ở thị trấn hay những khu vực mới nâng cấp lên thị xã hoặc thành phố cũng rất thu hút đầu tư là bởi có xuất phát điểm giá đất nền ở mức thấp.
" Nhà đầu tư nên tích cực hơn trong việc tìm hiểu các thông tin quy hoạch hạ tầng cũng như nghiên cứu về sản phẩm có pháp lý chuẩn, quy hoạch bài bản trước khi quyết định xuống tiền để tránh rủi ro ", ông Quốc Anh khuyến cáo.
Cơm 0 đồng cho lao động phải 'ngồi yên' giữa mùa dịch Trong cái nắng gần 40 độ C, ông Phạm Văn Tuân, 71 tuổi, vẫn lái ôtô đi đưa cơm cho xóm lao động quanh Cầu Giấy, thay vì ngồi yên trong điều hòa. Những ngày bình thường trước đây, tuổi 71 của cán bộ hưu trí như ông Tuân là dậy sớm đi thể dục, rồi về ăn sáng, uống cà phê, chơi...