Cáp treo Sơn Đoòng cách cửa động 300 mét
Tỉnh Quảng Bình cho hay, dự án cáp treo trị giá 3.000 tỷ đồng ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng sẽ đưa du khách vào ngắm rừng nguyên sinh, chứ không vào bên trong hang động Sơn Đoòng.
Ngày 4/11, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức họp báo về dự án cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng. Tham dự có nhiều sở ban ngành của tỉnh Quảng Bình và đại diện chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Sungroup.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, tỉnh này có hơn 300 hang động lớn nhỏ và đã đưa vào khai thác du lịch nhiều hang động. Quảng Bình được UNESCO đánh giá làm rất tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản.
Ông Nguyễn Hữu Hoài. Ảnh: Quang Hà.
Theo vị Chủ tịch Quảng Bình, dự án cáp treo dự kiến dài 10,6 km gồm 2 chặng, xuất phát từ cửa động Phong Nha đến ga thứ nhất tại Trạ Ang dài 6.788 m, và ga thứ hai đến cửa sau động Sơn Đoòng dài 3.872 mét. Nhà ga này cách cửa động khoảng 300 mét.
Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh Phong Nha-Kẻ Bàng ở độ cao 50-250 mét.
Dự án gồm 30 trụ cáp, với mỗi trụ xây dựng không quá 10 m2 đất rừng. Đồng thời, trên mỗi trụ có gắn camera có góc quay 360 độ để quan sát bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.
Qua 9 tháng khảo sát từ đầu năm 2014, tuyến cáp dự kiến đi qua 3 phân khu phục hồi sinh thái, hành chính và bảo vệ nghiêm ngặt. Quá trình này, Sun Group mời nhiều chuyên gia nước ngoài cùng khảo sát. Tuyến cáp được thiết kế có khả năng phục vụ 1.000 lượt khách/h.
Ông Đặng Minh Trường, Tổng giám đốc Sun Group cho hay tuyến cáp được thi công bằng công nghệ cáp công vụ, vận chuyển vật liệu đi qua ngọn cây, hoặc theo các lối mòn nên không có cây chặt hạ trong thi công.
“Dự án có tổng vốn 3.000 tỷ đồng gồm nhiều tổ hợp khác như các khách sạn, sân gôn ở ngoài khu vực vườn quốc gia, sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn người, đồng thời tạo nguồn thu lớn cho tỉnh. Chúng tôi đầu tư nên hoàn toàn chắc chắn không xâm hại môi trường và di sản, bởi việc đó không khác gì tự chặt chân mình, bảo vệ di sản bằng mọi giá, đó là mục tiêu làm dự án”, ông Trường nói.
Ông Lê Thanh Tịnh, giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đánh giá đây là sản phẩm du lịch hoàn toàn mới, đưa du khách tham quan thắng cảnh Phong Nha-Kẻ Bàng trên cao, tạo trải nghiệm khác hẳn như được bay trên rừng nguyên sinh.
Với việc xây dựng ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, ông Tịnh cho biết tại khu vực này không được xây dựng, trừ lối mòn và đường cáp trên không. “Quy định của Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng nên dự án này phải thực hiện đầy đủ thủ tục trước khi triển khai”, ông Tịnh nói.
Chuyên gia Peter Vogelmann, Giám đốc thị trường Đông Nam Á của công ty Doppelmayr Seilbahnen GmbH (Áo), đối tác thi công cáp treo ở dự án này cho rằng với kinh nghiệm thực hiện 14.000 dự án cáp treo, nhiều công trình ở 86 vườn quốc gia thế giới và di sản được UNESCO công nhận nên đơn vị này hoàn toàn đảm bảo thi công an toàn, ít ảnh hưởng đến môi trường ở Phong Nha-Kẻ Bàng.
Tuyến cáp dự kiến xây dựng chỉ đưa khách đến cửa động Sơn Đoòng, còn việc thám hiểm bên trong vẫn chưa được tỉnh Quảng Bình và chủ đầu tư khảo sát để đưa ra con số, kế hoạch cụ thể.
“Trên cơ sở kinh nghiệm khai thác động Phong Nha và Thiên Đường, tỉnh Quảng Bình và chủ đầu tư sẽ tiếp tục làm việc, khảo sát để có phương án cụ thể đưa khách vào thăm động Sơn Đoòng”, ông Hoài khẳng định.
Một cửa lớn vào hang Sơn Đòong. Ảnh: sondoongcave
Dự án được đánh giá tạo việc làm hàng nghìn lao động địa phương khi chủ đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng.
Video đang HOT
Tỉnh Quảng Bình cho rằng sẽ có nhiều người dân được ít nhất một lần đặt chân đến động Sơn Đoòng hơn so với phương án khai thác hiện nay, vốn rất ngặt nghèo về tài chính, sức khỏe, thời gian.
Chủ tịch Quảng Bình cho hay tỉnh này vẫn còn nghèo, trong khi Phong Nha-Kẻ Bàng như một viên ngọc nên cần sớm đưa ra khai thác, mời gọi khách du lịch để phát triển kinh tế.
Trước khi đưa dự án này vào triển khai, tỉnh Quảng Bình cam kết sẽ tham khảo ý kiến các Bộ ngành trung ương và UNESCO.
Hoàng Táo – Phạm Hương
Theo VNE
Cáp treo xuyên hang Sơn Đoòng: Hãy giữ cho nhân loại!
"Việc bảo tồn các di sản chính là sự gìn giữ những giá trị đó cho nhân loại, cho những thế hệ mai sau vẫn được biết đến".
PGS.TS Nguyễn Hiệu, Khoa địa lý - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN khẳng định.
Phải khảo sát mang tính đồng bộ
PV: - Là một trong những người đã nhiều năm nghiên cứu và đưa đoàn thám hiểm của Hiệp hội nghiên cứu Hang động Hoàng gia Anh vào khám phá hang Sơn Đoòng (SĐ), ông có quan điểm ra sao trước quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình khi cho một tập đoàn kinh tế vào khảo sát và đưa ra phương án xây dựng tuyến cáp treo xuyên hang? Theo ông để tiến hành khảo sát thực hiện thì cần bao nhiêu thời gian và có gì khó khăn hay không?
PGS.TS Nguyễn Hiệu: - Để khảo sát có dự án này, tập đoàn đó cần có sự tham gia của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học thuộc những lĩnh vực chuyên môn quan trọng về khoa học Trái Đất, về hang động, Sinh thái, Môi trường...
Nội dung khảo sát thực thi dự án này không thể chỉ là cho xây dựng hệ thống cáp treo, mà phải là một khảo sát mang tính đồng bộ cả về điều kiện thực thi cũng như đánh giá những tác động của toàn tuyến du lịch tới khu di sản nói chung, tới hang SĐ nói riêng.
Bên cạnh những điều kiện về kết cấu địa chất, đặc điểm tân kiến tạo, đặc trưng địa mạo, chế độ thủy văn, khí hậu, đặc biệt những vấn đề về tai biến thiên nhiên như lũ lụt, đổ lở...phải được nghiên cứu, quan trắc chi tiết.
Những phân tích đánh giá, dự báo về số lượng khách và sức chịu tải về môi trường, tài nguyên cũng như là hệ thống dịch vụ của khu du lịch PN-KB cũng phải được nghiên cứu một cách đồng bộ và phải được đặt trong bối cảnh của một khu di sản thiên nhiên thế giới với những giá trị tự nhiên độc đáo phải mất hàng triệu năm để kiến tạo.
Cáp treo Sơn Đoòng: Tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường!
Và để thực hiện được điều này cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện ít nhất trong vòng hai năm dưới dạng một dự án nghiên cứu khoa học/ dự án tiền khả thi và phải được sự phản biện rộng rãi. .
PV: - Thế nhưng, theo lãnh đạo của tỉnh Quảng Bình thì nói rằng việc cho xây dựng tuyến cáp treo vào hang Sơn Đoòng để phát triển du lịch theo trào lưu, đại trà là không đúng. Ông nghĩ sao?
PGS.TS Nguyễn Hiệu: - Quan điểm của tôi, du lịch hang động, theo đúng nghĩa là phải khám phá, chiêm ngưỡng những giá trị tự nhiên và khoa học độc đáo, được trải nghiệm, được mạo hiểm và đắm mình trong không gian u tịch của nơi ẩn sâu trong lòng đất, còn dự án này tôi thấy họ chỉ có ý định tiếp cận bên ngoài hang Sơn Đoòng, sau đó thiết kế một số vị trí để cho du khách nhìn ngắm, chứ không phải để khám phá hay du lịch hang động theo đúng nghĩa.
Trước khi hang Sơn Đoòng được phát hiện, đã có hang rất nổi tiếng đó là hang Deer ở Vườn quốc gia Gulung Mulu (Malaysia) là hang có kích thước lớn nhất thế giới, nằm ở độ cao 146m với chiều dài nhánh chính của hang xấp xỉ 1000m, rộng trung bình 174m và cao khoảng 122m.
Nhưng với chiều dài nhánh chính lên tới 6.781m, độ rộng trung bình 50-80m (nơi rộng nhất tới 163m), độ cao trung bình 80-100m (nơi cao nhất đạt 195m), đủ sức chứa 1 toà nhà 60 tầng (mỗi tầng trên 3m), hang Sơn Đoòng đã chính thức trở thành hang lớn nhất thế giới hiện nay.
Ở Mulu, du lịch hang động được phát triển du lịch từ những năm 80 của thế kỉ trước, đến nay họ có rất nhiều dự án cho việc thám hiểm hang động, trong đó có cả khám phá hang Deer, nhưng tuyệt nhiên không có hình thức cáp treo, du lịch của họ đều trải nghiệm bằng cách đi các tour lộ trình bên dưới mặt đất, thâm nhập đến hệ thống hang để khám phá.
Nếu muốn tránh việc đi những lộ trình khó khăn thì du khách có thể đi bằng trực thăng. Ở cách khá xa cửa hang Deer họ xây dựng bãi đỗ cho máy bay trực thăng.
Một phần trong hang bị sập đổ mạnh với các vách hang dựng đứng nhiều khe nứt - là nơi tiềm ẩn tai biến sập đổ nguy hiểm (Ảnh Howard Limbert)
Gần đây, Quảng Bình có tổ chức tour du lịch thử nghiệm "Chinh phục Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới", do Công ty Oxalis chủ trì, với giá cho một du khách nước ngoài là 3000 USD/tour. Sau 8 tháng thử nghiệm, đã đón tiếp, phục vụ thành công 32 tour với tổng số 243 lượt khách tham quan đến từ 34 nước.
Mặc dù chưa khai thác chính thức, thời gian thử nghiệm ngắn nhưng tour du lịch đã đưa lại hiệu quả kinh tế đáng kể với doanh thu bán tour đạt trên 15 tỷ đồng.
Đây là mô hình tổ chức mà ở các khu du lịch hang động khác trên thế giới đều thực hiện. Tuy nhiên, việc bỏ ra một số tiền lớn như vậy thì để tới được hang SĐ sẽ chỉ là mơ ước của nhiều người. Với dự án của Sun Group, họ hướng tới việc bình dân hóa hay có thể xem như là đại trà tour du lịch này. Lợi ích mang lại trước mắt là chắc chắn du khách sẽ nườm nượp đổ về PN-KB để được tới Sơn Đoòng.
Đi cùng với đó là các hệ thống dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, y tế, phát triển theo. Tuy nhiên, cách thức dùng cáp treo như vậy sẽ không thể mang lại những giá trị đích thực của loại hình du lịch độc đáo này và chắc chắn sẽ mang lại nhiều những hệ lụy tới môi trường tự nhiên, xã hội của khu di sản và lân cận.
Xây trực tiếp tuyến cáp treo là vô cùng nguy hiểm
PV: - Phải chăng vì thế mà lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, đồng ý cho xây dựng cáp treo, là phương án phát triển và bảo vệ phù hợp nhất cho Sơn Đoòng. Với giải pháp này, Quảng Bình vừa khai thác được du lịch của hang động Sơn Đoòng lại vừa kết hợp tour tham quan du lịch sinh thái ở các khu rừng quốc gia Phong Nha, Kẻ Bàng. Ông đánh giá thế nào với nhận định này?
PGS.TS Nguyễn Hiệu: - Nếu dự án du lịch này được triển khai, chắc chắn sẽ đem lại hiệu ứng tích cực cho du lịch PN-KB như đã đề cập đến ở trên. Nhưng riêng đối với hang SĐ, làm sao để bảo tồn được nó nếu như tiến hành xây hệ thống cáp treo như vậy.
Hang Sơn Đoòng được hình thành trong khối núi Kẻ Bàng, trong đó phân bố các hệ tầng đá vôi có tuổi từ kỷ Devon (360-416 triệu năm) đến Carbon-Permi (251-360 triệu năm) có nguồn gốc từ trầm tích lắng đọng trong đại dương vào thời kì Paleozoi.
Với đặc tính giòn, dễ dập vỡ của đá vôi, lại trải qua lịch sử phát triển địa chất lâu dài dọc theo các đới đứt gãy địa chất, nên kết cấu của hang sẽ rất nhạy cảm với các chấn rung gây ra bởi các hoạt động công trình. Việc xây dựng trực tiếp các tuyến cáp treo lên hang là vô cùng nguy hiểm cho chính các công trình này và của trần và vách hang
Mặt khác, làm như vậy thực sự rất mất mỹ quan, sự xuất hiện của các công trình nhân sinh này sẽ làm mất đi cảnh quan tự nhiên hoang sơ của khu di sản thiên nhiên nói chung, của SĐ nói riêng.
Lượng du khách đông không kiểm soát được, nườm nượp các hệ thống cáp treo vào ra, vào ra liên tục như thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc, sự ổn định và môi trường, các hệ sinh thái của hang.
Chưa kể lộ trình thứ 2, trong phương án của tập đoàn là làm từ hố sụt thứ 2 đi xuống lòng hang. Trong du lịch hang động, tôi đã đi rất nhiều nơi, họ làm bao giờ cũng làm hành lang độc lập trong hang, để du khách thưởng ngoạn, ngắm chứ không sờ vào xung quanh.
Ảnh chụp hố sập 2 trong Hang Sơn Đoòng (Ảnh Nguyễn Hiệu)
Bởi nếu không kiểm soát tốt, có thể xuất hiện hiện tượng một số du khách thiếu ý thức sẽ gây ra những tác động trực tiếp tới thảm thực vật ở hố sụt, hay nền hang, nhũ đá...
Việc bảo tồn các di sản chính là sự gìn giữ những giá trị đó cho nhân loại, cho những thế hệ mai sau vẫn được biết đến. Nếu không đặt tiêu chí này lên hàng đầu, thì những giá trị tự nhiên này có thể sẽ bị những lợi ích về mặt kinh tế trước mắt triệt phá. Đối với các vùng di sản như PN-KB, có càng ít sự can thiệp của con người, của các công trình dân sinh bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu..
PV:- Hiện nay, việc để cho các nhà đầu tư lớn vào trong các khu di sản khai thác, phát triển kinh tế du lịch, xuất hiện nhiều mối lo ngại về lợi ích nhóm, ông có đồng tình với ý kiến này hay không? Vì sao ạ?
PGS.TS Nguyễn Hiệu: - Điều này cũng rất dễ xảy ra nếu như không quản lý tốt. Việc khai thác các di sản phải đạt được mục tiêu vừa mang lại lợi ích kinh tế xã hội, vừa góp phần gìn giữ và bảo tồn chúng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Người dân địa phương phải được hưởng lợi từ các dự án này bởi có công ăn việc làm tốt, có phúc lợi xã hội tốt hơn, có môi trường sống tốt hơn. Địa phương có được nguồn thu để tăng vốn kinh phí đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội...
Cáp treo Sơn Đoòng:Chuyên gia Anh phản đối du lịch đại trà!
Bên cạnh công tác quản lý tốt, nếu những người dân địa phương có một cuộc sống tốt nhờ chính vào Di sản mà họ đang sở hữu, thì ý thức trân trọng và giữ gìn di sản sẽ tự nhiên được hình thành. Trong dự án du lịch thử nghiệm khám phá hang SĐ do công ty Oxalis đảm nhiệm đã thu được 15 tỷ đồng từ bán vé tour và có 40 người dân địa phương tham gia vào dự án.
Đây là một kết quả rất tốt, tuy nhiên người ta vẫn muốn biết thu nhập của 40 người tham gia đó là bao nhiêu sau một năm làm việc, có bao nhiêu phần trăm từ nguồn thu 15 tỷ đồng đó sẽ được đầu tư cho phát triển KTXH của địa phương.
Cho đến nay, đã sau gần 25 năm PN-KB được giới thiệu ra thế giới, sau hơn 10 được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, nhưng những lợi ích được tạo ra từ sự sở hữu một khu di sản nôi tiếng như PN-KB cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương là không đáng kể, việc tổ chức khai thác và quản lý phát triển một cách đồng bộ chậm hơn nhiều so với các nơi trên TG cùng sở hữu những di sản lớn như vậy.
Khai thác phải đi kèm với bảo tồn
PV:- Bài toán đặt ra ở đây chính là lợi ích kinh tế, làm ăn thương mại và giá trị của di sản, theo ông trong trường hợp này phải có phương án như thế nào để cân bằng cả hai điều này? Chúng ta có xử lý được không?
PGS.TS Nguyễn Hiệu: - Theo tôi thì phải thực hiện khai thác đi kèm với bảo tồn, về giải pháp có thể trực tiếp và gián tiếp, càng hạn chế các tác động của các công trình dân sinh vào di sản được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Hang Sơn Đoòng nổi tiếng thế giới và hấp dẫn du khách bởi kích thước rộng lớn nhất thế giới và sở hữu những giá trị độc đáo về địa chất, cổ sinh, địa mạo và sinh vật, đồng thời lại nằm trong khu di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng.
Việc khai thác bài bản và hiệu quả kinh tế cao mang lại từ tour du lịch thử nghiệm khám phá hang Sơn Đoòng sẽ là cơ sở quan trọng cho sự phát triển tour du lịch này nói riêng, của loại hình du lịch mạo hiểm ở Phong Nha - Kẻ Bàng nói chung trong tương lai.
Tuy nhiên, để khai thác một cách lâu bền kết hợp với bảo tồn các giá trị của hang Sơn Đoòng, cần phải tiến hành các nghiên cứu, đánh giá chuyên đề sâu nhằm làm rõ những đặc điểm, giá trị độc đáo và xây dựng thành hồ sơ hay sách chỉ dẫn cho hang.
Cùng với đó là xây dựng hệ thống quan trắc biến đổi điều kiện kiện tự nhiên, môi trường trong hang và thiết lập một hành lang quản lý tổng hợp theo hệ thống lưu vực các sông suối chảy qua hang Sơn Đoòng nói riêng, qua khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng nói chung.
Có thể xây dựng các mô hình giả lập kèm theo hệ thống phim và ảnh chụp để có thể giới thiệu được nhiều hơn về SĐ tới những du khách không có được điều kiện về sức khỏe, tài chính để đến được hang.
Chú trọng việc tuyên truyền, tạo việc làm và quyền lợi xứng đáng cho người dân địa phương, đồng thời đa dạng hóa các loại hình du lịch và tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về cứu hộ và y tế, là những nhiệm vụ được ưu tiên nhằm khai thác bền vững và bảo tồn hang Sơn Đoòng.
- Xin cảm ơn PGS.TS đã chia sẻ với Đất Việt!
Theo Báo Đất Việt
Dân chết vì đu cáp treo, ai chịu trách nhiệm? 26-10, cái chết thương tâm của một người dân khi đu cáp treo qua sông ở Đắk Lắk đã xảy ra. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào khoảng 7 giờ 30 phút ngày 26-10, tại khu vực cáp treo qua sông Krông Ana (đoạn qua địa bàn thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông,...