Cấp tốc thiết lập phòng ICU 58 giường ở Bắc Giang
Với sự hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai, ngày 24/5 Bệnh viện Phổi tỉnh Bắc Giang đã thiết lập xong 58 giường điều trị tích cực (ICU), bắt đầu tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
Các bệnh nhân Covid-19 được chia thành 2 nhóm, gồm nhóm bệnh nhân nặng cần theo dõi và nhóm bệnh nhân nặng nhưng có thể kiểm soát được. Tổ điều trị cũng thành lập các nhóm để chẩn đoán, theo dõi và quản lý bệnh nhân.
Ngoài ra, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ hỗ trợ trang bị thêm 10 giường ICU nữa. Bộ Y tế điều động một máy ECMO (tim phổi nhân tạo) cho Bệnh viện Phổi tỉnh Bắc Giang, sẽ do đội ngũ Bệnh viện Bạch Mai sử dụng.
Kiểm tra Bệnh viện Phổi hôm 24/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị bệnh viện cần thiết lập ngay hệ thống hội chẩn trực tuyến với trung ương để chuẩn bị tốt kế hoạch tiếp nhận ngay bệnh nhân.
Hôm qua, một bệnh nhân mới 38 tuổi, không bệnh lý nền, tử vong vì sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân viêm phổi do Covid-19. Cho đến hôm qua, Bắc Giang chưa có khu điều trị hồi sức tích cực (ICU), nên bệnh nhân nặng phải chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ở Hà Nội. Quá trình chuyển viện nguy hiểm cho bệnh nhân nặng, có khi mất cơ hội vàng điều trị.
Việc Bộ Y tế huy động các bệnh viện trung ương cấp tốc thiết lập phòng ICU tại Bắc Giang nhằm hỗ trợ điều trị tại chỗ những bệnh nhân nặng, tránh di chuyển đường xa.
Video đang HOT
Thứ trưởng Sơn kiểm tra phòng ICU tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Dương.
Đến sáng nay, Bắc Giang ghi nhận hơn 1069 bệnh nhân Covid-19, con số cao nhất đối với một tỉnh thành kể từ đầu dịch vào năm 2020 tới nay. Bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của tỉnh như Nội tiết, Phục hồi chức năng, Tâm thần, Lao và Bệnh phổi, Y học cổ truyền, Trung tâm y tế huyện Lạng Giang, Bệnh viện đa khoa tỉnh…
Theo Tiểu ban điều trị thuộc Bộ Y tế, 18 bệnh nhân tiến triển nặng lên và 13 trường hợp tiên lượng rất nặng, chủ yếu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết việc điều trị cho bệnh nhân gặp khó khăn do số lượng lớn, hơn 1.000 ca mắc Covid-19 và có thể tiếp tục tăng. Dự kiến khoảng 7-10 ngày nữa số lượng bệnh nhân mới giảm dần.
Hiện, tỉnh có 3.000 giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19; 47 máy thở chức năng cao, trong đó 20 máy dùng cho được bệnh nhân Covid. Khu vực ICU đưa vào hoạt động ở Bệnh viện Phổi là nơi điều trị các bệnh nhân nặng. Những bệnh nhân điều trị bệnh Covid-19 đã xét nghiệm 2 lần âm tính có thể điều về bệnh viện các tuyến lân cận để giảm áp lực điều trị.
Bắc Giang cũng lập Bệnh viện dã chiến tại Nhà thi đấu tỉnh. Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cho biết bệnh viện dã chiến 620 giường điều trị bệnh nhân nhẹ không triệu chứng. Trong quá trình theo dõi, điều trị mà xuất hiện các ca phức tạp, ca phải thở oxy thì sẽ chuyển về bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng.
Nhân lực y tế tại bệnh viện dã chiến do Bệnh viện 198 hỗ trợ và các lực lượng tình nguyện khác. Cụ thể, Bệnh viện 198 hỗ trợ 50 bác sỹ, 100 điều dưỡng và 15 các y bác sỹ về chẩn đoán hình ảnh và các khoa phòng khác.
Đánh giá tình hình thực tế, Thứ trưởng chỉ đạo Tổ điều trị cần xây dựng ngay kịch bản tiếp nhận, thu dung và điều trị bệnh nhân tại đây. Đẩy nhanh tiến độ trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực,… Đồng thời, lên kế hoạch tập huấn về quy trình và quản lý phòng, chống lây nhiễm trong chăm sóc, điều trị và phòng ngừa lây nhiễm. Hoàn thành các đầu mối công việc trên, đảm bảo tiến độ thực hiện để bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân vào ngày 26/5.
Tốc độ xét nghiệm ở Bắc Giang đuổi theo tốc độ lấy mẫu
Mỗi ngày năng lực đáp ứng xét nghiệm của CDC Bắc Giang và các cơ sở trung ương hỗ trợ khoảng 35.000 mẫu đơn, có thể đáp ứng được yêu cầu cấp bách.
Tiến sĩ Dương Thị Hiển, trưởng khoa Xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Giang, cho biết hiện 2 đơn vị có khả năng xét nghiệm khẳng định Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR là CDC và Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tuy nhiên với số lượng nhân sự và cơ sở trang thiết bị hiện có, công suất của hai cơ sở còn thấp. CDC có thể đảm nhận 1.500 mẫu đơn/ngày, nếu xét nghiệm gộp mẫu thì 7.500 mẫu/ngày, còn bệnh viện có thể xử lý 500 mẫu đơn/ngày, tức khoảng 2.500 mẫu gộp/ngày.
Số lượng mẫu giám sát trung bình hàng ngày cao, như hôm qua số lượng mẫu ở huyện Việt Yên lên đến 45.000 mẫu. Ngoài ra số mẫu cho các trường hợp bầu cử, từ thành viên Ban chỉ đạo đến những người phục vụ công tác bầu cử là khoảng 25.000, tổng cộng gần 70.000 mẫu phải cần đến sự hỗ trợ từ các đơn vị khác.
Bà Hiển đánh giá Bộ Y tế đã hỗ trợ Bắc Giang rất nhiều trong khâu xét nghiệm. Trước tiên là thành lập các tiểu ban, trong đó có tiểu ban Xét nghiệm do bà Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phụ trách.
8 đơn vị đang hỗ trợ công tác xét nghiệm cho Bắc Giang như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Bệnh viện Bạch Mai; Trường ĐH Y tế Công cộng; Trường ĐH Y Hà Nội; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Học viện Quân Y 103; Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga... Ngoài ra các CDC Quảng Ninh, CDC Hải Phòng cũng hỗ trợ Bắc Giang trong giai đoạn đầu đợt dịch.
"Đặc thù của phòng xét nghiệm Realtime PCR là chạy 2-3 lô số lượng mẫu lại phải tạm dừng, thực hiện quy trình khử nhiễm để chất lượng kết quả thực sự đảm bảo. Cho nên nếu không có sự hỗ trợ của khá nhiều đơn vị, thì công tác xét nghiệm sẽ bị gián đoạn", bà Hiển nói.
Hiện tại, mỗi ngày năng lực đáp ứng xét nghiệm của cả CDC Bắc Giang và các cơ sở tuyến trung ương hỗ trợ là khoảng 35.000 mẫu đơn trên ngày.
Hoạt động xét nghiệm tại CDC Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Dương.
Về nhân lực, bà Hiển cho biết CDC Bắc Giang đang thiếu. Riêng đội xét nghiệm gần như có rất ít thời gian để ngủ tính từ đầu đợt dịch đến giờ. Hàng ngày số lượng mẫu đưa về ồ ạt, CDC phải tập trung phân loại rồi điều chuyển đến các cơ sở khác.
Quy trình lấy mẫu ở các địa phương đều dựa vào các bản viết tay, rồi gửi qua ảnh chụp, hoặc email. CDC phải dành cả một phòng lớn cho hàng chục tình nguyện viên ngồi để "mã hóa" lại một lần nữa lên máy tính để gửi bản mềm cho các cơ sở, rất tốn thời gian, vất vả, chưa kể ảnh lại mất nét, mất thông số...
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cử cán bộ rà soát, trao đổi với CDC Bắc Giang để đưa ra được một biểu mẫu có thể coi là "số hóa" ngay từ đầu trong việc lấy mẫu xét nghiệm. Từ việc bố trí khu lấy mẫu, đặc biệt là đã đưa ra một biểu mẫu nhập danh sách lấy mẫu rất nhanh, tránh sai sót, hoàn toàn dễ thực hiện trên Excel và đặc biệt là thống nhất cho tất cả tỉnh.
"Có thể coi đây như một ứng dụng vừa giúp các đội lấy mẫu và cả tiếp nhận xử lý nhanh hơn, nhàn hơn, chính xác hơn", bà Hiển nói.
Chiều 22/5, cán bộ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã có buổi hướng dẫn trực tuyến cho tất cả các huyện, thành phố Bắc Giang quy trình này, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Bắc Giang sẽ áp dụng trên toàn tỉnh vào ngày 24/5.
"Nhờ sự phối hợp và kinh nghiệm của các chuyên gia trong Bộ Phận hỗ trợ đặc biệt Bộ Y tế, và sự hỗ trợ của các đơn vị xét nghiệm thì công tác xét nghiệm của tỉnh Bắc Giang có thể đáp ứng được yêu cầu cấp bách thời điểm này", bà Hiển đánh giá.
Số ca nhiễm trong nước vượt 2.000 Với 73 ca nhiễm công bố tối 22/5, cả nước ghi nhận hơn 2.036 ca Covid-19 trong 26 ngày từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, lan ra 30 tỉnh thành. Số ca nhiễm đợt dịch này cao gấp gần 2,5 lần so với tổng số ca mắc hồi đầu năm ở đợt dịch thứ ba khi bùng phát ở Hải Dương....