Cấp thẻ căn cước: Hết miễn phí
Đến nay, đã có gần 4 triệu người ở 16 địa phương được cấp, đổi thẻ căn cước công dân. Sắp tới, người dân sẽ phải nộp tiền thay vì miễn phí làm thẻ căn cước như hiện nay.
Người dân làm thẻ căn cước tại Hà Nội
Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) do Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến, nếu được thông qua, thông tư này sẽ thay thế Thông tư 170/2015 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí CCCD.
Cấp: 70.000 đồng, đổi: 50.000 đồng
Theo đó, thay vì được miễn phí khi cấp mới thẻ như quy định hiện hành thì nhiều đối tượng công dân sẽ phải nộp phí. Cụ thể, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp CCCD lần đầu, cấp đổi, cấp lại thẻ phải nộp lệ phí như sau: cấp mới, cấp lại: 70.000 đồng/thẻ; đổi: 50.000 đồng/thẻ.
Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới, các huyện đảo nộp lệ phí thẻ bằng 50% mức thu trên. Trường hợp đổi thẻ khi có sai sót về thông tin do lỗi của cơ quan quản lý thì không phải nộp lệ phí.
Video đang HOT
Như vậy, so với Thông tư 170/2015, dự thảo thông tư mới đã bỏ đi 2 trường hợp được miễn lệ phí gồm: công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ lần đầu và đổi thẻ khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Cũng theo dự thảo thông tư nêu trên, những trường hợp được miễn lệ phí áp dụng như công dân đã có CMND 9 số và CMND 12 số nay chuyển sang làm CCCD theo Luật CCCD; đổi CCCD khi nhà nước thay đổi địa giới hành chính…
Cấp chậm vì bảo trì hệ thống
Từ ngày 1-1, CMND đã bắt đầu được thay thế bằng thẻ CCCD. Thẻ CCCD gồm nhiều thông tin từ tên, tuổi, giới tính đến quốc tịch, quê quán…, trong tương lai sẽ dần thay thế các giấy tờ khác như: sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, sổ bảo hiểm xã hội…
Theo Bộ Công an, đến nay, khoảng 3,5-4 triệu người dân ở 16 địa phương đã được cấp thẻ CCCD, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Bình. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người dân ở Hà Nội, TP HCM phản ánh việc chậm trễ khi cấp mới, đổi thẻ CCCD.
Về vấn đề này, đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) thuộc Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an, cho biết việc chậm trễ này có nguyên nhân khách quan. Hệ thống cấp, quản lý CCCD đã vận hành từ năm 2012 và đến nay đã hết thời gian bảo hành nên cần bảo dưỡng để hoạt động ổn định. Do chưa chuyển giao công nghệ, việc bảo dưỡng cũng phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện, phôi nhựa thì nhập từ Đức nên có chậm trễ. Tình trạng sắp hết phôi in thẻ xảy ra ở tất cả 16 địa phương và đến đầu tháng 10-2016 mới có đầy đủ để cung cấp trở lại.
Chính vì thế, người dân ở Hà Nội khi đi làm thẻ được thông báo thời hạn trả CCCD là 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Tuy nhiên, trung tâm CCCD quốc gia đang bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống nên thời gian trả thẻ tạm thời kéo dài sau 40 ngày làm việc. Sau khi thực hiện xong công tác bảo trì, bảo dưỡng, Hà Nội sẽ tiếp tục trả thẻ CCCD theo đúng quy định.
Bộ Công an lưu ý: trong quá trình đổi thẻ CCCD, người dân vẫn được sử dụng CMND cũ, khi nào đến nhận thẻ mới phải cắt góc nên không ảnh hưởng đối với người đổi. Theo lộ trình, đến tháng 1-2020, Bộ Công an phải chủ động nguồn cung cấp phôi làm CCCD, tiến đến sản xuất phôi và một số vật liệu phục vụ in trong nước để chủ động nguồn nguyên liệu làm thẻ.
Theo Nguyễn Quyết (Người lao động)
Đề xuất mức thu lệ phí cấp mới thẻ Căn cước công dân là 70.000 đồng/thẻ
Bộ Tài chính hiện đang đề xuất mức thu lệ phí khi cấp mới, cấp lại thẻ căn cước công dân là 70.000 đồng/thẻ. Trường hợp cấp đổi thẻ Căn cước công dân, mức lệ phí được Bộ này đề xuất là 50.000 đồng/thẻ.
Theo quy định tại Luật căn cước công dân, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân, số thẻ căn cước công dân là số định danh cá nhân
Luật căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 quy định, thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Thông tư 07 ngày 1/2/2016 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật căn cước công dân và hướng dẫn thi hành Nghị định 137 ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân nêu rõ: Cơ sở dữ liệu (CSDL) căn cước công dân được kết nối với CSDL quốc gia về dân cư, CSDL về cư trú và CSDL ngành khác trong Công an nhân dân để thu thập, cập nhật, chia sẻ thông tin về công dân; và việc thu thập, cập nhật thông tin về công dân vào CSDL căn cước công dân được thực hiện trong quá trình cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang đăng tải công khai dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp căn cước công dân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ này để lấy ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp.
Theo dự thảo, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân phải nộp lệ phí cấp căn cước công dân theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân thì không phải nộp lệ phí.
Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính cũng nêu rõ những trường hợp được miễn lệ phí gồm: Công dân đã được cấp CMND 9 số và CMND 12 số nay chuyển sang cấp căn cước công dân theo Luật căn cước công dân; Đổi căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; Đổi, cấp lại căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
Về mức thu lệ phí, dự thảo Thông tư đề xuất mức thu lệ phí cấp mới, cấp lại thẻ căn cước công dân là 70.000 đồng/thẻ; và mức thu lệ phí là 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân đối với trường hợp cấp đổi. Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí thẻ căn cước công dân bằng 50% mức thu quy định trên.
Cũng theo dự thảo, Tổ chức thu lệ phí là Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an quận, huyện thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương.
Theo CafeF
Ngưng miễn phí cấp mới thẻ căn cước công dân Công dân đủ 14 tuổi trở lên khi được cấp mới thẻ căn cước công dân sẽ phải đóng 70.000 đồng. Các cán bộ làm công tác cấp thẻ CCCD . Ảnh: TUYẾN PHAN Bộ Tài chính vừa đăng tải công khai dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp thẻ căn cước công dân (CCCD)....