Cấp sai 65 sổ đỏ ở Đắk Nông: Cán bộ làm sai, người dân gánh hậu quả
H.Đắk Glong (Đắk Nông) ra thông báo thu hồi 65 sổ đỏ đã cấp cho người dân ở xã Đắk Som từ nhiều năm trước, với lý do ‘cấp sai’.
Trong số này, nhiều người đã canh tác ổn định trên diện tích được cấp sổ đỏ từ năm 2013 đến nay.
Người dân gánh hệ lụy
Xã Đắk Som (H.Đắk Glong) vốn nổi tiếng vì có hồ Tà Đùng, điểm du lịch khá thu hút tại Đắk Nông. Thời gian gần đây, giá đất tại xã này tăng chóng mặt. Sớm thấy tiềm năng phát triển ở khu vực hồ Tà Đùng, năm 2019, vợ chồng chị L.T.T.H. từ TP.HCM lên xã Đắk Som mua đất để làm dự án nông nghiệp. Theo đó, chị H. đã mua khoảng 10 ha đất; trong đó 1,2 ha có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của một hộ dân do H.Đắk Glong cấp, số còn lại là đất có giấy phép xác nhận canh tác từ năm 2017.
Ông K’Hai hoang mang khi nghe thông báo sổ đỏ của mình sẽ bị thu hồi. Ảnh THANH QUÂN
Đến đầu năm 2022, chị H. mang sổ đỏ của phần đất 1,2 ha lên Văn phòng đăng ký đất đai H.Đắk Glong để làm thủ tục sang tên từ chủ cũ sang tên vợ chồng chị, thì bị cơ quan này giữ sổ đỏ cho đến nay. Gần đây, chị H. mới được biết sổ đỏ đất mình mua nằm trong danh sách bị cấp sai. Điều này khiến chị không khỏi bất ngờ và bức xúc. Theo chị H., khi mua đất chị đã tuân thủ theo pháp luật, đất có sổ đỏ do huyện cấp “nhưng bây giờ bỗng dưng lại nói sổ cấp sai nên thu hồi là quá vô lý”.
Không riêng chị H., thông tin thu hồi sổ đỏ bị cấp sai đã khiến không ít người dân xã Đắk Som ngỡ ngàng. Gia đình ông K’Hai có 2,1 ha đất khai hoang từ năm 1994 cũng nằm trong diện sắp bị thu hồi sổ đỏ. Ông K’Hai chia sẻ: “Tôi cũng không nhớ rõ, nhưng khoảng năm 2012 thì tôi được cấp sổ đỏ. Từ đó đến nay đất đó tôi dùng để trồng cà phê. Năm 2020, tôi có mang sổ đỏ để đi vay ở ngân hàng 300 triệu đồng. Bây giờ, nếu thu hồi sổ thì tôi cũng không biết phải làm sao, vì giờ cũng chưa có tiền để trả cho ngân hàng”.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, không chỉ gia đình ông K’Hai mà còn nhiều người khác đã mang sổ đỏ cấp sai thế chấp ở ngân hàng và sang nhượng cho người khác.
Cán bộ làm sai sẽ chịu trách nhiệm
Video đang HOT
Qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong số 65 sổ đỏ bị cấp sai, sổ có diện tích đất lớn nhất là 5,5 ha, nhỏ nhất 77 m 2, còn lại phần lớn là các thửa đất từ 1 – 2 ha. Có vài hộ dân bị cấp sai đến 3 sổ đỏ.
Trên một thửa đất cấp sai sổ đỏ ở xã Đắk Som (H.Đắk Glong, Đắk Nông), người dân đã xây dựng nhà kiên cố. Ảnh THANH QUÂN
Trước đó, vào tháng 6.2022, UBND H.Đắk Glong ra thông báo về việc thu hồi sổ đỏ đã cấp không đúng quy định về đất đai. Theo đó, thu hồi 65 sổ đỏ do chính UBND H.Đắk Glong cấp cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất tại xã Đắk Som. Lý do thu hồi được UBND H.Đắk Glong đưa ra là các thửa đất này không đủ điều kiện được cấp sổ đỏ do thuộc đất của Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây nguyên, hoặc thuộc quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất).
Theo một lãnh đạo UBND H.Đắk Glong, đến nay có 4 hộ dân có sổ đỏ thuộc diện thu hồi đã chuyển nhượng đất cho người khác. “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cấp đất sai, trong đó có việc trước đây giao đất, giao rừng cho các tổ chức không thực hiện chặt chẽ. Để xảy ra sự việc trên, có nhiều cấp, ngành sẽ phải chịu trách nhiệm. Sắp tới huyện sẽ rà soát, kiểm điểm các cá nhân có liên quan”, lãnh đạo UBND H.Đắk Glong cho biết.
Giao 3.280 ha đất rừng, để mất hơn 2.052 ha
Tháng 12.2021, Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông có kết luận về công tác quản lý, sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện dự án đầu tư tại xã Đắk Som, H.Đắk Glong của Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây nguyên (số 9 Hùng Vương, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp VN.
Theo đó, năm 2003, UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ, nay là tỉnh Đắk Nông) đã giao 3.280 ha đất rừng (vị trí thuộc địa giới hành chính xã Đắk P’lao, H.Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk; nay là xã Đắk Som, H.Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) cho Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây nguyên quản lý, bảo vệ và thực hiện dự án nghiên cứu lâm sinh.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý bảo vệ rừng, Viện này đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng, để mất rừng với tổng diện tích hơn 2.052 ha. Trong đó, giai đoạn từ năm 2003 – 1.2015 để mất hơn 1.822 ha; giai đoạn từ tháng 2.2015 – 12.2020 để mất hơn 230 ha.
Kho xưởng ở Bình Chánh bị cháy sau 4 ngày vẫn còn nghi ngút khói
Sau 4 ngày xảy ra cháy, kho chứa thức ăn nuôi tôm và hóa chất xử lý nước ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vẫn còn nghi ngút khói, nhiều hộ dân di dời đi nơi khác ở vẫn chưa thể về nhà.
Khói bốc lên từ kho xưởng sau 4 ngày xảy ra hỏa hoạn - Ảnh: NGỌC KHẢI
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online đến trưa 14-7, kho xưởng trên đường Trần Đại Nghĩa (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) xảy ra hỏa hoạn vào rạng sáng 10-7 vẫn còn khói trắng nghi ngút bốc lên.
Lực lượng chức năng vẫn còn đang phong tỏa hiện trường, một số xe cứu hỏa vẫn đang túc trực để dập khói. Nhiều phòng trọ, nhà người dân gần kho xưởng trên vẫn đóng chặt cửa, nhiều người chưa thể về nhà do ảnh hưởng bởi khói.
Ông Dũng (37 tuổi, nhà gần kho xưởng xảy ra cháy) cho biết những người trong gia đình ông đi nơi khác sống tạm đã 4 ngày nay. Theo ông Dũng, ảnh hưởng từ khói của vụ cháy có 50 hộ dân và số người sống trong gần 100 phòng trọ tạm rời đi.
"Khói khi mình hít vô không thở được, rát họng khan tiếng luôn, mùi rất khó chịu. Mong mỏi lớn nhất của tôi là mong dập tắt đám khói này càng sớm càng tốt, để người dân có thể quay về dọn dẹp có chỗ ở" - ông Dũng nói. Còn ông Phan Chí Tâm (37 tuổi, ngụ ấp 7, xã Lê Minh Xuân) cho hay khói từ vụ cháy trên khiến nhiều cây cối bị héo rụng lá.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Cuộc (cùng ngụ ấp 7, xã Lê Minh Xuân) cho hay ảnh hưởng từ khói của vụ cháy, nhiều ngày nay đại gia đình của bà có hơn 20 người (gồm người già, trẻ em) phải đi thuê khách sạn, hoặc đi ở nhờ nhà người khác. "Tôi lo nhất là sức khỏe của người già và trẻ em, mong đám khói sớm được dập" - bà Cuộc nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 14-7 , một lãnh đạo UBND xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) cho biết nơi xảy ra cháy vào rạng sáng 10-7 là kho chứa thức ăn nuôi tôm và hóa chất xử lý nước, đám cháy trên sau đó đã được dập tắt.
Hiện tại một số chất như clo, vôi, natri tiếp xúc với nhau và có khói bốc lên. Diện tích nơi đám khói bốc lên ước tính khoảng 30 mét vuông, lực lượng phòng cháy chữa cháy đang triển khai dập tắt khói.
Cũng theo lãnh đạo UBND xã Lê Minh Xuân, vụ cháy trên khiến một người bị ngạt khói được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Chủ thuê kho trên cũng đã hỗ trợ 60 hộ dân ảnh hưởng bởi vụ cháy (mỗi trường hợp 1 triệu đồng) để di dời chỗ trọ. Về ảnh hưởng thiệt hại đến cây trồng và hoa màu đang được lực lượng chức năng xã thống kê.
Khói bốc lên từ nhà xưởng - Ảnh: NGỌC KHẢI
"Thiệt hại cây cối tôi không nói, tôi chỉ lo sợ sức khỏe của gia đình về sau thôi. Mong chính quyền địa phương xử lý sớm dập đám khói này" - ông Phan Chí Tâm nói - Ảnh: NGỌC KHẢI
Bà Tạ Thị Làn (49 tuổi) cho hay gia đình bà nuôi khoảng 20 con bò, ảnh hưởng từ khói xưởng bị cháy khiến nhiều con bò trong đàn ho sù sụ, bê con thì bỏ bú - Ảnh: NGỌC KHẢI
Ông Võ Văn Trong (62 tuổi, ngụ ấp 7, xã Lê Minh Xuân) cho hay: "Đất này tôi thuê trồng lúa, kiểu này chắc không thu hoạch được rồi, lúa đang làm đòng trổ" - Ảnh: NGỌC KHẢI
Theo người dân địa phương, do ảnh hưởng bởi khói từ kho xưởng xảy ra cháy khiến rau muống và bèo bị vàng úa - Ảnh: NGỌC KHẢI
Kon Tum: Kiểm tra nhà máy thủy điện xả lũ gây lũ chồng lũ Sở Công thương tỉnh Kon Tum kiểm tra thủy điện vận hành không đúng quy trình gây lũ chồng lũ, ảnh hưởng đến đời sống của 62 hộ dân. Ngày 6.7, Sở Công thương Kon Tum cho biết đã có quyết định kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công thương đối với 10 đơn vị...