Cập nhật khẩn cấp tin bão số 4 lúc 17h ngày 16.8: Chỉ còn cách Nam Định 130km
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia ghi nhận vào hồi 16h tâm bão số 4 chỉ còn cách Nam Định 130km, cách Thanh Hóa 170km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Diễn biến bão số 4
Theo tin phát lúc 17h từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Hồi 16h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách Nam Định 130km, cách Thanh Hóa 170km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, từ đêm nay (16.8), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16h ngày 17.8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7.
Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa bão, gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Ở huyện đảo Bạch Long Vĩ gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; huyện đảo Cô Tô gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển trên vịnh Bắc Bộ cao từ 4-6m, biển động rất mạnh.
Video đang HOT
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới là toàn bộ vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của bão, từ tối nay trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 6-7, từ đêm tăng lên cấp 8, giật cấp 10; các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
THẢO ANH
Theo LĐO
Ứng phó với bão số 4: Phải bảo đảm an toàn về người và tài sản
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh yêu cầu trên trong chiều 16/8 khi cùng Đoàn công tác của Bộ về kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó với bão số 4 tại tỉnh Thái Bình...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó với bão số 4 tại tỉnh Thái Bình.
Kiểm tra tại công trình Cống Trà Linh (Thái Thuỵ), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao kinh nghiệm, sự chủ động của tỉnh Thái Bình trong ứng phó với bão.
Theo dự báo, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh, do vậy Bộ trưởng lưu ý tỉnh cần có tinh thần chủ động, sẵn sàng các phương án ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ", với nhiệm vụ trọng tâm là phải bảo đảm an toàn về người và tài sản. Tỉnh cần tăng cường kiểm tra, kiên quyết di dời lao động tại các đầm, chòi trông canh ngao vào trong đê chính, đồng thời bảo đảm an toàn tại các khu vực nuôi trồng, thuỷ hải sản.
Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh về công tác ứng trực, tranh thủ thời gian mở các cống tiêu để hạ thấp mực nước trên các sông trục, bởi theo dự báo hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn, để xảy ra ngập úng tại thời điểm này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến diện tích lúa mùa của tỉnh, nếu thiệt hại không thể cấy lại...
Đến chiều 16/8, hầu hết tàu thuyền của tỉnh Thái Bình đã vào bờ tránh trú.
Theo ghi nhận của PV, trước khi bão số 4 đổ bộ, toàn tỉnh Thái Bình đã tập trung kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú; di dời dân đang sinh sống,làm việc tại các khu vực ven biển, ven sông đồng thời di dời dân đang ở trong các ngôi nhà không đảm bảo an toàn.
Theo đó, đến chiều ngày 16/8, tỉnh Thái Bình đã kêu gọi, tổ chức neo đậu an toàn cho tổng số 1.239 tàu, thuyền với 3.608 ngư dân đang làm ăn trên biển. Trong đó, có 78 phương tiện, 382 lao động đang hoạt động ngoài tỉnh; 22 phương tiện, 72 lao động đang hoạt động trong vùng biển của tỉnh; 1.139 phương tiện, 3.154 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh. Tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không còn phương tiện nào đang hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Hai huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải và các huyện thành phố khác trong tỉnh tập trung kêu gọi, di dời 1.268 lao động đang canh coi 1.153 chòi ngao trên các khu vực ven biển, ven sông; 1.907 đang làm việc tại 1.216 đầm nuôi thủy, hải sản ven sông, ven biển; kêu gọi, di dời toàn bộ 4.229 hộ dân với 15.249 người sinh sống ngoài đê chính vào tránh trú phía trong đê. 7.731 hộ với 17.236 người đang ở trong những ngôi nhà yếu cũng có phương án di dời đến nơi an toàn.
Cùng với đó, kiểm tra, rà soát, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh xá, bến cảng, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, lồng, bè, trang trại trên bãi sông, ven sông, ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Nỗi lo lớn nhất của tỉnh Thái Bình hiện nay là 79.444 ha lúa mùa đã gieo cấy; 8.675 ha cây hoa màu. Để bảo vệ đồng ruộng, những ngày qua, hai Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình đã thường trực quân số 24/24 giờ, mở các cống tiêu nước, đặc biệt là cống Trà Linh và cống Lân nhằm hạ mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống giúp kịp thời tiêu nước khi có mưa lớn,kéo dài. Đồng thời phối hợp với các địa phương trong tỉnh, bố trí lực lượng khơi thông dòng chảy trên hệ thống kênh mương nội đồng, các sông trục. Bố trí hệ thống máy bơm sẵn sàng bơm tiêu. Điện lực Thái Bình cũng đã chủ động phương án cung cấp điện, kịp thời khắc phục các sự cố...
Duy Hưng
Theo baodatviet
Bão số 4 đổ bộ: Học sinh nghỉ học nếu cần thiết Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội có công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai một số công việc nhằm ứng phó với cơn bão số 4. Theo đó, trong công văn gửi đến các phòng Giáo dục Đào tạo (GDĐT) quận, huyện, thị xã và các trường học trực thuộc trên địa bàn thành phố, Sở GDĐT Hà...