Cập nhật Covid-19: Số ca mắc vượt mốc 5 triệu, hơn 329.000 ca tử vong
Số ca mắc Covid-19 trên thế giới sáng 21/5 đã vượt mốc 5 triệu người, trong đó có 329.132 trường hợp tử vong.
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 21/5, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19) trên toàn thế giới là 5.078.237 trường hợp, trong đó 329.132 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm bệnh đã phục hồi là 2.019.220 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nga trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ 2 thế giới. Ảnh: Anadolu.
Mặc dù số ca mắc mới và tử vong có liên quan đến Covid-19 trên thế giới vẫn tăng cao nhưng tốc độ lây lan đã chậm lại đáng kể so với trước.
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 19.843 ca mắc và 1.355 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.590.426 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 94.888 trường hợp.
Tại châu Âu, nhìn chung tình hình dịch Covid-19 đang có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, một số quốc gia đang lo ngại bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 2 khi phát hiện thêm nhiều ổ dịch mới sau khi dỡ bỏ phong tỏa.
Tại Tây Ban Nha, số ca mắc Covid-19 lên đến 279.524 sau khi nước này ghi nhận thêm 721 trường hợp trong ngày 20/5. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 4 thế giới và lớn nhất ở châu Âu. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 27.888 sau khi ghi nhận thêm 110 trường hợp. Chính quyền Tây Ban Nha có kế hoạch tiếp tục đóng cửa biên giới đến tháng 7, trong một động thái nhằm tránh một làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch Covid-19.
Italy ngày 20/5 ghi nhận thêm 665 ca mắc mới và 161 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 227.364, trong đó có 32.330 ca tử vong.
Trong 24h qua, Đức ghi nhận thêm 704 ca mắc mới và 77 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 178.531 và tổng số ca tử vong là 8.270.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 20/5 là 181.575 sau khi ghi nhận thêm 766 ca mắc mới trong ngày. Số ca tử vong trong ngày ghi nhận là 110, nâng tổng số ca tử vong lên 28.132. Kể từ khi dỡ phong tỏa, Pháp phát hiện khoảng 25 ổ dịch mới trên toàn quốc, trong đó có những ổ dịch lớn, với hàng chục đến hơn một trăm ca nhiễm virus.
Video đang HOT
Anh ghi nhận thêm 363 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên thành 35.704. Đến thời điểm hiện tại Anh đã có 248.293 ca mắc. Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 20/5 tuyên bố chính phủ của ông đang đi đúng hướng và từ ngày 1/6 tới, nước Anh sẽ chính thức đưa vào hoạt động chương trình truy dấu ca nhiễm và xét nghiệm trên diện rộng.
Ổ dịch lớn nhất Trung Đông – Thổ Nhĩ Kỳ – ghi nhận thêm 972 ca mắc mới và 23 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 20/5. Tổng số ca mắc tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại là 152.587 trường hợp, trong đó có 4.222 ca tử vong.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Nam Bán cầu, hiện giờ đứng thứ 3 thế giới sau Nga và Mỹ. Trong 24h qua, nước này ghi nhận thêm 19.694 ca mắc mới và 876 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên thành 291.579 và số ca tử vong là 18.859.
Trong 24h qua, Nga ghi nhận thêm 8.764 ca mắc Covid-19 và 135 trường hợp tử vong mới. Hiện tổng số ca nhiễm và số người tử vong ở nước này lần lượt là 308.705 và 2.972 . Nga đến nay tiếp tục là nước có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 2 thế giới, sau Mỹ.Nga đang phát triển 47 loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 trên 14 nền tảng và hy vọng một số trong số đó sẽ cho kết quả rõ ràng.
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều nước châu Á cũng đang có chiều hướng giảm.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 82.965 sau khi nước này ghi nhận thêm 5 ca mắc mới, trong đó có 4.634 người tử vong. Trung Quốc đại lục là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch Covid-19 nhưng giờ đã không còn là tâm dịch.
Ấn Độ ghi nhận 5.553 ca mắc, trong đó có 132 ca tử vong. Chính phủ Ấn Độ đã công bố chi tiết gói cứu trợ trị giá hơn 40 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore đã trở thành ổ dịch lớn nhất khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại, Singapore ghi nhận 29.364 ca mắc, trong đó có 22 ca tử vong. Phần lớn các ca mắc mới xuất phát từ những khu ký túc xá dành cho lao động nhập cư có thu nhập thấp. Indonesia ghi nhận 19.189 ca mắc, trong đó có 1.242 ca tử vong./.
Phương Tây nghĩ Nga đang...hờn dỗi
Nếu không thực sự quan tâm tái gia nhập G7, ông Putin đã từ chối thẳng thừng nhưng nhà lãnh đạo Nga vẫn khôn khéo để sẵn một đường lùi.
Nga phủ nhận vai trò G7
Ngày 15/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chỉ trích ý tưởng của phương Tây về "một trật tự thế giới dựa trên các quy tắc", trong khi bày tỏ hoài nghi về khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà theo ông là một nỗ lực nhằm tái định hình các cấu trúc hiện có.
Phát biểu tại Đối thoại Raisina ở New Delhi, ông Lavrov nói: "Tại sao lại phải gọi châu Á - Thái Bình Dương là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương? Câu trả lời là hiển nhiên... để loại trừ Trung Quốc. Thuật ngữ cần tạo sự đoàn kết, không phải gây chia rẽ".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Theo nhà ngoại giao Nga, cả Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) đều không loại trừ ai. Ông nhấn mạnh thêm: "Những người bạn Ấn Độ của chúng tôi đủ thông minh để hiểu điều này. Chúng ta cần phải cẩn trọng về thuật ngữ vốn có vẻ rất tốt lành nhưng lại là một điều gì khác. Đó là một nỗ lực nhằm tái định hình các cấu trúc hiện có".
Theo Ngoại trưởng Nga, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một nỗ lực nhằm xa rời mô hình xây dựng đồng thuận xoay quanh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ông lưu ý Nga đánh giá cao quan điểm của ASEAN và Ấn Độ rằng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải mang tính bao trùm và không nhằm ngăn chặn kỳ quốc gia nào.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga cũng bình luận rằng các trung tâm mới về sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng chính trị đang nổi lên và Ấn Độ là một trong số đó, đồng thời nhấn mạnh nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) không thể quyết định tất cả. Thay vào đó, ông Lavrov cho rằng G20 là một tổ chức khả thi. Nga đã nhiều lần nhắc lại quan điểm của nước này rằng Ấn Độ và Brazil cùng với một quốc gia châu Phi nên là ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
G7 đại diện cho phương Tây tiếp tục sử dụng "ngôn ngữ" trừng phạt chống Nga
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nói: "Việc lập ra G20 là sự thừa nhận rằng, G7 không còn có thể đưa ra quyết định với các vấn đề quan trọng. G20 - bao gồm G7, các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và các quốc gia khác - đã hỗ trợ BRICS trong nhiều vấn đề".
Với phát biểu trên của Ngoại trưởng Lavrov, Nga một lần nữa bác bỏ vai trò của nhóm "hẹp" G7 mà Moscow đã bị "đình chỉ tư cách thành viên" sau sự kiện sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Lời khẳng định của ông Lavrov không chỉ nhằm "đánh sập" tham vọng thống trị toàn cầu của một nhóm cường quốc phương Tây mà còn tranh thủ "cảm tình" của các đối tác truyền thống như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil cũng như 10 nước ASEAN.
Cần một định dạng rộng hơn
Thời gian qua, lãnh đạo một số nước trong G7 đã ngỏ ý để Nga tái gia nhập cơ chế này. Hồi tháng 8 năm ngoái, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai cho rằng Nga nên tái gia nhập nhóm này. Lời kêu gọi được tờ New York Times đánh giá là nhằm "chấm dứt tình trạng bỏ rơi Moscow trên trường quốc tế". Tổng thống Pháp Macron sau đó cũng đồng tình với đề xuất này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó tuyên bố Moscow sẵn sàng tổ chức một hội nghị của các nước thuộc Nhóm 7-8 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7/G8) và sẽ hoan nghênh một định dạng rộng hơn với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc. Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh không thể tưởng tượng ra một tổ chức quốc tế hiệu quả sẽ ra sao nếu không có Trung Quốc hoặc Ấn Độ.
Tổng thống Nga V. Putin khôn kéo để không mất đường lùi với G7 nhưng vẫn lấy lòng các đối tác lớn
Dấu hiệu khả quan được giới quan sát chú ý là việc Tổng thống Pháp Macron chấp nhận lời mời của Tổng thống Putin tham dự lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng trong Thế chiến II vào ngày 9/5/2020 tại Moscow. Tổng thống Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã được mời tham dự sự kiện này.
Ngày Chiến thắng, lễ kỷ niệm thường niên ở Nga, là một ngày rất trọng đại trong lịch sử nước Nga hậu Xôviết. Sự tham dự của bất kỳ nhà lãnh đạo lớn nào của phương Tây tại sự kiện này sẽ là một sự thúc đẩy mang tính biểu tượng quan trọng đối với vị thế của Tổng thống Putin và đây cũng sẽ được coi là sự chấm dứt việc phương Tây cô lập Nga.
Lễ kỷ niệm 70 năm từ 5 năm trước mới chỉ có sự hiện diện các nhà lãnh đạo không thuộc phương Tây như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cựu Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã chọn không tham dự sự kiện này để phản đối các vấn đề liên quan đến Crimea và miền Đông Ukraine.
Tổng thống Pháp E. Macron (trái) và Tổng thống Mỹ D. Trump tại hội nghị thượng đỉnh ở Pháp tháng 8/2019
Giới phân tích phương Tây cho rằng Tổng thống Putin có lý do chính trị trong nước để xem xét việc tìm kiếm mối quan hệ bình thường hóa với phương Tây.
Đối với phương Tây, Trung Quốc đã trở thành nhân tố chính trong tính toán của họ đối với Nga. Giống như Tổng thống Trump, mặc dù có thể ở mức độ thấp hơn, Tổng thống Macron khá e dè về Trung Quốc. Ông từng được dẫn lời rằng "đẩy Nga ra khỏi châu Âu là một sai lầm chiến lược sâu sắc bởi vì chúng ta sẽ đẩy Nga vào tình trạng hoặc là bị cô lập khiến căng thẳng gia tăng, hoặc là phải hình thành liên minh với các cường quốc khác như Trung Quốc".
Ông Macron nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga đối với an ninh châu Âu, cho rằng "lục địa châu Âu sẽ không bao giờ ổn định, sẽ không bao giờ được bảo đảm, nếu chúng ta không xoa dịu căng thẳng và làm rõ mối quan hệ của chúng ta với Nga".
Trần Long
Theo baodatviet.vn
Ông Tập có thể đến Nga vào tháng 7 Ông Tập có thể thực hiện chuyến công du đầu tiên sau khi Covid-19 bùng phát vào tháng 7, khi dự hai hội nghị ở St Petersburg. Tổng thống Nga Putin dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cũng như cuộc họp của Tổ chức...