“Cặp đôi hoàn hảo” và những cú lừa bạc tỷ
Sau khi gây ra hai cú lừa bạc tỷ ở Hà Nội, Trần Viết Hùng (34 tuổi, trú tại Phú La, Hà Đông, Hà Nội) bỏ vợ bỏ con, “tếch” vào TP.HCM để trốn truy nã. Tại đây, Hùng gặp lại cô bạn chung trường thuở nào. Cả hai đã nhanh chóng “chập” lại để tham gia vào một đường dây tội phạm xuyên quốc gia.
Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã tổ chức lừa đảo, chiếm đoạt trót lọt hàng chục tỷ đồng của nhiều phụ nữ ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác.
“Kiều nữ” Hà Thành “dâng” 6 tỷ đồng cho lũ bịp bợm
Trước khi vụ việc bị vỡ lở, Trần Viết Hùng cùng vợ là Lê Thị Mai Phương (34 tuổi, thường trú tại Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) vẫn được cư dân ở chung cư Võ Đình (phường Thới An, Quận 12 TP.HCM) ít nhiều “kính nể”. Hai vợ chồng người Bắc thuê một căn phòng lớn, thường diện những bộ cánh hàng hiệu và xài điện thoại đắt tiền. Nhưng họ sẽ còn choáng váng hơn nếu biết được “công việc” của cặp đôi này đang làm.
Một điều tra viên giàu kinh nghiệm của Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội kể với chúng tôi, trong mấy chục năm trong nghề tiếp xúc với nhiều đối tượng tội phạm cộm cán, nhưng Hùng là một trong số ít để lại nhiều ấn tượng. Trong vòng hai năm, Hùng liên tiếp nhận hai lệnh truy nã của PC45 và PC46 (Phòng Cảnh sát kinh tế) Công an TP Hà Nội về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trốn vào TP.HCM, Hùng tiếp tục cùng với nhóm đối tượng người Nigieria tổ chức một đường dây lừa đảo “khủng”, chuyên nhằm vào các bà các cô.
Siêu lừa Trần Viết Hùng (ảnh nhỏ) và một số tang vật trong vụ án đường dây lừa đảo của vợ chồng Hùng và các đối tượng người Nigieria.
Đường dây này vừa bị PC46 Công an TP.HCM phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an triệt phá vào tháng 4-2016 vừa qua.
Tại cơ quan điều tra, Hùng và Phương tiếp tục “lươn lẹo” để chối tội. Song với những chứng cứ rõ ràng, có thể thấy Trần Viết Hùng và Lê Thị Mai Phương quả là một cặp lừa đảo “giời sinh”. Trong vòng hơn một năm, cặp đôi này cùng đồng bọn hình thành một đường dây lừa đảo với những thủ đoạn cực kỳ tinh vi. Bằng hình thức kết bạn qua Internet, bọn chúng hứa sẽ gửi quà hoặc hứa hẹn kết hôn, chuyển quyền thừa kế,… các đối tượng đã moi được hàng trăm triệu cho đến nhiều tỷ đồng của nhiều bị hại. Một trong số đó là vụ kiều nữ Hà Thành D.M.L bị “chăn” mất 6 tỷ đồng.
L. dù đã lập gia đình và có hai con, song vẫn giữ được khuôn mặt mỡ màng cùng dáng vẻ yêu kiều. Gia đình có “điều kiện”, L. cũng có chút học thức nên luôn thể hiện mình “trên phân” bạn bè. Cách đây chừng hai năm, L. tham gia mạng xã hội Facebook và có rất nhiều người kết bạn. Đặc biệt, do có chút ngoại ngữ nên L. thường “ưu tiên” kết bạn với người ngoại quốc. Trong số đó có một thương gia người Anh tỏ ra đặc biệt quan tâm đến L. L. cũng ít nhiều “bồ kết” vị này.
Qua những bức ảnh trên trang facebook, có thể thấy vị thương gia không những có vẻ ngoài cao to đẹp giai mà còn thể hiện là một người cực kỳ giàu có, thành đạt. Sau một thời gian chat (nói chuyện, tâm tình), vị thương gia bày tỏ lòng ngưỡng mộ L. và “có chút quà” muốn gửi tặng. Thương gia gửi cho L. một bức ảnh chụp thùng hàng có điện thoại Iphone 6, Macbook Air, mỹ phẩm Frédéric Malle, đồng hồ Titoni,… Mặc dù chưa nhận được hàng song L. đã đi khoe tứ tung với bạn bè. Và luôn tự hào vì “đẳng cấp” kết bạn của mình.
Tiếp đó, vị thương gia bật mí với L. rằng đang có một phi vụ làm ăn rất lớn, muốn chia sẻ với “người trong mộng”. Nếu thành công, lợi nhuận thu được lên đến hàng trăm triệu đô la. Cũng vì thế mà rất cần một đối tác tin cậy. Vị thương gia ngỏ lời mời L. tham gia thương vụ này, chỉ phải bỏ ra chi phí “rất nhỏ” mà thôi. Ông ta cũng nhấn mạnh khả năng thành công lên tới 99%.
Nghe đến đây, L. run lên vì nghĩ tới món lợi kếch xù. Trong một phút trấn tĩnh, L. “vặn” lại vị doanh nhân rằng “công việc bận rộn thế mà sao anh lúc nào cũng online facebook?”. Vị doanh nhân trả lời: “Tôi chủ yếu điều hành công việc qua email và facebook”, rồi gửi cho L. bức hình đang trên du thuyền vòng quanh thế giới. “Vừa đi du lịch, nghỉ ngơi thư giãn vừa điều hành công ty, đấy mới là đẳng cấp doanh nhân toàn cầu” – vị này “khai sáng” cho L.
L. tin sái cổ, vội nhanh chóng “xoay” được gần 3 triệu đôla (6 tỷ đồng) để gửi vào tài khoản cho vị doanh nhân này, và hồi hộp theo dõi thương vụ. Nhưng hỡi ôi, chỉ một ngày sau đó thương gia người ngoại quốc “bỗng dưng” biến mất tăm tích.
Với thủ đoạn tương tự, trong tháng 1 và tháng 2-2016, nhóm của Hùng, Phương và các đối tượng người Nigieria đã lừa đảo trót lọt chị L.T.T.A. (trú tại Đà Nẵng) hơn 2 tỷ đồng, chị N.T.H.C. (trú tại Hà Nội) vài trăm triệu đồng. Tháng 4-2016, PC46 Công an TP HCM đã khám phá đường dây này, bắt hàng chục đối tượng. Trong đó có các đối tượng cầm đầu người gốc Phi.
Video đang HOT
Theo tài liệu điều tra ban đầu từ cơ quan Công an, tháng 10-2015, Ihugba Augustine Chinonso (SN 1986, quốc tịch Nigeria) nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích thực hiện kết bạn với một số phụ nữ qua facebook để lừa đảo. Thông qua đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (Tuyết “mập”) Ihugba gặp vợ chồng Hùng và liên kết thành một đường dây lừa đảo.
Nhiệm vụ của các đối tượng được phân chia như sau: Ihugba sẽ lên facebook giả làm doanh nhân thành đạt để mồi chài các bà các cô rồi hứa chuyển quà, chuyển tiền. Phương sẽ đóng vai là nhân viên Hải quan, nhân viên bưu điện liên lạc với các bị hại để thông báo đang có bưu phẩm, kiện hàng chờ người đến nhận. Đồng thời cho số tài khoản để bị hại chuyển “thuế, phí” nhận quà. Hùng cùng với các đối tượng Lê Văn Nhóc, Phạm Trường Thành, Nguyễn Văn Hải làm giả giấy tờ rồi lập nhiều tài khoản ngân hàng để đưa cho Phương dụ bị hại chuyển tiền.
Cũng theo cơ quan công an, từ tháng 12-2015 đến cuối tháng 3-2016, đã có khoảng 80 quý bà quý cô tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… sa bẫy ổ nhóm này. Số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỉ đồng.
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo gốc Phi bị Công an TP HCM triệt phá tháng 4-2016.
Giả giấy tờ nhà, ôm 800 triệu đồng rồi biến mất
Trước khi bị tóm tại TP.HCM, Trần Viết Hùng đã từng gây ra hai vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Hà Nội. Chỉ riêng vụ bán căn chung cư tại G5 khu đô thị Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) đã thể hiện trình độ lừa thuộc hàng “cao thủ” của Hùng.
Tài liệu của cơ quan điều tra cho thấy, Hùng đã vạch ra kế hoạch rất công phu, chi tiết. Màn kịch bán nhà của hắn hoàn hảo đến nỗi bị hại mua xong đến gần một năm trời mới biết là đã… mua nhà trên giấy. Còn Hùng thì ôm 800 triệu đồng rồi cao chạy xa bay.
Đầu tháng 6-2013, Hùng xưng là cán bộ ngân hàng H., tìm gặp anh Thành (là người được chủ căn nhà G5 Đại Kim ủy quyền sử dụng) đặt vấn đề thuê lại căn nhà này. Anh Thành đồng ý cho Hùng thuê với giá 6 triệu đồng/tháng.
Cuối tháng 6-2013, Hùng biết anh Nguyễn Đức V. (SN 1982, trú tại Yên Phong, Bắc Ninh) có nhu cầu mua nhà chung cư liền dẫn anh đến xem căn hộ G5 Đại Kim. Vốn lẻo mép, Hùng “hót” khiến cho anh V. chết mê và đồng ý mua căn hộ với giá 800 triệu đồng. Trước đó, do đã có âm mưu lừa đảo nên Hùng mượn anh Thành bộ hồ sơ nhà, rồi “chế” ra một bộ hồ sơ giả. Với bộ hồ sơ giả mạo này Hùng cùng anh V. ra văn phòng công chứng để làm hợp đồng ủy quyền sở hữu căn hộ. Xong xuôi, anh V. chuyển đủ 800 triệu đồng vào tài khoản cho Hùng. Hắn lập tức rút ra để ăn tiêu.
Sở dĩ bị hại không phát hiện được chiêu lừa của Hùng là hắn luôn trả tiền thuê nhà một cách sòng phẳng, đúng hẹn nên chẳng ai có ý kiến gì. Cứ ba tháng một, Hùng lại gia hạn hợp đồng rồi chuyển tiền cho anh Thành. Đồng thời khi ký hợp đồng, Hùng cũng thỏa thuận với anh Thành rằng nếu có ai hỏi thì cứ nói đây là nhà của Hùng. “Tôi muốn lấy lòng “sếp” ở cơ quan để có cơ hội thăng tiến, nên thuê căn nhà này để cho con “sếp” ở nhờ” – Hùng phân trần. Anh Thành nghe cũng xuôi tai nên đồng ý.
Được biết Trần Viết Hùng có thời gian là cán bộ phòng hành chính tổng hợp ngân hàng H. Tháng 12-2013, Hùng chuyển sang làm nhân viên bán lẻ. Tháng 5-2014, Hùng chính thức thôi việc tại ngân hàng này. Trong thời gian công tác tại ngân hàng, Hùng đã lấy được mẫu của nhiều tài liệu, con dấu của ngân hàng để phục vụ âm mưu lừa đảo.
Ngoài ra, Hùng còn lấy được mẫu công văn của Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Đ. (từng có lần làm hợp đồng cải tạo sửa chữa văn phong với ngân hàng H.). Từ đó, Hùng chế ra một bản hợp đồng mua bán căn hộ G5 Đại Kim giữa Hùng với Công ty Đ. như thật!
Tháng 9-2013, xảy ra một sự cố trong việc thuê nhà, nhưng Hùng cũng đã giải quyết êm thấm. Anh V. cho người nhà của anh là ông Thuật dọn đến căn hộ này để ở thì bảo vệ của tòa nhà không cho vào. Hùng đã gặp anh Thành, bảo với anh là đây là người nhà của sếp, đề nghị cho vào ở. Anh Thành đã trao đổi lại với bảo vệ để cho ông Thuật được dọn vào.
Tháng 3-2014, khi anh V. có nhu cầu bán căn hộ trên thì mới… ngã ngửa người ra khi phát hiện căn hộ trên không phải là của Hùng. Nhiều lần anh gọi điện thoại, tìm gặp Hùng song đều không được. Tháng 12-2014, Phòng PC45 đã ra lệnh truy nã đối với Trần Viết Hùng. Tháng 9-2015, Hùng tiếp tục bị PC46 ra lệnh truy nã, cùng với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Khi “dính” hai lệnh truy nã, biết không thể ở yên tại Hà Nội, Hùng chuồn vào TP.HCM. Tại đây Hùng gặp lại Mai Phương – cô bạn cùng trường phổ thông. Phương từng làm kế toán cho nhiều doanh nghiệp, song ở đâu cũng chỉ được vài tháng là cô ta biến. Hùng đã ly dị vợ, và Phương cũng vừa bỏ chồng. Cặp đôi nhanh chóng “rổ rá cạp lại” và có một đứa con chung. Ngoài ra, Hùng và Phương mỗi người đều có một đứa con riêng. Con riêng của Hùng thì đang ở với vợ cũ, con riêng của Phương thì gửi ở nhà bà ngoại ở Hà Đông.
Thông qua đối tượng Tuyết “mập”, vợ chồng Hùng “chập” vào nhóm đối tượng người Nigieria để lập thành đường dây lừa đảo phụ nữ Việt. Hùng cũng nhanh chóng thể hiện được khả năng “chế” các loại giấy tờ của mình. Chỉ từ tháng 12-2015 đến 3-2016, bằng việc làm giấy tờ giả, Hùng đã lập được nhiều tài khoản ngân hàng và hơn 50 thẻ ATM. Các bị hại được hướng dẫn gửi tiền vào các tài khoản do Hùng lập ra. Từ đó Hùng sẽ chuyển cho các đối tượng người nước ngoài, và được “cắt lại” khoảng 10%. Ngoài ra, Hùng còn có lần mạo danh là công an, gọi điện thoại dọa dẫm bị hại phải chuyển tiền vì tội… trốn thuế.
Về phần Lê Thị Mai Phương, phải nói trình độ “lươn lẹo” của cô ta cũng chẳng kém chồng mấy phân. Phương đóng giả từ nhân viên chuyển phát nhanh, thuế vụ cho đến hải quan đều “dẻo” như nhau. Bị hại khi nghe Phương yêu cầu chuyển các loại phí, thuế hầu hết đều đinh ninh đó là nhân viên “xịn”, và làm theo răm rắp!
Hiện Công an TP.HCM đang tiếp tục điều tra mở rộng đường dây lừa đảo này…
Theo_VietNamNet
Tiết lộ "người trên sở" trong đường dây bằng đại học giả (3)
Từ những thông tin có được trong cuộc gặp gỡ với Kh., PV tiếp tục đi xác minh thân thế của gã thanh niên bán bằng giả. Nhưng một diễn biến bất ngờ đã xảy ra..
Kẻ bán bằng giả là một nhân viên hợp đồng?
Như đã thông tin đến bạn đọc trong bài trước, sau cuộc gặp gỡ người bán bằng giả Đỗ Đình Kh. và được Kh. tự giới thiệu là một nhân viên đang làm việc ở sở TT&TT Hà Nội.
Mang những thông tin và hình ảnh có được về Đỗ Đình Kh. đến sở TT&TT Hà Nội, PV được gặp bà Trần Thị Y Lan, Chánh văn phòng sở, bà Lan cho biết sẽ tiếp nhận thông tin và gửi lên cấp trên duyệt.
Đến chiều giờ cùng ngày, PV nhận được điện thoại của bà Lan và cho biết lãnh đạo sở TT&TT đồng ý sẽ xác minh Đỗ Đình Kh. có đúng là nhân viên thuộc sở hay không và sẽ cung cấp thông tin.
Bà cũng bày tỏ rằng bởi có rất nhiều nhân viên hợp đồng, lại ở các cơ sở nên việc xác minh có thể sẽ mất thời gian. Tuy nhiên ngay sau đó, phía sở TT&TT đã liên lạc và thông tin cho PV biết rằng đúng là ở sở có một nhân viên tên Đỗ Đình Kh., nhưng đang là nhân viên hợp đồng ở Trung tâm đào tạo trực thuộc sở, vị đại diện sở cho rằng muốn tiếp tục xác minh thì tự xuống trung tâm.
Đ.Đ.K tự nhận mình là nhân viên của sở TT&TT Hà Nội.
PV có liên lạc lại với bà Lan để hỏi rằng trung tâm đào tạo nào thì không thấy vị đại diện bắt máy và chưa nhận được câu trả lời.
Trước đó, khi đề nghị kiểm tra thông tin thì PV đã nhờ bà Lan chỉ xác minh và giữ bí mật về đường dây làm bằng giả với sự góp mặt của K. bà Lan đồng ý.
Nhận bán bằng giả rồi thông báo mình bị lừa!
Khi những thông tin thực sự về Đỗ Đình Kh. còn đang mù mờ, việc xác minh qua sở TT&TT Hà Nội tưởng như còn đang trong vòng bí mật thì bất ngờ PV nhận được cuộc gọi từ số máy của Kh..
Trong cuộc hội thoại này, bằng một giọng đầy hậm hực Kh. hỏi thẳng: "Có phải bạn đang điều tra về tớ không? Nói thật đi, người đi cùng bạn hôm trước là ai?".
Khi nghe PV giải thích rằng người đi cùng chỉ là bạn và đang thực sự có nhu cầu mua bằng để đi làm, Kh. tiếp tục dồn hỏi một các quyết liệt hơn: "Bạn nói thật đi, để tớ còn biết đường xử lý!". Sau cùng Kh. cúp máy mà không nói thêm một lời.
Còn chưa biết phải trấn an Kh. ra sao để tiếp tục cuộc mua bán, thì khoảng nửa ngày sau, PV lại nhận được tin nhắn từ số máy của Kh., gã thanh niên xin lỗi và nói rằng bị một ông anh dọa.
"Ông ý biết mình làm mà ông ý còn dọa", tin nhắn của Kh..
Sau đó không hiểu nghĩ gì, mà Kh. lại tiếp tục nhắn tin cho PV và nói rằng không làm nữa vì đã bị lừa.
Kh. cho biết: "Bạn ơi bạn đừng gửi tiền cho mình nữa, mình cũng chỉ là nạn nhân bị lừa mà thôi. Mình phải nói với bạn vì không muốn bạn cũng bị lừa giống mình".
Thấy có điều gì đó khó hiểu, PV liên lạc lại với Kh. để hỏi rõ nguyên nhân thì được anh ta giải thích: "Thực ra có một người tên là V. da đen, là người quen của tớ trước đó có nói rằng có thể làm được bằng giả nên gã mới gặp và nhận làm, đến bây giờ mới biết rằng mình bị lừa".
PV hỏi vì sao trước đó chính Kh. đã nói rằng từng làm rất nhiều thì gã trả lời ráo hoảnh: "Thì mình nói thế thôi chứ mình có làm được đâu".
Trước khi kết thúc cú điện thoại, Kh. còn tỏ ra cao thượng khi cho rằng chính gã đã bị lừa nên không muốn có ai cũng bị lâm vào tình cảnh giống mình.
Với những gì mà nhóm PV thu nhận được và thông tin đến độc giả, mặc dù người thanh niên tên Kh. đã "bỏ của chạy lấy người" ngay khi thấy có "động" vì cho rằng chính Kh. cũng bị lừa. Tuy nhiên, để làm rõ việc đây có phải một đường dây bán bằng giả chuyên nghiệp hay không thì còn cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Việc xác định những người đang dùng bằng giả do đường dây này cung cấp, hoạt động trong nhiều ngành nghề (ngay cả ngành nhạy cả như giáo dục, y tế - PV) là cần thiết. Điều này đang gây hoang mang và nguy hiểm cho xã hội.
Nhóm PV
Theo_Người Đưa Tin
Triệt phá đường dây buôn lậu thuốc lá ngoại "siêu khủng" Lực lượng Công an đã thu giữ tổng cộng 8.000 cây thuốc lá 555 Gold nhập lậu. Đây là số lượng thuốc lậu lớn nhất trong vòng bốn năm trở lại đây. Ngày 22-5, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) - Công an TP Hà Nội cho biết vừa triệt phá một đường dây buôn lậu thuốc lá ngoại cực "khủng". Theo đó,...