Cấp cứu Hoàng thành, nhanh còn kịp
GS Nguyễn Quang Ngọc, ủy viên Hội đồng tư vấn của UBND TP Hà Nội về di sản Hoàng thành Thăng Long khẳng định phải sửa sai “sớm giờ nào tốt giờ ấy”, trước thực trạng khu di sản 18 Hoàng Diệu bị xâm phạm.
Không thể chấp nhận
Ba hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Di sản Văn hóa Việt Nam, Khảo cổ học Việt Nam đồng đứng đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các bộ ban ngành khác, liên quan đến việc bảo vệ Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
Trước đơn kêu cứu khẩn cấp này, hôm 16/7, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội gửi báo cáo công tác phối hợp thực hiện Dự án xây dựng cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật khu di tích 18 Hoàng Diệu, lên lãnh đạo Bộ VHTT&DL và UBND TP Hà Nội.
Hố khai quật bị ngập nước
Trong đó khẳng định những vi phạm nghiêm trọng đến khu lõi di sản C-D như: toàn bộ khu Di sản C-D thành nơi tập kết vật liệu của công trường xây dựng Nhà Quốc hội khiến cán bộ bảo tồn của Trung tâm khó thực hiện nhiệm vụ bảo tồn di tích hằng ngày; trở thành nơi tập kết sinh hoạt của công nhân với bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đặt trong Khu Di sản gây mất vệ sinh và ảnh hưởng cảnh quan…
Video đang HOT
Trong bản kêu cứu, chuyên gia của ba Hội nêu rõ: “Tại khu vực giáp ranh giữa Nhà Quốc hội và Khu di sản, đã xây xong phần lớn các thành phần của con đường cứu hỏa và một bức tường bằng bê tông cốt thép nằm trong phạm vi di sản, có chỗ cao đến 3 – 4m ở sát thành hố khai quật và một số đoạn đường ống thoát nước cũng đào sâu vào phần đất của khu Di sản. Như vậy là một bộ phận của di sản khảo cổ nằm dưới con đường này đã bị phá hủy nghiêm trọng”.
Theo đó, “hậu quả tai hại” bao gồm: các hố khảo cổ bị ngập nước, thành hố xói lở, các di tích trong lòng hố bị xâm hại cực kỳ nghiêm trọng. Công nhân tự do ra vào khu di sản, quanh các hố khảo cổ trong điều kiện không có cán bộ bảo tồn giám sát nên không tránh khỏi va chạm làm một số di tích, di vật trong các hố khảo cổ bị xê dịch và có thể mất mát.
Nhiều hố khảo cổ bị rác, vật liệu xây dựng vứt ném bừa bãi làm hư hỏng các di sản khảo cổ đã xuất lộ. Kết luận của các chuyên gia: “Những việc làm trên là sự vi phạm cực kỳ nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa và Công ước quốc tế bảo vệ Di sản Thế giới của UNESCO”.
“Rõ ràng cách xây dựng như thế này là tìm cách lấn được sang khu di sản tí nào hay tí ấy. Tôi cho rằng đó là cách hành xử thiếu văn hóa đối với di sản văn hóa thế giới, di sản quốc gia đặc biệt, là kết tinh giá trị văn hóa Việt Nam”, GS Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển nói.
Phải nhanh hơn UNESCO
“Nếu không khắc phục khẩn cấp và hiệu quả, chắc chắn khu Di sản sẽ bị UNESCO cảnh báo và có nguy cơ bị rút khỏi danh sách Di sản thế giới”, các chuyên gia khuyến cáo. “Đây là điều đáng tiếc, bởi chúng ta tìm mọi cách để UNESCO công nhận di sản văn hóa, xong rồi lại thiếu ý thức như thế”, GS Ngọc bức xúc.
Năm 2009, thung lũng Elbe ở Dresden (Đức) bị đưa ra khỏi Danh sách Di sản thế giới, vì người ta cho xây dựng cây cầu đường bộ Waldshloschen gồm bốn làn xe bắc qua sông Elbe, giảm ách tắc giao thông cho nội đô, nhưng theo cơ quan tư vấn của UNESCO là phá vỡ cảnh quan thiên nhiên có một không hai.
Vậy phải sửa sai thế nào? “Việc sửa sai phải được thực hiện sớm giờ nào hay giờ đó. Khi xây dựng phần tường Nhà Quốc hội anh làm ngày làm đêm như thế nào, thì việc khắc phục cũng cần phải được tiến hành với tốc độ như vậy”, GS Ngọc nói.
Có ý kiến rằng bản kiến nghị này công khai ra, chuyện sẽ bung bét khiến UNESCO xét đến danh hiệu Di sản thế giới của Hoàng thành Thăng Long. “Chúng ta sửa ngay từ bây giờ một cách triệt để, còn giữ được di sản. Nếu giấu giếm thì khi UNESCO kiểm tra, chuyện mất di sản là không tránh khỏi”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Phần cuối kiến nghị, các chuyên gia cũng đề xuất một số hành động cấp thiết: Xem xét cử đoàn thanh tra, đánh giá tình hình xây dựng vi phạm Luật Di sản văn hóa tại khu di sản, đánh giá nguyên nhân để xảy ra tình trạng đáng tiếc nói trên tại khu di sản C-D.
Thủ tướng chủ trì hoặc ủy nhiệm một Phó Thủ tướng chủ trì buổi họp gồm các thành phần liên quan và đại diện Hội đồng tư vấn khoa học, đánh giá mức độ xâm hại, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức, đưa giải pháp khắc phục.
Trong các giải pháp khắc phục, các chuyên gia đề nghị: Giao cho Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tiến hành cứu nguy các hố khai quật bị ngập nước và hư hỏng, nghiên cứu và thực hiện biện pháp lấp cát bảo tồn di tích trong lòng đất.
BQL Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội phải chịu sự giám sát của cơ quan bảo tồn, thu dọn ngay nhà ở của công nhân, nhà vệ sinh công cộng và tất cả tình trạng bừa bãi hiện nay, trả lại mặt bằng của Khu di sản.
Từng có cam kết về Trung tâm Hoàng thành Thăng Long
Ngày 23/7/2010, Chính phủ có Công văn số 5129/VPCP-QHQT cam kết thực hiện khuyến nghị của ICOMOS đối với Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, để di tích được Ủy ban Di sản thế giới công nhận.
Trong 8 điều cam kết có: Thường xuyên quản lí vùng đệm và vùng chuyển tiếp, bảo đảm sự an toàn và cảnh quan hài hòa với di sản, tiến tới mở rộng vùng đệm, vùng chuyển tiếp ở phía bắc, đông và nam khu di sản. Bảo đảm việc thi công xây dựng Nhà Quốc hội không ảnh hưởng đến sự an toàn của di sản.
Theo Tiền Phong
Thi phương án kiến trúc bảo tồn Hoàng thành Thăng Long
Sáng 12-2, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức phát động cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.
Cuộc thi hướng tới việc phát huy giá trị của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, xây dựng một không gian văn hóa cộng đồng hài hòa về kiến trúc cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật trong một tổng thể khu Trung tâm chính trị- hành chính Ba Đình đồng thời, tổ chức một không gian kiến trúc cảnh quan nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục tuyên truyền quảng bá phát triển du lịch.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn- Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, cuộc thi còn là dịp để quảng bá tới người dân trong nước và cộng đồng quốc tế về Di sản Hoàng thành Thăng Long và rộng hơn nữa là về Hà Nội nghìn năm văn hiến. Cuộc thi còn là cơ sở lập Quy chế quản lý Quy hoạch, kiến trúc cảnh quan Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Theo yêu cầu, các phương án thiết kế kiến trúc tại đây không chỉ mang tính kỹ thuật đơn thuần mà còn nhằm phục vụ công tác khảo cổ và nghiên cứu tại khu vực này.
Theo ANTD
Hình ảnh những phát hiện quý, quan trọng tại Điện Kính Thiên Lần khai quật gần đây nhất tại khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, còn gọi là cấm thành (vòng trong cùng trong 3 vòng thành) của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học, đã phát hiện nhiều di tích cực kì quan trọng. Kiến trúc quần thể di tích nằm dọc theo...