Cấp cứu bệnh nhân rối loạn đông máu bị xuất huyết tiêu hóa nặng
Sáng ngày 3/9, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức tiếp nhận bệnh nhân N.N.T (1985) với tình trạng đi tiêu phân đen, cơ thể mệt mỏi, da niêm nhạt, đau bụng dữ dội kèm đau 2 khớp gối, khó đi lại.
Với chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên mức độ nặng, bệnh nhân lại có tiền sử mắc chứng rối loạn đông máu (Hemophilia A) mức độ nặng và viêm gan B mạn, khoa Cấp cứu đã nhanh chóng hội chẩn các bác sĩ đến từ đơn vị Tiêu hóa và đơn vị Huyết học – khoa Nội Tổng hợp. Ngay sau đó, bệnh nhân N.N.T được khoa Cấp cứu chuyển thẳng lên khoa Nội tổng hợp để điều trị.
Tại khoa Nội tổng hợp, bệnh nhân được chỉ định truyền tủa lạnh liều cao, truyền Hồng cầu lắng (HCL) kết hợp dùng PPI qua bơm tiêm tự động (BTTĐ). Bệnh nhân được chỉ định chăm sóc cấp II-B, theo dõi sát mỗi 4 giờ.
Đến 8 sáng ngày 3/9, bệnh nhân vẫn còn rất mệt, mạch nhanh, da niêm nhợt nhạt, vẫn tiêu phân đen, đau thượng vị nhiều, xét nghiệm Hb rất thấp (4.2g/dl) cho thấy bệnh nhân không đáp ứng truyền máu. Tại thời điểm này bác sĩ điều trị: Xuất huyết tiêu hóa trên mức độ nặng đang diễn tiến trên Hemophilia A mức độ nặng và Viêm gan B mạn. Bác sĩ điều trị đã liên hệ bác sĩ trực nội soi cấp cứu để tiến hành nội soi dạ dày cấp cứu kẹp cầm máu, ngăn chặn ra máu đang diễn ra ồ ạt. Kết quả nội soi: Loét dạ dày Forrest Ib đang ra máu.
Cấp cứu bệnh nhân rối loạn đông máu bị xuất huyết tiêu hóa nặng
Video đang HOT
Theo Bác sĩ CKI.Võ Tấn Đạt – Trưởng đơn vị Huyết học- BV Thủ Đức TP.HCM đây là một ca bệnh phức tạp nên đòi hỏi phải rất cẩn thận trong việc can thiệp cầm máu cũng như ưu tiên sử dụng các chế phẩm máu cho bệnh nhân. Các bác sĩ đã cho kiểm tra công thức máu liên tục để theo dõi và có những xử trí kịp thời. Nếu Hb của bệnh nhân vẫn không được cải thiện, tiên lượng xấu, bác sĩ dự kiến sẽ phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để điều trị tiếp.
May mắn, dấu hiệu đáng mừng là sau 4 ngày xét nghiệm máu Hb của bệnh nhân đã có xu hướng tăng lên ổn định, mặc dù vẫn đang ở mức rất thấp so với bình thường, nhưng đó cũng là biểu hiện khả quan để chúng tôi đánh giá được là bệnh nhân có đáp ứng với phác đồ điều trị. Các dấu hiệu sinh tồn dần ổn định, tiêu phân đen giảm, bệnh nhân thấy khỏe hơn. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục theo dõi đến lúc lâm sàng và cận lâm sàng ổn định.
Hiện bệnh nhân N.N.T đang được các bác sĩ và điều dưỡng khoa Nội tổng hợp tiếp tục chăm sóc và theo dõi thường xuyên tại khoa. Trước mắt, bệnh nhân đã qua thời kỳ nguy hiểm, các xét nghiệm máu đã cho thấy được sự khả quan. Với tình hình này, bệnh nhân sẽ dần ổn định và hồi phục trong vài ngày tới.
Sốc mất máu vì uống nhầm thuốc diệt chuột
Cụ ông 75 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa. Trước đó, bệnh nhân uống nhầm gói thuốc diệt chuột dạng kháng vitamin K- Super Warfarin.
Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - vừa tiếp nhận trường hợp một cụ ông 75 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa.
Sau một tháng điều trị, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và được ra viện. Trước đó, bệnh nhân được truyền dịch tích cực và bù các chế phẩm máu cũng như nội soi dạ dày và chuyển phẫu thuật để cầm máu ở ruột non. Trong thời gian nằm viện, nam bệnh nhân vẫn bị rối loạn đông máu.
Tháng trước, bệnh nhân cũng gặp đợt xuất huyết tiêu hóa và điều trị tại bệnh viện tuyến dưới. Tại đây, các bác sĩ chưa rõ nguyên nhân xuất huyết và được cho ra viện. Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử bị sa sút trí tuệ.
ThS.BS Vũ Đình Hùng, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết trước khi vào viện một ngày, bên nhân đi ngoài nhiều, lẫn phân đen và máu tươi. Ông nhập viện trong tình trạng lơ mơ, mạch nhanh 130 lần/phút, huyết áp 70/40 mmHg. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tình trạng mất máu cấp, thiếu máu rất nặng kèm theo rối loạn đông máu.
Thuốc diệt chuột dạng kháng vitamin K- Super Warfarin thường bị nhầm lẫn với thuốc hoặc kẹo. Ảnh: Suckhoedoisong.
Theo gia đình, bệnh nhân uống nhầm gói thuốc diệt chuột dạng kháng vitamin K- Super Warfarin, không rõ số lượng.
Do tác dụng của thuốc chuột kéo dài nên sau khi xuất viện, bệnh nhân vẫn phải uống vitamin K lâu dài và theo dõi tình trạng đông máu định kỳ.
Theo Bác sĩ Hùng, các loại thuốc diệt chuột thường được chế tạo dạng viên giống viên kẹo, một số sản phẩm có nhiều màu sắc nên dễ gây nhầm lẫn cho người già và trẻ em.
Nếu uống phải thuốc diệt chuột dạng super-warfarin, cơ thể sẽ bị rối loạn đông máu nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ xuất huyết nhiều vị trí bao gồm xuất huyết dưới da,xuất huyết niêm mạc, xuất huyết từ vết thương không thể cầm.
Nguy hiểm hơn, người bệnh có thể bị xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, xuất huyết từ các tạng trong ổ bụng gây ra sốc mất máu.
Bác sĩ Hùng cũng khuyến cáo người dân cẩn trọng nếu trong nhà có thuốc diệt chuột, cần để những vị trí xa tầm tay của trẻ em, người già.
Ngoài ra, cần tránh để gần với đồ ăn, thuốc uống vì rất dễ bị nhầm. Tránh để thuốc gần nguồn nước, nhất là nước uống hay sinh hoạt bởi thuốc dễ hòa tan gây độc cho nhiều người. Đặc biệt, cần cảnh báo cho người xung quanh để tránh uống nhầm thuốc diệt chuột.
Nguy hiểm bệnh xuất huyết tiêu hóa Xuất huyết tiêu hóa (XHTH) là dấu hiệu báo hiệu tình trạng tổn thương nghiêm trọng trong đường tiêu hóa. Bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Bác sĩ thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân N.H.N. sau khi phẫu thuật nội soi cầm máu bệnh xuất huyết tiêu hóa. Ảnh: S.Mai Khi có những dấu hiệu...