Cặp chồng Tây vợ Việt đón Tết bên “đàn con” chó mèo khuyết tật ở Sài Gòn: Chúng mình sẽ đến các trạm cứu hộ, tự tay lắp ráp và tặng xe lăn cho các bé!
12 bé cún, mèo, khỉ khuyết tật được cặp vợ chồng Sài Gòn nhận nuôi và chăm bẵm như con của mình.
Cả hai còn thành lập trung tâm chuyên sản xuất và thiết kế xe lăn, chân giả cùng các giải pháp dành cho thú cưng kém may mắn.
Năm nay, gia đình chị Trần Anh Thư (31 tuổi, bác sĩ đa khoa) và anh Oscar Fernando Ruiz Bonilla (45 tuổi, quốc tịch Colombia) đón Tết bên “đàn con” gồm 11 bé chó mèo và một chú khỉ bị liệt, thay vì đi du lịch như mọi năm. Hai vợ chồng dành thời gian cùng các bé xem phim và tận hưởng khoảng thời gian bình yên bên nhau. Bởi với họ, Tết là để nghỉ ngơi.
Trước đó, đôi vợ chồng tất bật hoàn thành những chiếc xe lăn dành tặng chó mèo khuyết tật để kịp gửi đi trước khi công ty giao hàng nghỉ Tết và ngừng nhận đơn. Trung tâm Forever Wheelchair – nơi sản xuất và thiết kế xe lăn, chân giả cùng các giải pháp dành cho thú cưng bị tàn tật – do anh Oscar và chị Thư thành lập, bận rộn hơn bao giờ hết.
“Chúng mình cố gắng, thậm chí làm xuyên đêm, để có thể gửi xe lăn sớm được chiếc nào hay chiếc đó. Mỗi khi nghĩ tới các bé chó mèo khuyết tật phải lết trên sàn, chúng mình lại phấn đấu hết sức”, chị Thư nói.
Clip: Gặp gỡ cặp vợ chồng Tây – Việt “hồi sinh” những bước đi cho chó, mèo khuyết tật (Thực hiện: KingNews)
Anh Oscar và chị Thư bên “đàn con” đáng yêu của mình
Những chiếc xe lăn – đôi chân mới dành tặng chó mèo tàn tật
Năm 2017, khi vừa đến Việt Nam, anh Oscar đã nhận nuôi một bé cún và đặt tên Sophie. Nhưng không may, thú cưng qua đời do bị đánh bả ngay trong sân nhà tại Thảo Điền ( TP.HCM). Ngày hôm đó, nhiều bé cún và mèo khác cũng bị làm hại.
“Tôi đã rất buồn”, Oscar nhớ lại. Một người bạn về sau đã liên lạc với anh và nói rằng có một chú chó Pug bị liệt hai chân sau, cần giúp đỡ. “Bé cần một gia đình!” – câu nói khẩn thiết chạm đến trái tim Oscar. Sau khi cân nhắc khả năng của bản thân, anh đã nhận lời và đặt cho bé cún cái tên Moto.
Để giúp con vật tiện di chuyển, Oscar bắt đầu đặt từ nước ngoài xe lăn chuyên dụng dành cho chó mèo. Không hài lòng về chất lượng xe lăn nhập ngoại, anh quyết định mày mò, tự thiết kế nhiều mẫu xe lăn, cho đến khi có được mẫu giúp Moto thoải mái nhất và bước đi trở lại. Không riêng Moto, anh cũng nghĩ tới việc làm xe lăn giúp những chó mèo khác.
Trên hành trình tìm lại bước đi cho thú cưng tàn tật, anh Oscar gặp cô bác sĩ Anh Thư. Đó là một ngày năm 2019, chỉ sau 24 giờ từ khi gặp mặt, anh chị trở thành người yêu của nhau. Tình yêu sét đánh phát triển nhanh, cặp đôi ra mắt gia đình hai bên sau 3 ngày và đính hôn sau một tháng.
Cùng năm, anh Oscar chính thức nghỉ công việc kinh doanh nhà hàng để đầu tư toàn bộ thời gian cho Forever Wheelchair. Anh nhập máy móc về xưởng để thiết kế xe lăn, chân giả chất lượng và chuyên nghiệp hơn.
Những chú cún, mèo khuyết tật được vợ chồng anh Oscar nhận nuôi và thiết kế xe lăn phục vụ đi lại
Do Việt Nam hiện chưa có trường lớp đào tạo làm xe lăn cho chó mèo, anh Oscar tự học những khoá học về giải phẫu cơ thể chó mèo, công nghệ in 3D, cơ khí. Quá trình hoàn thành một chiếc xe lăn gồm công đoạn thô hình thành khung xe bằng kim loại, hoàn thành các bộ phận khác từ kỹ thuật in 3D, lắp ráp tại xưởng và cuối cùng kiểm tra chất lượng xe.
Để kiểm định chất lượng, anh phải thường xuyên quan sát cảm nhận của các bé, xem xét cơ thể của chúng có thực sự dễ chịu khi đi xe hay không, sau đó khắc phục những khó khăn và nhược điểm.
Chị Thư cho biết, những chiếc xe lăn được lót đệm bảo hộ toàn thân và yên ngồi êm ái với những loại yên khác nhau, phù hợp cho từng bé chó mèo khác nhau. Ngoài ra, nhờ bộ phận nhún giảm xóc, nên khi thú cưng lên hay xuống dốc, gặp gốc cây hay đá, sẽ không bị va đập lên bụng như các dòng xe khác.
“Xe lăn còn hạn chế lật, giúp thú cưng tự tiểu tiện trên xe và đứng lên, nằm xuống theo ý thích. Rất nhiều bé bị gãy cột sống gặp phải tình trạng bí tiểu và táo bón, phải sử dụng ống thông thì sau khi sử dụng xe lăn, đã có thể tự đi vệ sinh”, chị Thư nói và hi vọng từng bé chó mèo bị tật đều được tiếp cận và sử dụng xe lăn, không chỉ giúp di chuyển êm ái và dễ chịu, mà còn có một cuộc sống mới thoải mái.
Các mẫu xe lăn do vợ chồng chị Thư làm ra được các bác sĩ ở nhiều phòng khám trải nghiệm và tin tưởng vì an toàn và không gây biến chứng cấn loét cho các bé về sau. Đến nay, Forever Wheelchair đã làm hơn 500 xe lăn, chinh phục thị trường trong nước lẫn quốc tế.
“Hồi xưa, khi chưa nhận nuôi cún mèo tàn tật, mình không thể cảm nhận được nỗi đau của các bé. Cho đến khi có Moto và các bé khác, mỗi ngày ngắm nhìn và chăm sóc các con, chúng mình mới hiểu những bé tàn tật khác không có xe lăn sẽ buồn như thế nào”, chị Thư tâm sự.
Xưởng thiết kế xe lăn chó mèo của anh Oscar
Anh Oscar cùng các nhân viên dành nhiều tâm huyết thiết kế xe lăn tặng chó mèo tàn tật
Tại Việt Nam, nhiều gia đình có khả năng chi trả để mua một chiếc xe lăn chất lượng cho thú cưng. Anh Oscar và chị Thư rất trân trọng, vì khoản tiền kêu gọi có thể giúp thêm nhiều bé khác ở trạm cứu hộ, cũng như những bé trong gia đình khó khăn.
Forever Wheelchair còn có chương trình “Thắp Nắng Cho Em” để kêu gọi các bạn trong cộng đồng yêu chó mèo đóng góp giúp đỡ thú cưng bị tật. Trước năm 2020, phần lớn xe lăn dành tặng cho các bé đều từ tiền túi của vợ chồng chị Thư, nhờ công việc bác sĩ đa khoa.
“Về sau, nhiều người tin dùng và mua xe lăn của chúng mình, nên đã lan truyền và lan tỏa câu chuyện của Trung tâm và quỹ Thắp Nắng Cho Em. Thú cưng khuyết tật được giúp đỡ nhiều hơn và thời gian hoàn thành xe lăn cũng nhanh hơn”, chị Thư kể.
Chó mèo bị liệt thường phải lết trên đường, khiến chân bị loét, chảy máu đau đớn. Nhiều bé thường xuyên bị trói cột nên tinh thần rất căng thẳng và buồn bã. Có bé phải nằm lâu nên liên tục bị bí tiểu và táo bón. Xe lăn giúp chúng tự do chạy nhảy, tinh thần vui vẻ và đặc biệt không còn bị lở loét, tiểu tiện dễ dàng.
Nhìn mỗi bé chó, mèo được tự do chạy nhảy trở lại, vợ chồng chị Thư cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Những người chủ cũng xúc động, thậm chí bật khóc khi thấy thú cưng của mình bước đi trở lại.
“Nếu mà bạn thực sự có tình yêu đối với chó mèo thì hãy chăm sóc và có trách nhiệm đến ngày cuối cùng của cuộc đời em bé đó”, nữ bác sĩ gửi gắm.
Những chiếc xe lăn giúp thú cưng khuyết tật dễ di chuyển
Bé chó vui chơi bên “đôi chân” mới của mình
Chú mèo có “tài xế” riêng chở đi dạo mỗi buổi chiều đầy nắng
Cho yêu thương và nhận lại thương yêu!
Anh Oscar và chị Thư hiện nuôi 12 “đứa con”. Mỗi đứa một tính cách khác nhau, nhưng đều được anh chị chăm bẵm như một người cha/ người mẹ đối với đứa con của mình.
Mỗi buổi sáng, sau khi thức giấc, hai vợ chồng dẫn cún đi dạo trên xe lăn, sau đó về nhà. Cô giúp việc sẽ cho các bé ăn rồi vệ sinh nhà cửa. Anh Oscar lên xưởng, cùng các nhân viên làm xe lăn, còn chị Thư tiếp tục công việc ở phòng khám của mình. Khi có bé cần làm xe lăn, chị sẽ là người trao đổi bằng tiếng Việt và dịch lại cho chồng.
Buổi chiều, anh chị tiếp tục dẫn thú cưng đi dạo, vệ sinh, mặc áo ngủ và cho các bé lên phòng ngủ chung. Mỗi cuối tuần, hai vợ chồng cùng nhau mang xe lăn đi tặng cho các bé trong danh sách cần giúp đỡ.
“Mỗi bé cún hay mèo đều giống như trẻ con. Khi được chăm sóc cẩn thận, chúng sẽ tìm thấy niềm vui và cuộc đời mới. Và chúng mình, cũng cảm thấy lạc quan và hạnh phúc hơn trong cuộc sống”, chị Thư nói.
Với anh Oscar, những đứa con bốn chân bé nhỏ chính là động lực, là lý do của cuộc sống. Chúng đánh thức anh mỗi sáng để làm việc chăm chỉ hơn, thậm chí thức đêm để tiếp tục công việc của mình.
Mỗi ngày, cặp vợ chồng đều dành thời gian đưa “các con” đi dạo ở công viên gần nhà
Những con vật thể hiện tình cảm với “bố mẹ” của mình – hai người đã cho chúng một đôi chân mới, cuộc sống mới
Trong số những “em bé” của gia đình, đặc biệt có một bé khỉ bị liệt, được anh Oscar và chị Thư đặt tên là Hồng. Bé Hồng vốn sống trong môi trường tự nhiên, nhưng bị kẻ xấu săn bắt. Sau khi chụp X-quang, các bác sĩ chẩn đoán bé bị chấn thương cột sống do bị bắn bằng phi tiêu. Con vật đáng thương bị liệt nửa thân dưới, không đi lại được, không kiểm soát được tiểu tiện.
Trước khi được phát hiện và cứu sống, mỗi ngày, Hồng phải lết trên mặt đất để kiếm ăn từ những vụn thức ăn thừa do những con khỉ khác để lại. Hai chân con vật đầy những vết lở và hoại tử, gương mặt nhiều sẹo và thân hình rất gầy gò, ốm yếu, dính đầy chất thải. Bé còn bị thiếu máu.
Qua trao đổi và được sự đồng ý của cán bộ trung tâm kiểm lâm, anh Oscar và chị Thư được phép chăm sóc đặc biệt cho chú khỉ, giúp phục hồi vết hoại tử và làm xe lăn cho bé tập đi. Từ đó, con khỉ đáng thương dần tìm lại cơ hội nhỏ nhoi để có thể bước đi một lần nữa.
Mỗi ngày, ngoài việc cho bé ăn những thức ăn giúp phục hồi bệnh thiếu máu, chị Thư lau chùi cơ thể khỉ từ hai đến ba lần bởi con vật không kiểm soát được tiểu tiện. Nữ bác sĩ cũng bôi thuốc để giúp khỉ mau lành vết loét và có thể sẵn sàng tập đi trên xe lăn trong thời gian gần nhất.
Nếu may mắn thích nghi được trên xe lăn, chạy nhảy vui vẻ và hoà nhập với đồng loại như trước đây, thì Hồng sẽ được chuyển đến sống tại trung tâm bảo tồn động vật hoang dã.
“Tuy nhiên tương lai là một điều không nói trước được, chỉ biết rằng chúng mình sẽ cố gắng làm những gì tốt nhất và phù hợp nhất với sức khỏe của bé”, chị Thư nói.
Chị hi vọng, người dân hãy nói không với việc nuôi khỉ làm thú cưng, bởi niềm vui lớn nhất của chúng là được sống trong môi trường tự nhiên với bạn bè đồng loại và gia đình. Đừng vì thấy đáng yêu mà tìm mua khỉ con để chăm sóc, từ đó sẽ kích thích các đối tượng săn bắt trái phép. Hệ luỵ, nhiều bé bị tàn tật, cụt chi, mất tự do vốn có, về sau ảnh hưởng đến công tác bảo tồn động vật hoang dã và thiên nhiên.
Bé khỉ tên Hồng được chị Thư chăm sóc cẩn thận mỗi ngày
Trong năm mới, Forever Wheelchair dự định thực hiện hiệu quả chương trình “One day forever home” để mỗi bé cún mèo tàn tật từng bị bỏ rơi đều sẽ tìm được một gia đình mới thật sự yêu thương.
Anh Oscar và chị Thư cũng đang dành dụm một khoản tiền từ công việc bác sĩ và kinh doanh để sắm một chiếc xe ô tô đủ to. Nhờ vậy, mỗi lần đi đâu, cặp vợ chồng sẽ chở các bé cún, mèo đi theo, không muốn để chúng phải ở nhà một mình.
“Chúng mình sẽ cùng nhau đến các trạm cứu hộ hoặc nơi có cún, mèo liệt bị bỏ rơi cần giúp đỡ, tự tay lắp ráp và tặng xe lăn. Thăm các bé và quay video tìm chủ mới, tận tay chở các bé về với một gia đình mới – một căn nhà mà các bé thực sự được đón nhận và được yêu thương”, chị Thư tâm sự.
Niềm hạnh phúc của anh Oscar và chị Thư là được nhìn thấy những con vật đáng thương một lần nữa chạy nhảy, vui chơi trở lại
Người vô gia cư co ro trong đêm Sài Gòn ngày cận Tết: "Bà làm gì có nhà để về, ở đây người ta cho đồ ăn, quý lắm..."
Những ngày cận Tết, đường phố Sài Gòn tấp nập hơn khi ai nấy cũng tranh thủ đi sắm sửa để trang hoàng nhà cửa, cùng gia đình đón Tết.
Thế nhưng vẫn có những con người đang lấy đất làm giường, lấy trời làm chăn, lê lết ở một góc đường vì chẳng có nơi nào để về...
Những người già, những đứa trẻ này không có nơi trú ngụ, tối đến họ lấy vỉa hè, mái hiên, hầm cầu để ngủ ké qua đêm. Bình thường, cuộc sống của họ vốn đã khó khăn, trải qua một năm căng mình với dịch Covid-19, họ càng trở nên mong manh, cơ cực.
Lấy đất làm nhà, lấy trời làm chăn..., cuộc sống của người vô gia cư ở Sài Gòn những ngày cuối năm
Tết đến, không quần áo mới cũng chẳng đồ ăn ngon, họ chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của những người xung quanh. Và nếu may mắn, một tấm vé về quê ăn Tết đủ giúp họ ấm lòng...
20h tối, trên những tuyến đường chính dọc trung tâm Sài Gòn, số lượng người vô gia cư, lang thang có vẻ đông hơn mọi khi. Tiết trời về đêm cũng khiến cho nhiều người co ro vì lạnh, một số người khoác lên mình chiếc áo mỏng, tranh thủ chợp mắt.
Những phần quà đêm khiến họ trở nên ấm lòng
Hàng ngày, để có tiền trang trải cuộc sống, những người vô gia cư thường đi lượm ve chai, bán vé số để sống. Người nào may mắn, thuê được chỗ trọ giá rẻ, rủ năm bảy người ở cùng để đỡ đần nhau, cũng có người đã quen với lề đường, góc chợ mỗi khi đêm xuống. Đối với họ, Tết là một khái niệm xa vời.
"Mấy chục năm rồi, bà có còn quê nữa đâu mà về. Ở đây người ta cho đồ ăn, quý lắm...", bà Hai khòm lưng, đưa đôi tay run rẩy nhận lấy phần quà đêm từ nhóm bạn trẻ, xúc động. Cũng giống như nhiều người vô gia cư, lao động khó khăn khác, bà Hai chỉ mong Tết đến, bà có thêm chút đồ ăn ngon nhờ sự thơm thảo của mọi người.
Bà Hai xúc động khi nhận được sự giúp đỡ của nhóm bạn trẻ
Ngồi gục một góc trên mép đường Lý Thường Kiệt (quận 10), cô Hòa (65 tuổi) cho biết sau một ngày lượm ve chai, cô thường tìm vỉa hè để ngủ. Vì những ngày cận Tết, nhiều nhóm thiện nguyện hay đi phát quà, hỗ trợ người lang thang, cô chỉ mong có thêm chút thực phẩm, tiền bạc để về quê đón Tết.
"Cô tính 28 Tết mới về quê, khổ lắm, mình cực chẳng đã mới ra đây ngồi, nếu có tiền bạc, dư giả chả ai lê lết vỉa hè, đợi tình thương của người khác đâu", cô Hòa rưng rưng nước mắt.
Để có chút tiền trang trải sinh hoạt phí, đồ ăn uống hàng ngày, nhiều người vô gia cư tìm một góc ở Sài Gòn để ngồi đợi những phần quà đêm
Trong khi đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến chú Lý (quê Quảng Ngãi, chạy xích lô) thất nghiệp. Buổi tối, chú ngủ ké dưới mái hiên trên đường Trường Sa (quận 3). Sau 3 năm không về quê đón Tết, năm nay chú Lý tính gom góp tiền để mua vé xe về quê. Hơn 60 năm gắn bó với mảnh đất Sài Gòn, chú Lý hiểu được dù gặp bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn thì người Sài Gòn vẫn tìm cách che chở, hỗ trợ lẫn nhau.
"Mấy nay chú nhận được nhiều đồ ăn, quà bánh lắm, mấy đứa nhỏ nhỏ như tụi con mà nó đi làm từ thiện, gặp chú là cho đồ ăn không hết, mình cũng ấm lòng hơn", chú Lý cười hạnh phúc.
Chú Lý hạnh phúc với món quà nhỏ mà nhóm Đêm Sài Gòn trao tặng
Có lẽ, với những người vô gia cư, khó khăn, Tết đến, họ chỉ mong cơm ngày ba bữa được đủ no, có được manh áo ấm để mặc. Chẳng cần phải mua sắm, quà cáp sang trọng, điều ý nghĩa mà họ nhận được chính là từ tấm lòng biết yêu thương, san sẻ của mọi người dành cho nhau. Đôi khi, chỉ là một bát cháo trắng hay ổ bánh mì trong những ngày cận Tết cũng khiến người khác ấm lòng.
Theo các thành viên nhóm Đêm Sài Gòn, từ lúc dịch bùng phát, bánh mì, sữa tươi luôn được nhóm bạn duy trì, tặng người vô gia cư
Đêm càng về khuya, dọc các tuyến đường ở Sài Gòn, trong khi một số người vô gia cư đã ngon giấc, một số khác vẫn ngắm nhìn ánh đèn điện rực rỡ và nghĩ về cái Tết xa quê. Mong rằng qua năm mới, mọi người đều đầy đủ cơm no, áo mặc, ai rồi cũng sẽ hạnh phúc, bình an...
Cái cúi đầu cảm ơn của những người vô gia cư khiến ai thấy đều chạnh lòng
Vì cuộc sống mưu sinh, không nhà cửa, họ lấy vỉa hè để nghỉ ngơi đợi trời sáng
Tết đến, lòng người cũng trở nên ấm áp hơn, sự yêu thương, san sẻ với nhau luôn tồn tại khắp mọi ngõ ngách ở Sài Gòn dung dị
Mong rằng hạnh phúc và bình an sẽ đến với tất cả mọi người trong năm mới 2022
Người vợ có chồng ra đi trên xe lăn tại Sài Gòn đã âm tính với nCoV Mất đi người chồng gắn bó bao năm nhưng thật may khi cô L. được mạnh thường quân hỗ trợ, giúp vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống. Mới đây, câu chuyện đôi vợ chồng già mưu sinh trên đường phố Sài Gòn và phải chia ly ngay tại mảnh đất ấy đã khiến nhiều người xót xa, thương cảm. Theo thông...