Cấp bách giải quyết sạt lở, sụt lún đất và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL
Ông Hoàng Văn Bẩy cho biết cần điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, trước hết tập trung khoanh định các khu vực cần hạn chế do khai thác quá mức.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)
Giải quyết hiệu quả tình trạng sạt lở ven sông, biển, sụt lún đất và xâm nhập mặn là nội dung chính của Diễn đàn chuyên đề Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Diễn đàn do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/6.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò vô cùng quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động của hoạt động khai thác, sử dụng nước gia tăng từ các quốc gia thượng nguồn sông Mekong.
Khu vực đồng bằng đang phải đối mặt với áp lực tăng dân số và phát triển kinh tế dẫn đến nhu cầu sử dụng nước tăng, nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt; phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông chưa gắn kết được với nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước và sụt lún đất. Tác động của biến đổi khí hậu gây ra những hệ lụy cho đồng bằng những năm gần đây như diễn biến lũ bất thường; hạn hán gia tăng; mặn xâm nhập sâu vào cả nguồn nước mặt và nước ngầm; sụt lún đất diễn ra trên diện rộng; sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra trên hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, nêu rõ các quan điểm, định hướng phát triển tài nguyên nước, ứng phó thiên tai cho Đồng bằng sông Cửu Long. Nghị quyết 120 đã chuyển đổi căn bản quan điểm về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, lấy tài nguyên nước làm cốt lõi và phải thích ứng với diễn biến tài nguyên nước, thiên tai, tôn trọng quy luật tự nhiên.
Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 120 và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết; trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để quản lý tài nguyên nước hiệu quả, ứng phó với lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó kiểm soát và tập trung nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Video đang HOT
Một trong những vấn đề nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long là sụt lún đất, sạt lở bờ sông, biển. Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết đến năm 2018, Đồng bằng sông Cửu Long có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149km. Sạt lở không những diễn ra trong mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, ở các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm, điểm nguy hiểm nhất thuộc tỉnh Cà Mau với chiều dài 14km.
Đề xuất giải pháp ứng phó với tình trạng sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ông Hoàng Văn Bẩy cho biết cần điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, trước hết tập trung khoanh định các khu vực cần hạn chế do khai thác quá mức. Trên cơ sở đó các địa phương sẽ phê duyệt, công bố và thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất ở địa phương mình theo quy định.
Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày giải pháp ứng phó với sụt lún đất. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)
Bên cạnh đó, đơn vị chức năng cần lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng trên cơ sở sử dụng công nghệ ảnh viễn thám qua các thời kỳ, tích hợp với bản đồ ngập mặn do tác động của nước biển dâng toàn vùng làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp thích nghi, ứng phó với nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng và sụt lún đất.
Ngoài ra, để từng bước hạn chế khai thác nước dưới đất, đơn vị chức năng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn, trong đó cần đầu tư, xây dựng hệ thống cấp nước tập trung nông thôn khai thác từ nguồn nước mặt nhằm giảm dần việc khai thác nước dưới đất.
Không chỉ sạt lở, Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối diện với những tác động nghiêm trọng của tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết vào các tháng mùa khô, Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động mạnh bởi xâm nhập mặn, đây là đặc tính của vùng. Mức độ xâm nhập hàng năm có tính quy luật tương đối rõ rệt. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nguồn nước thượng lưu sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long đã thay đổi quy luật tự nhiên bởi việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện thượng lưu, dẫn đến xâm nhập mặn có những thay đổi lớn, gây khó khăn lớn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Trần Quang Hoài, để giải quyết xâm nhập mặn, cần rà soát kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chủ động nâng cao khả năng dự báo lũ, xâm nhập mặn làm cơ sở để chỉ đạo điều chỉnh mùa vụ sản xuất. Cùng với đó phát hiện và xử lý kịp thời trên 160 vị trí cống bọng, bờ bao bị thấm, rò rỉ nước tại tỉnh An Giang; cắm 186 biển cảnh báo sạt lở; gia cố hơn 580km bờ bao, đắp 207 đập ngăn lũ tại Kiên Giang; gia cố, tôn cao hơn 64km đê bao bảo vệ an toàn hơn 30.000ha lúa Hè Thu tại Long An; chủ động xả lũ lấy nước vào ô bao để lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng với diện tích trên 141.351ha tại An Giang và Đồng Tháp.
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)
Ở góc độ địa phương chịu nhiều tác động của sạt lở ven biển, ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, cho biết tình trạng sạt lở ven biển, ven sông tại Cà Mau ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, khó lường. Tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống sạt lở, cả giải pháp công trình và phi công trình, xử lý khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với chiều dài gần 29km. Các đoạn kè gây bồi tạo bãi đã tạo được bãi bồi ven biển phía bên trong kè, khôi phục hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển. Hiện có nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư các dự án phát triển dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại ven biển.
Để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư bảo vệ bờ biển, các đại biểu tham dự diễn đàn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép giao đất cho doanh nghiệp với thời gian từ 50-70 năm và cho chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất rừng phòng hộ bên trong sau khi doanh nghiệp đầu tư kè tạo bãi và trồng rừng diện tích tương ứng phía ngoài.
Nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, các tỉnh vùng ven biển chưa cân đối được ngân sách, hàng năm vẫn còn phải tiếp nhận sự hỗ trợ của Trung ương. Vì vậy các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính không áp dụng cơ chế vay lại các dự án ODA đối với các dự án ứng phó thiên tai theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Nghị định số 52/2017/NĐ của Chính phủ do đây là các dự án không trực tiếp sinh lợi khi đầu tư./.
Theo Nguyễn Xuân Dự (TTXVN/Vietnam )
Tài nguyên nước Việt Nam đang ở mức báo động
Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra những thực trạng đáng báo động của tài nguyên nước Việt Nam là nhiều dòng sông đã cạn kiệt tại hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu độc lập của WB "Việt Nam - hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn" diễn ra vào chiều 30-5.
Sông Hồng mùa cạn nước. Ảnh minh họa: Hà Nội Mới
Tại hội thảo, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng báo cáo của WB đã đưa ra một bức tranh tương đối đầy đủ về hiện trạng và công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam. Báo cáo đã chỉ ra những thực trạng đáng báo động như: nhiều lưu vực sông đã ở mức cạn kiệt; chất lượng nước suy giảm đáng kể. Nước sử dụng cho nông nghiệp chiếm khoảng 70 đến 80% tổng lượng nước sử dụng của Việt Nam nhưng còn sử dụng chưa hiệu quả, lãng phí.
Theo ông Hà, Việt Nam là một nước ở hạ lưu các sông quốc tế, thường xuyên phải gánh chịu các thảm họa do nước gây ra, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước và suy giảm nguồn nước do khai thác quá mức ở nhiều nơi, bởi vậy tài nguyên nước của Việt Nam đang ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững cho phát triển.
Tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ Việt Nam vào khoảng 830 tỉ mét khối, trong đó khoảng 63% dòng chảy có nguồn gốc từ các quốc gia khác. Tính đến năm 2018, tổng lượng nước bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 8.760 mét khối/người/năm. Nếu tính theo lượng nước nội sinh thì chỉ đạt khoảng 3.250 mét khối/người/năm, thấp hơn chuân của quốc gia theo quan điểm của Hiệp hội Nước quốc tế thiếu nước là 4.000 mét khối/người/năm.
Bên cạnh đó dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó 70 - 80% tổng lượng dòng chảy tập trung trong mùa lũ. Mùa khô kéo dài từ 6 đến 9 tháng với tổng lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 20 - 30%, nên nhiều lưu vực sông đã ở tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô.
"Việt Nam cũng là một trong các quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Do tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, hạn hán kéo dài hơn và diễn ra nghiêm trọng hơn. Nhiều khu vực nước ngọt bị xâm nhập mặn và ô nhiễm gia tăng, khả năng chống chịu với thiên tai suy giảm, đặc biệt là hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững," ông Hà nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đã đến lúc chúng ta không nên ngộ nhận là quốc gia giàu về tài nguyên nước mà cần thẳng thắn chỉ ra rằng Việt Nam là quốc gia nghèo về nước nhưng lại sử dụng lãng phí tài nguyên nước... Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển, nếu tài nguyên nước không được quản lý một cách thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.
Báo cáo của WB chỉ ra việc có nhiều bộ, ngành và luật cùng tham gia vào công tác quản lý gây khó khăn cho thực hiện quản lý tài nguyên nước thống nhất theo lưu vực, cả nước mặt và nước dưới đất, cả số lượng nước và chất lượng nước; khung pháp lý đã có nhưng thực thi còn chưa hiệu quả; cơ chế xử phạt chưa đủ răn đe; thiếu đầu tư lớn cho xử lý nước thải công nghiệp và đô thị; chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả làm giảm ô nhiễm nguồn nước do sử dụng phân bón, chất hóa học trong ngành nông nghiệp; ô nhiễm từ nước thải chăn nuôi...
Theo dự báo trong mùa khô, tổng nhu cầu sử dụng nước của Việt Nam sẽ tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ diễn ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm. Nghiên cứu chỉ ra mức độ khai thác, sử dụng nước ở các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long, sông Đồng Nai - Sài Gòn, sông Thị Vải, sông Bé, sông Vàm Cỏ... tăng quá nhanh và đang tiến tới mức không bền vững. Trong khi đó các lưu vực này đóng góp khoảng 80% GDP của Việt Nam. Sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu nước được dự báo sẽ gây áp lực cho nguồn nước của 11 trong số 16 lưu vực sông lớn tại Việt Nam vào năm 2030.
Ngoài ra, báo cáo cũng đã đưa ra các khuyến nghị và các nhóm giải pháp chính mà Việt Nam cần thực hiện để giải quyết các thách thức hướng tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững tài nguyên nước.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, những khuyến nghị của báo cáo sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng với mục tiêu đổi mới tư duy, mô hình và thể chế trong quản trị nước quốc gia; thúc đẩy có hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo hướng nâng cao năng lực điều tra cơ bản và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, lập quy hoạch để bảo vệ, phát triển bền vững các nguồn nước kể cả nước mặt và nước ngầm, tăng cường tái sử dụng và tuần hoàn tài nguyên nước... nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tài nguyên nước và tăng cường nhận thức của cộng đồng về sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước của Việt Nam...
Theo TBKTSG Online
Nồng độ bụi mịn chỉ "hơi vượt" Kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số thành phố lớn trong những năm gần đây cho thấy chất lượng không khí đã được cải thiện rõ rệt - đó là một nội dung trong Báo cáo mà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa thay mặt Chính phủ ký, gửi đến Quốc hội. Lượng...