Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ bắt đầu thu phí
Từ 0h ngày 6/10, phương tiện lưu thông qua cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dài 29 km sẽ phải đóng phí 10.000-180.000 đồng/vé/lượt, tùy theo đoạn tuyến và loại phương tiện.
Trước đó, Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã thử nghiệm thu phí (không tính tiền) các phương tiện trong một tháng. Theo lãnh đạo công ty, hệ thống thu phí đã được kiểm nghiệm và vận hành tốt, an toàn, không gây ùn tắc hay ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông. Hệ thống này đã được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức nghiệm thu và cho phép nhà đầu tư thu phí từ 6/10.
Tuyến cao tốc được áp dụng hình thức thu phí kín, phương tiện đi vào đường cao tốc phải lấy thẻ (hoặc vé) tại trạm thu phí để xác nhận vị trí bắt đầu sử dụng cao tốc. Căn cứ các thẻ, chủ phương tiện sẽ phải nộp thẻ đầu vào và phí sử dụng cao tốc.
Đường Pháp Vân – Cầu Giẽ đã được nâng cấp theo tiêu chuẩn cao tốc. Ảnh: Bá Đô
Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ có thời gian thu phí hơn 17 năm, đơn giá 1.500 đồng/km (tính cho loại xe tiêu chuẩn, dưới 12 chỗ ngồi). Đoạn tuyến có mức phí thấp nhất là Vạn Điểm – cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và ngược lại với mức thu 10.000-40.000 đồng tùy phương tiện. Xe đi toàn tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ – Hà Nam dài 28 km và ngược lại sẽ phải nộp phí từ 45.000 đến 180.000 đồng.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, các phương tiện có thể sử dụng vé tháng với mức 300.000-5.400.000 đồng; vé quý với mức 810.000-14.580.000 đồng tùy theo đoạn tuyến và loại phương tiện.
Tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dài 29 km sẽ có một trạm thu phí trên đường cao tốc tại Km188 300; 2 trạm nằm trên đường nhánh tại các nút giao Thường Tín, Vạn Điểm; một trạm nằm trên đường nhánh đi quốc lộ 1 cũ và trạm dùng chung với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tại Km212 200 trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình.
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ có tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng và được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 29/9/2014 và hoàn thành vào 30/6/2015. Tổng mức đầu tư là 1.974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp mặt đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, trên nền đường hiện tại rộng 25 m.
Giai đoạn 2 từ năm 2018, mức đầu tư là 4.757 tỷ đồng, mở rộng thêm 2 làn, mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới trên nền đường 33,5 m, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp 4 đồng bằng.
Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ nối tiếp với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đã tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ Hà Nội đến Ninh Bình dài 83 km.
Đoàn Loan
Theo VNE
Thu phí tự động trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây từ năm 2016
Hai tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ bắt đầu áp dụng hệ thống thu phí tự động từ năm 2016.
Theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Lê Quang Hào, đơn vị này đã nghiên cứu hệ thống thu phí tự động theo công nghệ Nhật Bản, Hàn Quốc. Trước mắt, trong năm 2016, VEC sẽ áp dụng hệ thống thu phí tự động vào hai tuyến cao tốc là Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Khi xe qua trạm, thiết bị thu phí tự động sẽ thông báo trừ tiền vào tài khoản của lái xe.
Giai đoạn đầu, số lượng xe sử dụng hệ thống thu phí tự động chưa nhiều nên vẫn phải áp dụng song song hai hệ thống thu phí tự động và trả tiền. "Công nghệ thu phí không dừng cho phép quản lý thu phí tốt hơn, đảm bảo tính chính xác, khách quan. Chủ phương tiện cũng tiết kệm được thời gian dừng xe, nhiên liệu", Phó tổng giám đốc VEC nói.
Hiện nay trạm thu phí cao tốc chủ yếu thu tiền trực tiếp. Ảnh: Xuân Hoa
Để khuyến khích phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí tự động, ông Hào cho biết, VEC sẽ áp dụng chính sách linh hoạt, như sẽ có xe được cấp thiết bị miễn phí, có xe được mua thiết bị với giá ưu đãi, mua trả dần...
Theo lãnh đạo VEC, vấn đề khó khăn hiện nay là việc phân loại xe theo quy định ở Việt Nam có một số khác biệt với thông lệ thế giới như theo số ghế trên xe khách, vì vậy hệ thống nhận dạng phải có những điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, cần phối hợp với ngân hàng để lập tài khoản trả phí của phương tiện tham gia giao thông và khấu trừ tài khoản tự động.
Ngoài ra, lãnh đạo VEC cho rằng, cần thống nhất công nghệ trên các tuyến đường toàn quốc về hệ thống nhận dạng và phân loại xe. Nếu không thống nhất công nghệ sẽ dẫn đến phương tiện giao thông phải gắn nhiều thiết bị nhận dạng, gây tốn kém và bất tiện cho lái xe.
Hiện nay các dự án BOT trên quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã được lắp đặt hệ thống thu phí tự động, sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2015.
Đoàn Loan
Theo VNE