Cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa được ‘ưu tiên làm trước’
Trong báo cáo tiền khả thi cao tốc Bắc Nam, Bộ Giao thông đưa ra các phương án để ưu tiên làm trước đoạn tuyến cấp bách.
Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc Nam.
Trong đó, theo ông Phạm Hữu Sơn – Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI – đơn vị tư vấn lập dự án), Bộ xác định một số đoạn cấp bách, có nhu cầu vận tải lớn đã đầy đủ hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi là đoạn Ninh Bình – Thanh Hóa và đoạn Dầu Giây – Phan Thiết
“Hai tuyến này sẽ được ưu tiên triển khai trước”, ông Sơn nói và cho biết, trong trường hợp không có nhà đầu tư tham gia, Bộ kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện giải phóng mặt bằng các đoạn đầu tư giai đoạn 2017 – 2020. Sau đó, cơ quan chức năng giao một số doanh nghiệp mạnh đầu tư trước dự án cấp bách theo hình thức đầu tư công, rồi sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhượng quyền vận hành, khai thác.
Đơn vị tư vấn cũng cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc Nam đang được xây dựng sẽ làm rõ 20 đoạn hành lang đường sắt cao tốc đi cùng với đường sắt Bắc Nam; khẳng định việc giải phóng mặt bằng qua Quảng Ngãi – Nha Trang không ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ.
Mạng lưới cao tốc trên cả nước và cao tốc Bắc Nam.
Ngoài ra, theo ông Phạm Hữu Sơn, trước đây Bộ Giao thông đã kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù để bảo lãnh rủi ro (về doanh thu, tiến độ giải phóng mặt bằng, chuyển đổi ngoại tệ…) cho nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài tham gia xây dựng đường cao tốc trong nước. Tuy nhiên, lần này Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông xem xét bỏ các nội dung trên.
Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều bình đẳng về cơ chế tại dự án cao tốc Bắc Nam. “Chúng tôi chưa đánh giá được khả năng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia hay không, song họ vẫn có nhiều lợi thế, ví dụ nguồn vốn vay lãi thấp hơn trong nước, kinh nghiệm đấu thầu quốc tế”, ông Sơn nói.
Về mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ xác định là 14% mỗi năm, và nhà đầu tư chỉ được chuyển nhượng cổ phần trong doanh nghiệp dự án sau khi công trình được đưa vào khai thác.
Bộ Giao thông cũng kiến nghị cho phép quy định trong hợp đồng dự án, tiến độ huy động vốn chủ sở hữu phù hợp với tiến độ triển khai thực tế, không áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp. Vì đối với các dự án giao thông, nguồn vốn giải ngân theo tiến độ tương ứng với khối lượng hoàn thành. Nếu huy động vốn theo quy định Luật Doanh nghiệp sẽ có một lượng vốn lớn có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng không được sử dụng ngay.
Video đang HOT
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Bắc Nam dự kiến trình Thủ tướng trước 20/8. Sau đó, Chính phủ trình các cấp có thẩm quyền và dự kiến Quốc hội sẽ xem xét vào tháng 10 tới.
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam dài 1.372 km được chia thành 20 dự án thành phần. Trong đó, giai đoạn một (2017 -2020) ưu tiên đầu tư xây dựng trước 713 km với tổng mức đầu tư khoảng 130.216 tỷ đồng, gồm phần vốn Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bẳng và vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Đoàn Loan
Theo VNE
Chuyên gia đề nghị để xã hội giám sát dự án cao tốc Bắc Nam
Lo ngại dự án cao tốc Bắc Nam lặp lại nhiều hệ lụy như các dự án BOT thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị công khai các dự án và áp dụng cơ chế đấu thầu, giám sát thu phí minh bạch.
Bộ Giao thông vừa có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam, trong đó đề xuất phương án đầu tư giai đoạn một khoảng 684 km với tổng vốn hơn 140.000 tỷ đồng; nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Nhật cho rằng, nếu không có cơ chế đặc thù thì rất khó huy động nguồn vốn, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, vốn tín dụng trong nước đang khó khăn, dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng ở mức cao. Thời gian qua, một số dự án khả thi về tài chính tuy nhiên các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng đã có văn bản từ chối.
Do đó, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù như yêu cầu bảo lãnh một số rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài như doanh thu, tiến độ, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi ngoại tệ...
Một km cao tốc Bắc Nam có chi phí khoảng 215 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Giang Huy.
Đánh giá hình thức đầu tư cao tốc Bắc Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Đức (Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam) nhận định, hình thức BOT vẫn là cơ chế phù hợp để huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp, tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh cơ chế này để vẫn huy động được nguồn vốn mà không gây ra nhiều hệ lụy như các dự án BOT thời gian qua.
Cụ thể như phải công khai các hợp đồng BOT, kể cả giai đoạn dự thảo và các kế hoạch tài chính; lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp. Toàn bộ việc đàm phán hợp đồng, xây dựng và thu phí phải để mở cho xã hội giám sát.
Phương pháp tính mức thu phí đường bộ cần được điều chỉnh. Ví dụ, áp dụng phương pháp phân chia giá trị gia tăng, một chiếc xe đi trên đường cũ mất chi phí 10.000 đồng/km (gồm xăng xe, khấu hao phương tiện, thời gian...), trong khi đi đường mới thì chi phí chỉ còn 6.000 đồng/km. Như vậy có nghĩa giá trị gia tăng của con đường mới là 4.000 đồng, chủ đầu tư hưởng 2.000 đồng, còn lại là chủ phương tiện được lợi. Phương pháp này bảo đảm hài hòa lợi ích cả hai bên.
Ông Nguyễn Minh Đức cũng yêu cầu bỏ việc áp lợi nhuận định mức của chủ đầu tư mà thay vào đó là cơ chế đấu thầu. Chủ đầu tư nào đủ năng lực và cam kết tổng số tiền thu phí thấp nhất thì trúng thầu.
"Dự án cao tốc Bắc Nam chạy qua các tỉnh thành phố lớn, chắc chắn có lưu lượng phương tiện lớn, rủi ro từ doanh thu sẽ thấp. Hơn nữa, việc tính toán doanh thu là trách nhiệm của nhà đầu tư, chứ không phải của Nhà nước", chuyên gia Nguyễn Minh Đức nói.
Bàn về các cơ chế mà Bộ Giao thông để xuất, ông Đức cho rằng, việc bảo lãnh rủi ro doanh thu là không cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề giải phóng mặt bằng thường gặp nhiều khó khăn, thuộc trách nhiệm của Chính quyền nên việc bảo lãnh chậm tiến độ là chấp nhận được.
"Vấn đề nào thuộc trách nhiệm của Nhà nước thì Chính phủ có thể bảo lãnh rủi ro phát sinh từ vấn đề đó. Vấn đề nào thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư thì Nhà nước không nên bảo lãnh", ông Nguyễn Minh Đức gợi ý.
Không đồng tình với các đề xuất của Bộ Giao thông, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cho rằng, cao tốc Bắc Nam là dự án trọng yếu, tuy nhiên, nguồn lực ngân sách có hạn, nợ công rất lớn, bội chi ngân sách triền miên nên không quản lý tốt nợ công sẽ dẫn đến khủng hoảng. Các biện pháp mà Bộ Giao thông đề xuất là đẩy khó khăn, rủi ro về Chính phủ nên Chính phủ từ chối là có căn cứ.
Theo ông Long, nguồn lực trong nước vẫn còn nên các bộ ngành phải xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư để có 70% nguồn vốn từ doanh nghiệp.
"Các bộ ngành cùng phải bàn bạc cơ chế thu hút đầu tư, không thể theo cơ chế cũ. Không chỉ là BOT mà cần đa dạng nhiều hình thức đầu tư", ông Long nói. Cùng với đó là cơ chế thanh kiểm tra, rút kinh nghiệm việc buông lỏng các dự án BOT như thời gian qua.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nhà đầu tư phải tự đánh giá tính khả thi của dự án, việc Chính phủ bảo lãnh doanh thu như như "nắm đằng lưỡi". Bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ cũng phải áp dụng tùy từng lĩnh vực, nếu nhà đầu tư nhập khẩu thiết bị, vật liệu xây dựng mà cũng được bảo lãnh ngoại tệ là không được.
"Các dự án có ít nhà đầu tư thì càng phải công khai, minh bạch, và có cơ chế giám sát để không có tình trạng quân xanh, quân đỏ khi đấu thầu", ông Doanh nói.
Vấn đề khác mà một số chuyên gia lo ngại là tình trạng đội giá. Dẫn kết quả 13 dự án BOT giảm thời gian thu phí gần 100 năm, ông Thân Văn Thanh (nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia) cho rằng, khi dự toán cao thì thi công sẽ có tiêu cực, lãng phí như kê khống khối lượng mà không thể nào kiểm soát hết được.
Theo ông Thanh, nhiều nhà đầu tư "tay không bắt giặc", chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, dự án phải gánh 3 loại lãi suất của ngân hàng, nhà đầu tư và người dân nên không có giá trị thật. Do đó, tối ưu nhất là Chính phủ phát hành trái phiếu để có nguồn đầu tư hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, để hạn chế đội vốn, ông Thanh góp ý ngay từ giai đoạn thiết kế cần có đề bài cụ thể, như giải pháp giám sát thiết kế dự án không vượt nhu cầu thực tế; không để chi phí dự phòng dự án lớn. Nhất là không cho tính tỷ lệ trượt giá công trình xây dựng trên 6% như hiện nay.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, nếu muốn người dân tin tưởng thì cơ quan Nhà nước phải đưa ra các quy định minh bạch từ khi xây dựng đến khi vận hành.
"Vấn đề quan trọng nhất với các chủ xe nhiều khi không chỉ phí cao hay thấp mà chính là dự án có minh bạch hay không", ông Thanh nói.
Bộ Giao thông vừa trình Chính phủ việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam. Chiều dài các đoạn được xây dựng mới và mở rộng trong giai đoạn một đến năm 2022 là 684 km; tổng mức đầu tư hơn 140.000 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng công trình, còn lại là vốn xã hội hóa.
Cụ thể, ngành giao thông sẽ xây mới 603 km đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh); Cam Lâm (Khánh Hòa) - Phan Thiết (Bình Thuận) theo hình thức đối tác công tư (PPP); đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) theo hình thức BT với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m. Ngoài ra, có 81 km đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) và La Sơn (Thừa Thiên - Huế) được mở rộng với quy mô từ 2 làn xe lên 4 làn xe.
Giai đoạn 2 (từ 2023 đến 2028) sẽ đầu tư các đoạn còn lại để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam, gồm: Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị) và Quảng Ngãi - Cam Lâm (Khánh Hòa) với quy mô 4 làn xe cao tốc, nền đường rộng 17 m. Chiều dài dự án là 688 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 103.000 tỷ đồng.
Đoàn Loan
Theo VNE
Dự án cao tốc Bắc Nam cao tốc Bắc Nam gặp khó trong thu xếp vốn Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Nhật cho rằng, nếu không có các cơ chế đặc thù thì rất khó huy động gần 100 nghìn tỷ đồng đầu tư cao tốc Bắc Nam, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài. Bộ Giao thông vừa có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam, trong đó đề xuất...