Cao tốc Bắc-Nam: Khi Nhà nước và doanh nghiệp ‘bắt tay’ làm PPP
Luật PPP ra đời và có hiệu lực từ 1/1/2021 đã tạo cơ sở pháp lý để triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP (đối tác công-tư).
Nhà thầu triển khai thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam )
Các dự án cao tốc Bắc-Nam theo hình thức PPP (đối tác công-tư) đã có tín hiệu lạc quan hơn nhờ vào việc Nhà nước góp vốn cùng doanh nghiệp BOT triển khai.
Tuy nhiên, dự án PPP cao tốc thành hay bại vẫn phải chờ vào việc nhà đầu tư BOT huy động đủ nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.
Những tín hiệu tích cực
Ngày 6/5, Bộ Giao thông Vận tải đã ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án cao tốc Nha Trang-Cam Lâm có tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng. Trong số này, nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 20%) và nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 2.967 tỷ đồng.
Đến ngày 13/5, cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt với tổng vốn đầu tư 11.157 tỷ đồng cũng đã được ký kết; trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 1.023 tỷ đồng, chiếm 20%) và nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 6.067,73 tỷ đồng.
Video đang HOT
Để triển khai dự án, các nhà đầu tư sẽ có khoảng thời gian tối đa 6 tháng cho việc thu xếp hợp đồng tín dụng với các ngân hàng nhằm có đủ vốn hoàn thành công tác xây dựng. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng. Khi đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư.
Khác với các dự án BOT giai đoạn trước đây, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá các dự án cao tốc Bắc-Nam được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù nhằm hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng như triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng bằng vốn Nhà nước (đến nay đạt khoảng 98% khối lượng) hay hiệu quả tài chính được cải thiện rõ rệt do có sự tham gia vốn Nhà nước (trung bình chiếm 51% tổng vốn đầu tư).
Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Vụ PPP-Bộ Giao thông Vận tải), hai dự án thành phần cao tốc trên là những dự án đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, sử dụng phần vốn góp Nhà nước (VGF) để đánh giá tài chính thương mại, được cập nhật quy định chuyển tiếp của Luật PPP và các Nghị định hướng dẫn trong quá trình đàm phán hợp đồng dự án.
Ông Thành cũng cho biết dự án này đã khắc phục tồn tại của các dự án BOT trước đây như đảm bảo sự lựa chọn cho người sử dụng, mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định ngay từ ban đầu sẽ làm giảm rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
“Việc tổ chức đàm phán, ký hợp đồng thành công ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, còn mang ý nghĩa rất to lớn trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vốn đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua. Đây cũng là tín hiệu tích cực đối với môi trường đầu tư PPP trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn như hiện nay,” ông Thành cho hay.
Cần ngân hàng đồng hành
Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, sau 5 năm (từ năm 2015 đến nay), bộ chưa triển khai bất kỳ thêm một dự án BOT giao thông nào, trong khi trước đó (từ 2011-2015) đã triển khai 88 dự án BOT. Đặc biệt, từ 2019-2020, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp 126 đoàn thanh tra và Kiểm toán Nhà nước để ra 126 kết luận. Qua các kết luận thanh tra, kiểm toán, bộ đã rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm, nhận diện các khó khăn, vướng mắc để triển khai các dự án BOT bài bản hơn và đảm bảo công bằng giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Đánh giá rất cao các nhà đầu tư đã tham gia dự án BOT và các ngân hàng thương mại tài trợ vốn đã tích cực tham gia dự án, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận Luật PPP ra đời và có hiệu lực từ 1/1/2021 đã tạo cơ sở pháp lý để triển khai các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP, trong đó có 3 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại có gói tín dụng ưu đãi cho nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
“Nếu ngân hàng hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp, dự án chắc chắn sẽ thành công. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động thêm các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực giao thông,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Nếu ngân hàng hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp thu xếp vốn tín dụng, các dự án giao thông theo hình thức PPP chắc chắn sẽ thành công. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam )
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, trong 5 năm tới, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đầu tư 762km còn lại, gồm các đoạn Hà Tĩnh-Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi-Nha Trang (353 km) và Cần Thơ-Cà Mau (142 km). Toàn bộ đoạn tuyến này sẽ xây dựng theo quy mô 4 làn xe; chia thành 12 dự án thành phần; được thực hiện theo phương thức PPP, hợp đồng BOT; lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị ưu tiên triển khai đầu tư 486km gồm 8 dự án thành phần thuộc các đoạn Hà Tĩnh-Quảng Bình (148km), Quy Nhơn-Nha Trang (196km) và Cần Thơ-Cà Mau (142km), với nhu cầu vốn nhà nước khoảng 45.798 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025.
Đối với 276 km thuộc 4 dự án thành phần còn lại gồm đoạn Quảng Bình-Quảng Trị (119km) và Quảng Ngãi-Quy Nhơn (157km), do nhu cầu vận tải chưa cao, trước mắt sẽ sử dụng vốn Nhà nước (khoảng 7.873 tỷ đồng) để thực hiện trước công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng./.
Đề xuất đầu tư 12.906 tỷ đồng xây cao tốc Vân Phong Nha Trang
Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vân Phong - Nha Trang có chiều dài 83 km, nằm trọn trong địa phận tỉnh Khánh Hòa sẽ được đầu tư theo hình thức PPP.
Cao tốc Vân Phong - Nha Trang là một trong những phân đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025.
Ban quản lý dự án 7 vừa trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Dự án dài 83 km, với điểm đầu tại Km285 (nút giao phía Nam hầm Cổ Mã), địa phận xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại vị trí giao với đường Quốc lộ 27C thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, kết nối với Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Nha Trang - Cam Lâm.
Theo Quyết định số 326/QĐ - TTg ngày 1/3/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, quy mô của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn (cửa khẩu Hữu Nghị) tới Cà Mau có quy mô 4 làn xe, trong đó đoạn Vân Phong - Nha Trang có quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 24,75 m, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h. Để phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực và đảm bảo hiệu quả đầu tư, Ban quản lý dự án 7 đề xuất phân kỳ đầu tư Dự án, trong đó giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m; cứ 4 - 5 km bố trí đoạn dừng xe khẩn cấp, khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư dự kiến chưa bao gồm lãi vay là 12.906 tỷ đồng.
Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Dự án sẽ bắt đầu tuyển chọn nhà đầu tư vào đầu năm 2022, khởi công công trình sau khoảng 6 tháng và hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm 2024.
Nghiêm cấm trục lợi, nâng giá vật liệu xây dựng dự án cao tốc Bắc-Nam Nhu cầu sử dụng các loại vật liệu để phục vụ thi công cho toàn dự án rất lớn với khối lượng đất đắp khoảng 60,7 triệu m3, khối lượng đá khoảng 21,5 triệu m3, cát khoảng 10,8 triệu m3... Nhà thầu xây lắp đẩy nhanh tiến độ thi công đoạn Cao Bồ-Mai Sơn thuộc dự án đầu tư xây dựng cao tốc...