Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn thông xe với điều kỳ tích
Sau 2 năm “hồi sinh” dự án đình trệ “không lối thoát”, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã được thông xe, tạo nên niềm vui lớn của miền Đông Bắc.
Đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã bắt đầu thông xe kỹ thuật vào ngày 29/9.
Nền tảng vững chắc cho phát triển
Với hàng loạt kỷ lục được xác lập khẳng định năng lực triển khai xây dựng giao thông “made in Vietnam”, đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã bắt đầu thông xe kỹ thuật vào ngày 29/9. Tuyến cao tốc đã “cán đích” trước 3 tháng so với tiến độ đề ra, và đến đầu năm 2020 sẽ bắt đầu thu phí khi vận hành chính thức.
Tuyến cao tốc được hoàn thành giúp “thông mạch” giao thông cao tốc từ Hà Nội đi tỉnh biên giới Lạng Sơn, kết nối hành lang kinh tế đường bộ quan trọng lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, thời gian di chuyển rút ngắn còn khoảng 2 giờ so với 3,5 giờ trước đây.
Biểu dương những nỗ lực tạo nên “kỳ tích” trong triển khai xây dựng cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Lạng Sơn, Bộ GTVT cùng Chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị đã có công lớn khi dẹp bỏ được sự đình trệ, giải quyết được hết những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua của dự án, từ đó hoàn thành “mạch máu giao thông” trọng yếu này trong thời gian kỷ lục.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tuyến cao tốc này không chỉ giảm áp lực ùn tắc trên QL1, rút ngắn thời gian di chuyển, mà còn có vai trò đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo nên nền tảng vững chắc thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế khi lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn đáng kể, cũng như là “cú hích” cho phát triển du lịch, dịch vụ,…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương những nỗ lực tạo nên “kỳ tích” trong triển khai xây dựng cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn tại Lễ Thông xe.
Để tiếp nối “kỳ tích” đã đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục còn lại của Dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng để vận hành khai thác chính thức. Chính quyền địa phương Bắc Giang và Lạng Sơn tiếp tục triển khai nhiệm vụ đảm bảo khai thác hiệu quả Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Hiện nay, đoạn tuyến Bắc Giang – Chi Lăng còn cách TP Lạng Sơn khoảng 30km và là nút thắt gao thông cần sớm được tháo gỡ trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy quá trình triển khai Dự án tuyến cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị và triển khai Dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) trong giai đoạn 2021 – 2025.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi thông tin tại Lễ Thông xe tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn .
Kỳ tích hồi sinh
Video đang HOT
Chia sẻ về quá trình “hồi sinh” dự án được cho là đã “chết yểu”, ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được khởi công từ năm 2015, tuy nhiên do các nhà đầu tư của giai đoạn đó yếu kém về nguồn lực và năng lực quản trị nên đã bị chậm tiến độ gần 2 năm. Đến tháng 6/2017, hợp phần QL1 mới chỉ đạt 13% sản lượng và không triển khai được hợp phần đường cao tốc.
Thậm chí, người đứng đầu Nhà đầu tư lúc đó là ông Nguyễn Văn Dương (thuộc Công ty UDIC) đã bị khởi tố hình sự trong vụ án đánh bạc bằng công nghệ cao. Dự án rơi vào đình trệ hoàn toàn, nhiều nhà thầu đứng bên bờ vực “vỡ nợ” vì đã ứng hàng trăm tỉ đồng để thực hiện Dự án. Số nợ ngày càng lớn, vượt qua sự kiểm soát, đã có Nhà thầu nghĩ đến việc tìm tới cái chết vì không tìm thấy lối thoát.
Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ quá trình thực hiện dự án tại Lễ thông xe cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Trong bối cảnh tưởng như tuyệt vọng ấy, tháng 6/2017, trên cơ sở báo cáo Bộ GTVT, Nhà đầu tư mới thuộc Tập đoàn Đèo Cả được mời tham gia đề xuất giải pháp thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc dự án như chỉnh tuyến, bố trí các tuyến công vụ, xử lý tài chính tín dụng, loại bỏ các Nhà thầu yếu kém, giải ngân cho một loạt Nhà thầu khiến họ như “chết đi sống lại”.
Trong 2 năm triển khai, Dự án bị “bủa vây” bởi nhiều rắc rối, hệ lụy từ Nhà đầu tư cũ để lại, nhất là trong giai đoạn nước rút, các Nhà thầu có năng lực yếu kém đã bỏ dở không kết thúc được phần việc đã ký hợp đồng. Với kinh nghiệm có được từ những Dự án trọng điểm quốc gia trước đây, Nhà Đầu tư mới đã chỉ đạo các Nhà thầu mạnh tiếp cứu, nhờ đó Dự án đã hoàn thành và tạo nên niềm tin cho người dân.
Trước đây hơn 1 năm, từ tháng 3/2018, hợp phần Quốc lộ 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng giúp nâng cao năng lực vận tải, giảm thiểu TNGT, đảm bảo ATGT trên tuyến QL1 đoạn qua địa bàn 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Nhưng đến hợp phần cao tốc thì không thể triển khai được.
Điều đáng nói, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn không chỉ “cán đích” trước 3 tháng mà còn bù đắp lại tiến độ bị chậm từ hơn 2 năm trước. Trong khi đó, Dự án này có những gói thầu với độ khó rất cao như đi qua địa hình miền núi, giải pháp ổn định mái taluy,…
Nguyên Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng còn cho rằng, Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã phá bỏ được sự trì trệ cố hữu của các Dự án cao tốc tại Việt Nam trước đây khi không có Dự án nào có thể hoàn thành trước 5 năm.
Bên cạnh kỳ tích về năng lực và thời gian thi công, dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn còn xác lập kỷ lục trong việc GPMB của các dự án cao tốc khi bàn giao mặt bằng đến 80% chỉ trong 6 tháng.
Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được xây dựng mới hoàn toàn dài gần 64km, mặt đường rộng 25m gồm 4 làn xe với vận tốc thiết kế 100 km/giờ cùng 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư toàn Dự án là hơn 12 nghìn tỉ đồng. Điểm đầu của dự án nằm tại Km 45 100 (giao cắt với QL1 tại xã Mai Sao, Chi Lăng, Lạng Sơn). Điểm cuối tại Km 108 500, nối với điểm cuối QL1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang.
Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 2167/TTg-KTN ngày 30/10/2014 và Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định 1249/QĐ-BGTVT ngày 9/4/2015 do Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn thực hiện, bao gồm 2 hợp phần: Hợp phần QL1 (tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1 800 – Km106 500) với tổng chiều dài khoảng 110 km; Hợp phần cao tốc (tuyến cao tốc Bắc Giang – TP Lạng Sơn đoạn Km45 100 – Km108 500).
Từ nay đến đầu năm 2020, tuyến cao tốc chưa thu phí và sẽ bắt đầu thu phí từ đầu năm 2020 đến 2037. Dự kiến, mức phí thấp nhất là 2.000 đồng/km với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống và cao nhất là 7.200 đồng/km với các xe tải trọng lớn.
VŨ THÀNH VŨ
Theo Tạp chí GTVT
Sắp thông xe, hoàn thành "kỳ tích" cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn
Theo báo cáo của Ban điều hành Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, trong tháng 8/2019, công tác giải phóng mặt bằng sẽ được giải quyết dứt điểm, tiến độ thi công đạt 89% khối lượng toàn công trình.
Kỳ tích 2 năm
Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cũng cho hay, theo kế hoạch, ngày 15/9/2019 hoàn thành các hạng mục tuyến chính, 10/2019 hoàn thành công tác nghiệm thu, 12/2019 hoàn thiện thủ tục thu phí đối với dự án này.
Hiện, một số đoạn đường gom đang được phía Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn gấp rút hoàn thành.
Như vậy, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đầy chông gai, có lúc lâm vào bế tắc "toàn tập" đã chuẩn bị cán đích, thậm chí sẽ về đích trước hẹn một cách ngoạn mục, điều này nằm ngoài dự đoán của những người lạc quan nhất ở thời điểm cách đây 2 năm về trước. Với cú nước rút thần tốc khó tin nhưng bản thân nó phải trải qua bước khởi động vô cùng gian nan.
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn gồm hợp phần cao tốc dài 64km và hợp phần tăng cường mặt đường dài 105km, mức đầu tư tới 12.000 tỉ đồng, và khởi công từ tháng 7/2015 nhưng do nhà đầu tư cũ (Công ty UDIC) không thu xếp được tín dụng nên dự án bị dừng gần 02 năm. Thời điểm đó, hợp phần quốc lộ 1 đạt 13% sản lượng, hợp phần cao tốc thậm chí chưa triển khai.
Tháng 3/2017, Bộ GTVT quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư (đứng đầu là UDIC). Sự đình trệ này đã đẩy các nhà thầu lâm vào cảnh sống dở chết dở vì họ đã ứng vốn trước để thực hiện dự án; để lại dư luận rất xấu cho người dân và chính quyền địa phương nơi con đường đi qua.
Một đoạn đường trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đang được hoàn thiện. Ảnh:KN
Tình hình này khiến lãnh đạo Bộ GTVT đã phải kêu gọi những nhà đầu tư có năng lực giải cứu dự án. Tháng 06/2017, sau khi Bộ GTVT mời các nhà đầu tư mới (thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả) tham gia, trong thời gian ngắn đã nỗ lực giải quyết các vướng mắc về tài chính, ký kết hợp đồng tín dụng, xử lý các nhà thầu năng lực yếu kém... đưa toàn bộ dự án đồng loạt triển khai.
Đồng thời, Thủ tướng chính phủ đã cho phép chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Lạng Sơn khiến nhiều tồn tại liên quan đến phê duyệt, điều chỉnh dự án được tháo gỡ như: công tác giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự... và đặc biệt là việc giải quyết được tồn tại về lãi vay. Đến thời điểm hiện nay, dự án không những đã bù đắp được 02 năm bị dừng trước đó mà vượt tiến độ so với hợp đồng BOT ban đầu 18%.
Ông Hồ Minh Hoàng,Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã từng đắn đo rất nhiều khi đứng trước những ngổn ngang mà nhà đầu tư cũ để lại đối với cả 2 dự án (Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận). Nhà đầu tư cũ gặp vấn đề lớn khi dính đến các vụ án hình sự, yếu tài chính, yếu năng lực quản lý... đó là thử thách thật sự. Nhưng rồi, ông nhìn thấy những giọt nước mắt nhà thầu, sự sa sút niềm tin từ phía người dân.
Một trong những vấn đề mà Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đồng thuận rất cao với UBND tỉnh Lạng Sơn khi tham gia dự án là kiến nghị xóa bớt một trạm thu phí trên tuyến đường 105km này.
"Nếu có hai trạm thu, đương nhiên nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn nhiều về phương án tài chính. Thế nhưng, nếu nhà đầu tư không hài hòa lợi ích với người dân, thì cả hai sẽ không thể chung sống với nhau hòa thuận lâu dài. Giải pháp ấy sẽ khiến chúng tôi khó khăn hơn về phương án tài chính, nhưng chắc chắn người dân sẽ hài lòng", lãnh đạo Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn chia sẻ.
Hai bên đường đã được gia cố phủ xanh bằng các loại cỏ. Ảnh:KN
Về đích
Ngày 23/8/2019 vừa qua, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước do thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - Phó Chủ tịch thường trực hội đồng chủ trì thăm và kiểm tra công tác thi công dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Tham gia đoàn công tác còn có ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đại diện sở ban ngành, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn, các đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát và các nhà thầu.
Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng đánh giá, đây là một dự án quan trọng không riêng Lạng Sơn mà của cả nước. Từ khi được giao vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Lạng Sơn theo dõi sát sao công tác thi công dự án, trung bình "một tháng kiểm tra 1 lần".
Nhiều đoạn đường đang được gấp rút hoàn thành. Ảnh:KN
Một đoạn đường gom đang được thi công. Ảnh:KN
"Chúng ta khởi công lại từ 6/2017, với độ dài tuyến lên tới 64km, vừa phải làm cầu cống, vừa phải san ủi núi, hiện nay đã đi vào giai đoạn hoàn thiện, phải nói rằng đây là thành tích của nhà đầu tư BOT. Khi đưa vào vận hành thì đây là công trình mẫu mực", ông Trưởng nói. Phó Chủ tịch Lạng Sơn cũng đề xuất sẽ phối hợp với nhà đầu tư lên kế hoạch trồng thêm cây xanh để làm đẹp cảnh quan.
Thứ trưởng Bộ Xây dưng Lê Quang Hùng nhận định: "Tập đoàn Đèo Cả đang là nhà đầu tư lớn nhất về đầu tư hạ tầng, đã làm được những công trình lớn đảm bảo chất lượng cho nên chúng tôi khá yên tâm. Qua kiểm tra tuyến cho thấy chất lượng đến giờ phút này đạt yêu cầu. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan phải thực hiện việc kiểm tra độc lập, để tránh các sai sót".
Ông Hùng cho biết song song với việc hoàn thiện các hạng mục còn lại của công trình, nhà đầu tư và tỉnh phải lưu ý đến việc hoàn trả mặt bằng, ổn định dân sinh, có biện pháp bảo vệ an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn dự án đi qua.
Tuấn Nguyễn
Theo VNMedia
Thông xe cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, rút ngắn thời gian chạy xe Hà Nội - Lạng Sơn 1,5 giờ Chiều 29-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn và Tập đoàn Đèo Cả . Nhà đầu tư dự án, đã phát lệnh thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, giúp ngắn thời gian chạy xe từ Hà Nội đi Lạng Sơn từ 3,5 giờ xuống 2 giờ. Phó Thủ tướng...