Cao tốc 34.500 tỷ thấm dột: ‘Nhà thầu thiếu tôn trọng người dân’
Bí thư huyện Bình Sơn cho rằng nhà thầu làm ăn gian dối, đơn vị giám sát và chủ đầu tư thiếu trách nhiệm để cao tốc mới xong đã thấm dột nước mưa là “thiếu tôn trọng người dân”.
Liên tục nhiều ngày qua, người dân huyện Bình Sơn phát hiện cầu VD09B ở thôn Phú Lễ 1 và cầu chui cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi qua thôn Phú Lễ 2 (cùng xã Bình Trung) có hiện tượng thấm dột nước mưa.
Bẹ chuối, ván gỗ… lộ diện ở cầu chui cao tốc
Mùa mưa mới bắt đầu nhưng cầu chui cao tốc ở thôn Phú Lễ 1 đã lộ diện những tấm gỗ, bẹ chuối dưới khối bê tông của dầm cầu. Bên dưới lòng cầu ứ đọng nhiều vũng nước lớn, hai bên thành nước vẫn chảy dọc theo từng mảng rêu xanh ẩm ướt đã có từ trước.
Cả hai cầu thuộc gói thầu A3, do Công ty TNHH công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) làm nhà thầu chính. Sau đó, Công ty Giang Tô ký hợp đồng với nhà thầu phụ là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng INCICO thi công cầu VD09B.
Về vấn đề này, bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư huyện Bình Sơn, cho biết cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mới đưa vào khai thác hơn 1 tháng nhưng hai cầu chui đoạn qua xã Bình Trung xảy ra hiện tượng thấm dột là khó chấp nhận.
“Xem hình ảnh trên Zing.vn, tôi thấy trần cầu lộ ra những miếng gỗ và bẹ chuối chứng tỏ công trình khó đảm bảo an toàn. Đơn vị thi công làm ăn cẩu thả, tư vấn giám sát và chủ đầu tư cũng thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra như vậy là thiếu tôn trọng người dân”, bà Thư nói.
Theo Bí thư huyện Bình Sơn, thời gian qua, người dân đồng tình bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án. Suốt nhiều tháng dài thi công cao tốc, xe tải qua lại dày đặc làm nhiều tuyến đường xuống cấp, lầy lội bà con vẫn cam chịu khốn khổ để công trình trọng điểm quốc gia hoàn thành.
“Thi công gian dối để xảy ra sự cố thấm dột, chủ đầu tư và nhà thầu buộc phải xin lỗi người dân vùng dự án; khẩn trương khắc phục để đảm bảo tính mạng cho họ”, bà Thư nói.
Đề nghị Quốc hội giám sát chuyên đề cao tốc 34.500 tỷ
Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Đình Khối, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhìn nhận chất lượng cao tốc chưa đảm bảo, hệ thống rào chắn an toàn chưa lắp đồng bộ gây mất an toàn cho người dân. Nếu chủ đầu tư, nhà thầu làm ăn gian dối thì người dân khó thể yên lòng với những công trình xây dựng cơ bản quy mô lớn như vậy.
Video đang HOT
“Người dân đang mong Quốc hội giám sát chuyên đề, kiểm toán kỹ về tuyến cao tốc 34.500 tỷ này. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân sai phạm để làm gương cho các công trình khác trên cả nước”, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi kiến nghị.
Về hiện tượng thấm nước trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, kỹ sư Mai Công Sơn nhận định là lỗi ở khâu thi công độ dốc dọc của mặt cầu không đảm bảo, không đồng bộ với độ dốc dọc của mặt đường.
“Nguy cơ nhất là nước mưa thấm vào đầu dầm làm gỉ cáp, giảm khả năng chịu lực và khi xe tải trọng lớn chạy qua sẽ dễ dẫn đến sập cầu”, ông Sơn cảnh báo.
Lập đoàn kiểm tra cầu chui cao tốc thấm dột
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, ông Đoàn Hà Yên, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho hay địa phương quyết định lập đoàn kiểm tra khẩn cấp hiện tượng thấm ở hai cầu chui cao tốc đoạn qua thôn Phú Lễ 1 và Phú Lễ 2 (xã Bình Trung).
Ông Yên cho rằng người dân qua lại cầu chui tránh né nước bẩn thấm dột từ trên cao tốc xuống dễ xảy ra tai nạn. Mặt khác, nước thấm dột lâu ngày sẽ mọc rêu mọc làm mặt đường trơn trượt khiến người dân qua lại khu vực này dễ ngã…
“Chúng tôi sẽ tổng hợp tất cả hình ảnh, thu thập ý kiến của người dân về hiện tượng thấm dột ở hai cầu chui này báo cáo UBND tỉnh can thiệp chủ đầu tư cùng nhà thầu xử lý dứt điểm tình trạng này”, ông Yên nói.
Năm 2016, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã có đợt kiểm tra dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Sau khi kiểm tra, Hội đồng Nhà nước đã chỉ ra nhiều vị trí hư hỏng trên đường cao tốc, trong đó có gói thầu A3.
Tháng 7.2016, ông Trần Văn Tám ký văn bản, chỉ đạo Ban quản lý dự án yêu cầu đơn vị thi công khắc phục những vị trí hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, trong đó có gói thầu A3. Trong công văn chỉ rõ cầu VD09B không đạt yêu cầu, vị trí bê tông bịt đầu dầm cầu này không đảm bảo chất lượng.
Theo Minh Hoàng (Zing)
Cận cảnh gói thầu A5 thuộc cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi dính sai phạm
Không chỉ xuất hiện "ổ gà, ổ trâu" sau khi thông xe, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn bị cơ quan thanh tra phát hiện gói thầu gần 1.400 tỷ đồng có nhiều sai phạm.
Theo hồ sơ, ngày 16.7.2014, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ký hợp đồng kinh tế với Công ty Posco thực hiện gói thầu xây lắp số A5 (Km 131 700 và Km 131 500 - Km 139 204) với giá trị hợp đồng gần 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó Công ty Posco không tổ chức thi công mà ký các hợp đồng với các nhà thầu phụ để thực hiện dự án. Trong hình là vòng xoay vào trạm thu phí xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) nằm bên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tháng 4.2017, đoàn thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải lập biên bản Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (Công ty Posco) thực hiện gói thầu A5, dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (nguồn vốn WB).
Trong báo cáo kết quả khảo sát địa chất bổ sung phần thi công cầu Trà Khúc trên tuyến cao tốc, đơn vị thực hiện là Công ty CP Thành Tân An không ký xác nhận trong hồ sơ báo cáo này.
Theo kết luận của đoàn thanh tra, hồ sơ khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công gói thầu A5 từ đoạn Km 124 700 đến Km 139 204 trải dọc các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và TP Quảng Ngãi. Ban đầu Posco ký hợp đồng với Liên danh Thiên An và Vinaconex với giá trị hợp đồng trên 597 tỷ đồng. Trong lúc đơn vị thi công hạng mục khoan cọc nhồi để xây ba cây cầu thuộc gói thầu A5, Posco có văn bản yêu cầu Liên danh nhà thầu này dừng thi công do không đủ năng lực. Sau đó, Posco chuyển sang ký hợp đồng với 16 công ty để thực hiện dự án.
Đoàn thanh tra chỉ ra sai phạm ở cầu Trà Khúc là tính sai khối lượng thép thanh L05 trong dầm biên. Trong khi đó, nhiều cây cầu khác thuộc gói thầu A5 cũng bị tính sai khối lượng cốt thép dầm so với thiết kế kỹ thuật ban đầu. Theo kết luận thanh tra, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công hạng mục xử lý nền đất yếu gói thầu A5 chưa được chủ đầu tư ký xác nhận trong từng trang bản vẽ theo quy định.
Bản vẽ mặt cắt ngang chi tiết công tác mặt đường, khối lượng nhựa dính bám không tính riêng cho từng lớp mà tổng hợp cho cả ba lớp hoặc hai lớp. Bản vẽ thi công không tính khối lượng đất đắp chọn lọc mà tính gộp chung với khối lượng đắp đất thông thường là không phù hợp. Trong hình là mặt đường cao tốc đoạn giáp ranh giữa TP Quảng Ngãi và xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh).
Kết luận thanh tra chỉ rõ phần đệm dải phân cách không tương ứng với hồ sơ thiết kế kỹ thuật và không thống nhất với các gói thầu đã triển khai thi công. Trong hình là lưới chắn hành lang bảo vệ tuyến cao tốc nằm ngả nghiêng.
Cũng theo kết luận thanh tra, việc thi công đắp nền đoạn Km 124 700 đến Km 128 610 thuộc gói thầu A5 tuyến cao tốc có một số sai phạm.
Cụ thể, từ đầu tháng 8.2015, tư vấn giám sát cho phép thay đổi biện pháp đắp nền đường từ đất sang cát, kết hợp sử dụng đắp bao. Việc thay đổi vật liệu này chưa có sự chấp thuận của chủ đầu tư và chưa thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh.
Từ Km 90 trở vào, gần các vách núi, đất đá vẫn còn ngổn ngang, có nguy cơ xói lở trong mùa mưa bão.
Người đi xe máy vẫn chạy lên trên cao tốc.
Ngày 16.10, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ký ban hành quyết định thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Theo quyết định trên, đoàn thanh tra gồm 5 thành viên, do ông Trần Ngọc Bảo, Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT, làm trưởng đoàn. Từ 16.10, các thành viên sẽ tiến hành thanh tra việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án 34.500 tỷ.
Theo Nhóm phóng viên (Zing)
Cao tốc 34.000 tỷ đầy ổ gà: 4 năm đi tố sai phạm của lão nông Hình ảnh, tư liệu tố cáo các sai phạm trong việc thi công tại gói thầu A3 của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông Phạm Tấn Lực đã gửi từ 4 năm nay đến các cơ quan chức năng, nhưng chưa một lần nhận được phản hồi. Gần 4 năm nay, trên công trường thi công cao tốc Đà Nẵng -...