“Cao Thủ Ẩn Danh” hay cao thủ rảnh, cao thủ “bóng”, cao thủ lố?
Sau khi xem “Cao Thủ Ẩn Danh”, người ta nhận ra cao thủ ẩn danh không phải là các nhân vật trong phim, mà cao thủ thật sự chính là… đạo diễn.
Khi quyết định xem một bộ phim để ủng hộ điện ảnh Việt, ta thường nuôi niềm tin, hy vọng vào một tác phẩm khá khẩm hay ít nhất không phải một bước lùi. Thế nhưng dường như đa số đều kết thúc trong “bi kịch”: Hóa ra không có giới hạn cho cái dở – phim trước đã dở, người ta vẫn có thể làm phim sau dở hơn. Cao Thủ Ẩn Danh nối tiếp những thảm họa phim Việt gần đây, giật giải phim nhạt nhẽo và lê thê nhất. Hãy tưởng tượng rằng với một tình tiết chỉ cần 20 giây để thể hiện, đạo diễn hào phóng dùng hẳn 200 giây – cứ thế cho cả phim.
Cao Thủ Ẩn Danh là câu chuyện về một chàng ca sỹ tình cờ vướng vào rắc rối với bọn buôn bán ma túy đá. Từ đó, anh chàng gặp lại cô bạn cũ. Cô bạn này cùng với mẹ đều là những “cao thủ ẩn danh”… Đường dây ân oán kéo từ mẹ của cô bạn cho đến ông trùm… nghe thì có vẻ “căng” nhưng tất cả lại được giải quyết một cách nhẹ nhàng, êm đẹp.
Nếu phải dành lời khen hiếm hoi cho phim này thì chính là diễn xuất của La Thành – trong vai thiếu gia Tommy Xinh và sự xinh đẹp lẫn tự nhiên của Khả Ngân. Còn lại thì Cao Thủ Ẩn Danh không đạt sự chỉn chu, hấp dẫn đòi hỏi ở một phim điện ảnh chiếu rạp.
Cả phim là tập hợp những phân cảnh kịch hóa nặng nề, với kiểu làm phim đậm chất truyền hình lê thê. Đôi khi ta tự hỏi, phim truyền hình sao lại đem chiếu rạp? Nhiều đoạn không hiểu lồng vào để làm gì ngoài mục đích chọc cười nhảm nhí, kệch cỡm, phung phí thời gian. Cảm giác như đạo diễn không biết làm gì cho hết 90 phút phim nên cứ nhồi nhét và kéo dài những cảnh kịch nói để câu giờ.
Sau khi xem phim 30 phút, khán giả vẫn khó nhận ra Cao Thủ Ẩn Danh muốn nói đến chuyện gì. Nội dung phim gượng ép, ráng kể chuyện nhưng chẳng đi tới đâu. Sau khi kết phim, khán giả vẫn chưa thấy cao thủ nào cả, có chăng chỉ là cao thủ rảnh, cao thủ “bóng”, cao thủ lố.
Quang Đăng đóng vai một ca sỹ đẹp trai, hát hay, được nhiều “bóng” theo. Trong một lần tình cờ vào phòng thay đồ, anh phát hiện ra một bí mật nguy hiểm, “rảnh rỗi sinh nông nổi” anh lấy điện thoại ra quay lại. Vậy là cuộc đời anh bắt đầu chuỗi ngày chạy trốn. Anh là cao thủ rảnh nhất. Quang Đăng trong phim này diễn xuất không ấn tượng, thuộc dạng ai cũng có thể diễn như vậy được.
Có vẻ như không nhét vào một nhân vật đồng tính thì không phải phim Việt. Nhưng ở thời đại mà đồng tính đang dần được bình thường hóa thì việc cứ nhét vào một nhân vật “bóng lộ” để gây cười rất… mệt mỏi. Với phim này, La Thành tuy diễn tốt – dù vẫn thích kêu gào, la hét – nhưng nhân vật của anh thì chán ngắt, thiếu sáng tạo và đương nhiên là cười không nổi. Anh này là cao thủ “bóng”.
Video đang HOT
Danh hiệu cao thủ lố dành cho bà mẹ thích chơi nổi do Ốc Thanh Vân đóng, đánh nhau mà xách đàn ra gõ từng tưng như cao thủ võ lâm trong truyện kiếm hiệp Kim Dung. Biên kịch cũng lố không kém khi hư cấu tình huống thành nửa thực nửa ảo mộng. Còn Khả Ngân thì do nhân vật cô con gái vốn thiếu cá tính nên không thể hiện được gì hay đột phá. Khả Ngân nên tìm một vai nhiều sắc thái hơn nếu muốn tiến vào con đường điện ảnh.
Xem Cao Thủ Ẩn Danh, khán giả có dịp hoài niệm những năm 80 của thế kỷ trước với những màn kỹ xảo nhào lộn không thể lộ hơn và những pha đánh võ như múa mà giang hồ thường gọi là “võ mèo quào”. Phong cách dựng phim gây “bất ngờ”, có khả năng khiến người xem ú ớ, chưng hửng với độc chiêu “thích là cắt”, cắt thoải mái không cần phù hợp hay logic. Âm nhạc trong phim cũng rất “cá tính”. Nhạc được lồng “cà giật” theo kiểu nhớ bài nào lồng bài đó, đang nhạc ầm ầm, tắt phụt, xong mấy giây sau lại nhạc thể loại khác, nhạc không cần theo hoàn cảnh.
Tóm lại thì sau khi xem Cao Thủ Ẩn Danh, người ta nhận ra cao thủ ẩn danh không phải là các nhân vật trong phim, mà cao thủ thật sự chính là… đạo diễn. Để mà làm được phim như vậy, đem chiếu cho đông đảo khán giả “thưởng thức” mà không thấy áy náy thì anh quả là cao thủ!
Theo Bùi An / Trí Thức Trẻ
Lật Mặt 2 - Làm phim thị trường phải biết người biết ta như Lý Hải!
Ca sĩ Lý Hải làm phim, bạn nghĩ sẽ nhảm? "Lật Mặt 2" ở cái mức nhảm mà dân chuyên làm phim thị trường phải mơ tới.
Giờ đây ca sĩ, diễn viên kịch, đại gia mới bán đất, bà bán cá có tiền cũng tập tành làm phim. Lý Hải cũng không ngoại lệ, thậm chí anh nhanh tay bắt kịp xu hướng từ đầu năm ngoái với Lật Mặt 1. Thường thì chất lượng kém, nhiều phim đẻ ra chả biết làm gì nhưng Lý Hải thì khác. Năm ngoái anh cho dọn cỗ phim hài cho bà con cười lăn cười lết, năm nay thì vừa cười vừa há hốc miệng vì anh làm hành động hơi bị xịn.
Lật Mặt 2 là bộ phim tiếp theo từ đạo diễn Lý Hải sau phần 1 khá thành công. Nếu phần đầu tiên đi theo phong cách hài hành trình với át chủ bài là Trường Giang thì Lật Mặt 2 lại thay đổi hoàn toàn, chả liên quan gì tới phần 1 và đi theo hướng hành động hài.
Phim xoay quanh hành trình bất đắc dĩ của Trung (Lý Hải) một cascadeur chuyên nghiệp. Vì nghĩa khí nên anh nhận một nhiệm vụ nguy hiểm để kiếm tiền giúp đạo diễn Thuần đang quay dở phim thì bị nhà đầu tư xù vốn. Hỗ trợ Trung là Thành (Hứa Minh Đạt) - cậu em trai thiếu việc làm nhưng thừa hài hước và khôn lỏi. Chưa hoàn thành công việc, Trung và Thành đã phát hiện mình bị chơi xỏ và bọn anh đang vận chuyển hàng quốc cấm.
Từ xưa, Lý Hải đã nổi tiếng "chịu chơi" với series Trọn Đời Bên Em, dù là phim ca nhạc nhưng được đầu tư nội dung, hình ảnh chả khác gì phim điện ảnh. Series cũng trải qua hơn 10 phần với đủ kiểu rượt đuổi, ô tô lật nhào, đánh võ điên đảo nên tự thân Lý Hải đã biết phim hành động cần gì, phải có yếu tố gì để khán giả thích thú.
Trong Lật Mặt 2, anh sử dụng chúng triệt để và mang lên một tầm cao hơn. Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn hình ảnh Nguyễn Đức Cường C.U, phim trở thành một màn trình diễn mãn nhãn. Đầu phim, xe moto lao từ máy bay đáp xuống đường cái rẹt, bà con vô trễ chắc ngỡ đi nhầm vào phòng chiếu Fast 7. Tiếp đó, cận chiến có, giáp lá cà có, vừa rượt đuổi vừa đánh cũng có, cháy nổ đì đùng mù mắt cứ tưởng đang xem Civil War.
Nói như thế vừa để vui vẻ, vừa để nhấn mạnh rằng người viết cảm thấy Lật Mặt 2 có phần hành động được đầu tư tốt. Cả phim không sa đà vào lối đánh đối kháng trong khung cận hẹp để giấu khuyết điểm hành động, ngược lại, chủ động mở rộng để khoe dàn diễn viên nhà mình đánh thật và đẹp mắt.
Phim đáng khen ngợi khi xử lý đại cảnh rất tốt dù nhiều nhóm đang hoạt động trong cùng một khung hình, không hề rối. Phần cháy nổ còn hơi sơ sài, nhưng với trình độ kĩ thuật của Việt Nam hiện giờ và kinh phí 18 tỷ cho một phim mà phần hành động chiếm 80% thời lượng, diễn viên phụ lên đến vài chục, ai cũng phải xông pha thì có thể chấp nhận được.
Về chất hài, Lật Mặt 2 chưa duyên một cách đặc biệt nhưng có điểm sáng. Không mời được Trường Giang, tưởng bộ phim sẽ "đi đời" với những tên tuổi trẻ, lại không có kinh nghiệm đóng hài như Vũ Đình Hiếu, Hiếu Nguyễn, Khả Ngân; nhưng may, còn có Hứa Minh Đạt cứu nguy. Anh đã quen mặt qua cả chục MV của Lý Hải, HKT, Hàn Thái Tú... còn tham gia diễn hài với Hoài Linh nên khán giả bình dân dù không biết tên vẫn thấy anh này quen quen.
Hứa Minh Đạt tham gia Lật Mặt 2 với kiểu diễn tỉnh như không, gây cười bằng hài mảng miếng, điệu bộ dễ thương. Phân cảnh thú vị nhất và "lầy" nhất phim chắc chắn là khi Thành bị các anh em giang hồ giam lỏng. Anh trốn thoát, chạy thẳng vào... nghĩa địa và gặp ma. Dám cá ai thường xem phim Hồng Kông, nhất là phim Châu Tinh Trì sẽ nhìn thấy đoạn này quen một cách kì lạ, xứng đáng để vỗ tay đôm đốp, cười vật lên vật xuống.
Bên cạnh Hứa Minh Đạt còn có Tiết Cương, tuy ít xuất hiện nhưng duyên. Vai của Tiết Cương không có nhiều phân cảnh nhưng diễn xuất của nam diễn viên này thuộc dạng cứng nên mang sắc thái thú vị. Điều người viết đánh giá cao nhất là Lật Mặt 2 không gây cười bằng những bằng mấy câu thoại gây đỏ mặt và gợi liên tưởng tục tĩu như nhiều phim Việt khác hay làm. Rõ ràng luôn có những cách chọc cười thông minh và văn minh hơn.
Hứa Minh Đạt
Với một phim xác định từ đầu là giải trí, nếu yêu cầu Lật Mặt 2 phải có một kịch bản chặt chẽ và hay ho thì chả khác bắt cá leo cây. Không thể phủ nhận là phim có phần kịch bản bị yếu. Có chi tiết được cài cắm thêm để làm Lật Mặt 3 nhưng cách đưa vào tác phẩm còn gượng đến hốt hoảng và chả biết từ đâu chui ra.
Hành động của mỗi nhân vật, có lẽ trừ Trung và Thành đều ngây ngô, khó hiểu và khi mở miệng nói về lý tưởng, đam mê với sự nghiệp làm phim thì gây cười chả kém lúc xem đoạn hài. Biên kịch biết mình cần làm gì, twist chỗ nào thì ổn nhưng cách xử lý còn non tay và dễ bị bắt lỗi nếu khán giả thuộc tuýp khó tính.
Khả Ngân xuất hiện cực ngầu
Lật Mặt 2 còn mắc lỗi nghiêm trọng khi để nhân vật của Khả Ngân nhạt nhẽo, ngoài mục đích tham gia vào phim cho vui và để nâng cao độ sến của phim thì chả để làm gì. Khả Ngân đẹp, cũng biết diễn nhưng lần này xuất hiện cho vui thì được, lần sau muốn tham gia nghiêm túc vào lĩnh vực diễn xuất thì nên tìm một kịch bản tốt hơn.
Hiếu Nguyễn cũng là một trường hợp tương tự. Hiếu Nguyễn vẫn khí khái cao ngút, mặc suit đẹp, diễn ổn nhưng từ Hương Ga, qua Quyên đến Truy Sát vẫn đánh đấm hùng hục y thế. Hiếu Nguyễn có tham gia Bộ Ba Rắc Rối và Ám Ảnh để làm mới bản thân nhưng thiết nghĩ anh nên ngưng đóng phim, học diễn xuất nghiêm chỉnh để có cơ hội nhận những vai hay hơn và thoát dớp "trai đẹp đóng phim cho vui".
Trong lúc mà nhà nhà người người đều rủ nhau làm phim thì chuyện Lý Hải cho ra đời Lật Mặt 2 quá bình thường. Nhưng Lý Hải đứng cao nhìn xa, anh biết rõ mình đang làm phim cho đối tượng nào và phải làm gì để thỏa mãn đối tượng đó nhất.
Anh làm phim cho fan anh, những người biết và thích series Trọn Đời Bên Em. Fan Lý Hải nhiều và ở mọi lứa tuổi, trẻ con cũng biết, học sinh, sinh viên, cái lứa giờ đã đi làm kiếm tiền thì càng biết vì lớn lên với những quán café cóc suốt ngày rỉ rả "Liều Thuốc Cho Trái Tim", "Vị Trí Nào Cho Anh", "Xóa Hết Dấu Yêu"... Rồi ba mẹ chúng nghe giọng với cái kiểu phim cháy nổ, cứu gái cũng gật gù, "à Lý Hải đấy hả". Nói chung có một lượng fan đông hơn kiến cỏ và sẵn sàng ra rạp để thấy anh thì anh chả sợ.
Thêm vào đó, giờ làm phim cần thêm gì? Hành động thật đã con mắt, hài vui vẻ. Hài tục hài nhảm thì làm hài kiểu Châu Tinh Trì cho hot, lạ vì ít người làm, quen vì ai chả thích chả biết, thế là xong. Anh chả cầu cao xa, cứ gần gũi, đơn giản như ngày xưa làm video ca nhạc. Lý Hải tự biết rõ mình làm phim để làm mới tên tuổi và kinh doanh nên đạt hai tiêu chí này là đã là đại thành công, đại rực rỡ và đủ khiến công ty cả chục người của anh phải vui vẻ ăn mừng.
Lật Mặt 1 năm ngoái thu cả 70 tỷ, Lật Mặt 2 năm nay dự bao nhiêu, ra mắt dịp lễ có cán được mức đẹp hơn? Cái này thì đợi nhà sản xuất công bố. Làm phim là một canh bạc lớn, lập lờ giữa nghệ thuật và thương mại thì vừa đau đầu suy nghĩ vừa khó hồi vốn. Chọn thẳng dòng phim hài thương mại rồi làm và gắng làm tốt là điều Lý Hải định rõ từ đầu.
Có lẽ mỗi năm sau này chúng ta đều được xem một Lật Mặt với độ hoành tráng tăng dần đều theo thời gian nhưng không rõ kịch bản có bớt... dở hơn không? Cũng chả rõ, nhưng hiện tại, Lý Hải có lẽ đang hỉ hả khi Lật Mặt được lòng khán giả bình dân, những đánh giá đầu tiên về phim cũng không tệ. Rồi nếu khái niệm đạo diễn - doanh nhân ra đời, một trong những tiên phong nhất chắc chắn là anh!
Theo Vân Vân / Trí Thức Trẻ
Phim "Vòng Eo 56" cũng có số phận như Ngọc Trinh vậy! "Người ta đi xem với tò mò, hiếu kỳ và đã đầy ắp đánh giá, định kiến về Ngọc Trinh họ biết qua dư luận, qua đồn thổi." Ngay từ khi còn mới chỉ là một dự án được công bố, đã có rất nhiều tranh cãi xoay quanh Vòng Eo 56 - phim điện ảnh Việt đầu tiên có kịch bản dựa...