Cao Thái Hà: Gia đình phá sản, đang sống xa hoa trong nhà lầu phải về quê ở nhờ chòi lá
“Ở Sài Gòn đang nhà lầu xe hơi, Hà từ một cô công chúa phút chốc ăn nhờ ở đậu trong cái chòi lá đầy chuột, cả nhà 4 người chui rúc”, Cao Thái Hà kể.
Tôi không biết phải diễn tả như thế nào cho đúng cho đủ về tình yêu và lòng hiếu thuận của Cao Thái Hà với cha mẹ mình. Tôi ghi lại ở đây câu chuyện của Hà, một cách trung thực nhất để mọi người cùng cảm nhận và hiểu hơn về cô gái miền Tây xinh đẹp, bản lĩnh, sống nghĩa tình.
Cao Thái Hà kể: “ Trên Hà còn chị gái, dưới có một em trai. Ba của Hà ngày xưa làm gỗ rất lớn ở Sài Gòn, gia đình có căn nhà lớn ở Thủ Đức và cả xe hơi nữa.
Lần đó ba nhập một lô gỗ lớn nhưng không được, phải đền cho người ta. Họ siết nhà, siết cả đồ đạc, cả gia đình phải về quê và chỉ được đem theo mỗi quần áo ra khỏi nhà.
Về quê, cả nhà phải ở nhờ cái chòi lá của bác trong vườn. Ở Sài Gòn thì nhà lầu xe hơi, Hà từ một cô công chúa phút chốc ăn nhờ ở đậu trong cái chòi lá đầy chuột, cả nhà 4 người chui rúc.
Năm đó, Hà học lớp 3. Hà thấy mọi thứ thật kinh dị và không hiểu tại sao mình lại bị như vậy, gia đình lại bị như vậy…
Cao Thái Hà và ba
Ba vẫn ráng làm việc này việc kia để gầy dựng lại nhưng không thành công. Đời ép ba Hà tới mức không cho ba cơ hội vực dậy. Ba cũng cố gắng nhưng làm đâu thất bại đó nên càng lúc càng suy sụp tinh thần và trầm cảm nặng.
Mẹ lúc đó là trụ cột trong gia đình. Mẹ vất vả lắm. Mẹ nấu ăn trong một nhà hàng, cứ mỗi tối xong việc, mẹ lại chạy vài cuốc xe ôm khuya để kiếm tiền thêm, nuôi hai chị em Hà ăn học.
Vậy mà mẹ cũng tích cóp được mấy chục triệu rồi mua miếng đất trong đường hẻm dưới quê. Từ miếng đất đó, mẹ vay ngân hàng cất được nhà và đưa cả gia đình ra ở riêng không phải ăn nhờ ở đậu trong chiếc chòi lá của bác nữa.
Rồi mẹ vay tiền xây nhà trọ qua đêm. Nhờ nhà trọ đó thì kinh tế trong gia đình mới đỡ hơn. Ông bà nội mất cộng thêm việc làm ăn thất bại thì ba suy sụp hẳn, gần như muốn tự tử nhưng không chết được nên uống rượu cho chết.
Nhìn ba như vậy, Hà rất đau lòng nhưng không biết làm gì để giúp ba được… Mẹ không chấp nhận được chuyện ba trầm cảm, suốt ngày say xỉn, mẹ khuyên không được, hai người cãi vã rồi chia tay. Ba của Hà ở vậy cho tới lúc mất, còn mẹ giờ cũng ở một mình.
Khi ly hôn, chuyện chia tài sản của ba mẹ khá phức tạp. Cuộc sống của ba rất khó khăn. Hà ở với mẹ nhưng ba thì không có nổi một căn nhà. Ba dọn ra ngoài ở trọ nên khó khăn đủ thứ.
Gia đình Cao Thái Hà.
Hà rất thương ba, muốn giúp ba mà không thể vì bản thân mình còn lo chưa nổi thì làm sao giúp ba được. Nhưng cũng chính vì thế mà Hà có ý thức tự lập rất sớm.
Tuổi thơ của Hà không hề biết vui là gì. Suốt ngày, Hà chỉ nghĩ tới chuyện kiếm tiền, kiếm tiền. Từ lúc lớp 3, gia đình đã sống trong hoàn cảnh khó khăn, cứ như thế cho tới lúc Hà có ý chí kiếm tiền là hè năm lớp 9.
Hà còn nhớ là năm đó, Hà đi chạy bàn quán nước được khoảng 400, 500.000 đồng gì đó. Làm được một tháng thì ba mẹ kêu nghỉ, lo đi học.
Học xong lớp 12 Hà đăng ký thi Người đẹp biển tây và đăng quang Hoa khôi. Nhờ vậy mà Hà được nhận vào làm giao dịch viên tại một ngân hàng ở quê với mức thu nhập 3.8 triệu/ tháng.
Ở quê, với hoàn cảnh khó khăn như gia đình Hà thì đó thực sự là một giấc mơ. Công việc làm giờ hành chính nên Hà không còn thời gian đi học. Gia đình thì khó khăn nên Hà muốn đi làm kiếm tiền luôn. Hà quyết định nghỉ học.
Hà may mắn có người sếp rất thương. Chị ấy muốn Hà phát triển lên phòng kinh doanh để tăng thu nhập. Muốn vậy thì Hà phải có bằng cấp. Hà xin nghỉ 2 năm không lương ở ngân hàng để đi học ngành Tài chính ngân hàng Đại học Mở TPHCM.
Video đang HOT
Cao Thái Hà và ba làm lễ cúng chuẩn bị xây nhà.
Nhưng có lẽ Hà không có duyên với đường học vấn vì quá ham kiếm tiền. Hà làm PG, diễn thời trang và cả đóng phim.
Thời điểm Hà lên Sài Gòn lập nghiệp cũng là lúc gia đình Hà lộn xộn nhất. Ba mẹ vừa chia tay. Ba sống cực khổ nên mục đích của Hà là phải kiếm tiền bằng mọi cách để lo cho ba. Bởi vì sau khi chia tay thì ba mẹ gần như không muốn liên quan tới nhau nữa.
Hà nhớ có lần ba say xỉn tới mức người ta gọi điện lên Sài Gòn cho Hà nói “ba mày sỉn sắp chết rồi”.
Thời điểm ấy, Hà đang đóng bộ phim đầu tiên, tinh thần bị ảnh hưởng rất nhiều.
Hà khóc gọi điện về cho mẹ, nhờ mẹ đưa ba vô bệnh viện dùm. Mẹ thấy Hà khóc nên đành đồng ý. Thực sự lúc đó, Hà đi làm trong tinh thần rất khủng khiếp, vừa áp lực kiếm tiền vừa áp lực lo cho bản thân vừa khao khát được lo cho ba.
Khi Hà có nhà ở Sài Gòn, Hà đón ba mẹ và em trai lên ở cùng. Mỗi người một phòng. Suốt 4 năm ở chung nhà trên Sài Gòn, Hà không nói chuyện nhiều với mẹ trong khi Hà rất tình cảm với ba.
Ba mẹ mâu thuẫn quá lớn, hiềm khích giữa hai người rất nặng nên khi ở chung nhà thì thường xuyên xảy ra cãi vã. Những chuyện đó cứ in vào đầu Hà mỗi ngày. Hà đứng về phía ba, bênh ba nên khoảng cách giữa hai mẹ con càng lúc càng xa.
Đỉnh điểm là lúc ba sắp mất. Mâu thuẫn giữa Hà và mẹ gần như không thể hóa giải được vì rất nhiều chuyện dồn lại. Mẹ không ở chung nhà với Hà nữa. Mẹ mua một căn nhà dưới quê rồi về đó ở cùng em trai Hà.
Cái Tết đầu tiên sau khi ba mất, mẹ con mới bắt đầu làm lành và tình cảm mới tốt hơn nhưng cũng chưa chia sẻ nhiều!
Cao Thái Hà và ba lúc còn sống.
Ba mất rồi, Hà giờ chỉ còn mình mẹ. Đương nhiên về mặt vật chất, hàng tháng Hà vẫn gửi tiền về cho mẹ và em trai vì mình là người thành công và làm ra nhiều tiền nhất trong nhà. Còn về tình cảm, Hà cảm thấy có lỗi với mẹ. Hà không chia sẻ thủ thỉ với mẹ nhiều như lúc ba còn sống. Hà không gần gũi với mẹ như với ba.
Thật sự, ngay chuyện ba mất, đến giờ Hà vẫn chưa cân bằng được. Tới giờ phút này, Hà vẫn khóc. Mỗi lần cây lan ba trồng trước nhà nở hoa, Hà lại khóc. Nhìn nó, Hà lại nhớ ba. Ngôi nhà hiện tại Hà đang sống là ba đi tìm từng miếng gỗ, từng viên gạch để làm. Tủ giày của Hà cũng chính tay ba đi mua gỗ về tự đóng.
Thật sự, ngôi nhà hiện giờ quá to và rộng đối với Hà. 3 tầng, 6 phòng ngủ với sân vườn trong khi chỉ có mình Hà ở.
Mỗi tháng, Hà vẫn phải trả góp ngân hàng gần 20 triệu. Nhiều lúc Hà thấy mệt mỏi vì cứ gồng mình đi làm để lấy tiền góp trong khi mình về nhà cũng chỉ để ngủ. Mình đâu cần một ngôi nhà quá lớn làm gì.
Hà cũng muốn bán ngôi nhà đó đi để mua một căn nhà khác nhỏ hơn, vừa vặn với mình hơn nhưng không nỡ vì ở đó Hà có quá nhiều kỷ niệm với ba”.
* Ghi theo lời kể của Cao Thái Hà.
Theo Trí Thức Trẻ
Cao Thái Hà: "Tôi đóng cửa phòng gào thét và tự trách sao không để ba sống thêm vài ngày"
"Đêm đó tôi không ngủ được. Tôi uống cà phê và hút hết 2 gói thuốc. Tôi nằm cạnh nắm tay ba mình và chờ ông tắt thở...", Cao Thái Hà nhớ lại.
Dù nhắc tới bất kỳ khó khăn, trở ngại nào trong đời thì giọng Cao Thái Hà vẫn tỏ rõ sự cứng rắn và đầy lạc quan. Tôi cảm giác được sự mạnh mẽ và quyết đoán sau gương mặt xinh đẹp của cô diễn viên đầu 9X.
Nhưng khi nhớ lại đêm định mệnh mà ba của Cao Thái Hà ra đi, cô không kiềm được sự xúc động dâng đầy lên mắt và cả trong giọng nói như lạc hẳn đi...
Trong biến cố lớn lao ấy, trong cú sốc tinh thần khủng khiếp ấy, Cao Thái Hà nhận được ân tình của một người chị tên Trúc Mai. Dẫu chỉ là người dưng nước lã nhưng người chị ấy bây giờ đã là "người thân" tự trong trái tim cũng như cảm xúc của Hà.
Diễn viên Cao Thái Hà.
"Tôi hút hết 2 gói thuốc, nằm chờ ba tắt thở..."
"Tôi có một chị bạn rất thân tên Trúc Mai. Chị ấy bây giờ là người thân của tôi chứ không chỉ là bạn nữa. Chị bước vào cuộc đời tôi đúng giai đoạn tôi khủng hoảng nhất.
Ba tôi bị ung thư phổi. Bác sĩ trả về, nói có thể kéo dài được khoảng 15 ngày nếu truyền morphin giảm đau. Dù vậy thì ba tôi vẫn quá đau đớn. Về nhà được 3 ngày, ba nói với tôi "ba đau quá, ba chịu hết nổi rồi, cho ba chết đi".
Thực sự tôi không biết phải làm thế nào. Tôi lên phòng, ngồi một góc suy nghĩ. Tôi không muốn mất ba. Tôi muốn kéo thêm 15 ngày nữa để được chạm vô người ba. Tôi không thể chấp nhận được chuyện ngừng truyền thuốc để ba đi...
Nhưng càng nghĩ tôi càng thấy mình ích kỷ. Chỉ vì tôi muốn được thấy ba, được rờ vô người ba mà bắt ba mình phải chịu đau đớn ngày này qua ngày khác như thế!
Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi quyết định để ba đi.
Sáng ngày thứ 4, tôi cầm điện thoại và gọi cho chị Mai. Tôi nói "Em muốn hỏi chị một chuyện, chị cho em biết ý kiến. Em muốn ngưng thuốc để ba đi trong tự trọng.
15 ngày nữa, ba sẽ chết dần, từ dưới chân lên não, co giật và không còn nhận thức gì hết. Em không muốn ba chết mà không còn tự trọng như thế. Em muốn ngưng thuốc để ba đi. Chị thấy em làm vậy có đúng không? Em phải quyết định nhưng em quá sợ. Em không thể quyết định một mình chuyện này được".
Cao Thái Hà và ba.
Hai cha con rất tình cảm.
Chị bảo: "Chị đã muốn em làm điều này từ lúc bác sĩ đưa về nhưng chị không dám nói. Hôm nay em hỏi thì chị ủng hộ em. Em làm đi, có chuyện gì chị sẽ chịu trách nhiệm chung với em".
Sau đó, tôi gọi điện cho bác sĩ, kêu đừng tới nhà nữa. Bác sĩ hỏi tại sao nhưng tôi không trả lời. Tôi cúp máy. Đúng 24 tiếng sau, ba tôi mất. Khi ba mất, mọi người trong gia đình họ hàng đều có mặt đầy đủ vì tôi báo mọi người lên. Tôi biết, không tiêm thuốc giảm đau, ba sẽ không chịu nổi...
Mọi người đều trách tôi, tôi không trả lời. Lúc đó, tôi rất cứng rắn với quyết định của mình. Ba đã giao tính mạng của ba cho tôi...
Tôi không khóc một giọt nước mắt nào. Tôi dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mọi thứ. Xong xuôi, tôi thay đồ, bắc cái ghế tựa ra nằm kế bên giường ba, nắm tay ba và đợi tới lúc ba đi...
Mọi người sau khi khóc lóc thì mệt thì đi ngủ nhưng đêm hôm đó tôi không ngủ được. Tôi uống cà phê và hút hết 2 gói thuốc. Tôi cứ nằm cạnh ba và nhìn... chờ ba tắt thở!
Ba tôi rên đau nguyên một ngày, từ lúc tiếng rất to đến khi âm thanh giảm dần giảm dần, giảm cho tới lúc gần như không còn hơi để kêu nữa. Suốt 24 tiếng đó, ba không thể nói được một câu nào.
Gần lúc ba tắt thở, ba gọi "Hà ơi! Ba đi nha"! Giây phút đó, vĩnh viễn tôi không bao giờ quên được...
Cao Thái Hà và bố khi bệnh ông trở nặng...
Chị đã kéo tôi ra khỏi một cú sốc tinh thần rất lớn
Tôi không khóc. Tôi làm đầy đủ thủ tục tang lễ cho ba. Ngày hôm sau làm lễ động quan cho ba. Tôi rất mệt vì phải tiếp khách nhưng cực tỉnh táo. Tôi vẫn không khóc được. Mọi người đều rất sợ.
Đêm đó, tôi phải uống thuốc ngủ để ngủ.
Sáng hôm sau thức dậy, tôi cầm ổ bánh mì chay đặt lên bàn thờ ba nói "Ba ơi, ba ăn sáng với con nha".
Lúc đó, tôi nhìn tấm hình ba và không nghe tiếng ba trả lời. Tôi mới phát hiện ra là mình không còn được rờ vào người ba, không được nghe tiếng ba nữa. Ba tôi mất rồi!
Tôi đang quỳ và xỉu tại chỗ. Mọi người đưa tôi lên phòng. Khi tỉnh dậy, tôi bắt đầu khóc. Tôi gào thét. Tôi đóng cửa phòng và tự trách bản thân. Bao nhiêu suy nghĩ tiêu cực ập tới.
"Đáng lý ra giờ này mình còn được nắm tay ba mình, sao mình lại làm như vậy? Sao mình lại giết ba? Sao mình lại không truyền thuốc cho ba..."
Tay tôi run run, tôi cố bấm số điện thoại của chị Mai. Tôi nói "Em không chịu nổi nữa, chị qua đây liền đi". Chị tôi chạy qua. Tôi chỉ mở cửa cho mình chị vào. Tôi không muốn nói chuyện với ai, tôi không muốn nghe ai khuyên gì hết.
Chị vào phòng ôm tôi. Chị nói "Chị biết là bác đang ở đây, bác vẫn còn trong nhà. Chị nói rồi, quyết định này là chị kêu em làm".
Nói rồi chị quay qua nhìn vào khoảng không trong phòng và nói như đang nói chuyện với ba tôi. "Bác ơi, con kêu Hà làm vậy. Hà không có lỗi gì hết. Tất cả trách nhiệm, tội lỗi này là của con".
Lúc đó chị cũng rối theo tôi. Chị vừa khóc vừa nhận mọi trách nhiệm, tội lỗi về mình. Suốt mấy ngày tang ba, chị gần như không rời mắt khỏi tôi. Sau khi lo xong tang lễ, chị book vé máy bay đưa tôi ra nước ngoài. Chị sợ tôi ở Việt Nam sẽ bị điên.
Tôi không biết phải diễn tả như thế nào về sự may mắn của mình khi có một người chị như thế. Tới giờ, chị vẫn là người thân duy nhất của tôi ở Sài Gòn.
Tôi tâm niệm rằng, chuyện của chị là chuyện của tôi. Sau này, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra thì tôi cũng không bao giờ buông tay chị. Chị đã kéo tôi ra khỏi một cú sốc tinh thần rất lớn. Chị truyền năng lượng sống tích cực cho tôi.
Chị không chỉ lo cho tôi về tinh thần mà cả vật chất. Tôi kẹt tiền, chỉ cần bốc điện thoại lên gọi cho chị, hai tiếng sau, trong tài khoản của tôi có 1.5 tỉ đồng. Chị cho tôi mượn tiền để giải quyết việc riêng trong khi chị phải đi mượn nợ người khác để lo việc mình.
Tôi có một người chị như thế, thương tôi vô điều kiện. Tới giờ phút này, tôi vẫn luôn tin rằng khi mình sống chân thành thì sẽ nhận được những tình cảm chân thành"!
* Ghi theo lời kể của diễn viên Cao Thái Hà
Theo Trí Thức Trẻ
Không gian sống thoáng đãng của Cao Thái Hà Nữ diễn viên trồng nhiều cây xanh, tạo sự thoáng đãng cho ngôi nhà nằm trong môt khu biệt lập ở quận 7, TP HCM. . Video khám phá nhà của Cao Thái Hà Cao Thái Hà sở hữu một căn biệt thự ở quận 7, cách trung tâm quận 1 khoảng 20 phút đi xe ôtô. Tuy nhận được sự hỗ trợ...