Cao Thái Hà: Câu nói của anh Huy Khánh làm tôi tổn thương!
“Nếu người ta chửi mình được thì chỉ vì mình ở vị trí mà họ có thể chửi. Mình không ở được vị trí khiến người ta tôn trọng thì đó là lỗi của mình…”, Cao Thái Hà nói.
Cao Thái Hà bước vào điện ảnh từ con số 0. Sau khi đăng quang Hoa khôi cuộc thi Người đẹp Biển tây, Cao Thái Hà phút chốc trở thành cô giao dịch viên ngân hàng nhờ sự ưu ái của một giám đốc ngân hàng cũng chính là thành viên ban giám khảo, nhà tài trợ cuộc thi năm đó.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và rất cần tiền nên Cao Thái Hà chấp nhận bỏ qua con đường học vấn để đi làm luôn. Một năm sau, cũng chính người sếp đó khuyên Cao Thái Hà đi học lấy bằng cấp để lên phòng kinh doanh. “ Có lẽ đó là quyết định sai lầm của sếp tôi“, Cao Thái Hà chia sẻ.
Bị Lý Khắc Linh chửi vì không biết diễn
Con đường vào nghề của Cao Thái Hà thế nào?
Nghỉ làm ngân hàng, tôi lên Sài Gòn học ngành Tài chính ngân hàng Đại học Mở TPHCM. Tôi ham kiếm tiền nên vừa học vừa làm thêm PG, diễn thời trang. Mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng là tôi hạnh phúc lắm.
Tình cờ một lần, anh Quốc Trường rủ tôi đi casting “Vũ khí sắc đẹp” của đạo diễn Lý Khắc Linh. Tôi nghĩ đi đóng phim cũng là công việc kiếm ra tiền nên đi ngay. Tôi làm tất cả để kiếm tiền, chỉ cần đó là công việc không phạm pháp.
Cao Thái Hà đang đọc kịch bản trên phim trường.
Tôi có được vai thứ chính trong phim này nhờ ngoại hình xinh xắn và cũng vì diễn viên mới nên cát xê thấp. Tôi được trả 250.000 đồng cho một phân đoạn. Vai của tôi chỉ có vài chục phân đoạn và đi quay rất vất vả nhưng dù sao, thời điểm ấy, số tiền đó với tôi cũng là một số tiền lớn.
Tuy nhiên, sau khi tham gia phim này, tôi không thích làm diễn viên nữa. Nó quá khác so với những gì tôi nghĩ, khác nghiệt và quá nhiều áp lực. Tôi không chịu được.
Cụ thể là Hà đã phải chịu đựng những gì mà nghĩ như vậy?
Thực sự lúc đó tôi không biết diễn, mọi thứ đều làm đại nên bị đạo diễn nói nặng lời. Tôi hiểu chửi thề là thói quen là câu cửa miệng của anh Lý Khắc Linh. Anh ấy không có ý định chửi tôi như vậy nhưng tôi vẫn bị tổn thương.
Khi ấy tôi còn quá nhỏ và bỡ ngỡ với công việc này nên không biết xử lý làm sao. Tôi khóc rất nhiều cả trên phim trường và ở nhà. Anh Linh bảo “đi ra ngoài đi, khóc cho đã rồi vô quay”. Lúc đó anh ấy nóng vì tôi làm chậm tiến độ đoàn phim. Sau đó tôi quyết định từ bỏ, không làm diễn viên nữa.
Rồi Hà sống thế nào ở Sài Gòn khi chỉ có một thân một mình, còn chuyện học hành thì sao?
Vì đi phim “Vũ khí sắc đẹp” nên chuyện học hành của tôi bị ảnh hưởng. Tôi học được 1 năm và phải nghỉ ngang. Không đi phim, tôi không biết phải làm gì. Tôi không sống nổi ở Sài Gòn nên về lại Cần Thơ.
Thời điểm đó, bạn trai giúp tôi mở một tiệm bán đồ ăn sáng ở quê nhưng tôi cũng không làm được. Tôi cứ đi lên Sài Gòn rồi về Cần Thơ như vậy 4 lần.
Lần thứ 4, tôi cầm theo toàn bộ tiền tích cóp được cùng một chiếc xe máy và quay lại Sài Gòn. Tôi thuê một căn phòng trọ với giá 800.000 đồng/ tháng. Căn phòng đó chỉ có 1 chiếc giường, 1 cái quạt máy, không ti vi, không toilet, phải đi nhà vệ sinh công cộng.
Trải qua nhiều thứ, tôi nghĩ tại sao mình lại yếu đuối đến vậy? Tại sao mình lại buồn lại khóc? Nếu người ta chửi mình được thì chỉ vì mình ở vị trí mà họ có thể chửi. Muốn họ không chửi thì mình phải khiến họ tôn trọng. Mình không ở được vị trí khiến người ta tôn trọng thì đó là lỗi của mình, không phải lỗi của họ.
Nghĩ vậy, tôi tiếp tục nhận đi phim. Tôi chuẩn bị tinh thần để đương đầu với tất cả mọi thứ áp lực của nghề này, đương đầu với cả chuyện người ta làm mình tổn thương nhưng khi đi phim “Tiếng đàn kìm” của đạo diễn Đỗ Thành An thì tôi quá may mắn.
Nữ chính là một cô gái quê lên Sài Gòn lập nghiệp và đi tìm ba. Tình cờ kịch bản rất giống tôi ngoài đời. Tôi được giao ngay nữ chính sau khi gặp đạo diễn và nhà sản xuất.
Một phần vì tôi là con gái miền Tây, một phần vì chuyện đời tôi và nhân vật quá giống nhau và một phần vì tôi chưa nổi tiếng nên cát xê thấp.
Tôi cũng may mắn vì phim này đạo diễn mới, nhà sản xuất mới, nữ chính mới… tất cả đều không ai có name, đều là những người nhỏ bé trong ngành làm phim.
Phim 500 phân đoạn nhưng tôi không gặp áp lực như trước mà được đạo diễn rất thương. Sau này, anh Đỗ Thành An cũng giúp tôi rất nhiều, giới thiệu đi phim và bảo vệ vai cho tôi ở các phim khác.
Cũng từ “Tiếng đàn kìm” mà tôi có nền tảng để bước vào con đường nghệ thuật cho tới bây giờ.
Cao Thái Hà và đồng nghiệp đang xem lại một cảnh quay vừa thực hiện trên phim trường.
“ Tại sao em diễn tệ đến vậy mà lại được giao vai chính”
Tôi hỏi thật, thời gian đầu, Hà có bị đồng nghiệp coi thường vì không biết diễn?
Có, rất nhiều. Những phim đầu tiên, mọi người cảm thấy mệt mỏi khó chịu khi phải diễn chung với tôi. Bản thân tôi bây giờ, khi phải diễn với một bạn diễn không biết diễn, tôi cũng bị tuột cảm xúc, thế nên việc mọi người như vậy, tôi hoàn toàn hiểu.
Mình làm người khác tuột cảm xúc, bản thân mình cũng bị khó chịu. Lúc đó, tôi không có thực lực. Ở phim trường, cần khóc thì tôi không khóc được nhưng về nhà, tôi khóc không ngừng.
Khi tôi đi phim “Tiếng đàn kìm”, tôi trả góp một chiếc Kia Moring cũ với giá hơn 200 triệu. Đó là chiếc ô tô đầu tiên của tôi.
Sau đó, tôi đi quay “Hẻm cụt” cùng anh Huy Khánh, tôi bị áp lực khủng khiếp. Tôi không khóc được và phải nhỏ nước mắt. Đạo diễn thất vọng, anh Huy Khánh cũng thất vọng.
Anh Huy Khánh nói với tôi “tại sao em diễn tệ đến vậy mà lại được giao vai chính”. Câu nói đó của anh Khánh làm tôi tổn thương. Trên đường lái xe về nhà, tôi khóc nhiều tới nỗi không thấy đường, phải tấp vô lề, khóc 30 phút trên xe.
Tôi cữ nghĩ, tại sao mình diễn tệ đến vậy nhưng tôi không biết phải làm thế nào. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào. Tôi hoang mang. Rồi tôi học hỏi từ các anh chị mẹo lấy nước mắt khi không lấy được tâm lý diễn và tập theo.
Phải 3 năm sau, tôi mới bắt đầu cảm được nhân vật mà mình đóng, biết cách thoại thế nào để nhập vai. Tới giờ, tôi tự tin rằng, chỉ cần mặc đồ của nhân vật lên người, tôi có thể làm ra một màu khác hoàn toàn, không phải là Cao Thái Hà nữa.
Cao Thái Hà là 1 trong 4 diễn viên chính phim Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt.
Vậy với những người từng có lời nói hành động coi thường mình thì sau này, mối quan hệ của Hà với họ thế nào?
Tôi là người luôn nghĩ tích cực nên mọi mối quan hệ đều rất bình thường.
Bản thân tôi là người nặng gánh kinh tế gia đình. Tôi vừa phải lo bản thân, vừa lo cho em trai, vừa lo ba bị ung thư nên tôi xác định, mình phải nghĩ đúng, nghĩ tích cực để đứng vững được với nghề diễn viên.
Tôi không cho phép mình yếu đuối, không cho phép mình sai. Tôi được mời phim liên tục không phải vì tôi diễn hay, diễn giỏi mà do cách làm việc của tôi được lòng nhà sản xuất, đạo diễn và anh em đoàn phim.
Tôi có nguyên tắc đúng giờ. Thời buổi chạy show, nhắc thoại rất nhiều nhưng tôi có thể tự tin nói rằng, mình luôn thuộc thoại và luôn tới sớm trong đoàn.
Tôi là đứa diễn viên khi lên phim trường, ngoài ôm kịch bản ra, tôi không làm gì nữa.
Trừ những bối cảnh chính, quay hơn 30 phân đoạn thuộc dạng phim truyền hình làm nhanh thì tôi không học hết nổi, chỉ được 60-70% hay lúc bệnh, tôi mới cần trợ giúp thoại.
Chính vì cách làm việc đó nên các nhà sản xuất, đạo diễn rất thương dù tôi diễn không giỏi. Tôi nhận ra rằng, diễn giỏi mà cách làm việc không tốt, nhà sản xuất cũng không mời. Họ không bao giờ thích làm việc với một diễn viên luôn đi trễ, mắc bệnh ngôi sao và không thuộc thoại dù người đó diễn hay.
Vì biết nguyên tắc của mình tốt nên tôi giữ cho tới giờ. Khi quay Hậu duệ mặt trời, anh quay phim nói với tôi “từ đầu tới giờ, anh chưa thấy em sai thoại lần nào”.
Cao Thái Hà và Hứa Minh Đạt trong một cảnh quay phim “Giông bão”.
Người khác có thể vấp thoại, quay hơn chục lần mới được nhưng tôi thì không. Trước khi lên phim trường, tôi luôn học thoại trước ở nhà. Các phim khác, tôi tập trung 100%, riêng Hậu duệ mặt trời, tôi tập trung 200% vì đây là cơ hội, là bước ngoặt của tôi.
Ba tôi mất rồi, tôi không còn nỗi lo gia đình nữa nên tập trung hoàn toàn cho công việc. Nhan sắc tôi không thể so được với Khả Ngân, Nhã Phương hay diễn viên phiên bản Hàn Quốc nên tôi chỉ biết nỗ lực vào phần diễn suất.
Cảm ơn Cao Thái Hà đã trả lời phỏng vấn!
Theo Trí Thức Trẻ
Cao Thái Hà: Gia đình phá sản, đang sống xa hoa trong nhà lầu phải về quê ở nhờ chòi lá
"Ở Sài Gòn đang nhà lầu xe hơi, Hà từ một cô công chúa phút chốc ăn nhờ ở đậu trong cái chòi lá đầy chuột, cả nhà 4 người chui rúc", Cao Thái Hà kể.
Tôi không biết phải diễn tả như thế nào cho đúng cho đủ về tình yêu và lòng hiếu thuận của Cao Thái Hà với cha mẹ mình. Tôi ghi lại ở đây câu chuyện của Hà, một cách trung thực nhất để mọi người cùng cảm nhận và hiểu hơn về cô gái miền Tây xinh đẹp, bản lĩnh, sống nghĩa tình.
Cao Thái Hà kể: " Trên Hà còn chị gái, dưới có một em trai. Ba của Hà ngày xưa làm gỗ rất lớn ở Sài Gòn, gia đình có căn nhà lớn ở Thủ Đức và cả xe hơi nữa.
Lần đó ba nhập một lô gỗ lớn nhưng không được, phải đền cho người ta. Họ siết nhà, siết cả đồ đạc, cả gia đình phải về quê và chỉ được đem theo mỗi quần áo ra khỏi nhà.
Về quê, cả nhà phải ở nhờ cái chòi lá của bác trong vườn. Ở Sài Gòn thì nhà lầu xe hơi, Hà từ một cô công chúa phút chốc ăn nhờ ở đậu trong cái chòi lá đầy chuột, cả nhà 4 người chui rúc.
Năm đó, Hà học lớp 3. Hà thấy mọi thứ thật kinh dị và không hiểu tại sao mình lại bị như vậy, gia đình lại bị như vậy...
Cao Thái Hà và ba
Ba vẫn ráng làm việc này việc kia để gầy dựng lại nhưng không thành công. Đời ép ba Hà tới mức không cho ba cơ hội vực dậy. Ba cũng cố gắng nhưng làm đâu thất bại đó nên càng lúc càng suy sụp tinh thần và trầm cảm nặng.
Mẹ lúc đó là trụ cột trong gia đình. Mẹ vất vả lắm. Mẹ nấu ăn trong một nhà hàng, cứ mỗi tối xong việc, mẹ lại chạy vài cuốc xe ôm khuya để kiếm tiền thêm, nuôi hai chị em Hà ăn học.
Vậy mà mẹ cũng tích cóp được mấy chục triệu rồi mua miếng đất trong đường hẻm dưới quê. Từ miếng đất đó, mẹ vay ngân hàng cất được nhà và đưa cả gia đình ra ở riêng không phải ăn nhờ ở đậu trong chiếc chòi lá của bác nữa.
Rồi mẹ vay tiền xây nhà trọ qua đêm. Nhờ nhà trọ đó thì kinh tế trong gia đình mới đỡ hơn. Ông bà nội mất cộng thêm việc làm ăn thất bại thì ba suy sụp hẳn, gần như muốn tự tử nhưng không chết được nên uống rượu cho chết.
Nhìn ba như vậy, Hà rất đau lòng nhưng không biết làm gì để giúp ba được... Mẹ không chấp nhận được chuyện ba trầm cảm, suốt ngày say xỉn, mẹ khuyên không được, hai người cãi vã rồi chia tay. Ba của Hà ở vậy cho tới lúc mất, còn mẹ giờ cũng ở một mình.
Khi ly hôn, chuyện chia tài sản của ba mẹ khá phức tạp. Cuộc sống của ba rất khó khăn. Hà ở với mẹ nhưng ba thì không có nổi một căn nhà. Ba dọn ra ngoài ở trọ nên khó khăn đủ thứ.
Gia đình Cao Thái Hà.
Hà rất thương ba, muốn giúp ba mà không thể vì bản thân mình còn lo chưa nổi thì làm sao giúp ba được. Nhưng cũng chính vì thế mà Hà có ý thức tự lập rất sớm.
Tuổi thơ của Hà không hề biết vui là gì. Suốt ngày, Hà chỉ nghĩ tới chuyện kiếm tiền, kiếm tiền. Từ lúc lớp 3, gia đình đã sống trong hoàn cảnh khó khăn, cứ như thế cho tới lúc Hà có ý chí kiếm tiền là hè năm lớp 9.
Hà còn nhớ là năm đó, Hà đi chạy bàn quán nước được khoảng 400, 500.000 đồng gì đó. Làm được một tháng thì ba mẹ kêu nghỉ, lo đi học.
Học xong lớp 12 Hà đăng ký thi Người đẹp biển tây và đăng quang Hoa khôi. Nhờ vậy mà Hà được nhận vào làm giao dịch viên tại một ngân hàng ở quê với mức thu nhập 3.8 triệu/ tháng.
Ở quê, với hoàn cảnh khó khăn như gia đình Hà thì đó thực sự là một giấc mơ. Công việc làm giờ hành chính nên Hà không còn thời gian đi học. Gia đình thì khó khăn nên Hà muốn đi làm kiếm tiền luôn. Hà quyết định nghỉ học.
Hà may mắn có người sếp rất thương. Chị ấy muốn Hà phát triển lên phòng kinh doanh để tăng thu nhập. Muốn vậy thì Hà phải có bằng cấp. Hà xin nghỉ 2 năm không lương ở ngân hàng để đi học ngành Tài chính ngân hàng Đại học Mở TPHCM.
Cao Thái Hà và ba làm lễ cúng chuẩn bị xây nhà.
Nhưng có lẽ Hà không có duyên với đường học vấn vì quá ham kiếm tiền. Hà làm PG, diễn thời trang và cả đóng phim.
Thời điểm Hà lên Sài Gòn lập nghiệp cũng là lúc gia đình Hà lộn xộn nhất. Ba mẹ vừa chia tay. Ba sống cực khổ nên mục đích của Hà là phải kiếm tiền bằng mọi cách để lo cho ba. Bởi vì sau khi chia tay thì ba mẹ gần như không muốn liên quan tới nhau nữa.
Hà nhớ có lần ba say xỉn tới mức người ta gọi điện lên Sài Gòn cho Hà nói "ba mày sỉn sắp chết rồi".
Thời điểm ấy, Hà đang đóng bộ phim đầu tiên, tinh thần bị ảnh hưởng rất nhiều.
Hà khóc gọi điện về cho mẹ, nhờ mẹ đưa ba vô bệnh viện dùm. Mẹ thấy Hà khóc nên đành đồng ý. Thực sự lúc đó, Hà đi làm trong tinh thần rất khủng khiếp, vừa áp lực kiếm tiền vừa áp lực lo cho bản thân vừa khao khát được lo cho ba.
Khi Hà có nhà ở Sài Gòn, Hà đón ba mẹ và em trai lên ở cùng. Mỗi người một phòng. Suốt 4 năm ở chung nhà trên Sài Gòn, Hà không nói chuyện nhiều với mẹ trong khi Hà rất tình cảm với ba.
Ba mẹ mâu thuẫn quá lớn, hiềm khích giữa hai người rất nặng nên khi ở chung nhà thì thường xuyên xảy ra cãi vã. Những chuyện đó cứ in vào đầu Hà mỗi ngày. Hà đứng về phía ba, bênh ba nên khoảng cách giữa hai mẹ con càng lúc càng xa.
Đỉnh điểm là lúc ba sắp mất. Mâu thuẫn giữa Hà và mẹ gần như không thể hóa giải được vì rất nhiều chuyện dồn lại. Mẹ không ở chung nhà với Hà nữa. Mẹ mua một căn nhà dưới quê rồi về đó ở cùng em trai Hà.
Cái Tết đầu tiên sau khi ba mất, mẹ con mới bắt đầu làm lành và tình cảm mới tốt hơn nhưng cũng chưa chia sẻ nhiều!
Cao Thái Hà và ba lúc còn sống.
Ba mất rồi, Hà giờ chỉ còn mình mẹ. Đương nhiên về mặt vật chất, hàng tháng Hà vẫn gửi tiền về cho mẹ và em trai vì mình là người thành công và làm ra nhiều tiền nhất trong nhà. Còn về tình cảm, Hà cảm thấy có lỗi với mẹ. Hà không chia sẻ thủ thỉ với mẹ nhiều như lúc ba còn sống. Hà không gần gũi với mẹ như với ba.
Thật sự, ngay chuyện ba mất, đến giờ Hà vẫn chưa cân bằng được. Tới giờ phút này, Hà vẫn khóc. Mỗi lần cây lan ba trồng trước nhà nở hoa, Hà lại khóc. Nhìn nó, Hà lại nhớ ba. Ngôi nhà hiện tại Hà đang sống là ba đi tìm từng miếng gỗ, từng viên gạch để làm. Tủ giày của Hà cũng chính tay ba đi mua gỗ về tự đóng.
Thật sự, ngôi nhà hiện giờ quá to và rộng đối với Hà. 3 tầng, 6 phòng ngủ với sân vườn trong khi chỉ có mình Hà ở.
Mỗi tháng, Hà vẫn phải trả góp ngân hàng gần 20 triệu. Nhiều lúc Hà thấy mệt mỏi vì cứ gồng mình đi làm để lấy tiền góp trong khi mình về nhà cũng chỉ để ngủ. Mình đâu cần một ngôi nhà quá lớn làm gì.
Hà cũng muốn bán ngôi nhà đó đi để mua một căn nhà khác nhỏ hơn, vừa vặn với mình hơn nhưng không nỡ vì ở đó Hà có quá nhiều kỷ niệm với ba".
* Ghi theo lời kể của Cao Thái Hà.
Theo Trí Thức Trẻ
Cao Thái Hà: "Tôi đóng cửa phòng gào thét và tự trách sao không để ba sống thêm vài ngày" "Đêm đó tôi không ngủ được. Tôi uống cà phê và hút hết 2 gói thuốc. Tôi nằm cạnh nắm tay ba mình và chờ ông tắt thở...", Cao Thái Hà nhớ lại. Dù nhắc tới bất kỳ khó khăn, trở ngại nào trong đời thì giọng Cao Thái Hà vẫn tỏ rõ sự cứng rắn và đầy lạc quan. Tôi cảm giác...