‘Cao tay’ với ‘bà cô bên chồng’
Ám ảnh của các cô dâu khi về nhà chồng không chỉ là bà mẹ chồng khó tính mà còn có sự góp mặt của các bà cô – chị hoặc em chồng. “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, kinh nghiệm đúc rút từ xưa không phải lúc nào cũng đúng.
Nỗi niềm khi ứng phó với mẹ chồng đau đầu đến bao nhiêu thì cách để cư xử với các bà cô chồng cũng làm hao tâm tổn trí bấy nhiêu. Trên nhiều diễn đàn cũng có rất nhiều chủ đề về “giặc bên Ngô” được lập ra và các chị em tha hồ tâm sự, kể lể nỗi niềm.
Sống chung
Khi còn yêu nhau, ngày về quê chồng chơi, mẹ Kha dặn dò Loan rất kỹ về cô em chồng: “Em nó nhiều lúc mải học quên ăn. Có gì nấu nướng đúng bữa rồi bắt nó ăn uống đầy đủ. Mẹ ở xa không chăm sóc được thì anh chị thay mẹ mà trông nom bảo ban em”. Loan nghe vậy thấy mẹ chồng tâm lý, nhưng cũng thoáng chút rùng mình vì mới là người yêu thôi, cô đã được “phủ đầu” trước về chuyện phải chăm sóc em chồng.
Ba mất, mẹ ở ngoài quê nên trong này anh em Kha thuê phòng ở cùng chăm sóc nhau. Trước khi cưới, Loan vẫn ngày ngày qua chỗ người yêu dọn dẹp, bếp núc cho hai anh em, lấy nhau rồi mọi chuyện vẫn vậy.
Thời gian đầu, Loan vui vẻ làm mọi chuyện cho xong nhưng khi có bầu, cô bắt đầu khó chịu với cô em chồng hơn. “Khoan nói chuyện làm việc nhà, cứ hễ sểnh ra vợ chồng cãi cọ nhau là nó gọi về mách mẹ, bà lại gọi vào trách móc làm vợ phải thế này thế kia. Có lần bà còn bảo thẳng mình là em nó đang giai đoạn ôn thi tốt nghiệp, anh chị làm gì thì làm đừng để nó ảnh hưởng tâm lý. Mà mình đã bắt nó làm gì đâu cơ chứ!”.
Theo chồng Loan, từ cấp 3 cô em gái đã dễ bị căng thẳng, ức chế nên anh trai với mẹ không dám nói nặng nói nhẹ gì vì sợ tinh thần bị ảnh hưởng. Thế nhưng theo Loan thì: “Nó chẳng có vấn đề gì chỉ làm ra vẻ nghiêm trọng để trốn tránh việc nhà, đẩy chị dâu làm hết thôi. Nói ra thì chồng lại không tin, bênh em”.
Video đang HOT
Và sống riêng
Sống chung đã vậy, liệu sống riêng, ở xa nhau và thỉnh thoảng gặp mặt có khiến mối quan hệ thoải mái hơn?
Me-tuntit, một nickname trên diễn đàn cho các bà mẹ viết: “Bà chị chồng cách mấy cây số nhưng lúc nào cũng alo rồi thủ thỉ MC (mẹ chồng) em phải dạy em như thế nào. Hic… kể ra thì dài dòng”. Một người khác lại chia sẻ, dù ở xa và chỉ gặp nhau độ tết về nhưng cô em dâu thế nào cũng bị chị chồng soi mói xem có biết làm việc này hay không.
Xây dựng mối quan hệ
Không ai không mong muốn mối quan hệ có được sự thuận hòa, êm ấm nhưng để đạt được điều đó là cả một nghệ thuật ứng xử khéo léo, cần sự tôn trọng, hợp tác từ cả 2 phía.
Trước hết, hãy trao đổi thẳng thắn cùng nhau trên tinh thần xây dựng thay vì tìm cách nói xấu sau lưng dễ gây nhiều phiền toái. Những góp ý nhẹ nhàng, chia sẻ cùng nhau sẽ giúp cả hai hiểu và thông cảm với nhau hơn. Ngoài ra, hãy tạo không khí thân mật, gần gũi bởi nếu đẩy tình hình đi quá xấu, mối quan hệ sẽ thực sự khó cứu vãn. Nói chung, cách ứng xử mềm mỏng, tôn trọng nhưng không quá nhu nhược, mềm yếu sẽ giúp mối quan hệ của cả hai không rơi vào trạng thái khó chịu.
Theo VNE
Học cách hòa thuận với 'bà cô bên chồng'
Chị em gái chồng luôn là cửa ải khó nhằn với nàng dâu mới, nhưng với chút khéo léo là bạn có thể cải thiện được mối quan hệ này.
Hãy kiên nhẫn trước mọi khác biệt
Đây là nguyên tắc quan trọng. Không ai trong chúng ta giống nhau. Nếu bạn có thể chấp nhận sự khác biệt của mọi người, tại sao không chấp nhận chị/em gái của chồng, cho dù cô ấy không giống bạn, thậm chí... chẳng giống ai. Hãy thật bình tĩnh trước mọi cư xử bạn cho là "trái khoáy" từ cô ấy. Sự bình tĩnh, kiên nhẫn luôn giúp bạn tìm ra được giải pháp thông minh nhất cho mọi vấn đề.
Thẳng thắn chia sẻ, không để bụng
Mọi vấn đề đều có thể dàn xếp được thông qua giao tiếp đúng mực. Với thái độ thân thiện, bạn có thể mời em chồng ngồi xuống cùng thảo luận về những khác biệt hai người đang vướng mắc. Đừng để chồng phải dính vào vấn đề của bạn với em chồng, điều đó khiến anh ấy căng thẳng, chưa biết chừng còn ảnh hưởng tình cảm hai người. Nếu em chồng của bạn mới là người kéo anh ấy vào phân xử, hãy trấn an anh ấy, đảm bảo với anh ấy rằng bạn sẽ đi nói chuyện với cô em.
Làm bạn cùng em chồng
Nếu "giặc bên Ngô" chỉ là cô nhóc tuổi teen hay đang học đại học, bạn gặp thuận lợi đấy vì sẽ dễ làm bạn với cô ấy. Hãy xây dựng cho cô ấy lòng tin tưởng vào bạn, như vậy sợi dây tình cảm giữa hai người sẽ được thắt chặt hơn.
Ảnh minh họa: InImages.
Tránh thân thiết quá
Nếu chị/em gái của chồng bạn không tỏ ra mặn mà trước những nỗ lực kết thân của bạn, vậy điều tốt nhất là hãy tránh quá tỏ ra săn đón, gần gũi với cô ấy. Đây là cách đơn giản để tránh những vấn đề không đáng có dễ nảy sinh do bạn nói chuyện hay cử xử quá thân mật.
Chia sẻ thời gian chất lượng
Các hoạt động phổ biến rất có hiệu quả gia tăng sự thân thiết giữa các cô gái chính là đi shopping hoặc cùng làm những gì mà người đó yêu thích.
Hiểu quan điểm của cô ấy
Để có thể hiểu được người chị hay em chồng, bạn cần nắm được quan điểm của cô ấy. Luôn có ba mặt trong một cuộc tranh luận: Quan điểm của bạn, quan điểm của người kia và mặt đúng. Do đó, khi bạn đặt mình sang góc nhìn của cô ấy để đối diện vấn đề, bạn sẽ có khả năng phân tích vấn đề theo một cách tốt hơn.
Khi bạn và người chị hay em chồng có khác biệt, đừng chơi trò đổ lỗi. Hãy cố gắng tìm ra những điểm tích cực trong cách cư xử của cô ấy. Bạn cũng có thể giúp cô ấy nhận ra những điểm tích cực đó. Khen ngợi cô ấy trước mỗi thành quả cô ấy đạt được, song hãy chắc chắn một điều, sự ngợi khen của bạn là thật lòng và có cơ sở.
Đối với chị chồng, hãy tỏ rõ sự tôn trọng đối với cô ấy. Sự tôn trọng lẫn nhau luôn giúp cải thiện mọi mối quan hệ, thậm chí khiến hai người hợp tác, gắn kết hơn. Dẫu vậy, bạn vẫn cần tự tin và có chính kiến. Cần nhận biết rõ ràng trách nhiệm của mình và tròn vai với nó. Cùng với đó, đừng để ai "trục lợi" trên sự bình tĩnh, im lặng của bạn. Tôn trọng người khác nhưng vẫn tự tin, biết khi nào cần lên tiếng sẽ đưa mối quan hệ đến mức hiệu quả và lành mạnh.
Theo VNE