Cao ốc băm nát Hà Nội: Chỉnh theo lợi ích tư nhân
Dự án đang chỉ đạo quy hoạch, quy hoạch đang phải chạy theo để hợp thức hóa dự án, cho nên dự án nào cũng đúng quy hoạch.
Lợi ích nhóm vẫn đang dằng díu với nhau
Hiện nay, việc xây dựng cao ốc tại khu triển lãm Giảng Võ (Láng Hạ) hay hàng chục chung cư cao tầng đang mọc lên trên đoạn đường chỉ 2km đang khiến dư luận lo ngại, thậm chí Chủ tịch Hà Nội còn phải đau xót nói quy hoạch Hà Nội đang bị băm nát. Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là việc xây dựng nói trên đều đúng Luật.
Trước nghịch lý trên, trao đổi với Đất Việt, GS.TS Đặng Hùng Võ cho biết: “Quy hoạch thường được điều chỉnh liên tục, thành ra câu chuyện này nó cũng tương tự như đề bạt cán bộ đúng quy trình, đúng quy trình nhưng vẫn sai đối tượng, nên chúng ta phải xem lại quá trình điểu chỉnh quy hoạch như thế nào và vì sao xảy ra tình trạng như thế này.
Chắc chắn ai cũng phải thấy rằng, hiện nay không gian đô thị đang không chịu tải nổi với tốc độ xây dựng các nhà cao tầng, khiến cho số lượng người tăng lên quá đông và nhanh, dẫn tới giao thông, hạ tầng không đủ, mới dẫn đến ách tắc.
Cho nên, phải xem lại quá trình điều chỉnh quy hoạch có đúng Luật hay không, không đúng thì xem xét lại, có hình thức kỷ luật cán bộ quy hoạch điều chỉnh không đúng.
Tức là quy trình điều chỉnh quy hoạch đã có quy định trong pháp luật, cho đến nay Luật quy hoạch đô thị từ năm 2009 đã được thi hành 7 năm, có thể có một số quy định không phù hợp với giai đoạn phát triển hiện tại. Cho nên, 1 mặt phải xem lại Luật quy hoạch cho phép điều chỉnh như vậy đã phù hợp với quy hoạch chưa, mặt khác cứ cho như vậy, Luật đã có, rà soát lại quá trình điều chỉnh quy hoạch đã đúng Luật hiện nay hay chưa”.
Video đang HOT
Giao thông đang vỡ trận vì nhà cao tầng xây đúng quy hoạch
Bên cạnh đó, theo ông Võ, về hình thức chúng ta có thể thấy nhóm lợi ích hiện nay vẫn còn đang dằng díu với nhau, nhiều chuyên gia nước ngoài nhận xét, Hà Nội hiện nay được điều chỉnh theo lợi ích tư nhân, đó là ý kiến phải xem xét.
“Theo tôi, vấn đề cuối cùng là có quyết tâm thay đổi hay không, nếu quyết tâm thì chắc chắn vẫn làm được”, ông Võ khẳng định.
Cũng đưa ra quan điểm, TS Bùi Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay: “Cứ dựa vào báo cáo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng về dự án khu triển lãm Giảng Võ, sẽ thấy, theo báo cáo đó, tháng 2 văn phòng chính phủ mới thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khu đất này. Sau đó, đến tháng 6, Hà Nội điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu Giảng Võ cho phù hợp chỉ đạo của Thủ tướng. Thế mà, đến tháng 10 thì dự án tổ hợp 10 tòa nhà cao 50 tầng đã được khởi công.
Để thấy, một dự án phải qua đủ các khâu báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, khảo sát cho khoan móng, rồi thì đo đạc, thiết kế, rồi đấu thầu, tổ chức thi công, thế mà chỉ có 8 tháng, thật là phi thường. Qua đây có thể thấy rõ, dự án trên đã được chuẩn bị từ lâu, ít nhất theo tôi hiểu cũng phải từ 2-3 năm trước, tôi rất ngạc nhiên”.
Mặt khác, theo ông Liêm, ở đây thấy rõ, dự án đang chỉ đạo quy hoạch, quy hoạch đang phải chạy theo để hợp thức hóa dự án, dự án có chủ trương được hướng dẫn xuống, lúc đó Hà Nội mới điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực đó để hợp thức hóa dự án, lúc báo cáo thì mọi việc đều đúng quy hoạch. Nghĩa là họ điều chỉnh quy hoạch cho đúng thì làm sao mà sai được.
Hơn nữa, về quan điểm quy hoạch thì muốn chuyển triển lãm Giảng Võ sang khu vực Nhật Tân Nội Bài, cứ cho là có lý do, nhưng quy hoạch khu vực này phải gắn với quy hoạch toàn bộ khu Giảng Võ, giới hạn bởi 4 con đường Kim Mã, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Núi Trúc, quy hoạch lại toàn bộ, kể cả các khu chung cư cũ bên trong. Chứ không phải lấy một mẩu đất con con trong đó để phát triển thì dựa vào đâu, căn cứ cái gì, còn nếu để cho một vài doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chiếm thì không có ý nghĩa gì.
“Cuối cùng, tôi xin nhắc lại, dự án triển lãm Giảng Võ có nhiều điều không minh bạch, đề nghị Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ làm sáng tỏ mọi việc đó, cụ thể như dự án được hình thành lúc nào, các bước tiến hành ra sao, bao nhiêu tiền, ai phê duyệt”, ông Liêm nói rõ.
Một vấn đề khác, theo vị chuyên gia trên, việc xây các nhà cao tầng bao giờ cũng phải có độ lùi, thứ nhất, về mặt mỹ quan có lùi mới nhìn thấy toàn bộ nhà; thứ hai, là làm thành một khu “đệm” giao thông, nhà cao tầng thì người ra vào rất đông, người đi lại xung quanh cũng đông, nên nếu có một khu đệm giữa cửa khu đó với luồng đi vỉa hè thì sẽ dễ bị va chạm.
Còn nói đến con đường 2,7km mà 40 nhà cao ốc, chung cư, bình quân cứ 100m có gần 2 cái nhà cao tầng, thì mật độ xây dựng ở đó là bao nhiêu?
Nhưng dù sao đoạn Lê Văn Lương ở bên ngoài nên nó khác khu Royal City, triển lãm Giảng Võ, những khu vực này ở trong đô thị cũ hiện có, trong khu này các nhà đầu tư rất thích vào vì siêu lợi nhuận, không phải đầu tư hạ tầng, làm ra ngoài là phải làm đường, cống, rãnh. Hơn nữa, đất mà đắt thì họ cứ xây cao tầng, chiếm lấy không gian chung vốn dĩ là tài sản chung của mọi người.
(Theo Đất Việt)
TPHCM: Tăng diện tích không gian mở để hạn chế ngập lụt
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đối với những nơi có địa hình thấp trũng (dưới đỉnh triều cường 1,5m), cần xây dựng với mật độ thấp, tăng diện tích không gian xanh và không gian mở (ít nhất 30% diện tích) để trữ nước mưa, hạn chế ngập lụt đô thị, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Đó là nội dung đáng chú ý trong tờ trình về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020 vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường TP gửi UBND TPHCM.
Kẹt xe, ngập lụt là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM
Đối với nhóm giải pháp về thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, các khu đô thị bắt buộc các nhà đầu tư phải xây dựng hồ điều tiết nước. Đồng thời, phát triển nhiều mảng xanh tại những vùng đất thấp và tận dụng tối đa những phần đất trống để tạo mảng xanh cho đô thị.
Sở cũng đề xuất phải bố trí các cơ sở kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo vệ sinh môi trường. Từng bước di dời các cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp tập trung. Đồng thời, chuyển đổi các khu đất đã di dời các cơ sở công nghiệp, thành đất nhà ở hoặc đất công trình công cộng để khai thác hiệu quả và bền vững về phương diện môi trường.
TP cần hoàn thiện quy hoạch đô thị để đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng, đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội, hiện đại thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Sở cũng đưa ra giải pháp bố trí dân cư dọc các tuyến metro để tiếp cận giao thông nhanh và hiệu quả, giảm ùn tắc giao thông. TP cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khu đô thị mới Thủ Thiêm; sớm đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh của thành phố tại 4 hướng gồm trung tâm phía Đông (Thủ Đức, quận 9), trung tâm phía Tây (Bình Chánh), trung tâm phía Nam (quận 7, Nhà Bè) và trung tâm phía Tây Bắc.
"Đây là giải pháp rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay đến năm 2020 nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cũng như kết hợp phân bố lại dân cư từ nội thành ra các đô thị vệ tinh góp phần giảm ùn tắc giao thông", Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá.
Quốc Anh
Theo Dantri
GS Nguyễn Lân Dũng: 'Đi nước ngoài học trồng cây người ta cười cho" "Những cây có trong nước mà đi ra nước ngoài học là phí tiền, nói đi nước ngoài học cắt tỉa, trồng cây người ta, những bạn học nông nghiệp sẽ cười cho." Mới đây, Văn Phòng UBND TP Hà Nội phát đi Thông báo về công tác cắt tỉa cây xanh và trồng mới thay thế trên các tuyến phố. Trong đó,...