Cao ốc 5.000 tỷ ‘bỏ hoang’ ở trung tâm Sài Gòn
Bảy năm sau ngày khởi công, tòa nhà cao thứ 3 ở TP HCM hiện “phủ bụi”, cỏ mọc um tùm khi đã hoàn thành 80%.
Cao ốc 42 tầng Saigon One Tower (tên cũ Saigon M&C Tower) tại góc đường Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Võ Văn Kiệt (quận 1, TP HCM), cạnh bến Bạch Đằng và kế bên tòa nhà Bitexco 68 tầng. Tọa lạc ở “vị trí vàng”, dự án có tổng vốn 256 triệu đôla (hơn 5.000 tỷ) được kỳ vọng là một trong những kiến trúc đẹp nhất TP HCM.
Diện tích khoảng 6.672 m2, công trình được khởi công năm 2009. Theo thiết kế, cao ốc này trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng và căn hộ cao cấp đạt chuẩn quốc tế. Nhưng khi hoàn thành hơn 80% hạng mục, dự án “bất động” suốt 4 năm qua.
Saigon One Tower hiện vắng lặng so với khung cảnh nhộn nhịp thi công trước đây. Chị Minh, bán hàng tại bến Bạch Đằng, đối diện tòa nhà, cho biết nơi này đóng cửa im ỉm, không thấy bên trong xây dựng, chỉ có vài người đến rồi đi. “Hồi trước mỗi ngày có hàng trăm công nhân ra vào, nay chỉ có lèo tèo mấy anh đeo balo vào kiểm tra gì đấy rồi đi”, chị này nói.
Nhiều hạng mục bên trong sau gần 4 năm ngừng thi công trở nên nhếch nhác, phủ đầy bụi.
“Tòa nhà đình trệ nhìn như tấm áo rách trông mất mỹ quan khu trung tâm thành phố lắm”, anh Huy Hùng (quận 4) chia sẻ khi đứng trên cầu Khánh Hội nhìn về cao ốc bỏ hoang.
Lan can, lưới chắn tạm tại các hạng mục chưa lắp kính. Theo kế hoạch ban đầu, dự án được hoàn tất năm 2011, rồi hoãn sang tháng 4/2012 và “phủ bụi” đến nay.
Video đang HOT
Trong khuôn viên dự án, cây cỏ mọc um tùm, nguyên vật liệu phơi nắng mưa…
Công trình chỉ lác đác vài bảo vệ trông giữ tài sản. Một chuyên gia bất động sản cho biết, tòa nhà được đầu tư vào giai đoạn thị trường còn tốt nhưng sau đó lao dốc khiến họ trở tay không kịp. Dù dừng thi công nhưng chủ đầu tư được cho là phải trả lãi ngân hàng trên một tỷ đồng mỗi ngày.
Ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM – cho biết, Saigon One Tower cùng một số dự án trên địa bàn thành phố bị ngưng trệ vì doanh nghiệp gặp khó về vốn.
“Đây là dự án xây dựng lớn, nhà đầu tư đổ rất nhiều tiền. Chúng tôi cũng nhắc họ giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan, chất lượng công trình. Thành phố cũng giao các đơn vị phối hợp chủ đầu tư giải quyết vấn đề vốn và dự kiến tái khởi động dự án vào cuối năm”, ông Tuấn nói.
Đại diện Saigontourist, đơn vị thay mặt nhà nước nắm 30% vốn của dự án cho biết, các nhà đầu tư đang sắp xếp lại vốn, kiện toàn nhân sự để sớm triển khai lại dự án trong thời gian tới.
Hiện, bộ phận duy nhất tại tòa nhà này hoạt động là chiếc thang máy đưa người lên xuống kiểm tra công trình.
Saigon One Tower và “người anh em” Bitexco. Nếu được hoàn thành, tòa nhà cao 196 m sẽ cao thứ 3 ở TP HCM.
Sơn Hòa
Theo VNE
Biệt thự cổ 700 tỷ đồng, ba mặt tiền ở trung tâm Sài Gòn
Xây từ thời Pháp, biệt thự rộng hàng nghìn mét vuông có 3 mặt tiền ở trung tâm TP HCM của hai cụ bà vừa được bán hơn 700 tỷ đồng.
Căn biệt thự cổ tọa lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn với ba mặt đường ở quận 3 gồm Bà Huyện Thanh Quan, Võ Văn Tần và Nguyễn Thị Diệu. Theo tài liệu, hơn trăm năm trước, biệt thự được xây dựng bởi đại gia Sài Gòn. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện, nó được bán cho một đại phú hộ rồi có tên "Biệt thự Phương Nam". Sau này phú hộ tặng căn nhà cho con gái làm của hồi môn.
Sau khi lấy chồng, cô gái sinh được 7 người con. Theo quyền thừa kế, biệt thự này thuộc quyền sở hữu của cả 7 người, trong đó hai người đứng tên trên giấy tờ là cụ bà Đặng Kim Chi (77 tuổi) và Nguyễn Kim Sa Dang (81 tuổi).
Biệt thự có kiến trúc độc đáo, cổng vòm, bao lơn, trụ, cửa sổ, cửa chính đều được chế tác tỉ mỉ và được đánh giá là tinh xảo. Phần mái được lợp bằng ngói đỏ, qua thời gian đã nhuốm màu rêu phong càng làm ngôi biệt thự thêm cổ kính.
Căn biệt thự cao 2 tầng, tọa lạc trên khu đất rộng 2.820 m2, thuộc loại nhà ở cấp 2-3, tường gạch, mái ngói. Trải qua hơn 100 tuổi nhưng từng cánh cửa, bản lề, cột nhà vẫn còn nguyên vẹn.
Kiến trúc của căn nhà được thiết kế theo phong cách biệt thự Pháp cổ. Vật liệu xây dựng được chuyển từ Pháp sang sau đó được hàng chục nhân công xây hơn một năm mới hoàn thành. Các chuyên gia đánh giá, biệt thự này có thể sánh ngang Nhà hát thành phố, TAND TP, Bảo tàng Mỹ thuật... về kiến trúc lẫn giá trị lịch sử của nó. Trước đây, trong thời gian bất động sản lên cơn "sốt", ngôi nhà này được rao bán với giá 47 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng).
Biệt thự cổ được niêm phong sau khi chủ cũ rời đi, hiện có đội bảo vệ 4-5 người canh giữ. Chủ nhân mới của căn biệt thự là Công ty cổ phần Minerva có trụ sở tại TP HCM. Đơn vị này đã bỏ 35 triệu đôla (hơn 700 tỷ đồng) mua lại căn nhà.
Nhiều đồ đạc trong khuôn viên biệt thự đã được chủ cũ di dời. Trước sân hiện còn vài gốc cây chờ di dời.
Cổng biệt thự trên đường Võ Văn Tần bị người bán hàng rong tận dụng làm nơi bán đồ ăn, thức uống. Trước đây, khuôn viên căn biệt được cho thuê một phần mặt trước để mở quán nhậu, bãi giữ xe. Một số đoàn phim từng mượn căn biệt thự để làm bối cảnh trong phim.
Nhiều chuyên gia bất động sản đánh giá, căn biệt thự là khu đất vàng ở TP HCM. Nếu đơn vị mua lại đập bỏ xây trung tâm thương mại sẽ thu lợi nhuận khủng.
Một lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM cho biết, căn biệt thự nằm trong danh mục kiểm kê các biệt thự cổ cần bảo tồn của thành phố nên chắc chắn sẽ không có chuyện đập bỏ để xây trung tâm thương mại.
"Các giao dịch, chuyển nhượng là quyền của chủ sở hữu nhưng nếu thay đổi thiết kế, kết cấu thì phải xin phép và được sự đồng ý của UBND TP HCM", ông này nói.
Sơn Hòa
Theo VNE
Màn mù khô trắng đục phủ khắp Sài Gòn, nghi từ Indonesia "tràn" sang Đến tận chiều tối qua 6/10, màn mù khô trắng đục vẫn còn dày đặc bao phủ khắp nơi ở TPHCM, khiến tầm nhìn của người điều khiển giao thông ít nhiều bị hạn chế, người dân hoang mang. Trước đó, suốt cả ngày 6/10 và đỉnh điểm là giữa trưa cùng ngày, trong tiết trời nắng chói chang, nhiều khu vực ở...