Cao nguyên Đồng Văn đẹp mê hoặc
Cách Hà Nội khoảng 300km, “lãnh địa của đá”là cái tên không xa lạ với nhiều người. Đây là một xứ sở vừa kỳ bí vừa hùng vĩ, nhưng đường đi đầy hiểm trở.
Chính vì thế nên đa số teen chỉ biết ngậm ngùi tiếc nuối khi tính một chuyến du lịch nhẹ nhàng đến nơi đây trong ngày nghỉ cuối tuần hay dịp lễ Tết. Trong khi đó, một số người trẻ đam mê khám phá thì thỉnh thoảng làm một chuyến “phượt” lên đây để thưởng ngoạn phong cảnh hoặc mang quần áo ấm cho trẻ em nghèo.
Cao nguyên Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang, với địa hình núi đá lởm chởm và những cung đường mạo hiểm. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Xa xa là những làn mây trắng trôi lững lờ theo các triền núi.
Những dãy núi đá nối liền nhau.
Thôn xóm, cây cối được bao bọc bởi những hòn đá to.
Đường đi của Đồng Văn nhỏ, hẹp, quanh co nhưng sạch và tĩnh lặng. Những người trẻ vốn quen nhịp sống xô bồ của thành thị, của những âm thanh tách tách trên bàn phím, giờ như mở tung tâm hồn, đón nhận sự mênh mang của đất trời, sự mạnh mẽ của núi đá.
Dòng sông uốn lượn giữa núi và đường.
Cũng như những xứ sở Đông Bắc, Tây Bắc khác, dọc đường đi của cao nguyên đá, thỉnh thoảng, bạn sẽ bắt gặp gương mặt hồn nhiên của trẻ em người dân tộc, hoặc bóng dáng người thiếu nữ địu con đi làm. Đó cũng là điều làm nên sự mê hoặc của vùng cao phía Bắc Việt Nam.
Video đang HOT
Với nhiều người trẻ, việc chiêm ngưỡng những ngôi nhà nhỏ nằm lẩn quất sau rặng cây xanh, bên ngoài là hàng rào đá cao là những chuyện thường thấy trên tranh ảnh, hay ti vi, đặc biệt là cảnh những ngôi nhà giàu có nằm trên núi ở Hàn Quốc, thì đi dọc cao nguyên Đồng Văn, bạn sẽ được “mục sở thị” điều này.
Đó là những ngôi nhà mái ngói đã cũ, nho nhỏ, xinh xinh, bốn bề được che chắn bởi hàng rào đá. Có những làng, các ngôi nhà nối liền nhau, khiến cho hàng rào đá này cũng vì thế mà tạo thành những hình zic zắc.
Càng đi sâu vào núi, chúng ta lại thêm phần thích thú khi giữa lưng chừng đá là một ngôi nhà nằm tĩnh lặng sau hàng đào phai.
Nhà ở trên cao nguyên đá.
Thơ mộng và yên bình.
Một ngôi nhà nằm chênh vênh trên núi đá.
Thậm chí, khi bạn đã đặt chân đến thị trấn Mèo Vạc, ngắm nhìn những ngôi nhà theo kiến trúc người Hoa thì bạn cũng sẽ thấy chúng được nằm kiên cố dọc theo núi đá.
Đây cũng là nơi dừng chân nghỉ lại của hành trình chinh phục Đồng Văn. Tại thị trấn bé nhỏ này, ban đêm, những chiếc đèn lồng đỏ thắp sáng trước hiên nhà. Sáng sớm tinh mơ, chợ Mèo Vạc lao xao tiếng cười nói, mua bán của người dân tộc.
Tại đây, du khách còn rất hứng thú với một quán cà phê mộc mạc mà cổ kính, nằm ngay con đường phía sau chợ. Đêm cao nguyên, bên chiếc đèn dầu léo lắt, du khách sẽ lắng hồn mình vào tiếng khèn, tiếng nhị của những nghệ nhân vùng cao. Thậm chí, nếu muốn nghỉ lại, ở đây cũng có dịch vụ cho bạn ngủ, với chăn ấm, đệm êm.
Vào ngày 1/12, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Hà Giang đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của Công viên địa chất toàn cầu.
Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của Công viên địa chất toàn cầu.
Với vị thế này, hi vọng rằng trong những năm tới, hành trình thưởng ngoạn cao nguyên đá Đồng Văn sẽ dễ dàng hơn.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Con chữ trong lòng đá
Dù điều kiện còn muôn vàn khó khăn, các thầy cô giáo vẫn kiên trì bám trụ để "gieo mầm" cho những con chữ nở hoa trên cao nguyên đá
Cách thị trấn Đồng Văn gần 50 km đường đá hiểm trở, Hố Quáng Phìn là ngôi trường heo hút nhất của huyện Đồng Văn, Hà Giang. Trường có 32 lớp với 1 trường chính và 8 điểm trường rải rác trong bản. 49 thầy cô giáo trẻ người miền xuôi lên đây bám trụ đang từng ngày gieo từng vần Ê, vần A cho những đứa trẻ lam lũ sinh ra và lớn lên từ lòng đá.
Mặc cho heo hút và cái lạnh cắt người, chúng tôi quyết định chọn phương tiện xe máy lên thăm trường THCS Hố Quáng Phìn ở nơi xa nhất của huyện miền núi biên cương.
Tiếp chúng tôi là thầy giáo Phạm Đức Sơn, Hiệu phó, quê ở Hưng Yên. Thầy Sơn đã có hơn 10 năm cắm chốt cùng bà con nơi đây. Vừa cùng chúng tôi đi thăm các phòng học, thầy Sơn vừa tâm sự: Về cơ bản, nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Cơ sở học tập ngoài trường chính có đầy đủ hơn, những điểm trường trong bản còn tạm bợ, chắp vá. Điều kiện giảng dạy của các thầy cô nơi đây còn nhiều thiếu thốn, nhất là khi vào dạy tại các điểm trường trong bản như Xà Xồ, Khu Trù Ván, Tà Xán... phải đi bộ mất nửa ngày đường mới tới nơi. Thường thầy cô ở lại cùng nhà đồng bào luôn. Tối đến không có điện, dưới ánh đèn dầu leo lét bao mái đầu xanh vẫn miệt mài bên trang giáo án. Tất cả vì những bài giảng hay, dễ hiểu với mong muốn làm sao các em nhỏ sẽ tiếp thu được nhiều con chữ.
Đường lên điểm trường là các đường mòn độc đạo, núi đá cheo leo... nên tất nhiên đi bộ là "lựa chọn" duy nhất mà các thầy cô không có quyền thay đổi. Khó khăn là vậy, nhưng sự tận tâm và lòng nhiệt huyết với nghề cùng với sức trẻ luôn là nguồn động lực cho tập thể 49 giáo viên ngày đêm kiên trì chở những "chuyến đò" qua sông.
Do đặc thù địa bàn công tác hiểm trở, giao thông khó khăn nên nhu yếu phẩm khan hiếm, đắt đỏ... Đến nước ăn cũng phải mua từng can. Còn nhiều chuyện về sinh hoạt mà thầy Sơn kể cười ra nước mắt. "Nhưng so với 10 năm trước khi mới về đây công tác giờ cũng đã đỡ hơn nhiều rồi" - Thầy Hiệu phó nhoẻn miệng cười.
Được biết, những năm qua, địa phương cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ qua các chương trình 134, 135... đã kiến thiết cho trường PTCS Hố Quáng Phìn cơ sở hạ tầng cơ bản ban đầu như: điểm trường chính 2 tầng, nhà ở giáo viên, nhà lưu trú cho học sinh, nhà ăn, phòng y tế... nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được phần nào đòi hỏi thực tế.
Ông Lầu Mí Sắt, Chủ tịch xã Hố Quáng Phìn cho biết: "Khó khăn nhất ở đây vẫn là giao thông. Ngoài con đường chính vào trụ sở xã ra hầu hết là đường hẹp, cheo leo hiểm chở, ô tô không đi được. Bên cạnh đó là vấn đề thiếu nước sinh hoạt, các hồ treo lân cận đã phát huy hết khả năng nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của đồng bào. Xã cũng rất quan tâm đến đời sống của giáo viên, nhưng do kinh tế địa phương còn nghèo nên vẫn chỉ động viên tinh thần là chính".
Hiện 90% giáo viên của trường đạt trình độ cao đẳng, đại học, và tuổi đời trung bình của các thầy cô ở đây còn khá trẻ. Một đặc điểm chung nhất ở đây mà chúng tôi nhận thấy đó là các thầy cô rất ít có dịp về thăm nhà, họ ở lại rồi ăn Tết cùng bà con luôn. Từ tình đồng nghiệp, rồi cùng cảnh xa quê nhiều năm mà nhiều thầy cô đã xích lại gần nhau hơn để nên vợ, nên chồng, gắn bó cả cuộc đời mình với cao nguyên đá. Chính nhờ sự nhiệt huyết và cống hiến thầm lặng ấy, nên mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng hàng năm trường Hố Quáng Phìn luôn đạt tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp trên 90%, và đã xoá mù chữ 100% thôn bản.
Đáng chú ý, từ Nghị định 112 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh Hà Giang về chính sách ưu tiên học sinh nghèo vùng cao đặc biệt khó khăn, mỗi em học sinh diện khó khăn được hỗ trợ hàng tháng 140.000 đồng/người, số tiền còn ít nhưng đã giúp các em rất nhiều trong việc sắm dụng cụ học tập, cũng như thêm thắt bữa ăn hàng ngày cho các em.
Trong bữa cơm trưa đông đủ, thân mật, Chủ tịch xã Lầu Mí Sắt còn cho biết: Hiện Hố Quáng Phìn vẫn là một trong những xã nghèo của huyện Đồng Văn. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. Thầy Sơn cũng chia sẻ thêm về những khó khăn của trường như sự bất đồng ngôn ngữ, mặc dù trường đã có chủ trương dạy tiếng Việt cho học sinh từ 6 tuổi nhưng hiệu quả chưa cao, việc truyền đạt của thầy, cũng như sự tiếp thu của trò còn nhiều hạn chế.
Hố Quáng Phìn vẫn đang cần có nhiều chính sách ưu tiên, đặc biệt quan tâm hơn nữa trong chiến lược phát triển kinh tế tại địa phương... Khi đủ cái ăn, ấm cái mặc, thì lòng người Mông sẽ đón nhận con chữ được dễ dàng hơn./.
Nguyễn Thế Lượng
Theo VOV
Bí ẩn đá "đẻ" trứng ở Trung Quốc Tại khu tự trị của người Miêu ở Quý Châu, Trung Quốc có một vùng quang cảnh núi đá, suối nước vô cùng đẹp và độc đáo được gọi là "Đá đẻ trứng". Cứ vài thập niên, vách đá này lại cho "thòi" ra ngoài một số viên đá tròn trông giống như những quả trứng khủng long bằng đá nên nó được...