Cao ngựa bạch – cẩn thận hàng giả!
Theo các chuyên gia, cao ngựa bạch có tác dụng tốt hơn cao ngựa thường, nhưng giống ngựa bạch ở Việt Nam là rất hiếm, có giá lên đến trăm triệu. Vì thế, coi chừng mua phải “hàng giả”.
Không nhãn mác, mỗi nơi một giá!
Tại phố Thuốc Bắc (Hà Nội), chị bán hàng tên Liên ở số nhà 43 bảo tôi chờ một chút rồi bảo một người phụ nữa khác đi “đòi” hai miếng cao xương ngựa về cho tôi xem.
Trong lúc chờ đợi, chị Liên tiếp thị: Tuy là cao xương ngựa nhưng cũng có hai loại cao: cao xương ngựa bạch và cao xương thịt ngựa bạch. Theo chị Liên, giá của cao xương ngựa bạch thì 800.000đ/lạng. Còn cao xương thịt ngựa thì có giá 600.000đ/lạng miễn mặc cả.
Quan sát hai miếng cao ngựa được mang về làm mẫu cho tôi xem thì thấy mỗi miếng được để trong hai túi nilon buộc dây chun vòng, có màu nâu vàng, nhãn mác là một miếng giấy như bìa sau của vỏ bao thuốc lá viết tay nguệch ngoạc: Cao xương ngựa bạch. Miếng kia không ghi gì.
Cao ngựa không nhãn mác trôi nổi trên thị trường.
Video đang HOT
Cả hai miếng cao đó đều không có bao bì, nhãn mác theo quy định. Tôi có thắc mắc về nhãn hiệu, bao bì thì chị Liên bảo nhà chị ở đây, bán bao nhiêu đời rồi, không bao giờ bán loại kém chất lượng, nôm na là bán hàng bằng uy tín, bảo hành chất lượng bằng uy tín nhà hàng.
Chúng tôi đến khu chợ Đông y ở quận 5, TP.HCM, giá cả ở đây rất phong phú, từ vài trăm ngàn cho đến bạc triệu một lạng, nhưng để biết có đảm bảo chất lượng hay không thì… chịu, vì ngay cả người bán hàng cũng bó tay!
Tại Công ty Đ.L cũng trên phố này, chị Vũ K.L phụ trách kinh doanh đồng thời bán thuốc tân dược ở đây cho biết, cao xương ngựa có giá bán là 400.000đ/lạng.
Chúng tôi muốn ngỏ ý xem hàng trước khi mua, chị K.L bảo chờ một lát chị lấy ra một thỏi cao hình chữ nhật (ngang chừng 3cm, dài chừng 10cm, dày độ 2cm) có màu nâu cánh gián, bọc trong bao nilon, không có nhãn mác hay hạn sử dụng mà chỉ có một dòng chữ “cao xương ngựa” bằng bút lông viết trên bọc nilon. Chị K.L nói nếu mua nhiều với số lượng lớn thì có thể thương lượng lại giá.
Nhờ người quen giới thiệu và giúp đỡ, chúng tôi được ông chủ một tiệm kinh doanh dược liệu gọi và cho chúng tôi số điện thoại của một người chuyên cung cấp cao ngựa ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam là anh T.
Sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi được anh T. cho biết là anh bán cao xương ngựa màu giá 400.000đ/lạng, còn cao ngựa bạch thì chỉ có cao toàn tính giá 1.000.000đ/lạng, chứ không có cao xương ngựa bạch riêng.
Cao ngựa bạch tốt, nhưng cẩn thận hàng giả!
Theo Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, cả cao ngựa bạch và cao ngựa thường đều có những tác dụng tích cực trong việc chăm sóc sức khoẻ con người.
Chẳng hạn như: chữa đau nhức xương khớp, mạnh gân, cường cơ, phòng chống loãng xương, bồi bổ cơ thể, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ sau khi sinh, người lao động nặng nhọc, độc hại, người già kém ăn mất ngủ…
Vẫn theo ông Hướng, hiện nay, chưa có một nghiên cứu khoa học chính thức nào so sánh tác dụng giữa cao ngựa thường và xương ngựa bạch. Nhưng, theo kinh nghiệm dân gian sử dụng thì cao ngựa bạch có tác dụng tốt hơn. Có thể do cấu trúc thành phần trong xương ngựa bạch có các yếu tố vi lượng khác xương ngựa thường.
Treo biển bán nhưng chưa chắc đã có “hàng thật”!
“ Tuy nhiên, theo tôi được biết, hiện tại ở Việt Nam số lượng ngựa bạch không nhiều, chỉ khoảng 400 con. Vì thế, để tránh mua phải “cao ngựa bạch giả”, c ao pha trộn… người tiêu dùng cần nhờ những người có kinh nghiệm hoặc tìm những địa chỉ tin cậy, có thương hiệu để chọn mua” – thầy thuốc Nguyễn Xuân Hướng khẳng định.
Lương y Vũ Quốc Trung cũng cùng quan điểm: So với ngựa thường, ngựa bạch có nhiều ưu điểm vượt trội. Ngựa bạch phải hội tụ các yếu tố sau: Mắt có màu trắng mây, chung quanh con ngươi có một vành màu đồng lửa, thậm chí trong đêm, mắt đỏ như đốm lửa.
Bộ phận sinh dục, mũi, mõm có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, màu cước ánh bạc. Ngựa bạch nếu thiếu một trong những đặc điểm trên thì chỉ được gọi là ngựa kim, vì là sản phẩm F1 giữa ngựa bạch và ngựa màu.
Những cặp ngựa bạch bố mẹ mua trong nước trị giá vài chục triệu đồng, nhưng với những giống ngựa thuần chủng to khoẻ phải mua tới gần 100 triệu đồng.
Thịt và xương ngựa bạch thơm, ăn ngọt, dễ chế biến. Các loại ngựa khác có mùi hôi khi chế biến, thành phần và tỷ lệ các chất dinh dưỡng đều thua kém ngựa bạch. Bởi vậy, giá cao ngựa bạch bây giờ cũng đắt hơn cao ngựa thường là điều dễ hiểu.
Bởi vậy, để kiếm lợi các lo nấu cao ngựa và các điểm kinh doanh cao ngựa đã cố tình không dán nhãn mác, tim mọi cách đánh lừa khách hàng. Cao ngựa thường sẽ được bán với giá cao ngựa bạch nếu kháhc hàng không tinh ý.
Lương y Nguyễn Thiên Quyến (nguyên chủ tịch Hội đông y Hà Nội) cho biết, có nhiều trường hợp sử dụng cao ngựa bị ngộ độc hay có các phản ứng phụ, có thể do cơ địa của người sử dụng không hợp với thành phần của xương ngựa hoặc nguyên nhân phổ biến hơn là do người dùng mua phải cao ngựa kém chất lượng. Những loại cao này đã bị người sản xuất pha tạp các loại xương động vật khác, hoặc sản xuất không đúng quy trình, không đảm bảo vệ sinh…
Theo Nga Hương – Trang Nga