Cáo buộc né thuế có ‘nhấn chìm’ Tổng thống Trump?
Bài điều tra của New York Times đặt ra nghi vấn Tổng thống Trump né thuế với hàng loạt khoản nợ lớn. Vụ việc nhiều khả năng tác động tới cơ hội tái đắc cử của ông chủ Nhà Trắng.
Từ thời khắc tuyên bố chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ tại tòa tháp hạng sang mang tên mình, Donald Trump đã khẳng định bản thân là doanh nhân thành đạt, có khả năng điều hành nền kinh tế hiệu quả, gặt hái thành công.
Hình ảnh doanh nhân thành đạt cũng gắn liền với ông Trump thông qua chương trình truyền hình thực tế “The Apprentice”, trong đó vị tỷ phú đánh giá khả năng kinh doanh của các doanh nhân đầy tham vọng, lời thoại chủ yếu của ông là “anh bị sa thải”.
“Ngày 27/9, hình ảnh ấy cuối cùng đã bị xé toạc”, tờ Guardian bình luận.
Hình ảnh trái ngược với tuyên bố
Theo bài điều tra đối với thuế thu nhập cá nhân của Tổng thống Trump do New York Times công bố, vị tỷ phú với tài sản hàng tỷ USD trước khi bước vào Nhà Trắng đã liên tục thua lỗ trong nhiều năm.
“Nhìn vào bài điều tra của New York Times, có ba điểm được rút ra: Ông Trump không phải là doanh nhân giỏi, ông rất giỏi né thuế, và ông có thể có xung đột lợi ích nghiêm trọng trong quan hệ với các đối tác nước ngoài”, Guardian bình luận.
Những điểm này sẽ tác động thế nào đối với cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump vào tháng 11? Điều này chưa thể khẳng định chắc chắn.
Theo bài báo, ông Trump khai khoản lỗ tới 1,4 tỷ USD từ hoạt động kinh doanh chính vào năm 2008 và 2009. Tỷ phú này cũng bảo đảm cá nhân các khoản vay lên tới tổng cộng 421 triệu USD, phần lớn sẽ đến hạn trả nợ trong 4 năm tới.
Tổng thống Trump bác bỏ cáo buộc trốn thuế. Ảnh: AP.
“Nếu ông Trump tái đắc cử, các chủ nợ sẽ bị đặt vào tình thế chưa từng có tiền lệ là có thể siết nợ một tổng thống đương nhiệm”, New York Times viết.
Hạ nghị sĩ Dân chủ của bang Texas Joaquin Castro cho biết bài điều tra của New York Times “hé lộ điều mà nhiều người đã nghi ngờ, rằng ông Trump… không phải là người như ông tự mô tả”, theo MSNBC.
“Ông ta khoe mình là doanh nhân thành đạt, có tài đàm phán, tự xây dựng sự nghiệp cho bản thân, nhưng báo cáo thuế cho thấy điều ngược lại”, ông Castro nói.
Điều tra của New York Times đối với 18 năm tài chính cho thấy ông Trump không đóng thuế liên bang trong 11 năm. Vào các năm 2016 và 2017, số thuế ông Trump nộp chỉ là 750 USD, thấp hơn mức đóng thuế của hầu hết công dân Mỹ.
“Con số này chỉ ra câu chuyện rộng hơn về tình trạng trốn thuế của giới siêu giàu”, Guardian bình luận.
“Ông ta biết rõ hơn ai hết rằng có những luật lệ riêng cho người giàu và giới đại doanh nghiệp, và có một luật khác cho những công dân Mỹ làm việc chăm chỉ”, Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren chỉ trích.
Tác động thế nào tới bầu cử?
Bài điều tra của New York Times có thể được coi là “quả bom” phát nổ ngay trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11. Nhưng tình huống này không phải lần đầu xảy ra đối với ông Trump.
Đòn đánh tương tự nhắm vào ông Trump cũng xuất hiện vào tháng 10/2016 khi một đoạn băng, trong đó ông Trump khoe khoang về tấn công tình dục, bị rò rỉ.
Trong cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên giữa ông Trump và bà Hillary Cliton, ứng viên đảng Dân chủ cho rằng việc ông Trump không công bố báo cáo nộp thuế là bởi ông không đóng thuế liên bang. Ông Trump đáp trả: “Điều này chứng tỏ tôi thông minh”.
Phát biểu của ông Trump đã tạo ra làn sóng phẫn nộ, nhiều người cho rằng cuộc đua của vị tỷ phú đã chấm hết. Nhưng phát ngôn có phần ngông cuồng này có lẽ đã đánh trúng tâm lý của một số cử tri, những người có thể sẵn sàng lách luật để tiết kiệm một vài USD.
Trong các cuộc vận động cử tri, người ta dễ dàng nhận ra những người ủng hộ ông nhiệt thành nhất, có lẽ bởi họ nhìn thấy phần nào đó của bản thân mình trong vị tổng thống.
Nhiều cử tri ủng hộ nhiệt thành bởi họ thấy một phần bản thân mình trong ông Trump. Ảnh: Getty.
Khi Tổng thống Trump phàn nàn có phần cay đắng rằng cựu Tổng thống Obama giành giải Nobel Hòa bình, trong khi việc ông được đề cử nhận được rất ít sự chú ý, điều này dường như tạo ra sợi dây kết nối với những người cảm thấy bị quên lãng trong xã hội Mỹ hiện đại.
Ông Trump mang tới câu chuyện của một người mà ông tự miêu tả là “ngoài cuộc”, không diễn thuyết như tầng lớp thượng lưu có học, nhưng vẫn làm giàu và kết hôn với người mẫu. Những người ủng hộ ông được truyền cảm hứng về ý tưởng công nhân cũng có thể trở thành tỷ phú, phiên bản thực sự của giấc mơ Mỹ.
Và cũng có lượng lớn người ủng hộ Tổng thống Trump không quan tâm tới tờ New York Times hay mạng xã hội.
Vấn đề thuế của Tổng thống Trump từng được đặt ra trước đây, liên quan tới kinh doanh của gia đình, trong bài điều tra của New York Times được trao giải Pulitzer tháng 10/2018. Nhưng bài điều tra lần này đẩy vấn đề đi xa hơn, đặt ra những câu hỏi có tính tổn thất lớn hơn cho ông chủ Nhà Trắng.
Trong hai năm đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump thu về 73 triệu USD từ các hoạt động ở nước ngoài, gồm 3 triệu USD từ Philippines, 2,3 triệu USD từ Ấn Độ, và 1 triệu USD từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2017, ông Trump nộp khoản thuế lần lượt là 145.400 USD tại Ấn Độ và 156.824 USD tại Philippines, nhưng khoản thuế ông nộp tại Mỹ chỉ là 750 USD.
“Tổng thống Trump từng công khai khen ngợi lãnh đạo Philippines, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Liệu các khoản thu nhập từ nước ngoài của ông Trump có gây ra xung đội lợi ích với trách nhiệm của một vị tổng thống? Ông ấy có đặt lợi ích cá nhân lên trên người dân Mỹ? Ông ấy có vi phạm pháp luật?”, Guardian đặt ra câu hỏi.
New York Times cho biết sẽ tiếp tục công khai nhiều chi tiết hơn. Điều tra này thực tế có lẽ không làm lung lay những cử tri trung thành nhất với Tổng thống Trump, xét tới những đòn công kích từ đảng Dân chủ và một bộ phận truyền thông cánh tả Mỹ suốt chiến dịch tranh cử năm 2016, cũng như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
“Nhưng chúng có thể tước khỏi tay ông Trump số cử tri (trung lập) đủ để tạo ra sự khác biệt trong cuộc bầu cử”, Guardian bình luận.
Tổng thống Trump ám chỉ sa thải 'siêu cố vấn' chống COVID-19
Dòng tweet mới đây của Tổng thống Trump khiến nhiều người tin rằng ông chủ Nhà Trắng đang ám chỉ việc sa thải chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ.
Hôm 12/3, ông Trump retweet lại một tweet kêu gọi sa thải Anthony Fauci, giám đốc Viện Bệnh Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của chính trị gia đảng Cộng hòa DeAnna Lorrain.
"Fauci nói rằng nếu Tổng thống Trump lắng nghe ý kiến của các chuyên gia y tế sớm hơn, ông ấy có thể đã cứu được nhiều người hơn. Nhưng vào ngày 29/2, Fauci nói với mọi người rằng không có gì phải lo lắng và nó (dịch COVID-19) nói chung không đặt ra mối đe dọa nào với công chúng Mỹ. Đã đến lúc #Fauci", dòng tweet viết.
Anthony Fauci, giám đốc Viện Bệnh Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Trong một cuộc họp báo tuần trước, Tổng thống Trump liên tục nói về việc sử dụng hydroxycholoroquine, loại thuốc dùng điều trị bệnh sốt rét hoặc lupus để chữa trị cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, ông ngăn cản ông Fauci trả lời về tác dụng của loại thuốc này.
Không rõ dòng tweet mới đây có gửi đi tín hiệu nào đó hay không, nhưng 5 ngày trước, Tổng thống Mỹ đã sa thải Glenn Fine, Tổng thanh tra đặc trách giám sát thực thi gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.300 tỷ USD nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.
Trước đó, ông cho nghỉ việc Tổng thanh tra Cộng đồng tình báo Mỹ Michael Atkinson sau khi ông này nộp đơn khiếu nại của người tố giác liên quan đến cuộc điều tra luận tội nhằm vào nhà lãnh đạo Mỹ lên Quốc hội.
Ông Fauci, 79 tuổi từng làm việc dưới 6 đời Tổng thống Mỹ. Ông giữ chức giám đốc Viện Bệnh Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia từ năm 1984 và "kinh qua" nhiều đại dịch lớn trước đây như HIV, SARS, MERS và Ebola. Ông là một trong những vị cố vấn quan trọng của các Tổng thống Mỹ khi phải ứng phó với một dịch bệnh.
Video: Chàng trai người Anh tại khu cách ly cảm ơn Việt Nam
Khác với thông tin mà bà Lorrain viết trên tweet của mình, tờ The New York Times khẳng định ông Fauci và các chuyên gia y tế công cộng hàng đầu khác hôm 21/2 từng kêu gọi chính quyền áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội dù có phải trả giá bằng nền kinh tế Mỹ và phá vỡ cuộc sống bình thường.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 12/4, ông Fauci nói rằng nhiều người lẽ ra đã được cứu nếu Mỹ sớm thực hiện các biện pháp chống dịch.
Ông nói thêm rằng sẽ có ít người chết hơn nếu chính quyền Trump công bố áp dụng các biện pháp kiểm dịch vào tháng 2 thay vì cuối tháng 3 sau khi nhận được cảnh báo từ các quan chức y tế công cộng.
"Tôi đã nói rất nhiều lần. Chúng tôi nhìn nhận từ quan điểm sức khỏe thuần túy. Thông thường các khuyến nghị được thực hiện, đôi khi không", ông cho hay.
SONG HY
Trump nỗ lực tìm thuốc trị nCoV thế nào Trước viễn cảnh đại dịch bùng phát, kinh tế sụp đổ, khủng hoảng chính trị, Tổng thống Trump nghĩ ông có thể tìm thấy cứu cánh: thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine. Ông chủ Nhà Trắng nghe về loại thuốc trị sốt rét gây tranh cãi này qua điện thoại từ những người bạn ở New York, trong đó có luật sư riêng Rudolph...