Canh xương rồng đặc sản Tam Thanh
Xương rồng sống ở những vùng đất khô cằn. Với nhiều người, thật khó tưởng tượng loại cây này lại là đặc sản của người dân Quảng Nam, đặc biệt là ở Tam Thanh với món canh xương rồng.
Canh xương rồng. Ảnh: KIỀU MAI
Thực ra, ở xứ biển Quảng Nam, từ xưa xương rồng đã là nguyên liệu trong các bữa ăn với đủ cách chế biến: xào, kho cá, làm gỏi, nấu canh… Với người Tam Thanh, canh xương rồng vừa là món dân dã vừa là món ngon đãi khách quý. Dân dã vì nguyên liệu gắn liền xứ biến, dễ tìm. Quý vì ngày nay không mấy ai còn nấu món này và cách làm cũng khá kỳ công. Nguyên liệu chính gồm cá biển, đọt non xương rồng và lá chua (loại dây leo mọc bụi ở ven những vùng quê xứ Quảng, ở miền Tây gọi là bụp giấm). Lá rau chua có hình răng cưa, vị chua thanh, nhè nhẹ như lá me đất, lá càng già thì vị chua càng đậm.
Video đang HOT
Cá để nấu canh có thể là cá leo, cá thu, cá lạt, cá ồ… miễn là cá biển tươi. Cá được làm sạch, cắt khúc vừa ăn và ướp bằng nước mắm nhỉ, chút muối, bột nêm trong khoảng 10-15 phút. Kỳ công nhất là sơ chế xương rồng. Loại xương rồng ba cạnh được cắt đoạn khoảng 10cm (lấy từ phần đọt xuống), gọt hết cạnh gai, lột sạch lớp màng mỏng trắng ở các cạnh, cắt lát mỏng khoảng 2-3mm. Xương rồng cắt ra tựa như những ngôi sao, nhưng chỉ có 4 cánh. Để khử mùi, bớt nhớt, sạch mủ xương rồng, người ta ngâm những lát xương rồng vào nước muối trong 20-30 phút, sau đó vớt ra vắt cho ráo nước. Chuối chát gọt vỏ, cắt lát vừa ăn. Sau khi chuẩn bị tất cả các nguyên liệu, cá được cho vào nồi sơ chế, đổ nước xăm xắp. Khi cá vừa chín, lần lượt cho chuối chát, xương rồng vào; sau đó là lá chua, nêm nếm chút gia vị là tắt bếp. Có thể để thêm vài cọng rau húng lủi vào khi dọn món.
Vị cá biển tươi ngọt, vị chua nhẹ của các loại nguyên liệu đã tạo nên món canh khá hấp dẫn và thanh đạm trong những ngày nắng nóng. Những lát xương rồng dai dai, giòn giòn, chua nhẹ càng làm cho món ăn thêm độc đáo. Xương rồng còn được giới khoa học ẩm thực quốc tế coi là một loại siêu thực phẩm mới, có nhiều dược tính trị mệt mỏi, căng thẳng, các bệnh tiểu đường, gai cột sống, cao huyết áp…
Về Quảng ăn 'con chi chi ri bây', ông ăn bà khen nức nở
Nhiều người Quảng Nam thấy hình dáng kỳ dị của con sâu biển (sá sùng, giun biển, địa sâm...) đã thốt lên "con chi chi ri bây". Mà lỡ ăn rồi thì hầu như ai cũng ghiền!
Sá sùng xào thơm ẢNH: QUANG VIÊN
Đúng là những ai "yếu bóng vía" sẽ không can đảm ăn con sá sùng, khi còn ngọ nguậy trông nó rất dễ "nổi da gà", nhưng thời xưa nó là sản vật tiến vua. Sá sùng từng được coi như bột ngọt tự nhiên của những quán phở gia truyền. Xưa và nay các ông còn truyền "bí kíp" tẩm bổ bằng sá sùng để "bà khen" nức nở.
Trong khi đó, khoa học đã chứng minh: Thịt sá sùng chứa 17 nguyên tố khoáng, 8 loại a xít amin không thay thế và 10 loại a xít amin thay thế rất cần thiết cho cơ thể con người. Y học cổ truyền cho biết con địa sâm này chủ trị chứng tâm hàn, bổ dương khí. Cho nên không lạ nếu có ai lỡ "nhắm mắt" ăn đại một lần rồi mong chờ đến lần tiếp theo.
Tôi tin loài nhuyễn thể sống chui dưới đất này đạt kỷ lục về tên gọi. Sá sùng, sâu biển, giun biển, địa sâm, bi bi, đồn đột, chặt khoai... đều dùng để chỉ nó. Nhiều tài liệu cho biết loài giun đặc sản này có ở các bãi biển Quảng Ninh, Nha Trang... Nhưng, thật ra các sông gần cửa biển Quảng Nam cũng có. Gần đây, những người khai thác phi (một loài nhuyễn thể hai mảnh) trên sông Trường Giang, đoạn chảy qua xã Tam Tiến đến cửa An Hòa, thuộc H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đã bắt được khá nhiều sá sùng.
Phần lớn sá sùng tại đây được thương lái gom với giá 100.000 đồng/kg tươi để xuất đi nơi khác. Tuy nhiên, đặc sản kỳ dị trời cho này cũng được dân sành ăn mua về chế biến làm món lai rai. Khô sá sùng nướng lên thơm phức, ngọt hơn cả mực. Tẩm bột chiên, nấu cháo, nấu canh, làm nước lèo... đều ngon, bổ dưỡng. Sá sùng tươi có thể xào với các loại rau củ. Dân Quảng Nam khoái nhất là món sá sùng tươi xào hành, thơm (khóm).
Sá sùng còn sống phải kỳ công lộn ngược lấy hết cát, chất bẩn trong ruột. Sau đó, cho muối, chanh vào bóp sạch, cắt khúc. Tẩm ướp củ nén (hành tăm), tỏi, tiêu, ớt và tí ti nước mắm nhỉ vào thịt sá sùng, để tầm mươi phút rồi xào vừa chín tới.
Thịt sá sùng rất ngọt nên đừng dùng thêm bột ngọt. Tiếp theo, cho hành, ngò, thơm cắt lát vào chảo, đảo qua vài lần thì đem ăn. Sá sùng tươi xào kiểu này nhai nghe giòn sần sật, vị ngọt đậm đà, mực tươi cũng không sánh bằng. Mùi hành ngò, quyện với hương vị quả thơm làm cho món sá sùng xào thêm "thăng hoa".
Sá sùng được coi là vị thuốc nên còn dùng loại khô sao vàng tán nhuyễn chiêu nước ấm để uống cải thiện sức khỏe.
Quang Viên
Cua đá "cù lao" Chuyện bắt đầu từ một chuyến đi du lịch bụi về Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), anh bạn lang thang dạo chợ và bất ngờ thấy bảng bán cua nhưng không phải loài sống dưới biển. Ngộ một điều là, ở đảo nhưng mấy cô lại không bán cua biển mà chỉ bán toàn cua đá - cua sống trên rừng...