Cảnh tượng chưa từng có: Đúng vụ cá nhưng tàu thuyền vẫn đậu kín một cảng cá ở Nghệ An vì lý do này
Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2022, đội tàu đánh bắt xa bờ ở Nghệ An phấn khởi ra khơi, tuy nhiên do giá xăng dầu tăng chóng mặt, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Nghệ An có nguy cơ phải nằm bờ vì có ra khơi cũng chấp nhận lỗ.
Cảng cá Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò vắng bóng người mua bán hải sản; ngư dân gác thuyền nằm bờ vì ra khơi sẽ thua lỗ. Thực hiện: Cảnh Thắng
Giá xăng dầu tăng cao, ngư dân gác thuyền nằm bờ
Những ngày này, men theo con đường nhỏ vào cảng cá Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), người dân địa phương và du khách không mấy bất ngờ khi tàu thuyền đánh cá của ngư dân neo đậu dày đặc trên bên bờ, nguyên nhân do giá xăng dầu đã tăng chóng mặt.
Tàu thuyền neo đậu kín lạch Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò vì giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: Cảnh Thắng
Chỉ tay vào đoàn tàu đang nằm bờ, ông Nguyễn Đình Hợp, trú tại khối Yên Định, phường Nghi Thủy cho biết: “Gia đình tôi có một tàu đánh cá với công suất hơn 65CV. Những ngày trước, tôi và 7 bạn thuyền thường đi khai thác hải sản ở các vùng biển Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Nhưng bây giờ giá xăng dầu tăng cao quá đành quay thuyền vào bờ chờ xăng dầu giảm giá mới ra khơi được”.
Theo ông Thương, chi phí mỗi chuyến đi biển hết ít nhất 25 triệu đồng. Nếu chuyến đi may mắn trúng luồng cá thì đủ tiền chi phí, còn không thì lỗ nặng, phải bù giá nhiên liệu”.
“Giá xăng dầu tăng cao, kéo theo chi phí một chuyến vươn khơi đội lên rất nhiều. Trong khi đó, sản lượng ra khơi đánh bắt không được nhiều, giá tôm, cá không tăng, sức mua cũng giảm hơn trước nên mỗi chuyến ra khơi tôi lỗ cả chục triệu đồng. Thua lỗ liên tiếp, thu nhập bấp bênh, khiến lao động trẻ ở địa phương lâu dần không mặn mà với nghề”, ông Hợp cho biết thêm.
Tàu thuyền năm bờ do không chịu đựng được giá xăng dầu tăng cao, ngư dân mong mỏi được ra khơi. Ảnh: Cảnh Thắng
Tương tự, ông Phùng Bá Thu trú tại phường Nghi Thủy cho biết: “Chiếc tàu 850CV của gia đình mỗi khi đánh bắt xa bờ ít nhất cũng 30 ngày. Mỗi chuyến đi như vậy có 25 bạn thuyền cùng theo. Nhiên liệu “ngốn” gần 3.000 – 4.000 lít dầu. Như vậy tôi đâu đủ chi phí trang trải cho bạn thuyền. Cứ ra khơi thời điểm này là phải bù lỗ”.
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Đình Hợp, cả phường Nghi Thủy có hơn 20 chiếc tàu vỏ sắt công suất 800CV trở lên và hơn 100 chiếc tàu công suất từ 60CV đến 100CV. Hiện tại tất cả tàu đều nằm bờ vì không kham nổi giá xăng dầu.
Theo quan sát của phóng viên tại cảng cá Nghi Thủy, không chỉ có tàu gỗ mà hàng chục tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Nghệ An cũng lâm cảnh tương tự.
“Không thể ra khơi đánh bắt hải sản vì thu nhập không đủ trang trải chi phí, trong khi nằm bờ lâu ngày cũng dễ bị hư rồi lại tốn tiền sửa chữa, thời điểm này chúng tôi không biết xoay sở như thế nào?”, ông Hợp cho biết thêm.
Muôn trùng khó khăn bủa vây ngư dân khi giá xăng dầu lên cao
Theo ông Phùng Bá Thu, không chỉ giá cả leo thang, chi phí cho mỗi chuyến biển không đủ trang trải, trả lương cho nhân công, nhiều chủ thuyền ở Nghệ An còn gặp khó khi tìm bạn thuyền.
Nghề biển thu nhập bấp bênh, khiến lao động trẻ ở địa phương lâu dần không mặn mà với nghề. Họ rời quê đi kiếm việc làm khác để mưu sinh, hoặc xuất khẩu lao động.
Vì giá xăng dầu lên quá cao tàu thuyền phải năm bờ chờ hạ giá. Ảnh: Cảnh Thắng
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện nay tại Nghệ An có hơn 3.400 tàu thuyền (T.X Hoàng Mai 885 tàu, huyện Quỳnh Lưu 585 tàu, huyện Diễn Châu có 497 tàu, thị xã Cửa Lò 345 tàu…) trong đó có hơn 1.000 chiếc công suất lớn, đánh bắt xa bờ.
Với đội ngũ gần 20.000 lao động nghề biển; có thể coi Nghệ An là là một trong những tỉnh chú trọng phát triển nghề biển.
Tuy nhiên, hai năm qua, ngư dân cũng như hoạt động nghề biển gặp nhiều khó khăn. Sản lượng khai thác trong tháng 1/2022 đạt 12.159 tấn (giá trị ước đạt 237,32 tỷ đồng).
Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 11.638 tấn, bằng 6,85% so với kế hoạch năm, tăng 8,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022 Nghệ An đặt kế hoạch khai thác 175.000 tấn hải sản.
“Giá nhiên liệu tăng cao trong khi ngư trường thu hẹp, dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ bị gián đoạn đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế nghề biển, lực lượng lao động cũng vì thế chuyển đổi nghề. Dù đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân bám biển song điều sâu xa nhất là mỗi chuyến biển phải có thu nhập thì ngư dân mới yên tâm vươn khơi”, ông Học cho biết thêm.
Tàu thuyền nằm bờ do giá xăng dầu tăng khiến nhiều ngư dân rất lo lắng. Ảnh: Cảnh Thắng
Theo ông Học, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến thủy sản và các chủ tàu yên tâm vươn khơi đánh bắt thủy hải sản, UBND tỉnh Nghệ An đã giữ ổn định và giảm dần sản lượng khai thác thủy sản gần bờ, tăng nuôi trồng; khuyến khích đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt.
Trong khi đó, ông Chu Quốc Nam – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho rằng, để động viên ngư dân tiếp tục bám biển, ngoài các chính sách của tỉnh, Chi cục cũng đang nỗ lực làm tốt công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đăng ký, đăng kiểm, cấp phép và nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Bên cạnh đó nắm bắt thời tiết dự báo ngư trường cho bà con, hỗ trợ máy thông tin tầm xa…
Nghệ An: Tháo gỡ khó khăn cho vận tải hành khách
Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô đã được phép hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.Nhưng các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn gặp khó khăn, đang đứng trước nguy cơ phá sản do nguồn vốn cạn kiệt, giá xăng dầu tăng cao, thiếu nhân lực.
Khu vực phòng chờ tại Bến xe phía Bắc thành phố Vinh vắng vẻ mặc du hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đã được phép hoạt động trở lại.
Chồng chất khó khăn
Công ty TNHH Thạch Thành là một trong những doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô lớn tại tỉnh Nghệ An có cả tuyến ngoại tỉnh và nội tỉnh với hàng trăm đầu xe. Thời điểm này, dù được phép hoạt động trở lại nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động "cầm chừng" tuyến nội tỉnh với 30% các đầu xe, đối với tuyến liên tỉnh chỉ mới hoạt động lại 3 đầu xe tuyến Vinh - Hà Nội và Vinh - Lạng Sơn.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, do nghỉ dịch kéo dài nên khi hoạt động trở lại, các khoản chi phí phát sinh quá nhiều, cần phải tính toán, cân đối lại cho phù hợp. Trong khi nhu cầu hành khách đi xe rất ít khiến nhà xe đang lâm vào cảnh phải bù lỗ.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Thạch Thành cho biết, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khách đi lại rất ít, tâm lý người dân còn e ngại. Các tỉnh đang còn vùng xanh, vùng đỏ khác nhau nên doanh nghiệp vận tải hành khách khi hoạt động trở lại cũng gặp khó. Trong khi đó, chi phí bỏ ra rất lớn, đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao, nhân công, bến bãi, thuế, phí đường bộ, phí cầu đường... cũng đội giá.
Cũng lâm vào cảnh khó khăn tương tự, trước đây Công ty TNHH Văn Minh mỗi ngày có trên 30 chuyến xe vận tải hành khách liên tỉnh chiều Hà Nội - Vinh - Hà Tĩnh và ngược lại. Song hiện hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh chỉ mới hoạt động trở lại chưa đến 10 đầu xe. Bên cạnh đó, sau gần 5 tháng nghỉ dịch, nhiều công nhân của công ty đã chuyển đổi việc làm khi nên khi hoạt động lại cũng cần nhiều thời gian để khôi phục lại vị trí việc làm như trước đây.
Ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc Công ty TNHH Văn Minh cho biết, dù nghỉ dịch kéo dài nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu nhiều khoản phí rất lớn. Sau thời gian nghỉ dịch, các doanh nghiệp cũng mất rất nhiều chi phí cho việc duy tu, bảo dưỡng lại phương tiện lại. Bên cạnh đó, riêng tại Công ty TNHH Văn Minh nhiều nhân viên cũng chuyển đổi công việc khác nên cũng mất thời gian để ổn định lại nhân sự và chất lượng cũng như thủ tục pháp lý đi kèm.
Hàng trăm xe khách không hoạt động, nằm im tại Bến xe phía Bắc thành phố Vinh (Nghệ An) nhiều tháng nay.
"Hiện giá xăng dầu tăng cao đỉnh điểm trong 7 năm trở lại đây đang tạo ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp khi giá xăng dầu chiếm 50% giá thành vận chuyển. Trong khi giá xe chưa thể tăng cao khi do dịch bệnh, kinh tế của người dân đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, hiện các lái xe, phụ xe, nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp vận tải hành khách ô tô vẫn đa số chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine, điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao" - ông Nguyễn Đàm Văn cho biết thêm.
Tại Bến xe phía Bắc thành phố Vinh (Nghệ An), những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã được triển khai nghiêm ngặt, đúng quy định của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải nhưng lượng hành khách rất ít, hàng trăm xe vẫn nằm chờ tại bến từ nhiều tháng trước cho đến nay. Trong tổng số 190 phương tiện đăng ký thường xuyên ra vào bến thì nay chỉ có trên 20 đầu xe hoạt động trở lại và cùng chỉ hoạt động "cầm chừng".
Theo chia sẻ của các nhà xe, nếu chạy sẽ phải bù lỗ do không có khách, trong khi chi phí xăng dầu tăng cao. Còn nếu không chạy, không có nguồn thu, tuy nhiên mỗi tháng doanh nghiệp vận tải khách vẫn phải bỏ ra cả trăm triệu đồng cho các chi phí phát sinh khác.
Cần giải pháp đồng bộ
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 700 đầu xe tham gia hoạt động vận tải; trong đó 580 phương tiện đăng ký hoạt động ở 243 tuyến cố định ở các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, hiện tuyến nội tỉnh đã hoạt động trở lại với khoảng 30%, chủ yếu là xe buýt, còn tuyến ngoại tỉnh mới chỉ có rất ít doanh nhiệp hoạt động trở lại.
Ông Bùi Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An cho biết, hiện các doanh nghiệp vận tải ô tô đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn các giải pháp, có văn bản đề xuất Sở Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Nghệ An có các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ cụ thể.
Hiện có khoảng 30% xe khách chạy liên tỉnh đã hoạt động "cầm chừng" trở lại, song phải bù lỗ do khách ít, phí xăng dầu tăng cao.
Theo ông Thắng, hoạt động kinh doanh vận tải khách trên liên tỉnh sẽ còn gặp khó khăn thêm một thời gian dài. Nhất là khi, vẫn còn một số địa phương chưa thống nhất về cách kiểm soát, quản lý, tổ chức vận tải hành khách, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến đà phục hồi của ngành vận tải cũng như cả nền kinh tế.
Do đó, cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh. Đó không chỉ là phí bến, bãi mà còn là phí cầu, đường, giảm lãi suất ngân hàng... để doanh nghiệp bớt được gánh nặng tài chính, khắc phục khó khăn, cố gắng duy trì và tiến tới hoạt động bình thường trở lại như trước đây.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho biết, sở đã chủ động đề xuất với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Ủy ban tỉnh Nghệ An tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp như: cho phép giãn nợ ngân hàng, giảm thuế trong thời gian các phương tiện đơn vị không hoạt động; đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép giảm phí đường bộ để làm giảm khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cũng có văn bàn để xuất với Ban chỉ đạo phòng chống COVID -19 tỉnh, Sở Y tế Nghệ An tạo điều kiện cho lái xe, phụ xe, nhân viên kinh doanh vận tải sớm được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng dịch để yên tâm làm việc trong trạng thái bình thường mới.
Theo ông Hùng, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan, ban ngành được Sở Giao thông Vận tải Nghệ An gửi văn bản đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp đã cơ bản chấp thuận đề xuất của sở.
Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm chế biến thủy sản hàng đầu thế giới Theo đề án Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030. Báo Tiền Phong thông tin cho biết quan điểm và định hướng là phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản quy mô hàng hóa lớn,...