“Cánh tay nối dài” của Trung Quốc tại vùng chiến lược châu Phi
Không chỉ đặt căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên, Trung Quốc còn triển khai hàng loạt dự án quan trọng tại Djibouti – quốc gia với vị trí chiến lược tại khu vực Sừng châu Phi với nhiều lợi thế dành cho Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh tại Nam Phi năm 2015 (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Theo SCMP, Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh sẽ tới Trung Quốc vào ngày 22/11 trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày. Chuyến thăm này được cho là nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và quốc gia châu Phi.
Nằm ở khu vực Sừng châu Phi, cạnh một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, Djibouti có dân số chưa đầy 1 triệu người và là nơi Trung Quốc đặt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Với vị trí chiến lược nhìn ra Vịnh Aden và xa hơn là Ấn Độ Dương, Djibouti được xem là cửa ngõ đi vào khu vực Đông Bắc Phi và Biển Đỏ.
Theo dữ liệu thống kê về thương mại của Liên Hợp Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Djibouti sang thị trường Trung Quốc trong năm 2009 vào khoảng 7.500 USD với các mặt hàng chủ yếu như da, muối,… Cũng trong năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Djibouti với các mặt hàng như xe và thiết bị điện tử vào khoảng 20,7 triệu USD. Tuy nhiên, quan hệ song phương giữa hai nước không chỉ dừng lại ở các hoạt động thương mại.
Căn cứ hải quân
Quân đội Trung Quốc diễu binh tại lễ khánh thành căn cứ quân sự ở Djibouti hồi tháng 8 (Ảnh: AFP)
Trung Quốc là quốc gia thứ 7 lập căn cứ quân sự ở Djibouti – một quốc gia tương đối ổn định nằm gần các “điểm nóng” ở châu Phi và Trung Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc không quá đề cao mục đích quân sự của căn cứ ở Djibouti, mà chỉ nói rằng căn cứ này được sử dụng để phục vụ cho “các mục đích hậu cần” của Bắc Kinh. Trung Quốc cho biết căn cứ quân sự ở Djibouti sẽ cho phép Bắc Kinh hỗ trợ các sứ mệnh nhân đạo và gìn giữ hòa bình ở khu vực Somalia và Yemen lân cận.
Video đang HOT
Mỹ, Nhật Bản và Pháp là 3 trong số các nước đặt căn cứ quân sự ở Djibouti và hoạt động từ những căn cứ này đã mang lại nguồn ngân sách cũng như công ăn việc làm lớn nhất cho quốc gia châu Phi. Cụ thể, Trung Quốc đã đồng ý trả 100 triệu USD mỗi năm cho Djibouti để đặt căn cứ quân sự tại đây, trong khi số tiền mà Mỹ phải chi là 63 triệu USD.
Khí tự nhiên
Tuần trước, Tập đoàn Dầu khí POLY-GCL của Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ cam kết đầu tư 4 tỷ USD cho một dự án khí tự nhiên ở Damerjog, Djibouti. Dự án này sẽ bao gồm đường ống dẫn khí, nhà máy hóa lỏng. Dự kiến đường ống dẫn khí sẽ vận chuyển 12 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm từ Ethiopia về Djibouti, trong khi nhà máy hóa lỏng đặt mục tiêu 10 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm.
Đường sắt
Djibouti nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực Sừng châu Phi (Ảnh: Google Maps)
Dự án đường sắt Addis Ababa-Djibouti nối Djibouti với Ethiopia dài 750 km sẽ xây dựng tuyến tàu hỏa chạy điện xuyên biên giới đầu tiên ở khu vực châu Phi. Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc và Tập đoàn Xây dựng Kỹ thuật Dân dụng Trung Quốc (CCECC) đã rót vốn 70% vào dự án trị giá 490 triệu USD này. Theo thỏa thuận, phía Trung Quốc sẽ vận hành dự án trong 5 năm đầu tiên, sau đó phía Ethiopia sẽ tiếp quản.
Bắt đầu khởi công từ tháng 10/2016, dự án đường sắt nối thủ đô Addis Ababa của Ethiopia tới cảng Biển Đỏ của Djibouti dự kiến mất khoảng 4 năm để hoàn thành. Sau khi hoàn thiện, tuyến đường sắt này sẽ vận chuyển 90% hàng hóa của Ethiopia.
Sân bay
Binh lính Trung Quốc tập trận tại Djibouti (Ảnh: RT)
Theo các hợp đồng ký kết giữa hai nước từ năm 2015, Tập đoàn CCECC của Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm xây dựng 2 sân bay mới tại Djibouti với kinh phí gần 600 triệu USD. Tuy nhiên, theo thông tin do Bloomberg tiết lộ hồi tháng trước, các dự án xây dựng 2 sân bay này dự kiến sẽ mở thầu lại. Hiện chưa rõ lý do của việc mở thầu này, song Bloomberg dẫn lời một quan chức địa phương cho biết Trung Quốc có thể sẽ không còn giữ vị thế độc quyền đối với 2 dự án này. Tuy vậy, Bắc Kinh rõ ràng vẫn có thể tham gia và tiếp tục trúng thầu.
Sân bay quốc tế Hassan Gouled Aptidon, cách thủ đô của Djibouti 25 km, dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2018. Với sức đón 1,5 triệu lượt khách mỗi năm, sân bay này được thiết kế đủ sức chứa những máy bay thương mại lớn như Airbus A380. Trong khi đó sân bay quốc tế Ahmed Dini Ahmed nằm ở phía bắc của Djibouti dự kiến sẽ đón khoảng 767.400 lượt khách mỗi năm.
Khu vực thương mại tự do
Hồi tháng 1, Djibouti bắt đầu xây dựng một khu vực thương mại tự do rộng 48 km2 với nguồn vốn do Trung Quốc tài trợ. Khu vực này sẽ do Cơ quan Quản lý Khu cảng và Khu Tự do Djibouti và Công ty quốc doanh Merchants Holdings Trung Quốc cùng vận hành.
Thành Đạt
Theo SCMP
Trung Quốc vận hành căn cứ quân sự tại Djibouti
Trung Quốc hôm nay đưa vào vận hành căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của nước này tại châu Phi.
Binh sĩ trên tàu chiến Trung Quốc tại Djibouti. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc ngày 1/8 tổ chức lễ thượng cờ mở cửa căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, thuộc khu vực Sừng châu Phi, vào đúng ngày kỷ niệm 90 năm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), theo Reuters.
Theo đài phát thanh quốc gia Trung Quốc, hơn 300 người đã tham dự lễ thượng cờ, bao gồm Phó tư lệnh hải quân Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Djibouti.
Căn cứ quân sự tại Djibouti được Trung Quốc bắt đầu xây dựng từ tháng 2 năm ngoái. Căn cứ này gồm các trung tâm nạp nhiên liệu và hậu cần, cũng như cơ sở giải trí cho thủy thủ, phục vụ cho các tàu chiến Trung Quốc hoạt động tại vịnh Aden và những khu vực lân cận. Quy mô căn cứ có thể cho phép Trung Quốc triển khai tại đây tới 10.000 người.
Djibouti giáp với Somalia và nằm tại khu vực Sừng châu Phi, vị trí chiến lược với các tuyến hàng hải quốc tế đi qua kênh đào Suez. Vịnh Aden là nơi cướp biển Somalia hoành hành, buộc các nước như Mỹ, Nga và Trung Quốc triển khai lực lượng chiến hạm hộ tống tàu chở hàng.
Bắc Kinh góp phần lớn trong nhiệm vụ chống cướp biển, với khoảng 16.000 thủy thủ và 1.300 lính thủy đánh bộ phục vụ tại vịnh Aden trong giai đoạn 2008-2015.
Vị trí căn cứ hải quân Trung Quốc sẽ đặt tại Obock, Djibouti. Ảnh: IDSA.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Hộp sọ tìm thấy ở TQ có thể viết lại lịch sử loài người Phát hiện mới của các nhà khoa học từ một hộp sọ Trung Quốc có thể phản bác giả thuyết về lịch sử loài người. Hộp sọ Đại Lý được xác định niên đại 260.000 năm trước. Theo Independent, đa số các nhà nhân chủng học đều cho rằng, con người có nguồn gốc từ châu Phi, cách đây khoảng 200.000 năm trước....