Cánh tay lộ ra từ bãi rác
Dù nạn nhân đã nhận lỗi, van xin đừng đánh nhưng những kẻ thủ ác vẫn lạnh lùng xuống tay. “Ngâm” xác trong phòng karaoke suốt một ngày đêm, chúng mới đem chôn. Đánh hơi mùi hôi thối, chó cào bới làm xác chết trồi lên. Hung thủ liền mua 4 lít xăng và 5 lít dầu đốt xác nạn nhân liên tục ba ngày đêm. Tội ác rùng rợn đã được các bị cáo khai nhận toàn bộ với Cơ quan CSĐT cũng như tại phiên tòa vừa diễn ra…
Thực hiện tội ác tới cùng
Theo kết luận điều tra và cáo trạng số 25/KSĐT ngày 22/11/2012 của VKSND tỉnh Kon Tum, khoảng 21 giờ ngày 14/9/2007, Huỳnh Đăng Nguyên (ngụ P. Thống Nhất, TP. Kom Tum, tỉnh Kon Tum) cùng ba người bạn đến karaoke Lối Xưa ở đường Ngô Tiến Dũng, P.Thắng Lợi, TP.Kon Tum để nhậu. Ngoài ra còn có Nguyễn Văn Thắng (SN 1989, ngụ thị trấn Pleikần, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) và Nguyễn Thế Vinh (SN 1990, ngụ thôn Thuận Công, xã Cư An, huyện Đak Tơ, tỉnh Gia Lai). Thắng – Vinh được chủ quán karaoke Trần Tấn Phát (SN 1961, tự Sáu Đú, ngụ ấp Tân Biên, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) thuê làm bảo vệ quán.
Trong lúc cụng ly, Nguyên nhắc lại chuyện mâu thuẫn giữa Duy (bạn Nguyên) với Vinh rồi chửi và đòi đánh Vinh nhưng được Thắng can ngăn. Đến khoảng 23 giờ thì sáu người chuyển từ khu vực bếp qua phòng karaoke số 2 của quán tiếp tục nhậu. Thắng cầm theo con dao ở bếp và nói với Vinh “để dạy cho Nguyên một bài học”. Hát và nhậu được gần một tiếng thì ba người bạn của Nguyên ra về. Trong phòng chỉ còn lại Nguyên, Thắng và Vinh. Rượu vào lời ra, Nguyên chửi Vinh – Thắng rồi cầm ly đập xuống bàn làm vỡ mặt kính. Bị Thắng kề dao vào cổ, Nguyên sợ hãi liền nhận lỗi và van xin. Đâm liên tiếp mấy nhát vào cổ và ngực Nguyên, Thắng còn bồi thêm vào đầu và trán bằng ly thủy tinh. Thấy Nguyên giãy giụa, Thắng bảo Vinh giữ chân lại. Nguyên đạp Vinh ngã ngửa ra phía sau, bị kính mặt bàn đâm trúng chân chảy máu. Điên tiết, Vinh giật sợi dây rút của chiếc quạt treo tường và dây micrô trong phòng hát cùng Thắng trói thúc ké chân tay Nguyên.
Lúc này Trần Tấn Phát đi kiểm tra các phòng hát phát hiện Nguyên bị trói nằm trên ghế salon. Phát liền nói với Thắng – Vinh: “Tụi mày làm vậy là chết tao rồi”. Thắng trả lời: “Chú vào nhà đi, ra đây làm gì”. Phát vẫn thấy lo: “Nhưng phải làm sao chứ vậy là không ổn”. Thắng trấn an: “Chú cứ nghỉ đi, ở đây dọn dẹp chút là xong”. Vinh lên tiếng: “Giờ chở ra cầu Đắk La vứt là xong chứ có gì đâu”. Phát không đồng ý: “Đường đi đến cầu Đắk La đông người lắm, không vứt ở đó được đâu, đem xuống cầu treo mà vứt”. Vinh lấy mền quấn người Nguyên lại, Thắng và Phát khiêng xác lên xe để Vinh chở đi vứt. Bất ngờ Nguyên tỉnh dậy miệng ú ớ kêu cứu. Thắng – Phát cùng lấy tay đè lên miệng và mặt cho đến khi Nguyên không còn phản ứng. Vừa đưa xác Nguyên lên xe để đi vứt thì nhà bên cạnh có người dậy đi chợ. Sợ bị phát hiện nên cả bọn khiêng xác Nguyên bỏ vào nhà vệ sinh của phòng hát số 2. Sau khi rửa vết thương ở chân khá nặng, Vinh cùng Thắng dọn dẹp phòng rồi cả hai đi ngủ.
Sáng hôm sau, Trần Văn Phát ra chợ Kon Tum mua hai cái xô lớn để bỏ xác Nguyên chở đi vứt. Khi mang về, thấy hai cái xô quá cồng kềnh không chở được nên cả bọn bàn nhau chôn xác vào ban đêm để tránh bị phát hiện. Do chân của Vinh còn chảy máu nên khoảng 17 giờ ngày 15/9/2007, Phát đưa tiền cho Thắng chở Vinh đến Trung tâm y tế trên đường Trần Hưng Đạo đối diện cổng chợ Kon Tum để khâu vết thương. Sau đó Thắng – Vinh vào chợ mua hai bao ni lông loại lớn và dây may bao để bỏ xác Nguyên. Tối đó, karaoke Lối Xưa vẫn hát bình thường nhưng cửa phòng số 2 được khóa chặt. Đến khoảng 23 giờ 30 cùng ngày, Phát đưa cho Thắng – Vinh cái xẻng để ra sau quán đào lỗ (cạnh hố rác ngay nhà vệ sinh) chôn xác Nguyên. Do chân Vinh bị đau nên Thắng bảo trèo lên nóc nhà vệ sinh canh cho Thắng đào. Vì đất quá cứng nên đến gần sáng hôm Thắng chỉ mới đào được cái hố sâu chừng 0,4 mét. Không thể đào tiếp được nữa, Thắng – Vinh đi vào phòng số 2 khiêng xác Nguyên ra chôn trong khi Phát vẫn đứng ngoài canh.
Ba ngày sau khi giết người chôn xác, Vinh về nhà ở xã Cư An, huyện Đắk Tơ chơi khoảng mấy hôm rồi lên lại quán Lối Xưa tiếp tục cùng Thắng làm bảo vệ. Ở quán khoảng một tuần, Vinh cuỗm điện thoại của Thắng rồi trốn mất. Thắng cũng rời khỏi quán ngay sau đó. Mấy tuần sau đó, chỗ chôn xác bị bốc mùi hôi thối, chó cào bới làm lòi cánh tay của Nguyên lên mặt đất. Phát liền mua bốn lít xăng và năm lít dầu về đổ lên chỗ chôn xác đốt liên tục ba ngày hai đêm…
Nguyễn Văn Thắng, Trần Tấn Phát
Thêm một nạn nhân xấu số
Rời karaoke Lối Xưa, Thắng về nhà ở thị trấn Pleikần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vào chiều 5/10/2007. Vừa tới nhà thì gặp bạn cũ Trần Văn Thắng (SN 1989, ngụ tổ 5, thị trấn Pleikần, Ngọc Hồi, Kon Tum), cả hai liền kéo vào quán rượu. Cụng ly cho đến say, cả hai cuốc bộ về nhà. Trên đường đi, thấy có hai thanh niên nẹt pô xe, Trần Văn Thắng bực tức tát tai người ngồi sau, nhưng họ đã chạy mất. Cuốc bộ thêm một đoạn, thấy hai xe máy (do anh Mai Văn Đa và Nguyễn Văn Chung điều khiển) từ con hẻm đi ra, Trần Văn Thắng tưởng hai thanh niên nẹt pô chặn đường nên cầm khúc gỗ đưa cho Nguyễn Văn Thắng.
Bị tấn công, anh Đa chụp khúc gỗ giằng co với Thắng. Trần Văn Thắng liền chạy vào quán thịt heo gần đó cướp con dao bầu ném cho Thắng. Thắng tấn công anh Chung. Anh Đa xông tới giải vây cho bạn thì bị Nguyễn Văn Thắng đâm một nhát vào ngực, tử vong tại bệnh viện.
Video đang HOT
TAND tỉnh Kon Tum mở phiên tòa ngày 11/3/2008, tuyên phạt Nguyễn Văn Thắng 20 năm tù; Trần Văn Thắng 18 năm tù về tội “giết người”. TAND tối cao tại Đà Nẵng mở phiên phúc thẩm ngày 15/9/2008, tăng hình phạt Nguyễn Văn Thắng lên tù chung thân.
Về phía Nguyễn Thế Vinh, sau khi cuỗm điện thoại của Thắng thì đến ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, tiếp tục “nhám tay”, bị TAND thành phố Pleiku xử phạt 18 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”.
Nguyễn Văn thắng – Nguyễn Thế Vinh đều bị bắt trong một vụ án khác và đã thụ án. Vụ án sát hại Huỳnh Đăng Nguyên bị rơi vào quên lãng cho đến một ngày đầu tháng 5/2012 tù chung thân Nguyễn Văn Thắng bất ngờ xin gặp cán bộ quản giáo trại giam để tự thú.
Bản án thích đáng
Từ lời khai của Thắng, Vinh và Phát lần lượt sa lưới. Ngày 13/6/2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum tổ chức khai quật tử thi tại căn nhà trước đây là quán karaoke Lối Xưa, thu được nhiều mẩu xương bị cháy xém, một chiếc nhẫn kim loại màu vàng, một mặt dây thắt lưng bằng kim loại…
Tại bản cáo trạng số 25/KSĐT ngày 22/11/2012, VKSND tỉnh Kon Tum truy tố Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Thế Vinh và Trần Tấn Phát cùng về tội “giết người”. Tại phiên tòa ngày 28-1-2013, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi tội ác. HĐXX nhận định: hậu quả mà các bị cáo gây ra đối với nạn nhân là đặc biệt nghiêm trọng và cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, thể hiện tính hung hãn, côn đồ và coi thường pháp luật. Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt mà các bị cáo đã cố ý tước đoạt tính mạng của Huỳnh Đăng Nguyên một cách trái pháp luật; nghiêm trọng hơn nó còn gây mất trật tự trị an xã hội, tạo tâm lý hoang mang, lo sợ, bất bình trong dư luận quần chúng và tác động xấu đến đời sống của nhân dân tại địa phương.
Trong vụ án này, bị cáo Thắng là người chủ mưu khởi xướng, rủ rê bị cáo Vinh tham gia thực hiện hành vi phạm tội và là người thực hiện hành vi phạm tội một cách tích cực nhất. Vinh và Phát phạm tội với vai trò là người hỗ trợ và giúp sức. Bị cáo Phát còn trực tiếp đốt xác Nguyên để phi tang. Tuy nhiên, tại thời điểm gây án, hai bị cáo Thắng mới 17 tuổi 11 tháng 13 ngày; bị cáo Vinh 16 tuổi 8 tháng 20 ngày nên cần áp dụng các điều luật đối với người chưa thành niên phạm tội.
Từ nhận định trên, HĐXX TAND tỉnh Kon Tum tuyên phạt Nguyễn Văn Thắng 18 năm tù. Bị cáo Thắng còn bị TAND tối cao tại Đà Nẵng xử phạt tù chung thân về tội “giết người” (bản án ngày 15/9/2008) và TAND tỉnh Gia Lai xử phạt bị cáo hai năm tù về tội “Trốn khỏi nơi giam” (bản án ngày 31/5/2011). Như vậy, bị cáo Thắng phải chấp hành hình phạt chung của ba bản án là tù chung thân. Bị cáo Nguyễn Thế Vinh bị phạt 16 năm tù. Vinh còn bị TAND thành phố Pleiku xử phạt 18 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” (bản án 26/3/2012), do đó Vinh phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 17,5 năm tù. Bị cáo Trần Tấn Phát bị phạt 15 năm tù.
Theo 24h
Mũ bảo hiểm dỏm: Thách thức cơ quan công vụ
Những ngày qua, lực lượng chức năng trên nhiều thành phố lớn đồng loạt kiểm tra, truy quét mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng. Tuy nhiên, tình trạng bày bán MBH rởm vẫn đang như "bắt cóc bỏ đĩa"...
Bắt nơi này, bán nơi kia
Ngày 7/3, lực lượng chức năng TP Hà Nội đồng loạt ra quân kiểm tra xử lý các cơ sở, cá nhân kinh doanh MBH trên địa bàn. Tại phố Huế, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP Hà Nội) phối hợp cùng với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, đã thu giữ một khối lượng lớn MBH kém chất lượng, không đạt yêu cầu.
Theo quan sát của PV, các loại MBH bị thu giữ này được bày bán tràn lan một cách công khai, với giá rất rẻ (từ 30 đến 100 nghàn đồng/chiếc tùy theo mẫu mã). Bên cạnh đó, một số loại MBH dưới danh nghĩa mũ thời trang thiết kế theo kết cấu của MBH nhưng được cách điệu và không có tem kiểm định.
Ông Phạm Duy Vĩnh - Đội phó Quản lý thị trường cơ động số 17 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội), việc chứng minh MBH rởm hay không còn phụ thuộc vào kết luận của cơ quan giám định, sau đó các đơn vị chức năng mới tiến hành tiêu hủy theo luật định.
"Những mặt hàng MBH không dán tem kiểm định, không có chứng từ hóa đơn đều bị thu giữ. Hiện, công tác kiểm đếm, thống kê số lượng MBH bị thu giữ đang được cơ quan chức năng tiến hành" - một cán bộ quản lý thị trường khác cho biết.
Dù bị truy quét, nhưng ngày hôm qua, trên nhiều tuyến đường tại TP Hà Nội như: Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ... vẫn còn hiện tượng bày MBH rởm, không đạt tiêu chuẩn.
Để tránh thanh tra thu giữ MBH, nhiều người bán MBH đã cho lên xe đạp chạy vòng quanh khu vực bến xe Mỹ Đình. Anh Nguyễn Văn Khánh- một người bán MBH cho biết: "Khách vẫn mua mũ rởm nên chúng tôi vẫn bán".
Mỗi mũ nhập vào, giá chỉ 10 đến 15 nghìn đồng và bán ra 30.000 đồng/chiếc. Chị Nguyễn Hoàng Lan (một chủ cửa hàng trên đường Chùa Bộc) cho biết, từ đầu tháng 3/2013, lực lượng quản lý thị trường đã đến thanh tra, kiểm tra và thu giữ tất cả số MBH không tem, không địa chỉ sản xuất.
Theo chị Lan, sau khi ngừng bán MBH giá rẻ, khách hàng vẫn hỏi mua nhưng vì không có nên lượng mũ bán ra sụt giảm so với trước đây. "Trước đây, mỗi ngày bán được khoảng 30 chiếc, song từ khi bị truy quét, chỉ bán được 2 đến 3 chiếc/ngày"- chị Lan nói.
Lực lượng chức năng truy quét MBH rởm tại Hà Nội ngày 7/3. Ảnh: Nguyễn Tú.
Ngày 7/3, Chi cục quản lý thị trường TPHCM đã ra quân kiểm tra chất lượng MBH tại TPHCM. Kiểm tra cửa hàng ở chợ Kim Biên, quận 5, đoàn kiểm tra phát hiện hàng trăm MBH với nhiều chủng loại nhưng không có tem CR, nhãn hàng hóa, mũ không đạt chất lượng do dùng tay có thể bóp méo, bẻ cong.
Khi kiểm tra các cửa hàng bán MBH ở đường Phan Văn Năm, quận Tân Phú, quản lý thị trường phát hiện nhiều loại mũ kém chất lượng trà trộn với mũ có tem hợp quy để bán. Tại đây, mặc dù có nhiều loại mũ có dán tem CR nhưng khi kiểm tra bằng cách va đập nhẹ hai mũ với nhau thì mũ vỡ tan.
Đến cuối chiều hôm qua, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 5.000 MBH cùng 3.400 kính chắn MBH do các sản phẩm này không có nguồn gốc rõ ràng, hóa đơn chứng từ và tem hợp quy CR.
Cũng như Hà Nội, tại TPHCM, bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của cơ quan chức năng, MBH kém chất lượng vẫn bày bán tràn lan ở các tuyến đường. MBH có giá từ 25.000-70.000 đồng/chiếc đang được bày bán tràn ngập. Tại tuyến đường Quang Trung (quận Gò Vấp), nhiều cửa hàng vẫn bán những loại MBH kém chất lượng với giá chỉ 35.000 đồng/chiếc.
Sẽ quyết liệt xử lý
Trước tình trạng MBH kém chất lượng bán tràn lan tại nhiều địa phương, ông Đỗ Thanh Lam - Phó cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, ngay từ cuối năm 2012, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý, áp dụng nhiều giải pháp để trong năm 2013 có thể kiểm soát và xử lý được vấn nạn MBH kém chất lượng.
Theo ông Lam, thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Công Thương, Cục quản lý thị trường đã kết hợp với các cơ quan chức năng xây dựng một phương án để xử lý triệt để tình hình MBH kém chất lượng đang được bày bán tràn lan hiện nay.
Ông Lam cũng cho biết, trên thị trường hiện nay, MBH chủ yếu có ba loại: Một là MBH được nhập từ nước ngoài về hai là MBH do các cơ sở trong nước sản xuất ba là loại giống như MBH nhưng lại được dùng cho nhiều mục đích khác nhau.
"Có một sự thật là người tiêu dùng thường không mua các loại MBH theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam hay tiêu chuẩn nước ngoài mà lại mua các loại MBH giá rẻ, chỉ từ 15 đến 20 nghìn đồng" - ông Lam nói. Theo ông Lam, lý do người tiêu dùng mua MBH giá rẻ là vì MBH thật giá quá đắt. Hơn nữa, khi mua MBH giá rẻ, đi đâu cũng có thể vứt thoải mái, có mất cũng không tiếc tiền.
Cũng theo ông Lam, trên cơ sở tình hình buôn bán MBH tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Hải Dương..., Cục quản lý thị trường sẽ có phương án cụ thể để phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt tình trạng sử dụng MBH rởm đang được bày bán tràn lan hiện nay.
Đà Nẵng lắp đặt thiết bị kiểm định độ bền MBH
Chiều 7/3, ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT TP Đà Nẵng cho hay: 20 thiết bị kiểm định mũ bảo hiểm (MBH) đã được Đà Nẵng đầu tư, chờ chỉ đạo UBND thành phố để áp dụng kiểm tra, xử lý mũ bảo hiểm rởm.
Thiết bị này được thành phố đặt hàng từ Cty Cơ khí Ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng với tổng giá trị khoảng 1,7 tỷ đồng. Trong đó, có 10 thiết bị kiểm tra độ bền và va đập, 10 thiết bị thử dây đeo. "Hiện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thông qua thiết bị này. Khi áp dụng, tại mỗi điểm kiểm tra sẽ có 2 loại máy trên", ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường: Đà Nẵng là địa phương đầu tiên áp dụng chương trình đổi MBH rởm lấy MBH chất lượng nên số lượng người vi phạm quy định đội MBH chắc chắn sẽ ít phức tạp.
Việc đổi MBH chất lượng vẫn đang được tiến hành tại 8 điểm đổi MBH lưu động trên địa bàn. Đến nay, có trên 43.000 MBH chất lượng được cấp đổi cho dân. Dự kiến năm 2013, con số này sẽ là 50.000 MBH. Ban ATGT thành phố đang xin chủ trương cấp đổi MBH xuống tận tuyến phường, xã cho người dân.
Theo 24h
Không đội MBH: HS ở lại trường "né" phạt Hôm nay (7/3), CSGT mới chỉ nhắc nhở đối với các trường hợp đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, tuy nhiên, tại trường PTTH Việt Đức, mặc dù đã tan học, nhiều học sinh vẫn không dám ra về vì sợ bị phạt. Từ ngày 10/3, lực lượng CSGT (Công an TP Hà Nội) sẽ chính thức xử phạt đối...