Cảnh shipper chen chúc trong hàng quán ở Hà Nội để lấy đồ ăn giao cho khách
Các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống ở Hà Nội chỉ được phép bán mang về khiến cho dịch vụ giao hàng tất bật hơn ngày thường. Tuy nhiên, một số nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm túc quy định phòng dịch.
Shipper ở Hà Nội chen chúc trong các hàng quán lấy đồ ăn để giao cho khách
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, từ 0h ngày 13/7, Hà Nội tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ và chỉ cho phép bán hàng mang về. Do vậy người dân sử dụng các tiện ích mua hàng, đi chợ online nhiều hơn.
Theo ghi nhận của phóng viên, vào khung giờ trưa tại một quán ăn nhỏ trên phố Trương Công Giai (Cầu Giấy, Hà Nội), hàng chục nhân viên giao hàng chen chúc nhau, chờ lấy đồ để giao cho khách đặt.
Một nhân viên giao hàng ở quận Cầu Giấy cho biết: “Khi hàng quán không được phép ngồi tại chỗ, lượng người mua hàng online tăng cao nên chúng tôi cũng khá bận rộn. Trong hôm nay tôi nhận được khoảng 40 đơn hàng, phải tranh thủ từng phút để di chuyển còn kịp chuyển hàng cho khách”.
“Biết là phải chen chúc nhau để lấy đồ cho khách nhưng cũng không còn cách nào vì không gian chật hẹp và anh em cũng tự giác đeo khẩu trang và dùng nước sát khuẩn tay”, nhân viên giao hàng này chia sẻ thêm.
Một chủ quán ăn trên đường Cầu Giấy cho biết: “Trung bình mỗi ngày quán bán được khoảng 200 đơn hàng, nhưng trong hôm nay, quán bán được gần 400 đơn và số lượng đơn còn tăng mạnh trong thời gian tới vì dịch bệnh, mọi người đều ngại ra ngoài”.
Tại TP Hà Nội, nhiều đơn vị kinh doanh bằng hình thức thương mại điện tử, giao hàng qua mạng đã nhanh chóng đẩy mạnh đội ngũ shipper, cũng như đưa các app tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Một số nhà hàng rơi vào tình trạng quá tải do đơn đặt hàng tăng đột biến vào ngày trong vài ngày qua tại khu vực Hà Nội, chủ yếu là vào khung giờ trưa.
Còn tại một cửa hàng bán chè, các nhân viên cũng đang phải hoạt động hết công suất để kịp đóng hàng cho khách.
Cánh shipper phải làm việc hết công suất, từ lúc nhận đơn, đi lấy hàng rồi chuyển tới khách ở nhiều địa chỉ khác nhau, hầu như không có lúc nào nghỉ ngơi. Tại các cửa hàng cũng đã yêu cầu các shipper tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, khó có thể tránh khỏi tình trạng các shipper chen chúc nhau đến lấy hàng vào cùng một thời điểm buổi trưa hoặc buổi chiều trong ngày.
Đơn online tăng vọt, nhân viên quán ăn đêm tất bật mùa Euro
Trong ngày diễn ra các trận bóng đá, nhân viên tại một số cửa hàng ship đồ ăn đêm tại Hà Nội phải làm việc tới gần 4h để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Số lượng đơn tăng cao
Những ngày trong tháng 6, cửa hàng ship đồ ăn đêm của Anh Vũ Thanh Long tại phố Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), luôn tấp nập shipper đứng chờ nhận đơn giao cho khách.
Theo anh Vũ Thanh Long, thời điểm gần đây, nhiều trận bóng trong giải Euro chiếu vào ban đêm nên nhu cầu đặt đồ ăn online của người dân tăng cao, đặc biệt là các fan hâm mộ bóng đá.
Hàng ngày, cửa hàng của anh đã bán được hơn 300 đơn. Những dịp diễn ra các trận bóng đá, con số này sẽ tăng thêm khoảng 70-100 đơn.
Anh Vũ Thanh Long kiểm tra đơn đặt hàng của khách.
"Cửa hàng tôi có khoảng 20 nhân viên, chia làm 2 ca sáng và tối. Hiện tại, tôi phải tuyển thêm phụ bếp vì khối lượng công việc ngày càng nhiều lên", người chủ quán sinh năm 1988 cho biết.
Chia sẻ với PV, anh Đặng Văn Nam (SN 1995, quê Thanh Hóa), bếp trưởng của cửa hàng cho hay: "Bình thường chúng tôi có thể vừa làm vừa tranh thủ thời gian đợi đơn mới tầm 5-10 phút để nghỉ ngơi. Nhưng trong giờ bóng lăn, tôi phải đốc thúc anh em tập trung làm việc vì đơn "nổ" liên tục".
Cũng tất bật làm đồ ăn để kịp giao cho khách, anh Đặng Đình Quang (SN 1996, quê Hà Tĩnh), nhân viên của một cửa hàng ship đồ ăn đêm tại phố Yên Lãng (Đống Đa, Hà Nội), phải dùng khăn ướt lau mồ hôi, uống thêm nước để giảm bớt cái nóng tỏa ra từ khu bếp.
Anh Đặng Đình Quang phải làm việc liên tục dưới cái nóng tỏa ra từ bếp lửa.
Anh Đặng Đình Quang bắt đầu làm việc từ 17h đến 3h ngày hôm sau. Euro là dịp "hốt bạc" của quán nên những ngày này anh phải tăng ca. Hơn 4h sáng, anh mới trở về phòng nghỉ ngơi.
"Tôi đứng bếp liên tục vì cứ xong đơn này lại có đơn khác, khoảng 23h đến 2h ngày hôm sau là giờ cao điểm. Mùa hè, đứng cạnh bếp lửa nóng bức lắm nhưng làm lâu tôi cũng dần quen và không còn thấy khó chịu nữa", anh Đặng Đình Quang tâm sự.
Theo anh, khách đặt nhiều nhất các món ngô chiên, chân gà, nem. Đây là những món rất hợp nhâm nhi cùng với bia lạnh, trong thời gian xem bóng.
Tương tự, anh Tào Tuấn Anh (quê Thanh Hóa), nhân viên quán bún, miến trộn trên phố Trần Quốc Vượng (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định vào mùa bóng đá, đơn ship của cửa hàng tăng lên đáng kể.
Khoảng 23h, quán sẽ không nhận ship nhưng những ngày này, quán mở đến 0h để đáp ứng nhu cầu đặt đồ ăn đêm của khách.
Anh Tào Tuấn Anh nhanh tay gói đồ ăn để kịp giao cho khách.
"Những hôm có bóng đá, cửa hàng của tôi nhận thêm khoảng 20-30 đơn hàng/ngày. Khách thường đặt món trước khi trận đấu bắt đầu để vừa thưởng thức, vừa kịp xem bóng", nhân viên 23 tuổi này cho biết.
Là một fan hâm mộ của môn bóng đá nhưng anh Tào Tuấn Anh ít có dịp được xem trực tiếp các trận bóng vì đặc thù công việc. Anh thường xem các video tổng hợp lại những khoảnh khắc nổi bật của trận đấu vào buổi sáng hôm sau.
Thu nhập ổn định
Dù công việc vất vả nhưng anh Đặng Văn Nam luôn cảm thấy may mắn vì có thu nhập ổn định, trong thời điểm dịch bệnh khó khăn.
Anh Đặng Văn Nam được cửa hàng hỗ trợ nơi ở, ăn uống miễn phí. Hàng tháng anh nhận lương tháng khoảng 10 triệu đồng.
Với anh Đặng Đình Quang, trong ngày khách đặt nhiều, anh được thưởng "nóng" sau giờ làm việc.
Anh sẽ nhận từ 200.000-400.000 đồng hoặc có thể hơn, phụ thuộc vào số lượng đơn hàng tăng nhiều hay ít. Hiện tại, thu nhập của anh gần 10 triệu đồng/tháng.
Những ngày cửa hàng có nhiều khách đặt đồ ăn, anh Đặng Đình Quang sẽ được thưởng "nóng".
"Thỉnh thoảng, buổi sáng không phải đến quán tôi cũng nhận làm thêm theo giờ để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Mùa này, tan ca làm tôi về phòng ngủ một mạch đến trưa, nắng nóng nên không còn sức làm thêm ở ngoài nữa", nam nhân viên này chia sẻ.
Anh Đặng Đình Quang dự định ở Hà Nội thêm vài năm để tích lũy kinh nghiệm nấu ăn. Sau khi đủ vốn, anh sẽ về quê và mở một quán ăn nhỏ.
Với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng đã bao ăn, có chỗ ở miễn phí, anh Tào Tuấn Anh tạm hài lòng với thu nhập hiện tại.
"Dù mức thu nhập này là thấp so với nhiều người nhưng với tôi như vậy là phù hợp. Làm việc cả ngày ở quán, tôi không phải chi tiêu gì nhiều mà còn tiết kiệm được một khoản", anh Tào Tuấn Anh cho hay.
Diễn biến dịch 24/5: Bắc Giang vượt 1000 ca, chùm ca bệnh ở Hà Nội phức tạp Trong 24h qua, Việt Nam có thêm 187 ca Covid-19 gồm 3 ca nhập cảnh và 184 ca trong nước. Như vậy, tính từ 27/4 đến nay, nước ta đã có đến 2.349 ca lây nhiễm trong cộng đồng, xuất hiện ở 30 tỉnh thành. Sau 28 ngày, tổng số ca nhiễm của đợt dịch thứ 4 đến nay cao gấp 2,85 lần...