Cảnh sát rửa chân cho lãnh đạo tôn giáo da màu
Cảnh sát và người dân da trắng cùng rửa chân cho các lãnh đạo tôn giáo da màu ở bang Bắc Carolina, làm xoa dịu căng thẳng về chủng tộc.
Bất chấp nắng nóng, các thành viên của Trung tâm Giáo hội Di sản, do mục sư Faith Wokoma và chồng bà là Soboma dẫn đầu, đã tuần hành ở thành phố Cary, bang Bắc Carolina, hôm 6/6 để phản đối cảnh sát ghì chết người da màu George Floyd và kêu gọi chấm dứt phân biệt chủng tộc. Mọi người đã dành 8 phút 46 giây mặc niệm để tưởng nhớ khoảng thời gian Floyd bị cảnh sát ghì gối lên gáy dẫn tới tử vong.
Một phần khác của sự kiện này là lễ “rửa chân”, trong đó ít nhất 3 sĩ quan cảnh sát và 3 người dân da trắng khác rửa chân cho các mục sư Faith và Soboma Wokoma. Hình ảnh và video được chia sẻ trên mạng cho thấy các tín đồ cùng nhau cầu nguyện rồi quỳ xuống những chiếc xô và rửa chân cho các mục sư đang ngồi trên ghế.
Cảnh sát và người dân da trắng rửa chân cho hai mục sư da màu ở Cary, bang Bắc Carolina, hôm 6/6. Video: Facebook/Fabiola Doissaint
Rửa chân là một nghi lễ tôn giáo được nhiều giáo phái Kito thực hành dựa trên lời răn dạy của Chúa Jesus rằng các tín đồ nên rửa chân cho người khác để bày tỏ sự khiêm nhường và yêu thương. Theo Kinh thánh, Chúa Jesus cũng từng rửa chân cho các tông đồ.
Video buổi lễ được chia sẻ lên Facebook và thu hút hơn 2.400 lượt xem.
“Một biểu hiện mạnh mẽ của sự hòa giải”, một người bình luận.
“Đây là cách sự hàn gắn về chủng tộc bắt đầu”, người khác nêu ý kiến.
Faith và Soboma Wokoma cho hay họ được truyền cảm hứng tổ chức cuộc tuần hành như một nơi để các tín đồ có thể tự do thảo luận về những cuộc biểu tình đang diễn ra khắp Mỹ.
“Chúng tôi không muốn phân biệt giáo hội da màu, da trắng hay giáo hội châu Á. Chúng tôi đã quyết định tập hợp cùng các giáo hội khác và rất ngạc nhiên khi cảnh sát nói rằng họ muốn là một phần của cuộc tuần hành. Thị trưởng cũng muốn tham gia”, Faith nói.
Lori Bush, ủy viên hội đồng thành phố Cary, mô tả cuộc tuần hành trên là một sự kiện “có tác động mạnh mẽ”.
“Chúng tôi đã dừng lại ở nhiều nơi để cầu nguyện, hát ca khúc Amazing Grace, và tất cả chúng tôi cố gắng tham gia dù vẫn giữ giãn cách xã hội. Tôi rất xúc động trước lượng người có mặt, những ngôn từ có sức ảnh hưởng và lời kêu gọi thay đổi”, bà nói.
Các cuộc biểu tình tại Mỹ đã kéo dài 12 ngày liên tiếp, thu hút hàng nghìn người tại toàn bộ 50 bang của Mỹ nhưng hiện phần lớn diễn ra ôn hòa. 4 cảnh sát liên quan đến cái chết của Floyd đã bị truy tố.
Vệ binh Quốc gia quỳ gối cùng người biểu tình Mỹ
Lính Vệ binh Quốc gia tại một số thành phố ở Mỹ quỳ gối theo lời kêu gọi của người biểu tình và chia sẻ sự đau buồn với họ.
Hàng trăm người biểu tình tuần hành tới trụ sở cơ quan lập pháp bang Minnesota vào chiều 2/6 dưới sự hộ tống của cảnh sát thành phố St. Paul. Một sĩ quan chỉ huy nhóm Vệ binh Quốc gia làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại tòa nhà đã bất ngờ quỳ gối và đối thoại với đoàn tuần hành.
Những người biểu tình liền kêu gọi nhau "hãy quỳ xuống" để đáp lại hành động của sĩ quan trên.
Vệ binh Quốc gia Minnesota quỳ gối cùng người biểu tình trước trụ sở cơ quan lập pháp bang, ngày 2/6. Video: KSTP.
"Các bạn thế nào? Là một công dân Minnesota, tôi rất lấy làm tiếc về sự mất mát của các bạn. Tôi rất lấy làm tiếc về cái chết của George Floyd. Là một con người, trái tim tôi đau đớn", người lính Vệ binh Quốc gia nói. Anh cũng thông báo lực lượng này sẽ tránh mặt và cho phép mọi người biểu tình ôn hòa theo quyền trong Tu chính án I của Hiến pháp Mỹ.
Người biểu tình đã vỗ tay và hò reo, một vài người da màu tiến đến ôm sĩ quan trên. Anh sau đó chạy về phía các binh sĩ khác và yêu cầu họ rút vào trong tòa nhà.
Vệ binh Quốc gia và người biểu tình quỳ gối trên đường phố Los Angeles, bang California, ngày 6/2. Ảnh: AFP.
Cùng ngày, hàng nghìn người biểu tình đổ ra đại lộ Sunset và phố Vine ở Hollywood, thành phố Los Angeles, bang California, và gặp cảnh sát cùng Vệ binh Quốc gia. Một vài người hô lên "hãy quỳ xuống" và ít nhất hai Vệ binh Quốc gia hưởng ứng lời kêu gọi. Đám đông reo hò, vỗ tay và hô vang "cảm ơn".
Tuy nhiên, những người biểu tình khác đụng độ với cảnh sát vì bị chặn đường. Họ hô lên "Hãy để chúng tôi đi" nhưng cảnh sát không đồng ý và dùng dùi cui để đẩy lùi đám đông.
Biểu tình "tôi không thở được" phản đối cảnh sát ghì chết George Floyd, một người đàn ông da màu tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, đang diễn ra khắp nước Mỹ. Phần lớn các cuộc biểu tình ôn hòa. Tại một số nơi, nhân viên hành pháp quỳ gối cùng người biểu tình để chia sẻ với họ.
Tuy nhiên, nhiều cuộc biểu tình biến thành bạo động và cướp phá, khiến ít nhất 40 thành phố của Mỹ áp lệnh giới nghiêm. Hơn 20.000 lính Vệ binh Quốc gia được triển khai để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật ở thủ đô Washington và 28 bang.
Đạo luật cho phép Trump điều binh đối phó biểu tình Vệ binh Quốc gia - 'Cây gậy' Trump dùng ứng phó biểu tình 19
60.000 người tưởng niệm George Floyd Thành phố Houston, quê nhà của George Floyd, tổ chức tuần hành tưởng niệm người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết, với khoảng 60.000 người tham gia. Lễ tuần hành tưởng niệm Floyd, người bị cảnh sát ghì chết tuần trước, diễn ra ở trung tâm Houston, bang Texas, hôm 2/6, do các rapper nổi tiếng địa phương là Trae...