Cảnh sát Mỹ bị tố làm gián điệp cho Trung Quốc
Baimadajie Angwang, 33 tuổi, sĩ quan Sở Cảnh sát New York, bị bắt với cáo buộc làm gián điệp và cung cấp thông tin tình báo cho Trung Quốc.
Công tố viên cho biết Angwang thường xuyên liên lạc với một nhân viên lãnh sự quán Trung Quốc để cung cấp thông tin tình báo về người gốc Tây Tạng ở thành phố New York, Mỹ. Cảnh sát này còn bị cáo buộc thực hiện hành vi lừa đảo nhằm vào Bộ Quốc phòng Mỹ, khai man và cản trở công vụ.
Theo hồ sơ của công tố viên liên bang, Angwang là công dân gốc Tây Tạng, Trung Quốc và nhập tịch vào Mỹ, đang cư trú tại Williston Park, New York. Angwang là cảnh sát khu vực tại khu 111, quận Queens, New York.
Baimadajie Angwan. Ảnh: NYPD.
Cảnh sát này còn là một thành viên lực lượng dự bị lục quân Mỹ, mang quân hàm trung sĩ nhất và thuộc biên chế tiểu đoàn lính dù nội vụ đóng tại tại căn cứ Fort Dix, bang New Jersey, các quan chức cho biết. Angwang được cấp giấy thông hành ở cấp độ “mật” khi thuộc lực lượng dự bị lục quân.
Video đang HOT
Ít nhất từ năm 2014, Angwang đã “báo cáo về hoạt động của người gốc Tây Tạng và những người khác ở khu vực đô thị New York cho lãnh sự quán (Trung Quốc)”, công tố viên cho biết, nói thêm rằng anh này “phát hiện và đánh giá các nguồn tin tình báo liên quan đến người gốc Tây Tạng ở đô thị New York và vùng lân cận”.
Angwang mời các quan chức lãnh sự Trung Quốc tới dự sự kiện của Sở Cảnh sát New York để họ tiếp cận với các lãnh đạo cơ quan này. “Không hoạt động nào trong số này nằm trong phạm vi nhiệm vụ và trách nhiệm của Angwang trong NYPD hoặc lực lượng dự bị lục quân Mỹ”, hồ sơ truy tố cho biết.
Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này.
Angwang mặc lễ phục của lục quân Mỹ. Ảnh: NYPD.
“Baimadajie Angwang đã vi phạm toàn bộ lời tuyên thệ của anh ta với đất nước này, gồm lời tuyên thệ với nước Mỹ, với lục quân Mỹ và với sở cảnh sát”, Ủy viên Cảnh sát thành phố New York Dermot Shea nói. “Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc điều tra, Phòng Nội vụ và Tình báo của NYPD phối hợp chặt chẽ với Phòng Phản gián của FBI để đảm bảo đưa người này ra trước công lý”.
Thẩm phán liên bang ra lệnh bắt Angwang trong phiên tòa trực tuyến ngày 21/9. Phiên xem xét tại ngoại cho anh này sẽ được tổ chức trong tương lai, nhưng chưa được ấn định ngày. Nếu bị kết tội, Angwang có thể phải lĩnh 55 năm tù.
Mũ trùm đầu - công cụ đối phó nghi phạm chống đối
Khi nghi phạm phản kháng bằng những cú khạc nhổ hoặc cắn xe, cảnh sát Mỹ sẽ dùng tới loại mũ trùm đầu chuyên dụng.
Một số dạng mũ trùm đầu chỉ là chiếc túi lưới với phần miệng có vòng co giãn. Một số loại mũ khác có thêm lớp vật liệu (ví dụ: vải khẩu trang y tế) để che miệng của người bị chụp đầu. Dạng mũ này có tác dụng ngăn chặn nước bọt của nghi phạm nhưng vẫn cho phép nhìn và thở.
Trong lúc giằng co với nghi phạm, nhiều cảnh sát cũng rất lo ngại về việc nhiễm phải bệnh dịch, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, theo Maria Haberfeld, giáo sư khoa học cảnh sát và chuyên gia đào tạo cảnh sát thuộc Đại học Tư pháp Hình sự John Jay tại thành phố New York.
Tuy nhiên, những năm gần đây đã xảy ra một số sự việc gây lo ngại về cách lực lượng chức năng sử dụng mũ trùm đầu chống nước bọt. Ví dụ, năm 2015, chính quyền hạt Nashville và Davidson, bang Tennessee phải trả 150.000 USD để hòa giải vụ kiện của người chị gái có em trai tử vong sau khi bị cán bộ trại giam đội mũ chống nước bọt. Gần đây nhất, cái chết của Daniel Prude, 41 tuổi, vào tháng 3 sau khi bị còng tay và chụp mũ chống nước bọt cũng gây tranh cãi. 7 cảnh sát bang New York đã bị đình chỉ công tác vì liên quan sự việc.
Hiện, Mỹ không có tiêu chuẩn quốc gia về cách dùng hoặc đào tạo sử dụng mũ trùm đầu chống nước bọt. Nếu muốn cho nhân viên sử dụng, phòng cảnh sát sẽ phải tự đặt ra chính sách, quy trình sử dụng, và cách đào tạo, theo Chet Epperson, cựu giám đốc cảnh sát thành phố Rockford, bang Illinois.
Một dạng mũ trùm đầu chống nước bọt. Ảnh: Herts Police/BBC.
Không phải mọi phòng cảnh sát đều cho phép sử dụng mũ trùm chống nước bọt. Ví dụ, phòng cảnh sát New York không cấp cho cảnh sát đi tuần dùng mũ trùm đầu chống nước bọt nhưng gần đây đã giao công cụ này cho cán bộ làm nhiệm vụ khẩn cấp (ví dụ: người xử lý tin báo có người bị kẹt trong thang máy) vì Covid-19, theo The New York Times.
Thông thường, phòng cảnh sát có thể cho phép dùng mũ trùm đầu với nghi phạm trong ít nhất hai trường hợp: khi nghi phạm cắn xé, khạc nhổ hoặc đe dọa cắn xé, khạc nhổ. Đây là những trường hợp nhiều khả năng sẽ phù hợp với Graham v. Connor, án lệ tòa tối cao liên bang yêu cầu việc dùng vũ lực của cảnh sát phải có căn cứ khách quan.
Ví dụ, phòng cảnh sát thành phố Seattle, bang Washington, đặt ra chính sách cho phép dùng mũ trùm chống nước bọt nếu "người bị bắt khạc nhổ hoặc cảnh sát có căn cứ tin rằng sẽ bị đối phương khạc nhổ".
Cách cảnh sát được đào tạo để đảm bảo an toàn cho người bị bắt giữ cũng khác nhau tùy nơi. Khi bị đội mũ trùm chống nước bọt trong lúc đang nôn ọe, nghi phạm có rủi ro ngạt thở. Vì thế, một số phòng cảnh sát quy định rõ "cần bỏ mũ ra khi nghi phạm nôn ọe", theo giáo sư Haberfeld. Ngoài ra, một số phòng cảnh sát khác lại cấm dùng mũ trùm đầu với người vừa bị xịt hơi cay vì sẽ gây khó thở.
Một số tổ chức phi chính phủ cho rằng cần phải có bộ quy chuẩn quốc gia về mũ trùm đầu chống nước bọt. Vì các phòng cảnh sát thường sao chép chính sách của nhau, điều này có thể gây ra nhiều chính sách thiếu sót như nhau. Justin Mazzola, phó giám đốc nghiên cứu của một tổ chức phi chính phủ Mỹ , cho rằng cần phải nghiên cứu về độ phổ biến của công cụ này và cần thật sư cân nhắc có nên dùng với nghi phạm đang ở trong một số trạng thái tâm thần hoặc cơ thể nhất định hay không.
Cảnh sát Mỹ dạy đòn đơn giản thoát bị kẹp cổ Trung úy Dan Marcou, chuyên gia đào tạo của cảnh sát Mỹ, hướng dẫn cách đánh hiệu quả vào vùng kín của đối thủ để thoát thân nếu bị kẹp cổ. Trung úy Marcou, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong công tác cảnh sát, nói kẹp cổ là đòn tấn công thường xuyên xảy ra. Nếu làm đúng thao tác, kẻ tấn...