Cảnh sát Mỹ ấm ức giữa làn sóng biểu tình
Cảnh sát từng là mục tiêu trong nhiều cuộc biểu tình, nhưng có lẽ các nhân viên hành pháp Mỹ chưa bao giờ đối mặt sóng đả kích lớn đến vậy.
“Thật khó khăn trước việc người biểu tình muốn được đối xử bình đẳng, công bằng và tôn trọng, nhưng lại không dành những điều đó cho lực lượng cảnh sát. Tinh thần của các sĩ quan giờ đây sa sút vì bị đả kích”, Robert Harris, lãnh đạo công đoàn cảnh sát Los Angeles, bang California, Mỹ, cho biết.
Tuy nhiên, các cảnh sát giờ đây khó có thể nhận được sự đồng cảm từ những người biểu tình đang phẫn nộ vì cái chết của George Floyd, cũng như vô vàn người da màu khác chết trong tay lực lượng thực thi pháp luật. Nhiều chỉ huy cảnh sát cho hay các nhân viên dưới quyền của họ đang phải hứng chịu những lời lăng mạ, bị ném gạch đá, chai lọ trên đường phố.
Cảnh sát đứng giữa những hộp sữa và đá do người biểu tình ném trước một tòa nhà tại Atlanta, bang Georgia, Mỹ, hôm 29/5. Ảnh: Reuters.
Theo kết quả khảo sát được Washington Post cùng Trường Chính sách và Chính phủ Schar, bang Virginia, công bố hôm 8/6, gần 3/4 người dân Mỹ ủng hộ biểu tình. Bên cạnh đó, hơn 2/3 số người được hỏi cho rằng cái chết của Floyd phản ánh những vấn đề rộng lớn hơn trong cách cảnh sát đối xử với người Mỹ da màu. Tình hình này khiến đội ngũ cảnh sát cảm thấy họ bị bủa vây và trở thành nạn nhân thực sự.
“Hãy ngừng đối xử với chúng tôi như động vật hay những tên côn đồ, và tôn trọng chúng tôi một chút”, lãnh đạo công đoàn cảnh sát New York Mike O’Meara thể hiện sự tức giận trong cuộc họp báo hôm 9/6. “Chúng tôi đã bị gạt khỏi cuộc thảo luận và bị phỉ báng. Thật đáng phẫn nộ”.
Mâu thuẫn giữa cảnh sát và những người kêu gọi cải cách lực lượng hành pháp gia tăng trong những ngày gần đây, khi sĩ quan tại một vài thành phố quyết định đứng lên bảo vệ các đồng nghiệp bị cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức với người biểu tình.
Tại thành phố Buffalo, bang New York, 57 cảnh sát đã rút khỏi đội phản ứng nhanh để bày tỏ ủng hộ với hai sĩ quan bị truy tố tội hành hung vì đẩy một người biểu tình ngã chảy máu đầu. Trong khi đó, công đoàn cảnh sát Philadelphia đang bán những chiếc áo phông in dòng chữ cổ vũ Joseph Bologna, sĩ quan bị cáo buộc đánh vào đầu người biểu tình.
Cựu cảnh sát David Klinger, nhà tội phạm học tại Đại học Missouri, thành phố St. Louis, cho biết nhiều sĩ quan vô cùng hoang mang trước làn sóng giận dữ mà họ phải đối mặt. Các chỉ huy cảnh sát toàn quốc đều lên án cách khống chế Floyd và nhiều người cho rằng họ đang bị đổ lỗi vì hành vi của những đồng nghiệp khác.
“Các cảnh sát không hiểu tại sao họ bị đả kích trong khi không làm bất cứ điều gì. Họ hiểu nguồn cơn tức giận chính đáng của người biểu tình, nhưng tự hỏi tại sao gạch đá và chai lọ lại nhắm vào cá nhân họ”, Klinger cho hay.
Hành động của người biểu tình khiến nhiều cảnh sát cảm thấy nghề nghiệp của họ bị phỉ báng. “Thực thi pháp luật là nghề duy nhất mà bạn bị ném gạch đá chỉ vì làm cùng ngành với ai đó mắc sai lầm nghiêm trọng cách xa cả nghìn km”, Steven Casstevens, người đứng đầu Hiệp hội Cảnh sát trưởng Quốc tế ở Mỹ, nêu ý kiến.
Cảnh sát thừa nhận đa số người tham gia biểu tình không sử dụng bạo lực, nhưng một số người đã làm vậy, đặc biệt trong những ngày đầu sau cái chết của Floyd hôm 25/5. Trong vòng hai tuần từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, 749 cảnh sát đã bị thương khi đối phó biểu tình và bạo loạn, theo thống kê của Bộ Tư pháp Mỹ.
Tại thủ đô Washington, 150 sĩ quan bị thương, trong đó 22 người nhập viện. Hai cảnh sát ở khu vực phía bắc bang California bị sát hại, dù động cơ và hoàn cảnh chính xác dẫn đến cái chết của họ vẫn chưa được xác định.
Những vụ tấn công này dường như càng khiến nhiều cảnh sát cảm thấy họ đang bị “bao vây tứ phía”. Tuy nhiên, số cảnh sát thiệt mạng hoặc bị tấn công khi làm nhiệm vụ trong thập kỷ qua không thay đổi nhiều. Theo nhà tội phạm học Jeffrey Fagan tại Đại học Columbia, cảm giác ngày càng thiếu an toàn của các cảnh sát “có lẽ không phải nhận thức chính xác”.
Fagan còn chỉ ra những hành động bạo lực của cảnh sát trong các cuộc biểu tình. Nhiều vụ được quay lại và lan truyền rộng rãi trên Internet. Chuyên gia này nhận định trong nhiều trường hợp, cảnh sát dường như khiến cuộc đối đầu thêm căng thẳng, trong khi họ có thể làm điều ngược lại. “Tôi không biết họ được huấn luyện ra sao, nhưng họ nên được dạy cách rút lui nếu có thể”, ông nói.
Xe cảnh sát bị đốt cháy trong cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd tại Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ, hôm 30/5. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, góc nhìn của chuyên gia này không giống như cảm nhận trong nội bộ lực lượng cảnh sát, ngay cả đối với những người kêu gọi cải cách và hạn chế sử dụng vũ lực quá mức. Các chỉ huy và quan chức công đoàn cảnh sát thừa nhận có những trường hợp cảnh sát phản ứng thái quá, nhưng rất nhiều người đã vô cùng kiềm chế.
“Camera không ghi lại cảnh các sĩ quan đứng gác 12-14 giờ, trong lúc bị bôi nhọ, ném gạch đá hoặc chai nước đá. Điều đó gây tổn hại cả về tâm lý và thể xác”, Harris, lãnh đạo công đoàn cảnh sát Los Angeles, cho hay, nói thêm rằng hàng chục sĩ quan của thành phố đã bị thương.
Harris cho biết thái độ của người biểu tình khiến họ nhụt chí, đặc biệt khi cảnh sát Los Angeles đã có những bước tiến trong việc giải quyết tình trạng bạo lực. Năm ngoái, công đoàn ủng hộ một trong những dự luật cải tổ lực lượng cảnh sát đáng chú ý nhất cả nước, giúp hạn chế những tình huống cảnh sát được dùng vũ lực. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng các cơ quan cảnh sát vẫn chưa sẵn lòng kêu gọi thay đổi và bao che quá mức cho hành vi xấu của các sĩ quan.
Lực lượng cảnh sát còn đối mặt với nguy cơ bị giảm uy tín trong công chúng, khi các video lan truyền trên mạng trái ngược với tuyên bố ban đầu của họ về những sự cố liên quan tới việc cảnh sát dùng vũ lực. Ban đầu, cảnh sát cho biết Martin Gugino, người biểu tình tại Buffalo, “bị vấp ngã”, nhưng video cho thấy người đàn ông 75 tuổi bị cảnh sát đẩy đến mức đập đầu xuống nền bê tông gây chảy máu.
Robert Arcos, trợ lý cảnh sát trưởng Los Angeles, cho biết cơ quan của ông đang xem xét hàng chục cáo buộc cảnh sát dùng vũ lực quá mức để trấn áp biểu tình. “Chúng tôi muốn điều tra. Ai cũng muốn biết câu trả lời”, Arcos cho hay, nói thêm rằng họ cũng đang cố gắng hợp tác với các lãnh đạo cộng đồng để cải cách lực lượng cảnh sát sâu rộng hơn.
Tuy nhiên, quá trình thảo luận diễn ra trong bối cảnh nhiều cảnh sát cảm thấy chán nản và bị tổn thương. Bất chấp những thay đổi quan trọng trong quy trình huấn luyện hay phương thức sử dụng vũ lực, lực lượng cảnh sát vẫn phải nghe những lời phỉ báng.
“Đây là mức độ bạo lực tồi tệ nhất mà tôi từng chứng kiến suốt 32 năm qua. Tôi chưa bao giờ thấy mọi người tập trung vào vấn đề một cách vô cùng quyết liệt và nhiều động lực đến thế”, Arcos cho biết.
“Tôi hiểu và tôn trọng điều đó. Tôi biết việc này cần xảy ra. Nhưng các sĩ quan sẽ nói với tôi rằng sau tất cả những cố gắng của họ, mọi người vẫn chưa cảm thấy đủ”, ông nói thêm.
57 cảnh sát Mỹ từ chức để ủng hộ đồng nghiệp đẩy người biểu tình
57 thành viên Đội Phản ứng Khẩn cấp Sở cảnh sát Buffalo rời đơn vị để phản đối đình chỉ hai sĩ quan đẩy ngã người biểu tình hôm 4/6.
"Các sĩ quan đồng loạt rời Đội Phản ứng Khẩn cấp (ERT) hôm 5/6 để thể hiện ủng hộ đồng đội và kinh tởm việc hai sĩ quan bị đình chỉ công tác mà không có lương. Họ chưa nghỉ việc tại sở cảnh sát", chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát Nhân từ Buffalo John Evans cho biết.
Công tố viên hạt Erie, bang New York, Mỹ, đang điều tra vụ hai sĩ quan ERT dùng dùi cui và tay không đẩy mạnh một người biểu tình da trắng cao tuổi hôm 4/6. Người này ngất gục trên đất và bắt đầu chảy máu đầu. Phần lớn cảnh sát vẫn tiếp tục tiến bước qua người đàn ông bị thương, trong khi sĩ quan đẩy ông chỉ nhìn qua và bị đồng nghiệp đẩy ra ngoài. Một vài người đã nói: "Hãy gọi bác sĩ".
Cảnh sát thành phố Buffalo đẩy ngã người biểu tình cao tuổi hôm 4/6. Video: YouTube/ WBFO.
Cảnh sát nói rằng một người đã bị thương sau khi vấp ngã. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện video, cảnh sát trưởng Buffalo Byron Lockwood đã yêu cầu đình chỉ và điều tra về hành vi quá mức cần thiết của hai sĩ quan. Thống đốc New York Andrew Cuomo kêu gọi Sở cảnh sát Buffalo sa thải hai cảnh sát này, cho rằng hành động của họ "quá phản cảm và đáng sợ".
Mark Poloncarz, người đứng đầu chính quyền hạt Erie, cho biết ông đặc biệt thất vọng với quyết định từ chức hàng loạt vì "nó thể hiện các sĩ quan không thấy điều gì sai trái với hành động đó". Thị trưởng thành phố Buffalo Byron Brown thông báo đã có các kế hoạch dự phòng để duy trì hoạt động của lực lượng cảnh sát trong lúc giải quyết vấn đề.
Công đoàn cảnh sát Buffalo bênh vực hành động của hai sĩ quan, cho rằng họ chỉ đang thực hiện mệnh lệnh giải tán khu vực để chuẩn bị áp đặt lệnh giới nghiêm.
Các sĩ quan tham gia giải tán đám đông tại Buffalo hôm 4/6. Ảnh: Buffalo News.
Nạn nhân Martin Gugino, 75 tuổi, là nhà hoạt động nổi tiếng trong cộng đồng. Ông bị thương nặng nhưng đang nằm viện trong tình trạng ổn định. Sự việc gây ra làn sóng lên án mạnh mẽ trên mạng xã hội khi những người biểu tình ở các thành phố Mỹ vẫn đổ xuống đường để phản đối các hành vi tàn bạo của cảnh sát.
Biểu tình ở Mỹ đã lan khắp 50 bang sau khi George Floyd, một người đàn ông da màu, bị cảnh sát ghì chết hôm 25/5. Các cuộc biểu tình nâng lên thành đấu tranh chống phân biệt chủng tộc khi ký ức về những cái chết thương tâm và bất công của người da màu được khơi dậy.
Cảnh sát Mỹ đẩy người biểu tình ngất gục Một người biểu tình 75 tuổi ngất gục và chảy máu đầu sau khi bị cảnh sát ở New York đẩy mạnh xuống đất hôm 4/6. Theo video từ một phóng viên địa phương, hai sĩ quan cảnh sát ở thành phố Buffalo, bang New York, đã sử dụng dùi cui và tay không đẩy mạnh một người biểu tình da trắng cao...