“Cảnh sát không thể yêu cầu dừng xe để kiểm tra MBH thật-giả”
“Lực lượng CSGT chỉ dừng xe để kiểm tra và xử lý khi người tham gia giao thông có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ chứ không thể yêu cầu họ dừng xe để kiểm tra MBH thật hay giả, cũng chưa có quy định xử phạt nào về MBH giả”.
Đó là khẳng định của Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Hà Nội với phòng viên Dân trí về việc xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm (MBH) không đảm bảo chất lượng (mũ giả) từ ngày 15/4 tới đây.
“Trong những quy định hiện hành, mới chỉ có chế tài xử phạt người tham gia giao thông không đội MBH và đội MBH không đúng quy định chứ chưa có chế tài xử phạt người tham gia giao thông đội MBH giả, MBH kém chất lượng. Lực lượng chúng tôi sẽ thực hiện được chủ trương của Chính phủ với điều kiện phải có chế tài cụ thể và có thiết bị hỗ trợ phân biệt mũ thật – giả…” – ông Thắng cho biết.
Mới chỉ có chế tài xử phạt người tham gia giao thông không đội MBH và đội MBH không đúng quy định (ảnh minh họa)
Theo ông Thắng, mục tiêu chính của CSGT là tăng cường hướng dẫn, chỉ huy và điều khiển giao thông để người tham gia giao thông chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ; tập trung lực lượng tuần tra kiểm soát lưu động để xử lý những vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
“Lực lượng CSGT chỉ chỉ dừng xe để kiểm tra và xử lý khi người tham gia giao thông có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ chứ không thể yêu cầu họ dừng xe để kiểm tra MBH thật hay giả. Và nếu chỉ kiểm tra MBH bằng mắt thường thì không thể phân biệt mũ đảm bảo chất lượng và kém chất lượng.” – ông Thắng khẳng định.
Mặc dù Thông tư Liên tịch số 06/2013 về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và MBH cho người đi xe máy, xe đạp máy đã được ban hành và có hiệu lực, thời gian xử phạt cũng đã được chốt từ 15/4, tuy nhiên ông Thắng cho biết lực lượng CSGT Hà Nội vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn nào hay sự hỗ trợ về phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc thực thi nhiệm vụ này.
Bàn về giải pháp dẹp bỏ thực trạng MBH giả, ông Thắng cho biết cần tuyên truyền tới người dân khi điều khiển mô tô xe máy phải đội MBH đảm bảo chất lượng, MBH được Nhà nước công nhận. Bộ phận chức năng, lực lượng quản lý thị trường phải tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để MBH không đảm bảo chất lượng trên thị trường.
Tăng cường các biện pháp mạnh về kiểm tra, phát hiện, đề xuất tịch thu, tiêu hủy hoặc tái sản xuất; xử lý nghiêm các đường dây buôn bán, kinh doanh… Đặc biệt, ông Thắng cho rằng Hà Nội nên có nhà máy sản xuất MBH vừa đảm bảo thời trang, chất lượng và giá thành phù hợp để người dân mua và không bị nhầm lẫn khi sử dụng.
Video đang HOT
Nói về tình hình đội MBH, ông Thắng nhìn nhận trong 5 năm trở lại đây quy định này được người tham gia giao thông chấp hành tốt. Với MBH kém chất lượng, hiện trên địa bàn thành phố và các điểm kinh doanh bày bán rất công khai, lực lượng chức năng có kiểm tra xử lý nhưng do chế tài xử phạt còn nhẹ nên MBH kém chất lượng vẫn còn tồn tại nhiều trên thị trường, bên cạnh đó chính ý thức không tốt của một bộ phận người dân tham gia giao thông cố tình đội MBH kém chất lượng mà không nghĩ đến hậu quả xấu nhất có thể xảy ra.
Quỳnh Anh
Theo dân trí
"Chưa có cơ sở pháp lý phạt người đội mũ bảo hiểm giả"
"Phải phạt mạnh những người kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm giả; phải truy trách nhiệm và phạt cán bộ quản lý thị trường vì để mũ giả bày bán tràn lan. Còn với người đội mũ bảo hiểm giả thì chưa có cơ sở pháp lý để xử phạt họ".
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia độc lập có nhiều năm nghiên cứu về giao thông công cộng (bảo vệ luận án tại Tiệp Khắc) - khi trao đổi với PV Dân trí về kế hoạch xử phạt nghiêm hành vi sản xuất kinh doanh cũng như người tham gia giao thông sử dụng mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn (mũ giả) từ ngày 15/4 tới của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các ngành chức năng. Xung quanh dự kiến xử phạt này cũng có nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Nguyễn Xuân Thủy: Bằng chứng nào khẳng định là mũ giả?
Việc xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với người đội mũ bảo hiểm giả mà các ngành chức năng đã lên kế hoạch theo ông có tính khả thi hay không?
Trước hết phải khẳng định rằng không có cơ sở pháp lý rõ ràng để xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả. Tôi cũng chưa thể hình dung được cách thức để xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả mà lực lượng chức năng sẽ vận dụng như thế nào là hợp lý.
Thứ nhất, khi đi mua mũ bảo hiểm đa phần người ta đều có tâm lý muốn mua mũ tốt, nhưng trên thị trường mũ bảo hiểm tràn lan như hiện nay thì chính bản thân người mua còn bị lừa, họ cũng không biết đâu là mũ thật đâu là mũ giả mà vẫn mất tiền mua. Thứ hai, việc xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm giả là chạm vào đám đông nên sẽ rất khó để thực hiện và theo tôi không có tính khả thi.
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh kế hoạch phạt nặng người đội mũ bảo hiểm giả
Một số liệu thông kê mới đây của ngành chức năng tại Hà Nội cho thấy có tới 70% người điều khiển phương tiện sử dụng mũ bảo hiểm giả, ông nghĩ sao về con số này?
Không thể khẳng định những người sử dụng mũ bảo hiểm trong thống kê này là cố tình dùng mũ giả. Lý do tôi nhấn mạnh như vậy là vì đại đa số người dân không biết rõ đâu là quy chuẩn thực sự của mũ khi chọn mua mà tâm lý của họ là mua mũ ứng với số tiền mà họ có trong túi. Trên thực tế, chưa hề có quy định mức tiền về mũ bao hiểm bao nhiêu thì được coi là giả và bao nhiêu tiền là mũ thật (là 40.000 đồng, 60.000 đồng hay 100.000 - 200.000 đồng...), cũng chưa hề có Thông tư hay Nghị định hướng dẫn nào cho người dân về những điều đó.
Tại sao không đặt ngược lại câu hỏi do đâu lại có chuyện 70% mũ bảo hiểm người tham gia giao thông đang đội là giả? Điều này cơ quan quản lý thị trường biết rõ nhất.
Ông nghĩ sao về trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường?
Nếu họ làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình thì mũ bảo hiểm giả đã không được bày bán tràn lan trên thị trường, thật - giả không lẫn lộn như hiện nay. Mũ bảo hiểm cũng là mặt hàng thiết yếu và nói ví von thì nó không khác gì một loại "thực phẩm", nếu thị trường được quản lý tốt thì người dân sẽ không bị mất tiền vì mua phải thực phẩm kém chất lượng.
Có nghĩa là cũng phải phạt lực lượng quản lý thị trường thưa ông?
Đúng như thế, cần phải phạt nặng thì mới làm rõ được trách nhiệm của lực lượng này khi để mũ bảo hiểm giả làm rối thị trường, phạt nặng những đối tượng kinh doanh buôn bán mũ giả.
Ông Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội: Có thể kiện nếu bị phạt sai
Kế hoạch xử phạt người tham gia giao thông từ ngày 15/4 tới đây theo ông có phải là quá nóng vội?
Việc phạt người cố tình đội mũ bảo hiểm giả là giải pháp hay, nhưng một bộ phận khác, người ta không thể phân biệt mũ bảo hiểm thật và giả khác nhau như thế nào mà chọn mua nên phạt họ đội mũ giả là oan cho họ. Không thể nói phạt là phạt ngay được mà phải có lộ trình nhất định.
Vậy theo ông sẽ phải mất thời gian là bao lâu cho việc này?
Vẫn phạt những trường hợp đội mũ giả và đó là những người cố tình chống đối, nhưng không phải phạt ngay bây giờ được mà theo tôi sẽ phải mất ít nhất là 8 tháng chuẩn bị. Đầu tiên phải đẩy mạnh công tác thu hồi mũ giả trên thị trường, rồi tuyên truyền vận động đổi mũ bảo hiểm giả lấy mũ bảo hiểm thật có các thêm tiền, phân định rạch ròi trách nhiệm của ngành giao thông, công thương, công an và người tham gia giao thông để có cơ sở cụ thể cho việc xử phạt.
Tôi nghĩ rằng cần phải có sự phân biệt thật - giả rõ ràng, thậm chí phải có cơ sở để người dân mang mũ bảo hiểm đến kiểm định. Khi đó, mũ thật sẽ được chứng nhận đảm bảo chất lượng, còn nếu là mũ giả thì sẽ bị khoét lỗ hoặc đóng dấu, đó cũng là cách để người dân xác định rõ trách nhiệm đội mũ của mình khi tham gia giao thông.
Ông nghĩ sao nếu người tham gia giao thông bị phạt sai?
Mũ bảo hiểm cũng giống như phương tiện, khi các thông số kỹ thuật không đảm bảo khiến người sử dụng phương tiện gặp rủi ro thì nhà sản xuất sẽ bị kiện. Với mũ bảo hiểm, muốn phạt mũ giả thì các cơ quan quản lý Nhà nước phải chắc chắn rằng chỉ có mũ thật được bán trên thị trường, khi đó việc xử phạt là có cơ sở và sẽ dễ dàng hơn. Trường hợp bị lực lượng chức năng phạt sai thì người đội mũ bảo hiểm có thể kiện ngược lại và kiện cả nhà sản xuất mũ bảo hiểm.
Theo tôi, ngay cả khi quy định xử phạt có hiệu lực thì cũng không nên phạt ngay lần đầu vi phạm mà nên cảnh cáo trước và đánh dấu vào chiếc mũ giả, lần thứ 2 nếu phát hiện vẫn đội mũ giả thì rõ ràng đó là đối tượng chống đối và phải xử phạt.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Dantri
Ô tô hất văng xe máy, một người chết Khoảng 16 giờ 15 phút ngày 22.2, trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn trước nhà hàng Royal, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến một người chết tại chỗ. Vào thời điểm đó, xe ô tô mang biển số 73H-1026 đang chạy trên đường thì đâm vào xe máy chạy ngược chiều mang biển số...