Cảnh sát hình sự hầu tòa vì cưỡng đoạt tiền con bạc
Ngày 7-11, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “cưỡng đoạt tài sản” của người đánh bạc do Nguyễn Phương Đại cùng hai đồng phạm thực hiện.
Từ phải qua: bị cáo Đại, Phú và Thức tại phiên tòa ngày 7-11 – Ảnh: C.Mai
Nguyễn Phương Đại (nguyên cán bộ Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã cấu kết cùng hai đối tượng khác là Đỗ Trí Thức (có nhiều tiền án tiền sự, quan hệ thân thiết với Đại) và Lâm Thanh Sỹ Phú (huấn luyện viên võ thuật, bạn của Thức) tổ chức đi bắt sòng bài lấy tiền chia nhau.
Theo cáo trạng, ngày 20-1-2011, Thức được một người quen thông báo tại một căn nhà thuộc hẻm 372 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh có tổ chức đánh bài. Thức đã gọi điện rủ Đại đến quán cà phê để bàn bạc việc tổ chức bắt sòng bạc. Đại nhận lời nhưng nói chỉ một mình không đi bắt được nên Thức điện thoại gọi Phú cùng một số người khác đến quán cà phê.
Đại gọi điện rủ Nguyễn Phúc Hậu (đang thực tập tại Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Bình Thạnh do Đại hướng dẫn) đến. Cả nhóm lên xe đến hiện trường vụ đánh bạc.
Sau khi ập vào nhà, đóng chặt cửa không cho ai ra vào, Đại đã móc thẻ ngành đề nghị các đối tượng đánh bạc đứng yên tại chỗ, bỏ hết tiền bạc, điện thoại ra để hợp tác kiểm tra. Phú đã gom hết tiền bạc là tang vật của sòng bạc bỏ vào chiếc nón rồi ôm nón tiền bỏ đi. Sau đó, vì mối quan hệ với chủ nhà, Đại đã không lập biên bản để xử lý vụ đánh bạc nhưng cũng không trả lại số tiền tang vật Phú đã lấy tại sòng bạc.
Video đang HOT
Sau đó, cả ba gặp nhau tại nhà của Thức. Thức kiểm đếm số tiền mà Phú giữ có 8 triệu đồng và 100 USD đem chia nhau mỗi người 1 triệu đồng, Đại lấy thêm 1 triệu đồng để đưa cho Hậu. Số tiền còn lại mấy ngày sau Thức đem đưa cho những đối tượng cùng tham gia bắt sòng bài hôm đó.
Điều đáng nói là tại phiên tòa, những bị hại của vụ án đã khai số tiền mà Đại cùng đồng phạm cưỡng đoạt của họ tổng cộng tới 70 triệu đồng và 100 USD chứ không phải chỉ 8 triệu đồng và 100 USD như cáo trạng.
Sau khi tiến hành thẩm vấn, hội đồng xét xử đã hội ý và quyết định cho hoãn phiên tòa để làm rõ thêm.
Theo Dantri
Ả đồng tính lụy tình, hầu tòa trong nước mắt
Tạo hóa không cho Trang một giới tính giống với hình hài, mà "cho" cái tính "chết vì người đẹp". Kết cục của sự mâu thuẫn ấy, Trang trở thành "siêu lừa" và phải ra trước vành móng ngựa vì cung phụng một người đàn bà từng là người tình đồng giới, là "vợ hờ" của Trang.
Siêu lừa Trương Thị Thùy Trang
Ả đồng tính lụy tình
Đó là câu chuyện đời của bị cáo Trương Thị Thùy Trang (sinh năm 1970, trú tại phường Vỹ Dạ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế). Trang khai từ nhỏ đã có ngoại hình, tính cách của một người đàn ông nhưng tạo hóa lại bắt làm đàn bà. Vào tuổi trưởng thành, Trang thờ ơ với những lời ong ve của đàn ông mà chỉ yêu "phái đẹp". Và cũng chính mối tình đồng tính với một "người đẹp" đã có chồng con đề huề đã dẫn dắt Trang thành một kẻ lừa đảo.
Thực ra, đây cũng không phải là lần đầu Trang lừa đảo mà vì ham chơi lười làm, lại có tài ăn nói nên Trang "dính" một tiền án về tội "Chiếm đoạt tài sản" vào năm 1998. Sau khi mãn hạn tù, Trang bắt đầu lại cuộc sống bằng việc kinh doanh văn phòng phẩm và phòng trà. Và rồi duyên số đưa đẩy thế nào mà Trang lại quen với Phan Thị L. (SN 1968) một phụ nữ duyên dáng mặn mà, đã có chồng con đề huề. Trang "mê" người đàn bà này như điếu đổ, không tiếc chị L. bất cứ điều gì. Chị L cũng có sự đồng cảm với Trang ngay từ ngày đầu mới gặp.
Trang khai, lúc đầu cũng vì cảm mến nhau nên cả hai tâm sự chia sẻ với nhau những chuyện đời thường của phụ nữ, rồi dần dà chị L tâm sự với Trang cả những ẩn ức khó giãi bày trong cuộc sống vợ chồng. Càng tiếp xúc, càng hiểu, Trang càng thấy thương L. đến lạ. Cái cảm giác cần phải chở che cho L. ngày một lớn dần trong Trang... Thủ thỉ nhỏ to, cuối cùng L. chiếm trọn cảm tình của Trang, cả hai nảy sinh tình cảm và bắt đầu mối quan hệ yêu đương giữa hai người đàn bà.
Để chung sống với người tình, Trang đã nghe theo lời dụ dỗ của L. lừa tiền. Chính L. bày ra thủ đoạn làm hồ sơ giả để Trang thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng hình thức "cò" thủ tục xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho Nguyễn Thị Lý, Phan Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thanh Bình và Trương Viết Thu.
Ban đầu, khi biết những người này muốn đi XKLĐ tại một số nước châu Âu nên Trang bắt mối và hứa giúp họ được toại nguyện trong thời gian nhanh nhất. Để kế hoạch lừa đảo thêm hoàn hảo, Trang nhờ người giả danh là "sếp" của đơn vị chuyên lo dịch vụ XKLĐ điện thoại trực tiếp cho các bị hại để bàn về thủ tục, thời gian, kinh phí để XKLĐ. Tiếp đó Trang mới thực hiện những bước tiếp theo bằng cách yêu cầu các bị hại đưa hồ sơ và chuyển tiền cho mình.
Theo đó, Trang nhận làm hồ sơ XKLĐ sang CHLB Đức cho chị Lý, chị Gấm, anh Bình và anh Thu với giá từ 6.000-8.000 USD/người. Với thủ đoạn trên, Trang đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 525 triệu đồng của các bị hại. Tuy nhiên, do chờ đợi lâu mà không thấy Trang làm thủ tục xuất cảnh, biết mình bị lừa nên các bị hại gặp Trang đòi lại tiền và tố cáo hành vi của cô ta với cơ quan chức năng. Ngay sau đó, Trang trốn vào TP Hồ Chí Minh cho đến cuối tháng 2/2012 thì bị bắt.
Số tiền chiếm đoạt được, Trang khai một phần tiêu xài còn lại đều đưa cho "vợ hờ" là chị L. lo cho con gái riêng đi du học tại Mỹ và để tu sửa lại "tổ ấm" của hai người. Không hiểu L. cho Trang thứ tình yêu gì nhưng từ ngày là "của nhau", nữ bị cáo mê muội. Đến nỗi, ngay căn nhà cha mẹ già đang ở, Trang cũng nghe theo L. đem thế chấp vay tiền cho L. tiêu xài. Chỉ đến khi ngân hàng phát mại tài sản vì số tiền nợ và lãi đến thời hạn trả nợ mà chưa được thanh toán thì cha mẹ già của Trang mới vỡ lẽ về con gái mình.
Chuyện vỡ lở, Trang trốn vào TP Hồ Chí Minh cũng là lúc "vợ hờ" của Trang ngoảnh mặt làm ngơ. Chị L. quay về với người chồng cũ, đem theo cả những đồng tiền kiếm được từ Trang.
Tù vụt đến, tình vụt bay
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào cuối tháng 9/2012, chị L tham gia với tư cách người có quyền lợi liên quan. Trước tòa, chị L phủ nhận toàn bộ mối quan hệ tình cảm luyến ái giữa hai người và không hề biết gì về hành vi lừa đảo của Trang. Lời khai của bị cáo về việc một người phụ nữ xinh đẹp, đã có chồng con đàng hoàng như chị L lại "quan hệ" đồng tính rồi xúi bẩy Trang đi lừa đảo trở nên không có căn cứ, nhất là khi quá khứ của bị cáo "nhúng chàm" cũng về hành vi lừa đảo. Trang nhìn chị L. với ánh mắt đầy oán hờn...
Theo kết quả điều tra, do không có bằng chứng chứng minh Trang đã đưa tiền cho L. nên không có căn cứ để kết luận L. là đồng phạm trong vụ án. Với hành vi lừa đảo của mình, Trang đã bị TAND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tuyên phạt mức án 11 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Nghe tòa tuyên án, Trang bật khóc. Trước khi về trại, bị cáo nói trong nước mắt: "Con xin lỗi ba mạ, xin lỗi các bị hại... Xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để sớm quay về phụng dưỡng cha mẹ và khắc phục hậu quả cho bị hại...".
Theo Dantri
"Kẻ trốn truy nã thành đại gia" chuẩn bị hầu tòa Khi đại gia xuất hiện bên chiếc ôtô Camry bóng nhoáng, hai trinh sát trong vai khách đến nhậu ở nhà hàng đã vây bắt Nguyễn Đình Vĩnh Tường. Đến khi đưa về Công an huyện, Tường còn than thở rằng "Chuyện xảy ra đã quá lâu, cứ tưởng Công an đã xếp hồ sơ rồi" Chiều 30/10, Chánh án TAND huyện Sông...