Cảnh sát đụng độ người biểu tình Mỹ
Người biểu tình Mỹ chống lại đặc vụ liên bang, đốt xe cộ, buộc cảnh sát phải rút lui trong các cuộc biểu tình bạo lực cuối tuần qua.
Cuộc biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát tại thành phố Austin, bang Texas tối 25/7 biến thành chết chóc khi một tài xế lái xe qua đám đông biểu tình bắn chết một người biểu tình vũ trang tiếp cận chiếc xe. Trong video được phát trực tiếp trên Facebook, chiếc ôtô hú còi trước khi nhiều tiếng súng vang lên và những người biểu tình bắt đầu la hét, chạy tán loạn.
Cảnh sát cho biết tài xế đã bị bắt và đang hợp tác với các nhà điều tra. Giới chức chưa xác định được người biểu tình thiệt mạng, nhưng mẹ của người đàn ông nói tên anh ta là Garrett Foster.
Cảnh sát và người biểu tình đụng độ ở thành phố Portland, bang Oregon hôm 5/7. Ảnh: AFP.
Tại vùng ngoại ô Aurora thuộc bang Colorado, một người biểu tình đã bắn và làm bị thương một người khác. Cảnh sát không tiết lộ nhiều chi tiết về vụ nổ súng, bao gồm việc người bị bắn có ở trong xe hay không. Những người biểu tình cũng gây ra thiệt hại lớn cho thành phố.
Tại Seattle, cảnh sát phải rút lui rạng sáng 26/7, vài giờ sau các cuộc biểu tình lớn trong khu phố Capitol Hill của thành phố. Một số người biểu tình nán lại sau khi cảnh sát rút nhưng phần lớn giải tán sau đó.
Trong một cuộc họp báo đêm khuya, cảnh sát trưởng Seattle Carmen Best kêu gọi người biểu tình giữ ôn hòa sau khi họ ném đá, chai, pháo hoa và thậm chí nổ súng vào cảnh sát. Cảnh sát đã bắt ít nhất 45 người vì tội hành hung, cản trở và không tuân thủ yêu cầu giải tán. 21 cảnh sát bị thương, chủ yếu bị thương nhẹ.
Tại Portland, hàng nghìn người tập trung tối 25/7 để phản đối bạo lực cảnh sát và sự hiện diện của các đặc vụ liên bang do Tổng thống Donald Trump triển khai đến thành phố gần đây. Người biểu tình phá vỡ hàng rào bao quanh tòa án liên bang của thành phố, nơi các đặc vụ đóng quân.
Cảnh sát tuyên bố đây là một cuộc bạo loạn và bắt đầu ra lệnh cho mọi người rời khỏi khu vực xung quanh tòa án từ rạng sáng 26/7, nếu không sẽ bị bắt. Khoảng 20 phút sau, đặc vụ liên bang và cảnh sát địa phương dùng hơi cay giải tán đám đông, nhưng người biểu tình vẫn trụ lại sau 2h30. Nhiều vụ bắt giữ đã được thực hiện, nhưng chưa rõ có bao nhiêu người bị bắt.
Những người biểu tình ở Oakland, California, đã đốt một tòa án, phá đồn cảnh sát, đập cửa sổ, vẽ graffiti, bắn pháo hoa và chiếu tia laser vào cảnh sát sau khi cuộc biểu tình ôn hòa vào tối 25/7 biến thành bạo động.
Tại thành phố Richmond của bang Virginia, một chiếc xe tải đã bị đốt cháy khi hàng trăm người biểu tình và cảnh sát đối mặt tối 25/7. Cảnh sát tuyên bố đây là tụ tập bất hợp pháp và sử dụng hơi cay để giải tán nhóm này. 5 người đã bị bắt và bị buộc tội tụ tập bất hợp pháp. Một người thứ sáu cũng bị bắt và bị buộc tội bạo loạn, tấn công một nhân viên thực thi pháp luật.
Tại Baltimore, bang Marylannd, nhóm gần 100 người biểu tình phun sơn các thông điệp chống cảnh sát vào tòa nhà của cảnh sát.
Các cuộc biểu tình ở Mỹ bắt nguồn sau cái chết của người da màu George Floyd ngày 25/5 để phản đối phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát. Floyd chết sau khi một cảnh sát da trắng ghì gáy trong gần 9 phút, bất chấp việc anh cầu xin vì không thở được.
Cảnh sát dẹp 'khu tự trị' trước nhà thị trưởng Mỹ
Cảnh sát nhanh chóng dỡ bỏ "khu tự trị" do người biểu tình dựng trước nhà Thị trưởng Portland, Mỹ, sau khi yêu cầu của họ không được đáp ứng.
Video quay tại thành phố Portland, bang Oregon, sớm 18/6 cho thấy đám đông biểu tình dựng rào chắn bên ngoài khu nhà có căn hộ của Thị trưởng Ted Wheeler, nhưng cảnh sát gần như ngay lập tức giải tán khu vực sau khi tuyên bố cuộc tụ tập này là hành vi "gây rối dân sự".
Cảnh sát dỡ rào chắn do người biểu tình dựng lên tại thành phố Portland, bang Oregon, Mỹ, hôm 18/6. Video: Twitter/Evan Schreiber.
Khoảng 20 sĩ quan xuất hiện, được trang bị đầy đủ đồ chống bạo động để phá dỡ các chướng ngại vật. Họ cũng phong tỏa khu vực và bắt một số người biểu tình trong quá trình làm nhiệm vụ, Sở Cảnh sát Portland cho hay.
Đám đông quyết định dựng lên "khu tự trị" sau khi Hội đồng Thành phố Portland phê chuẩn cắt giảm khoảng 16 triệu USD khỏi ngân sách dành cho cảnh sát địa phương. Tuy nhiên, số tiền này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người biểu tình, bởi họ kêu gọi cắt giảm tới 50 triệu USD.
Vào đêm rào chắn được thiết lập, một người đàn ông 27 tuổi tên Anthony Eaglehorse-Lassandro đã lao xe vào nhóm người biểu tình, khiến ba người bị thương. Tài xế này bị cáo buộc tội tấn công và bỏ chạy, lái xe cẩu thả, sở hữu chất kích thích, nhưng động cơ vẫn chưa được làm rõ.
Các cuộc biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát lan khắp nước Mỹ từ cuối tháng 5, sau khi George Floyd, người đàn ông da màu tại thành phố Minneapolis, bị cảnh sát ghì gối lên gáy dẫn đến tử vong. Tại thành phố Seattle, người biểu tình thậm chí chiếm giữ một khu vực và lập ra "khu tự trị" từ hôm 8/6.
Diễn biến này thúc đẩy người biểu tình ở những nơi khác tại Mỹ cố gắng thành lập mô hình tương tự. Tuy nhiên, Thị trưởng Wheeler khẳng định ông không muốn một "khu tự trị" xuất hiện tại Portland.
Rào chắn do người biểu tình dựng lên trước nhà Thị trưởng Ted Wheeler tại Portland, Oregon, Mỹ, hôm 18/6. Ảnh: KATU News.
"Tôi đang theo dõi những gì đang xảy ra tại Seattle và không cảm thấy ấn tượng. Tôi nghĩ nó bị lạc hướng so với phong trào rộng lớn hơn. Mục đích ở đây là đòi công lý cho người da màu", Thị trưởng Portland nêu ý kiến, đồng thời bày tỏ quan ngại về thông tin người biểu tình ở Seattle có vũ trang, gây sức ép lên doanh nghiệp địa phương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/6 ký sắc lệnh hành pháp cải tổ lực lượng cảnh sát, khuyến khích các sở cảnh sát thực hiện những tiêu chuẩn mới nhất về sử dụng vũ lực, cải thiện chia sẻ thông tin, bổ sung nhân viên xã hội vào lực lượng thực thi pháp luật. Tuy nhiên, các biện pháp này bị đánh giá thiếu triệt để.
Sắc lệnh cải cách cảnh sát của Trump bị chê hời hợt George Floyd phơi bày thất bại cải cách cảnh sát Mỹ Tranh cãi về ý tưởng xóa sổ cảnh sát Mỹ 145 Những người giữ an ninh trong 'khu tự trị' ở Mỹ 20 Bên trong 'khu tự trị' giữa lòng nước Mỹ 73
Hàng nghìn người biểu tình Mỹ nằm úp mặt trên cầu Hàng nghìn người biểu tình nằm úp mặt trên cây cầu bang Oregon để tưởng nhớ George Floyd, người da màu chết sau khi bị cảnh sát ghì gáy. Đám đông biểu tình ôn hòa hôm 2/6 dàn cảnh nằm úp mặt xuống đất, tay để ra sau lưng như bị còng trên cầu Burnside ở thành phố Portland, bang Oregon. Hình ảnh...