Cảnh sát ‘cõng’ gạo tết cho người nghèo
Cảnh sát hình sự đâu phải lúc nào cũng đối mặt với đao kiếm, xã hội đen, tệ nạn mà chính những giây phút hiếm hoi này mới thấy họ gần dân, thương dân và hiểu dân hơn.
5 giờ sáng 29-1, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Bình Thuận đã tập hợp đầy đủ ở đơn vị để khuân vác gạo, đường, sữa, bánh kẹo lên xe.
Đây là chuyến công tác lên vùng cao, thăm và tặng quà tết cho đồng bào nghèo ở xã miền núi Đức Bình, huyện Tánh Linh.
Lẽ ra chỉ cần vài người đi là được nhưng có tới 15 người xung phong lên xe. Trước khi xuất phát, Thượng tá Trần Long Khánh, Phó phòng CSHS, cười tít mắt thông báo lần này đã gom được 100 phần quà tết, mỗi phần trị giá 400.000 đồng để chia sẻ cho bà con nghèo vùng cao.
Để gom được mỗi phần quà gồm 10 kg gạo, dầu ăn, đường, sữa, bánh kẹo, Phòng CSHS đã triển khai và chuẩn bị từ cách đây cả tháng. Ngoài số tiền anh chị em đóng góp vào quỹ từ thiện của đơn vị hằng tháng, mọi người đều có trách nhiệm chia nhau đi vận động người thân trong gia đình đóng góp.
Thượng tá Trần Long Khánh hộ tống ông Bảy chở quà tết ra lộ về nhà. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Video đang HOT
9 giờ sáng, xe quà đến trước trụ sở UBND xã Đức Bình đã thấy cả trăm người nghèo ngồi chờ sẵn. Nhiều người già tóc bạc trắng, có người phải chống gậy run rẩy đến, có người cụt một cánh tay như ông Tư và chỉ nhận quà bằng cánh tay còn lại.
Ở Đức Bình người nghèo còn nhiều quá. Năm 2016, xã Đức Bình ra nghị quyết phấn đấu thu ngân sách toàn xã 2,1 tỉ đồng. Đưa ra con số thu ngân sách để mọi người có thể hình dung xã này nghèo tới cỡ nào, thậm chí không bằng một doanh nghiệp nhỏ ở dưới xuôi nộp thuế. Mà nguồn thu của xã Đức Bình chủ yếu từ tiền đấu thầu đất công ích 5% của xã và thu điều tiết từ khoản thu tiền sử dụng đất của huyện và… hết. Đức Bình nghèo thiệt. Nhiều người vẫn còn phải đi đong gạo ký.
Ông Bảy nhà giáp tận xã La Ngâu nghe có quà tết sáng sớm đã lọc cọc đạp xe đạp tới xã. Nhận bịch gạo và quà từ tay Thượng tá Trần Long Khánh, ông Bảy rưng rưng nói: “Trước nay nghe nói hình sự dữ lắm giờ thấy mấy chú hiền khô. Gạo mấy chú cho nhà tui là gạo “hình sự” chứ gì nữa”. Rồi ông Bảy cười khoái trá rung chòm râu bạc, phô hàm răng cái còn cái mất mà đẹp đến lạ lùng.
Thấy cái baga phía sau xe của ông Bảy yếu ớt chở có bịch gạo và giỏ quà mà đã chao đảo, Thượng tá Khánh vội xin thêm dây thun buộc giúp rồi hộ tống ông già ra lộ, giữ thăng bằng cho ông lên xe đạp đi. Giữa trưa tròn bóng nhìn ông già với chiếc áo màu cháo lòng, đôi dép nhựa vẹt gót gò lưng đạp xe thấy thương ổng gì đâu!
Người về cuối cùng có lẽ là bà Thắm do chân bị yếu từ một cơn bạo bệnh nên khó nhọc lê từng bước. Thoắt cái, nữ Thượng úy trinh sát Trần Thị Hoàng đã đến bên cạnh nhẹ nhàng dìu bà xuống thềm để “cháu bà chở về”. Tất cả diễn ra rất bình thường, tự nhiên mà đẹp đến ấm lòng.
Dù chỉ là những phần quà nhỏ nhưng vô cùng cần thiết và ý nghĩa đối với bà con nghèo vùng cao. Cảm ơn các bạn CSHS, mong rằng những túi gạo “hình sự” của các bạn sẽ thường xuyên đến với người nghèo hơn.
PHƯƠNG NAM
Theo_PLO
Quà Tết biến tướng
Quà Tết có giá trị cao, nhiều khi là cả một gia tài được nhiều người cho, biếu, tặng để đạt một mục đích cá nhân về kinh tế, địa vị...
Tết đến là dịp để mọi người tỏ lòng thành kính, nhớ đến tổ tiên, ông bà cha mẹ và cũng là dịp để tri ân những người đã giúp mình trong cuộc sống hàng ngày, đó có thể là đồng nghiệp, là lãnh đạo, là bạn bè... Bạn bè, đồng nghiệp tặng nhau những món quà dịp Tết là điều rất đáng quý và là chuyện thường thấy, dễ thấy. Và đặc biệt có những người dành cả một khoản tiền lớn để mua quà tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những gia đình chính sách, neo đơn.
Điều đáng lên án, phê phán và đang bị toàn xã hội chống lại đó chính là tình trạng lợi dụng dịp Tết để biếu, cho, tặng những món quà đắt giá, trị giá lớn để đạt một mục đích nào đó cho bản thân. Quà Tết bây giờ đã "biến tướng" đi rất nhiều. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để làm quà tết (dưới các hình thức quà tặng hoặc bằng tiền mặt).
Lẽ ra, Tết nhất là dịp để nghỉ ngơi, gia đình sum vầy, cùng nhìn lại những thành quả một năm đạt được, rút ra những bài học từ sự vấp váp... nhưng giờ đây, ngoài lo cái Tết cho gia đình, nhiều người còn lo thêm "quà biếu", phải tiêu tiền như "rác" dịp trước Tết. Quà biếu ở đây không phải chỉ là "khúc giò, chai rượu" mà nhân dịp Tết, nhiều người muốn bày tỏ mong muốn, tình cảm của mình với một người có quyền năng, chức tước, vị thế trong xã hội... có thể giúp mình đạt được mong muốn, mục đích nào đó, có thể về kinh tế, chức tước. Chuyện biếu xén, đút lót thường dễ được chấp nhận vào dịp Tết và các cơ quan phòng, chống tham nhũng cũng khó xử lý người hối lộ lẫn người nhận hối lộ. Bởi lẽ, rất khó phân biệt rạch ròi giữa quà tết và hối lộ. Chỉ có người trong cuộc, tức là người tặng quà và người nhận quà mới có thể biết được gói quà đó có giá trị như thế nào và có hàm ý gì.
Tình trạng biếu quà Tết vượt qua lẽ thông thường của truyền thống dân tộc những năm qua đã thực sự gây nhức nhối cho xã hội và các cơ quan chức năng. Điều này được minh chứng cụ thể bằng việc vào dịp giáp Tết, Thanh tra Chính phủ (TTCP) lại công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác tham nhũng, nhận quà Tết trái quy định.
Năm nay, chỉ sau 25 ngày công bố cuối (năm 2015 đầu năm 2016), đường dây tiếp nhận thông tin tố cáo tham nhũng của Thanh tra Chính phủ mà thường trực là Cục Chống tham nhũng đã nhận được 329 cuộc gọi. Các cuộc điện thoại và tin nhắn đến từ 27 địa phương, 12 bộ, ngành, ở các lĩnh vực khác nhau, nổi lên nhiều nhất là đất đai, khoáng sản. Tiếp theo là ngành thuế, ngân hàng, tài chính, công tác cán bộ...
Trong số các nguồn tin đã nhận được có khoảng 50% đã được cơ quan thanh tra chuyển cho các cơ quan chức năng khác theo thẩm quyền; khoảng 30% phản ánh dấu hiệu sai phạm thuộc các ngành, các địa phương, cơ quan ghi nhận, đề nghị chuyển thêm tài liệu; khoảng 15% có cơ sở dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực thuộc chức năng của Cục Chống tham nhũng trực tiếp xử lý.
Vậy tại sao năm nào cũng có chỉ thị, chỉ đạo nghiêm cấm tệ nạn này, nhưng xem chừng không thuyên giảm thậm chí nó còn trở thành cái lệ? Câu trả lời đơn giản là vì tệ nạn tham nhũng còn quá mạnh, chưa bị đẩy lùi. Các cơ quan chức năng đã có những qui định cụ thể liên quan đến quà biếu và đặc biệt là việc cấm sử dụng ngân sách để mua quà biếu.
Thực tế, hiện tượng sử dụng tiền ngân sách để mua quà hối lộ là rất ít. Theo quan sát của nhiều chuyên gia, những người có ý định "chạy chọt", hối lộ coi việc biếu quà Tết là một khoản đầu tư, họ sử dụng tiền cá nhân, tiền doanh nghiệp để mua hoặc tặng quà hối lộ. Khi đã đạt được mục đích, người ta lại tìm cách để thu hồi "vốn" bằng nhiều cách khác nhau. Với cách biếu quà tết như hiện nay thì cái vòng "quà Tết - hối lộ - tham nhũng" sẽ không biết đến bao giờ mới dừng lại được./.
An Nhi
Theo_VOV
Chi chục triệu thuê "người yêu" dịp Tết, có thể ngủ cùng Nhiều thanh niên độc thân đã mạnh tay chi chục triệu thuê "người yêu" về ra mắt cha mẹ dịp Tết. Khách hàng có thể ngủ cùng phòng với cô gái mà họ thuê. Nhiều thanh niên độc thân đã mạnh tay chi chục triệu thuê "người yêu" về ra mắt cha mẹ dịp Tết. Khách hàng có thể ngủ cùng phòng với...